Nhiều người ở Hà Nội chưa có miễn dịch, nguy cơ lây theo cấp số nhân
“Hà Nội gặp khó bởi không biết được nguồn phát sinh đầu tiên (F0) và nguồn này vẫn vô hình trong cộng đồng. Đây vẫn là mối nguy lây bệnh cho mọi người dân”, PGS Nguyễn Huy Nga nói.
Hà Nội đang là địa bàn có nhiều ca mắc Covid-19 nhất cả nước, đặc biệt, ổ dịch Hạ Lôi đang được đánh giá là phức tạp.
Ổ dịch có thể bùng phát đột xuất
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung; nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định thứ nhất, Hà Nội luôn có nguy cơ cao với dịch bệnh bởi tiếp nhận số lượng lớn người nước ngoài về, nhập cảnh đông. Ở giai đoạn đầu, một số người khi qua cửa khẩu không có biểu hiện bệnh nên có thể chưa được phát hiện và cách ly, do đó, họ có thể mang mầm bệnh vào cộng đồng.
Thứ 2, Hà Nội có mật độ dân cư đông đúc, nhiều người nhập cư, lao động tự do, buôn bán tự do, nhiều khách vãng lai khó kiểm soát được tình trạng sức khỏe.
Thứ ba, Hà Nội đang trong mùa xuân với khí hậu mát lạnh, thuận lợi cho virus lan truyền.
PGS Nga cũng đặt ra vấn đề gần đây những ổ dịch mới ở Hà Nội có người mắc chủ yếu là công nhân, người lao động chân tay, người buôn bán. Đây có thể là đối tượng không được tiếp cận các thông tin truyền thông về cách phòng chống dịch. Họ chưa chú ý nhiều đến các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, cách ly với người khác.
“Những yếu tố đó có thể gây cho Hà Nội và khu vực xung quanh thủ đô có tình hình dịch tễ phức tạp. Ổ dịch có thể bùng phát đột xuất bởi nhiều người không có triệu chứng đi lại trong cộng đồng dân cư, trong khi đó, tỷ lệ người chưa có miễn dịch rất cao”, PGS Nga nói.
Ngày 12/4, BV Bạch Mai đã được gỡ phong tỏa. Ổ dịch này ban đầu đã được khống chế. Hạ Lôi vẫn là ổ dịch phức tạp. Ảnh: Duy Hiệu.
Chuyên gia cũng phân tích khác với TP.HCM với ổ dịch ở quán bar Budha hay ổ dịch ở Bình Thuận, ca F0 đã được xác định nên có thể tầm soát được các bệnh nhân là F1, Hà Nội hiện nay đang ở giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng, mất dấu F0.
“Hà Nội gặp khó bởi không biết được nguồn phát sinh đầu tiên (F0) và nguồn này vẫn vô hình trong cộng đồng. Đây vẫn là mối nguy lây bệnh cho mọi người dân”, PGS Nga nói.
Theo PGS Nga, Hà Nội cần tiến hành xét nghiệm rộng kể cả những người không thuộc diện F1, có tiếp xúc gần, xét nghiệm ngẫu nhiên để tìm tỷ lệ kháng thể với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tức là những người đã và đang nhiễm bệnh trong cộng đồng mà chúng ta không biết.
Kết quả xét nghiệm sẽ cho chính quyền thành phố hình dung được bức tranh dịch tễ hiện tại để có các biện pháp xử lý.
“Vừa rồi, Hà Nội có thuận lợi là đã xét nghiệm hàng chục nghìn người, với kết quả âm tính. Song đó cũng là điều đáng lo vì có nghĩa nhiều người trong cộng đồng chưa có miễn dịch. Những người này khi tiếp xúc với nguồn bệnh, sẽ dễ bị lây nhiễm. Với tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng thấp như vậy, dịch có thể bùng phát rất mạnh theo cấp số nhân nếu chúng ta không kịp thời không chế”, PGS Nga nói.
Video đang HOT
Sáng 18/4, Sở Y tế Hà Nội kết hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội tổ chức xét nghiệm nhanh cho tiểu thương, người làm, cán bộ nhân viên tại nhiều chợ đầu mối của Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.
Quyết liệt khống chế
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cũng cho rằng nguy cơ của Hà Nội luôn lớn do đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội. Nhưng Hà Nội đã làm rất quyết liệt.
“Chưa có nơi nào tập trung phát hiện, khống chế, khoanh vùng dập dịch quyết liệt, làm xét nghiệm nhiều và làm tốt như Hà Nội”, PGS Phu đánh giá.
