Nhiều người mua ôtô sẽ phải chờ đợi vì thiếu linh kiện sản xuất
Thiếu hụt chip bán dẫn và linh kiện khiến ngành công nghiệp ôtô gặp khó khăn. Tình trạng trì trệ sản xuất diễn ra ở nhiều nơi và bắt đầu ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.
Bắt đầu từ cuối năm 2020, cuộc khủng hoảng chip vẫn chưa kết thúc và đang khiến nhiều ngành sản xuất gặp khó khăn lớn, bao gồm cả nền công nghiệp ôtô.
Bên cạnh đó, các hãng xe còn phải đối mặt với việc thiếu hụt nhiều linh kiện, vật liệu khiến nhiều nhà máy phải giảm sản lượng hoặc tạm ngưng hoạt động, điều này kéo dài thời gian đặt hàng với các mẫu xe nhập khẩu.
Hiệu ứng dây chuyền
Bắt đầu cách đây hơn một năm, khi đại dịch Covid-19 ập đến và nhiều nhà máy ôtô dừng sản xuất. Lúc này, các hãng xe cũng tạm ngưng đặt hàng chip bán dẫn dù chưa có kế hoạch dự phòng dài hạn.
Cùng với đó, nhu cầu sử dụng đồ điện tử bùng nổ, các lệnh trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc hay hạn hán gây khó khăn cho sản xuất chip ở Đài Loan đã tạo nên cuộc khủng hoảng đối với linh kiện bán dẫn.
Các yếu tố này đã đẩy hàng loạt hãng ôtô vào thế khó trong quý I/2021. Danh sách những hãng xe cắt giảm giờ sản xuất hay tạm ngưng hoạt động kéo dài với Hyundai, Tesla, General Motors, Toyota, Honda, Nissan, Mitsubishi…
Nhà máy Hyundai tại Hàn Quốc phải tạm dừng sản xuất trong tháng 4 vì thiếu chip. Ảnh: Automotive News Europe.
Cuối tháng 4 vừa qua, đại diện của Volkswagen Group nhận định rằng tình trạng trì hoãn sản xuất ôtô trên toàn cầu do thiếu nguồn cung chất bán dẫn có thể trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tiếp theo, Financial Times đưa tin.
Video đang HOT
Trước đó, CEO Volkswagen là Herbert Diess trong tháng 3 đã xác nhận rằng sản lượng của công ty bị ảnh hưởng 100.000 chiếc vì không đủ linh kiện. Tình trạng kém khả quan đến mức lãnh đạo hãng xe Đức cho biết hiện tại không thể đưa ra ước tính chính xác có bao nhiêu xe có thể được sản xuất trong năm nay.
Đầu tháng 4, nhà máy sản xuất Ford F-150 Raptor ở bang Michigan (Mỹ) đã ngừng hoạt động trong 2 tuần do không đủ chip. Mới đây, hãng xe Mỹ tiếp tục đưa ra thông báo sẽ cắt giảm giờ làm của khoảng 5.000 công nhân tại Cologne, Đức trong trong tháng 5, 6 và 7.
Đến đầu tháng 5, các hãng xe đã đưa ra giải pháp tạm thời cho vấn đề thiếu chip bán dẫn, đó là cắt giảm tính năng trang bị thay vì cắt giảm sản lượng. Đơn cử, hàng nghìn xe Nissan mới sẽ không có hệ thống định vị dẫn đường GPS, khách hàng Renault không thể chọn option bảng đồng hồ kỹ thuật số khi mua mẫu SUV Arkana, hay như model Peugeot 308 sẽ chỉ có cụm đồng hồ tốc độ analog thay vì màn hình điện tử…
Ngoài thiếu hụt nguồn cung về chip bán dẫn, ngành công nghiệp ôtô trong vài tháng qua còn chịu tác động tiêu cực từ bão tuyết ở Texas (Mỹ) hay sự cố tàu Ever Given ở kênh Suez. Các nhà máy lọc dầu đóng cửa, chuỗi cung ứng cao su gián đoạn khiến vật liệu làm ghế ngồi và lốp ôtô đối diện với nguy cơ thiếu hụt.
Bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam
Tại thị trường trong nước, nguồn cung ôtô tính đến thời điểm hiện tại chưa có biến động nào đáng kể. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng linh kiện và chất bán dẫn toàn cầu đã bắt đầu.
Vào giữa tháng 4, Mitsubishi Việt Nam có văn bản thông báo đến các đại lý về việc thay đổi thời gian giao hàng. Nguyên nhân được hãng xe Nhật Bản nêu ra là kế hoạch sản xuất chung của hãng bị gián đoạn do thiếu hụt chất bán dẫn dùng trong linh kiện điện tử.
Các dòng xe Mitsubishi bị chậm thời gian bàn giao 20 ngày được nhắc đến là Outlander (CKD), Attrage (nhập khẩu Thái Lan) và Xpander. Trong đó, Xpander có cả phiên bản sản xuất trong nước và nhập khẩu từ Indonesia.
Sau đó, đến lượt Suzuki gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường Việt Nam. Đại diện Suzuki xác nhận với Zing rằng nguồn xe nhập khẩu từ Indonesia bị hạn chế trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7. Cụ thể, 2 mẫu xe bán tốt nhất của Suzuki là XL7 và Ertiga có thể gặp tình trạng khan hàng, lượng xe phân bổ cho các đại lý sẽ ít hơn các tháng đầu năm.
Nguồn cung của XL7 bị ảnh hưởng khi nhà máy Suzuki ở Indonesia cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, các hãng xe có nhà máy tại Việt Nam vẫn đang có tình hình khả quan hơn Mitsubishi và Suzuki. Trả lời Zing về tình trạng thiếu hụt linh kiện trong sản xuất, đại diện Honda Việt Nam cho biết hiện tại hãng chưa có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và bán hàng tại Việt Nam.
Tương tự, đại diện truyền thông của Ford xác nhận các dòng xe Mỹ sản xuất và nhập khẩu bán tại Việt Nam hiện chưa bị ảnh hưởng bởi vấn đề này. Những nhà sản xuất lớn như Toyota, Hyundai hay Thaco đến nay cũng không bị ảnh hưởng đáng kể bởi đợt khủng hoảng chip.
Liên hệ một vài đại lý Suzuki và Suzuki, Zing chưa ghi nhận tình trạng thiếu xe diện rộng đối với XL7, Ertiga hay Xpander. Đối với Ford, một tư vấn bán hàng ở TP.HCM cho biết lượng xe Ranger nhập Thái không còn nhiều, tuy nhiên đây là vì dòng bán tải này chuẩn bị chuyển sang lắp ráp trong nước. Lô hàng này hầu hết đã có khách đặt mua.
Trao đổi với đại diện kinh doanh của đại lý Hyundai ở TP.HCM, vị này cho biết lượng xe vẫn đảm bảo ở các dòng bán chạy như Accent hay Grand i10. Còn lại, các phiên bản Santa Fe đang xả kho chờ phiên bản mới nên đã gần hết hàng.
Chia sẻ với Zing , một đại diện BMW Việt Nam cho biết đã đảm bảo được nguồn cung cho nhu cầu trong năm nay. Các model quan trọng đã được đặt sản xuất và lên kế hoạch nhập khẩu nên không quá lo lắng về tình trạng thiếu linh kiện.
Ngược lại, các mẫu SUV nhập khẩu của Mercedes-Benz như GLE hay GLS bị kéo dài thời gian đặt hàng. Thay vì 6-7 tháng thì nay khách hàng có thể phải chờ đến một năm.
Thiếu linh kiện làm giá xe tăng mạnh
Các nhà phân tích ước tính giá nguyên liệu thô của ôtô đã tăng 83% trong năm tính đến tháng 3.
Hạn chế linh kiện và nhu cầu mua mới cao khiến giá xe ngày càng tăng. Nhiều nguyên liệu thiết yếu cho các nhà sản xuất ôtô, như đồng, thép và nhôm, đang đạt hoặc vượt mức giá cao kỷ lục trong năm nay do nguồn cung chậm lại, không thể theo kịp với nhu cầu. Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index (đo diễn biến giá của 23 loại hàng hoá cơ bản) đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011, với kim loại đã tăng 21% trong năm nay.
