Nhiều người nhập viện vì thời tiết
Lạnh kèm mưa và ẩm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhiều người, khiến các bệnh viện tại Hà Nội: Nhi, Lão khoa, Tai mũi họng đông nghẹt bệnh nhân khám điều trị.
Quá tải tại BV Nhi T.Ư – Ảnh: Thúy Anh
Thời tiết miền Bắc trở lạnh những ngày qua khiến nhiều trẻ nhỏ, người già đổ bệnh. Tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, trẻ tới khám chủ yếu là các bệnh do thời tiết lạnh gây ra như sốt, cảm cúm, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi. Đặc biệt, hiện cũng là thời điểm gia tăng của tiêu chảy mùa đông – tiêu chảy do vi rút rota. 50 phòng khám của BV Nhi T.Ư luôn trong tình trạng hết công suất.
Theo bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng Khoa khám bệnh, BV Nhi T.Ư, phần lớn trẻ bị các bệnh về đường hô hấp. Trung bình mỗi ngày BV vẫn tiếp nhận từ 1.600-2.000 trẻ khám, khoảng 10% trong số này phải nhập viện điều trị. Đa số là trẻ em dưới 5 tuổi nhập viện với các triệu chứng nóng, sốt. Trẻ thường mệt mỏi, đau đầu, viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, nôn…
Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng – BV Bạch Mai cho biết, thời tiết bất thường khiến những người có cơ địa nhạy cảm, các bệnh mạn tính cũng như người có nền bệnh cũ tái phát nhiều hơn.
Để tránh mắc bệnh này, điều quan trọng là giữ ấm khi thời tiết lạnh, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng. Bệnh nhân hen cần lưu ý khi tiết trời thay đổi vì các trường hợp này rất nhạy cảm với thay đổi của thời tiết dễ gây co thắt phế quản, khó thở.
Theo thông tin từ Viện Tai mũi họng T.Ư, số bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp chiếm từ 60-70% tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị.
Video đang HOT
Các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Châm cứu T.Ư khuyến cáo, tai biến mạch não cần được đặc biệt lưu ý, bởi thời tiết nóng-lạnh bất thường thường làm tăng huyết áp đột ngột. Những thời điểm trở lạnh, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Châm cứu do tai biến mạch não tăng khoảng 10-20%.
Theo TNO
Đổ bệnh vì chờ khám bệnh
Chờ được khám bệnh ở bệnh viện là nỗi thống khổ lâu nay của người bệnh, nhất là khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế. Phóng viên Thanh Niênđã tới nhiều bệnh viện để ghi nhận nỗi khổ này.
BN trông chờ Bộ Y tế có giải pháp giảm được sự chờ đợi khi đi khám bệnh - Ảnh: Thanh Tùng
Vật vạ từ sáng đến chiều
Bà Loan (45 tuổi, ngụ Đức Hòa, tỉnh Long An) đến Viện Tim (TP.HCM) từ lúc 5 giờ sáng 26.11. Bốc số thứ tự xong, ngồi chờ đến 6 giờ bệnh viện (BV) mở cửa, bà đi đóng tiền, được chỉ định làm xét nghiệm máu. Đến gần 10 giờ xong khâu xét nghiệm máu, bà tiếp tục đến phòng số 7 để khám tim và lấy toa thuốc. Khi cầm toa đến nhà thuốc của BV thì số thứ tự của bà đã chuyển sang buổi chiều. Vậy là, vợ chồng bà phải mua cơm hộp, ở lại buổi trưa chờ đến gần 3 giờ chiều mới lãnh xong thuốc bảo hiểm y tế (BHYT). "Mất gần 10 tiếng đồng hồ chờ được tái khám. Lần nào đến đây cũng phải chờ đợi lâu như vậy. Ngán nhất là khâu chờ lãnh thuốc, may mà lấy được số thứ tự đầu giờ chiều, còn không phải chờ đến hơn 4 giờ chiều mới xong", bà Loan than.