Ông cũng cho rằng cần đánh giá, nhìn nhận đúng về Hà Nội. Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc không phải do làm không tốt. “Nhiều trường hợp dương tính là người tỉnh khác nhưng được cách ly tập trung về Hà Nội và được tính cho Hà Nội. Và cũng phải nói rằng Hà Nội và một số thành phố lớn khác như TP.HCM làm tốt là đang góp phần khống chế dịch cho các tỉnh thành khác và cả nước. Vì nhiều người dân của các tỉnh thành khác đi lại, sinh sống, làm ăn ở Hà Nội”, PGS Phu lưu ý.
Riêng với ổ dịch phức tạp nhất ở Hà Nội là Hạ Lôi (Mê Linh), nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng Hà Nội sẽ giải quyết được, khoanh vùng, dập được ổ dịch này. Mặc dù ở Hạ Lôi cho thấy có sự lây lan ra cộng đồng, song tất cả ca bệnh phát hiện được vẫn nằm trong Hạ Lôi, chưa ghi nhận các ca bệnh liên quan tới Hạ Lôi ở địa bàn bên ngoài sau khi đã tiến hành điều tra và xét nghiệm những trường hợp liên quan.
PGS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, Hà Nội sẽ tầm soát được những người bệnh.
Nhiều ý kiến cho rằng sắp tới khi thời tiết chuyển sang hè, nắng nóng sẽ là yếu tố thuận lợi cho dịch Covid-19 lui ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc, PGS Phu cho rằng không cần thiết đặt ra vấn đề này. Mặc dù về bản chất nhiệt độ cao sẽ khiến SARS-CoV-2 bị tiêu diệt song dịch do virus này gây ra lây lan qua tiếp xúc gần bởi những giọt bắn trực tiếp hoặc rơi vào bề mặt, sau đó tay chạm phải và đưa virus vào cơ thể qua mũi, miệng.
Do đó, kể cả thời tiết thuận lợi, dịch vẫn bùng phát nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo như giãn cách xã hội, giữ khoảng cách tiếp xúc 2 m, đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng… Ông khuyến cáo người dân phải liên tục thực hiện các biện pháp này, tuyệt đối không lơ là.
Hà Quyên
Ứng phó thế nào với ca mắc Covid-19 không có triệu chứng?
Chuyên gia nhận định các trường hợp dương tính với Covid-19 mà không có triệu chứng sẽ rất khó nhận biết và vẫn có thể lây lan âm thầm trong cộng đồng.
Đến sáng 16/4, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 13 trường hợp dương tính với Covid-19 tại thôn Hạ Lôi. Bệnh nhân 267 của cả nước cũng là bệnh nhân thứ 114 ở thủ đô. Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố đã đề ra nhiều giải pháp đối phó với tình hình mới khi nhiều ca dương tính với Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng.
Lây lan âm thầm, khó kiểm soát
Thông tin tại buổi giao ban công tác phòng chống dịch Covid-19 hồi đầu tuần, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho hay qua thực tế điều tra, tới 68% các ca bệnh ở Hà Nội không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng rất nhẹ. Ông cho rằng nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, khả năng bỏ sót đến 2/3.
Hà Nội rà soát, xét nghiệm sàng lọc cho hơn 50.000 trường hợp có nguy cơ. Ảnh: Việt Linh.
Trả lời Zing về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, cho rằng đây là yếu tố phức tạp của dịch Covid-19 và đã ghi nhận ở nhiều nước.
"Tỷ lệ người dương tính với virus mà không có triệu chứng ở một số nước lên đến 40%. Những người này dù chưa có biểu hiện, hoặc biểu hiện rất nhẹ, vẫn có khả năng lây cho người khác", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Điều đáng lo ngại là trong cộng đồng có những người dương tính, mà không có triệu chứng sẽ khiến dịch bệnh lây lan một cách âm thầm, khó kiểm soát.
Ông cũng lưu ý người có triệu chứng như ho, sốt, hắt hơi thì khả năng giải phóng virus lớn hơn những người chưa hoặc có nhưng triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, việc lây nhiễm trong quá trình ủ bệnh vẫn có thể xảy ra.
Còn Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn gọi các trường hợp nhiễm virus mà không có triệu chứng là ca bệnh "ẩn danh". Các trường hợp này nguy hiểm hơn so với các ca đã phát bệnh.
"Các trường hợp này rất khó phát hiện, bản thân người nhiễm bệnh cũng không biết mình đang mắc bệnh. Người ta vẫn tiếp xúc, đi lại trong cộng đồng gây nguy cơ lây nhiễm cho nhiều người", ông Tuấn nói.
Phó giám đốc CDC Hà Nội cho rằng đối với một số người khi phát bệnh có triệu chứng như sốt, ho chỉ rất nhẹ, thoáng qua khiến các bệnh nhân gần như không để ý. Tuy nhiên, có triệu chứng tức là họ đã có virus trong đường hô hấp và có thể lây nhiễm cho người khác.