Bên trong một nhà máy sản xuất ôtô. Ảnh: Carscoops
Nếu khủng hoảng linh kiện không sớm được giải quyết, nó sẽ là nguyên nhân dẫn tới lạm phát. Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase&Co. ước tính giá nguyên liệu thô của ôtô đã tăng 83% trong năm tính đến tháng 3, chúng chiếm khoảng 10% chi phí làm nên một chiếc xe. Tức là nếu giá một chiếc xe mới là 40.000 USD sẽ phải tăng 8,3% để bù đắp cho đà tăng giá.
Jim Farley, giám đốc điều hành của Ford cho biết vào tuần trước: "Chúng tôi cảm nhận được sự khó khăn về nguồn linh kiện, lạm phát ở nhiều nguồn cung khác nhau trong ngành, điều không xảy ra trong nhiều năm".
Các nhà sản xuất ôtô thường gặp khó khăn khi chi phí sản xuất cao hơn, nhưng nhu cầu đang bùng nổ khi các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại và nhiều người tiêu dùng tiếp tục tránh các phương tiện giao thông công cộn g . Sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu cũng đang kìm hãm sản xuất, khiến hàng tồn kho khan hiếm và giá xe tăng.
Tại Mỹ, nguồn cung ôtô hạn chế đến mức các công ty cho thuê xe đang phải mua xe cũ bán đấu giá thay vì mua xe mới. Nguyên nhân chính khiến chi phí hàng hóa cao hơn trong ngành là thép cần thiết cho khung gầm, động cơ và la-zăng xe tăng cao. Đà tăng gần đây của kim loại đã phá vỡ kỷ lục khi Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất cho đến nay đã thực hiện các biện pháp để hạn chế sản lượng.
Sự bùng nổ về giá đồng làm tăng thêm chi phí của xe điện. Theo chuyên gia tư vấn Wood Mackenzie, xe điện sử dụng lượng đồng nhiều hơn gần 3,5 lần so với xe xăng do lượng dây bên trong lớn hơn.
Các nhà cung cấp cũng khuyến khích các nhà sản xuất ôtô khám phá các chất hóa học thay thế cho pin điện của họ. Phần lớn các cell pin sử dụng kết hợp lithium, coban và niken, đã tăng giá tối thiểu 47% trong 12 tháng qua.
Ford và BMW nằm trong số những công ty đầu tư 130 triệu USD trong tháng này vào công ty khởi nghiệp pin Solid Power, công ty đang nghiên cứu các cell pin không dùng những kim loại này, có thể giúp chi phí gói pin giảm 10 lần.
Caspar Rawles, người đứng đầu bộ phận đánh giá dữ liệu và giá tại Benchmark Mineral Intelligence cho biết: "Họ đang tìm cách phân tán rủi ro, do không có bảo hiểm cho lithium hoặc coban".
BMW dự kiến sẽ gặp thuận lợi từ việc giá hàng hóa tăng lên tới 1,2 tỷ USD trong năm, giám đốc tài chính Nicolas Peter cho biết trong một cuộc họp báo cáo thu nhập. Nhà sản xuất ôtô hạng sang chỉ ra rhodium, thép và paladium là những mối lo ngại trong những tháng tới.
Về lâu dài, BMW đang nỗ lực để ít bị ép giá hơn đối với các vật liệu chính. Từ năm 2025, hãng xe này có kế hoạch sản xuất xe theo kiến trúc mới cho phép tái chế các vật liệu như thép, nhôm và nhựa để chế tạo xe mới.
Nhà sản xuất xe Jeep, Stellantis - được thành lập từ sự hợp nhất của Fiat Chrysler và PSA Group, cho biết họ cần phải bù đắp một số loại chi phí cao và vẫn đang hỗ trợ thị trường cho đến nay.
Gián đoạn sản xuất do thiếu chip bán dẫn, Thị trường Mỹ rơi vào "cơn khát" xe mới Nhiều nhà máy sản xuất xe ô tô tại Mỹ đã phải tạm dừng hoạt động hơn một năm nay do tình hình dịch bệnh covid và khủng hoảng thiếu chip bán dẫn toàn cầu. Điều này đang khiến cho chuỗi cung ứng xe mới rơi vào khan hiếm những tháng gần đây. Việc các nhà máy ngừng hoạt động từ mùa Xuân...