Tôi cũng từng âm thầm đến một BV công, và ghi nhận vì phải chờ đợi lâu, có những BN đã nhét tiền vào sổ khám bệnh với mong muốn được khám nhanh. Cuốn sổ khám bệnh nào có ló ra tờ tiền 20.000, 50.000 đồng, thì nhân viên cho sổ đó lên trên
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Tương tự, cũng tại Viện Tim sáng 26.11, bà Phượng (37 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) đưa mẹ đi khám từ 6 giờ sáng, phải chờ đợi hơn 9 giờ đồng hồ, đến chiều mới lãnh được thuốc. Nhiều bệnh nhân (BN) khám tại Viện Tim phản ánh, việc chờ đến lúc được khám không lâu bằng việc họ phải chờ đợi để được lãnh thuốc. Với BN có BHYT thì sau khi lãnh thuốc, nơi đây mới đưa lại thẻ BHYT, kết thúc một quy trình khám bệnh của BN.
Bà Hưng (43 tuổi) và bà Chuyên (47 tuổi, cùng ngụ tỉnh Bình Phước) đến BV Chấn thương Chỉnh hình lúc 6 giờ sáng 26.11 để khám cột sống. Chỉ riêng khâu bốc số thứ tự và mua sổ khám bệnh, hai bà mất 1 tiếng rưỡi. Chờ đợi khám mất thêm gần 2 giờ nữa, đến khi hai bà lãnh được thuốc xong thì đã 11 giờ. Cả hai mệt phờ, mắt hoa, đau đầu vì phải chờ đợi trong khung cảnh chật và nóng hầm hập của BV này.
Cực nhất là những người già đi khám bệnh. Vì phải chờ đợi quá lâu, nhiều bác lớn tuổi phải nằm dài trên băng ghế, hoặc ngồi bệt dưới đất vì quá mệt. Bà Đ.T.Non (68 tuổi, ngụ H.Cai Lậy, Tiền Giang) đến BV Chợ Rẫy từ lúc 5 giờ sáng 26.11 nhưng số thứ tự của bà đã lên đến hơn một ngàn. Đến lúc bà được bác sĩ (BS) khám xong và xuống quầy lãnh thuốc BHYT, đồng hồ điểm 11 giờ 30 phút. "Người già mà đi khám thế này chỉ có nước bệnh thêm", bà Non than. Tương tự, ông T.D.Dương (72 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM), đến phòng khám Nội thận của BV Chợ Rẫy lúc 6 giờ sáng 26.11, đợi đến gần 10 giờ mới làm xong xét nghiệm. Vì mệt mỏi nên ông nói: "Đợi BS kê đơn tôi ra ngoài mua thuốc, chứ chờ lãnh thuốc trong BV nữa sẽ mệt mỏi lắm".
BV tuyến trên là vậy, ở BV quận tại TP.HCM tình trạng cũng chẳng khá hơn.
Khâu nộp tiền khám cũng trần ai, BN chờ lâu mệt mỏi ngồi luôn xuống đất - Ảnh: T.Tùng
Phải nhanh chóng cắt giảm thủ tục
Gần đây, để giảm thời gian BN chờ khám, các BV cũng đã áp dụng các giải pháp như: khám thông tầm (khám không nghỉ trưa) khám sớm hơn giờ quy định khám theo giờ hẹn tăng bàn khám... Một số BV bắt đầu khảo sát thời gian BN phải chờ khám tại BV mình là bao lâu để có cái nhìn rõ hơn, nhằm có biện pháp cải thiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có gì khả quan.
Mới đây, khi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, BV Chợ Rẫy nhìn nhận thường một BN đến khám tại BV này vào buổi sáng phải chờ bình quân từ 6-7 giờ. Vì thế, thường BN phải đợi từ buổi sáng qua buổi chiều mới xong các khâu khám, làm các xét nghiệm.
