Nhiều người không có Tết
Đối với người Việt Nam, Tết luôn là dịp để cả gia đình sum họp, quây quần. Thế nhưng, có rất nhiều người vì công việc, vì mưu sinh mà nhiều năm liền chưa thể đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.
Đối với những công nhân vệ sinh ở TPHCM, đón Tết ngoài đường đã trở thành quen từ nhiều năm nay. Tết là lúc cao điểm của công việc, phải tăng ca ngày đêm với khối lượng công việc cao gấp nhiều lần so với ngày thường.
Cưới vợ hơn 2 năm nay, nhưng chưa năm nào anh Tuyền (công ty Dịch vụ công ích Quận 1, TPHCM) được đón Tết cùng vợ. Anh cho biết, do được giao trực tại khu vực đường hoa Nguyễn Huệ, nên mấy ngày Tết là thời gian trực căng thẳng nhất để đảm bảo đường phố luôn sạch đẹp.
“Trước giao thừa, đường phố phải sạch sẽ. Nhưng sau giao thừa, rác lại phủ kín đường”, anh Tuyền nói. Lúc ấy toàn bộ công nhân phải căng sức ra dọn để rạng sáng đường phố sạch sẽ. Khối lượng công việc tăng gấp nhiều lần.
“Nhiều lúc vợ cũng buồn vì muốn được đi chơi Tết mà mình thì mệt chỉ muốn ngủ cho đã. Mấy ngày Tết, ngoài giờ làm việc, mình chỉ biết ngủ, cả nhà cũng coi như mất Tết vì mình” – Anh Tuyền nói.
16 năm làm việc tại Công ty Dịch vụ công ích Quận 1, chị Hoa không được đón Tết cùng gia đình và người thân. Chị kể: “Lúc chưa có chồng thì Tết bố mẹ lo cho hết. Tới khi có chồng rồi, chồng lại phải đứng ra lo”. Dù việc dọn dẹp nhà cửa, chăm lo Tết là trách nhiệm và bổn phận của người phụ nữ, nhưng đối với những nữ công nhân vệ sinh, công việc đã ngốn hết quỹ thời gian dành cho gia đình.
Tết luôn là thời gian cao điểm làm việc của các công nhân vệ sinh
Video đang HOT
Theo lời chị Hoa, không chỉ “bao trọn gói” việc dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa trong nhà, thậm chí vào dịp Tết chồng chị còn cùng chị xuống đường dọn dẹp cho nhanh xong việc.
“Thương vợ, ổng cũng chịu khó đi phụ, thêm người làm thì công việc xong sớm, được về nhà sớm. Đêm giao thừa, vợ chồng cùng đi dọn rác nên con cái phải gửi ông bà trông hộ, sang mùng một mới qua đón về” - chị Hoa nói.
Bám trụ mưu sinh
Nhân viên bảo vệ tại các bến xe, nhà ga cũng phải chịu áp lực trong mấy ngày Tết. Anh T., nhân viên bảo vệ bến xe miền Đông tâm sự : “Căng thẳng nhất là khoảng thời gian từ 20 tháng Chạp trở đi. Thời gian trực của mỗi ca tăng lên tới 28 tiếng, thậm chí lúc cao điểm có thể lên tới 32 tiếng.
Liên tục suốt mất chục tiếng đồng hồ không ngủ, vật lộn ngoài bến, về nhà mệt lử nên chỉ biết lăn ra ngủ. Ngủ dậy ăn mấy miếng là lại tới ca phải đi làm. Người lúc nào cũng mệt mỏi nên chẳng ai còn thiết tha gì Tết nhất nữa”.
Theo lời anh T., đối với những nhân viên bảo vệ tại bến xe, việc ăn Tết ở bến xe đã trở thành truyền thống nhiều năm nay. Không được về nhà, nên họ tổ chức một bữa tiệc nhỏ, cùng nhau đón giao thừa.
“Dù bận rộn, mệt mỏi, nhưng tới giao thừa, anh em cũng tranh thủ nghỉ tay, cùng nhau đón giờ khắc thiêng liêng nhất của một năm. Cũng có bánh tét, dưa kiệu… Ai cũng mong mỏi và hướng tới những điều tốt đẹp hơn trong năm mới” - anh T. kể.