"Khi chưa phát bệnh thì virus vẫn đang nằm trong tế bào, ở dưới sâu của phổi. Còn khi khởi bệnh, lượng virus sẽ phát tán thông qua đường hô hấp. Người bệnh hắt hơi, sổ mũi, ho thì mầm bệnh sẽ thoát ra môi trường", ông Tuấn phân tích.
Trường hợp cảm, sốt phải được rà soát
Để đối phó với tình hình mới của dịch này, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho hay thành phố đã đề ra 2 chiến lược mới.
Một là Hà Nội giao các đơn vị, chủ trì là CDC thành phố và các quận, huyện xét nghiệm mở rộng các đối tượng có nguy cơ cao theo các tiêu chí như lịch sử tiếp xúc, quá trình đi lại, có ở trong vùng dịch hay không.
Ví dụ như vừa qua, khi phát hiện ổ dịch Bạch Mai, thành phố rà soát được gần 31.000 người từng ra, vào bệnh viện từ ngày 10/3. Rồi khi phát hiện ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, cũng như chợ hoa Mê Linh, thành phố cũng khẩn trương rà soát và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan. Đến nay tổng số mẫu xét nghiệm đã lên đến 50.000 mẫu.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục mở rộng các đối tượng xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Theo CDC Hà Nội, thành phố sẽ không chỉ tập trung các đối tượng trong diện nghi nhiễm như trước nữa. Khi phát hiện ca dương tính, các đơn vị sẽ tập trung tìm thật nhanh các trường hợp F1, F2 và F3 để xét nghiệm.
Các nhà thuốc tại Hà Nội phải kê khai những người đến mua thuốc, đặc biệt là người có triệu chứng viêm phổi, bệnh về hô hấp. Ảnh: Việt Linh.
Ngoài ra, các trường hợp đã âm tính nhưng mới xét nghiệm 1 lần, CDC Hà Nội cũng sẽ rà soát lại để xét nghiệm, đảm bảo đủ 2 lần âm tính. Nhất là đối với các trường hợp có lịch sử từ vùng dịch hoặc từng cách ly tập trung.
CDC Hà Nội đề nghị các quận, huyện khi lấy được mẫu xét nghiệm thì gửi về CDC Hà Nội ngay trong ngày. Thậm chí, Giám đốc CDC đề nghị gửi mẫu bất kể thời gian nào, 24/24 để triển khai xét nghiệm một cách nhanh nhất.
Hai là thành phố yêu cầu các cửa hàng bán thuốc, dược sĩ kê khai thông tin của người đến mua thuốc, đặc biệt là những người có biểu hiện về đường hô hấp. Từ danh sách này, ngành y tế sẽ sàng lọc và đề nghị xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ.
"Có một số người ngại cung cấp thông tin, nhưng thành phố có thể đảm bảo rằng thông tin này chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch. Người dân nên khai báo đầy đủ, chính xác để phục vụ cho lợi ích của mình và cộng đồng", ông Tuấn nói.
Ông cũng nhắc lại chỉ đạo này từ Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tại buổi họp Ban chỉ đạo ngày 13/4. Theo đó, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các nhà thuốc thực hiện nghiêm, nếu vi phạm "sẽ xử lý, có thể tước giấy phép vĩnh viễn".
Theo ông Chung, việc người dân mua thuốc để chữa ho, hạ sốt có nguy cơ khiến cơ quan chức năng bỏ sót trường hợp dương tính. Ông cũng yêu cầu tất cả phòng khám tư nhân, bác sĩ tư nhân, kể cả bác sĩ về hưu, nếu có bệnh nhân ho, sốt, khó thở đến khám thì phải thông báo để lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ, không bỏ sót trường hợp nào.
Ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh để phát hiện được sớm các nguy cơ "ẩn danh" trong cộng đồng cần phải có sự giám sát, phối hợp của người thân, các nhà thuốc và cả cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám tư nhân.
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến nay, Hà Nội có 114 ca mắc Covid-19, trong đó có 51 trường hợp đã phục hồi và ra viện. 74 trường hợp dương tính được phát hiện tại cộng đồng.
Bệnh nhân 243 là người đầu tiên tại thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh) được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2. Chính quyền địa phương đã khoanh vùng, cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi, gồm 11 xóm với 2.973 hộ dân, 11.077 người, thời hạn 28 ngày kể từ 8/4.
Hơn 1 tuần sau khi phát hiện bệnh nhân 243 (ngày 7-15/4), thôn Hạ Lôi đã ghi nhận thêm 12 trường hợp dương tính với Covid-19.
Sơn Hà
Dịch Covid-19: "Cả nước đang có nguy cơ, không địa phương nào là an toàn" Theo cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, người dân không được hiểu 36 địa phương ở nhóm nguy cơ thấp nghĩa là "an toàn". Cả nước đều có nguy cơ dịch Covid-19. Chiều 15/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thực hiện chỉ thị về cách ly...