Khảo sát của các BS tại BV Cấp cứu Trưng Vương được công bố hồi tháng 10 vừa qua cũng cho thấy sự "trần ai" khi đi khám chữa bệnh. Cụ thể, qua khảo sát trên 1.128 BN đến khám tại BV này: bình quân mỗi BN đi khám bệnh phải mất ít nhất 2 giờ 22 phút và nhiều nhất gần 6 giờ (352 phút). Nhiều BN phải trải qua 14 công đoạn, thủ tục gồm: lấy số thứ tự nộp thẻ BHYT (hoặc mua sổ khám) đóng tiền khám (nếu khám dịch vụ, hoặc khám BHYT trái tuyến, vượt tuyến) đăng ký phòng khám qua phòng khám bệnh đi đóng tiền cho xét nghiệm cận lâm sàng đi xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (chụp chiếu) quay lại phòng khám để lấy toa thuốc khám chuyên khoa khác (nếu có) duyệt toa thuốc đóng phí nhận lại thẻ BHYT và cuối cùng là lãnh thuốc hoặc mua thuốc!
Các BS cho rằng, những công đoạn làm BN tốn nhiều thời gian nhất là khâu bốc số thứ tự, làm xét nghiệm, chụp chiếu, đóng viện phí và chờ lãnh thuốc. Vì thế, cần tăng cường BS, điều dưỡng cho những khâu này hoặc cắt giảm bớt một số khâu (như khâu nộp thẻ, và lấy lại thẻ BHYT), hay gộp lại chung một số khâu khác (như khâu đóng tiền và đăng ký phòng khám) để giảm sự chờ đợi của BN.
Nhét tiền để được khám sớm
Bộ trưởng Bộ Y tế PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Chính tôi đã âm thầm vào khoa khám bệnh của một BV ở Hà Nội và chứng kiến một BN lớn tuổi đi khám bệnh từ 5 giờ 30 nhưng đến 11 giờ 30 vẫn còn phải ngồi chờ. Tôi đã gọi ngay cho giám đốc BV, sau đó chọn ngay BV này thực hiện chấn chỉnh giảm quy trình khám bệnh. Kết quả: đã giảm bớt được một số khâu thủ tục hành chính tại đây".
Cũng theo Bộ trưởng Y tế, việc BN phải chờ đợi lâu sẽ phát sinh nhiều hệ lụy không hay. "Tôi cũng từng âm thầm đến một BV công, và ghi nhận vì phải chờ đợi lâu, có những BN đã nhét tiền vào sổ khám bệnh với mong muốn được khám nhanh. Cuốn sổ khám bệnh nào có ló ra tờ tiền 20.000, 50.000 đồng, thì nhân viên cho sổ đó lên trên (để khám trước - PV).
Có nhiều cụ già đi khám từ 6 giờ sáng, nhưng đến trưa vẫn chưa xong. Việc phải chờ đợi quá lâu rất khổ sở cho người bệnh, người trẻ còn chịu đựng không nổi huống chi các cụ già 70, 80 tuổi, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe các cụ", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói và cho biết tới đây Bộ Y tế sẽ thành lập nhiều đoàn chuyên gia đi khảo sát các khoa khám bệnh của các BV công lập, để ghi nhận tổng bình quân thời gian BN phải chờ khi đi khám chữa bệnh. Từ đó, Bộ sẽ có những giải pháp, trong đó có việc cắt giảm bớt những thủ tục rườm rà, nhất là khâu khám BHYT, giảm bớt các khâu ký giấy tờ, để giảm sự chờ đợi cho BN.
Theo TNO
Dòi trong mũi cụ ông là ấu trùng ruồi Thông tin từ bác sỹ Trần Duy Ninh, Phó khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa TƯ Thái Nguyên cho biết, loại dòi ở trong mũi bệnh nhân Hà Cát Tự (Chợ Mới, Bắc Kạn) do ấu trùng ruồi nở ra. Bệnh nhân Hà Cát Tự được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TƯ Thái Nguyên (ảnh: Thu Hằng) Như trước...