Vì mưu sinh mà nhiều người chấp nhận xa quê hương, gia đình để tranh thủ kiếm thêm chút tiền. Chị Bảng – làm nghề thu gom rác ở quận Gò Vấp đã có “thâm niên” gần chục năm đón Tết xa chồng con. Ngày cuối năm, nhà nào cũng dọn dẹp đón Tết, chị Bảy có thể lượm lặt được nhiều thứ trong số rác thải bỏ đi để bán.
Sang đầu năm mới, nhiều gia đình cũng hào phóng cho luôn vỏ lon bia, vỏ hộp quà, bánh kẹo… nhờ thế mà chị cũng kiếm thêm được ít tiền. “Mỗi lần về quê tốn biết bao nhiêu tiền, nên thay vì về mình chịu khó ở lại, kiếm cũng khá hơn ngày thường”, chị Bảng nói.
Anh Đức – công nhân làm việc tại KCN Tân Bình cũng không về quê dịp Tết, để ở lại TPHCM nặn tò he bán. Không hề buồn bã, anh hồ hởi kể: “Nghe nhiều người nói nặn tò he bán tại mấy công viên dịp tết kiếm được nhiều tiền, nên mình ở lại. Cố gắng kiếm ít tiền, dành dụm rồi mai mốt về hẳn quê, cưới vợ, làm ăn”.
Còn rất nhiều người khác không có Tết, đó là trong những ngành nghề khác như bác sĩ, cảnh sát giao thông… phải trực tết ở bệnh viện, trên đường phố. Nhờ sự hy sinh thầm lặng của họ, người dân thành phố được đón những cái Tết an toàn, lành mạnh và vui tươi.
Theo Tiền phong
Có nhà mà phải ăn Tết ở... chuồng trâu
Đã 3 cái tết nay, ông bà phải ra đón giao thừa ở... chuồng trâu, ăn Tết trong sự "xa lánh" của hàng xóm bởi một lí do từ trên trời rơi xuống.
"Ngày Tết, mọi nhà sum họp con cháu ăn bữa cơm tất niên, còn mình ăn cơm trên giường ngủ, kê ở giữa chuồng trâu! Nghĩ đời mình sao lại khổ đến vậy. Đã vậy lại chẳng có khách nào đến chúc Tết..." - Bà Nguyễn Thị Tiến nghẹn ngào nói trong nước mắt. Đã 3 năm qua, gia đình bà phải ăn Tết trong cái chuồng trâu dột nát rộng chừng mươi mét vuông. Thảm cảnh này có nguy cơ lặp lại khi Tết Nguyên đán đang đến gần...
Ăn Tết trong chuồng trâu
Giáp Tết, mưa phùn quyện với gió rét thấu xương thổi vù vù xuyên qua vách, lách qua mấy tấm ni lông thủng lỗ chỗ, treo bùng nhùng dưới mái chuồng trâu của gia đình bà Tiến làm người tôi run lên bần bật. Cảm nhận được sự bức bối của khách, bà Tiến rót chén trà xanh mời tôi rồi hỏi: "Cháu bị tức ngực phải không? Nhiều người đến đây chơi cũng bị như vậy. Tất cả là do cái "máy chém" kia đấy!". Vừa nói, bà Tiến vừa chỉ tay về chùm dây điện đi qua mái nhà bà. Đêm tối, tôi chỉ thấy mấy đường dây điện lờ nhờ căng dài trên bầu trời đen kịt. Bất chợt ông Bình (chồng bà Tiến) dí bút thử điện vào vai tôi, điện sáng đỏ lừ. Rồi ông Bình dí tiếp bút thử điện vào nhiều đồ đạc khác, vật nào cũng bị nhiễm điện. Giờ tôi mới hiểu vì sao 3 năm qua, vợ chồng bà Tiến phải ăn Tết ở chuồng trâu mà bỏ không ngôi nhà cấp 4 rộng thênh thang. Nhà của ông bà bị nhiễm điện từ!
Vợ chồng bà Tiến, ông Bình bên chiếc chuồng trâu dột nát đang được "trưng dụng" làm nhà ở
Gia đình ông Nguyễn Văn Bình trú tại xã Hùng Cường, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên phải ở chuồng trâu trong nhiều năm vì nhà bị nhiễm điện nặng do nằm dưới đường dây điện cao áp 220 KV. Sau khi báo đăng, nhiều cơ quan chức năng đã lên tiếng, đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên giải quyết dứt điểm để người dân sớm ổn định cuộc sống nhưng cho đến nay, mong ước về một ngôi nhà "an toàn" của gia đình ông Bình vẫn chưa thành hiện thực.
Năm 2007, khi đường dây điện 220 KV Tuyên Quang- Thái Nguyên đóng điện được 10 ngày, cũng là lúc nhà bà Tiến bị nhiễm điện nặng. Bất đắc dĩ, hai vợ chồng ông phải chuyển xuống sống tạm trong chuồng trâu của gia đình. Chiều 30 tết năm Giáp Tý (2008), vợ chồng ông Bình gồm 5 người ăn phải bữa cơm tất niên trên chiếc giường ngủ chật chội trong chuồng trâu.
Gần chục năm cầm súng vào sinh ra tử ở khắp chiến trường Quảng Trị, Khe Sanh, Gia Lai..., cái chết, cả thứ chất độc da cam/diôxin mà ông mang trong người cũng không làm ông Bình run sợ. Nhưng giờ đối mặt với cảnh nhà bị nhiễm điện, ông Bình ngậm đắng nuốt cay. Sáng mồng Một, khi ra giếng múc nước rửa mặt, bất ngờ bà Tiến bị điện giật ngã vật xuống đất. ông Bình đang ngồi trong nhà, nghe tiếng vợ kêu cứu vội chạy ra sân giếng. Một lúc sau bà Tiến mới hồi tỉnh. Ngẩng đầu nhìn lên dàn dây diện đi qua mái nhà, bà thở dài gọi nó là "cái máy chém ở trên đầu"!
Không ai dám đến chúc năm mới
Biết chuyện nhà bà Tiến-ông Bình bị nhiễm điện nặng, bà con hàng xóm cảm thương đấy nhưng cũng không dám đến chơi. Đến như bà Thắng là hàng xóm, cách nhà bà Tiến không xa, cũng chỉ đứng ngoài hàng rào nói vọng vào dăm ba câu chuyện.
Bà Tiến tâm sự: "Tết năm kia, cô chủ tịch công đoàn trường tiểu học xã Khôi Kỳ (nơi tôi giảng dạy) đến nhà tôi chúc Tết. Ngồi chưa nóng chỗ, cô ấy nói bị tức ngực, khó thở, liên tục lấy tay day ngực. Đến lúc không thể chịu thêm được nữa, cô chủ tịch công đoàn xin cáo lui". Trông thấy nhà người ta khách đến chúc Tết nườm nượp, nhà mình thì vắng tanh vắng ngắt, vợ chồng bà Tiến thấy chạnh lòng.
Tính đến nay, đường điện 220 KV Tuyên Quang- Thái Nguyên đi qua nhà bà Tiến đã gần 4 năm. Kể từ đó, gia đình bà coi như không có Tết. Chỉ tay ra vườn đào cỏ mọc um tùm, ông Bình ngao ngán: "Dùng cuốc làm cỏ, lưỡi cuốc là sắt dẫn điện, nhiều khi tôi bị điện phóng làm tê cứng chân. Vợ tôi mấy lần ra vườn, bị điện giật ngã. Hãi lắm thành ra cứ để cỏ mọc um tùm như vườn hoang".
Đứng bên chồng, bà Tiến tiếp lời: "Tết năm Canh Dần 2010, một đồng nghiệp của tôi dẫn theo đứa con trai 5 tuổi đến đây mua đào. Vừa cắt được cành đào, cả 2 mẹ con đều đau đầu, chóng mặt, phải bỏ chạy khỏi vườn. Sáng mồng 2 Tết, vợ chồng cô giáo này đến chuồng trâu nhà tôi chúc Tết. Ngồi một lúc, cả 2 người đều nói khó chịu trong người. Chồng tôi lấy bút thử điện dí vào 2 người, đèn bật sáng. Thấy vậy, họ hãi quá, xin phép về luôn". "Tiếng dữ" đồn xa, Tết này, chắc chẳng ai dám tới nhà tôi nữa", bà Tiến ngậm ngùi.
Theo Đời sống pháp luật
Bé Ngân "vật vờ" khi bố mẹ tăng ca Mỗi khi bố, mẹ tăng ca, bé Ngân lại được gửi chỗ vợ của người bảo vệ công ty vì nhà trẻ công lập, nơi học mới của bé Ngân, chỉ trông trẻ đến 4h30. Anh Trần Quang Huy, công nhân Công ty Văn Khánh, chuyên sản xuất các mặt hàng điện, điện lạnh, hàng xóm của bé 3 tuổi bị bạo hành...