Nhiều người góp tiền mổ mắt cho con bị cáo vụ Hà Văn Thắm
Luật sư của Phạm Hoàng Giang đề nghị HĐXX tuyên trả tự do cho thân chủ của mình sau phiên xử để bị cáo có cơ hội chăm sóc người con bệnh tật, nguy cơ mù lòa.
Nhiều bị cáo góp tiền ủng hộ con của Phạm Hoàng Giang Sau khi biết hoàn cảnh con bị cáo Phạm Hoàng Giang phải mổ mắt nhiều lần và phải đeo kính 18 đi ốp, nhiều đồng nghiệp cũ đã quyên góp tiền giúp gia đình vơi bớt khó khăn.
Sáng 23.9, HĐXX dành thời gian để luật sư Huỳnh Phương Nam và Vũ Gia Trưởng lên trình bày ý kiến sau phần đối đáp của VKS.
Hai luật sư này bào chữa cho bị cáo Phạm Hoàng Giang (Tổng giám đốc Công ty BSC Việt Nam). Hơn một tuần trước (14.9), trong phần luận tội, Giang bị VKS đề nghị mức án 8-9 năm tù giam về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Mở đầu phần trình bày, luật sư Phương Nam gửi lời cảm ơn VKS sau phần đối đáp chiều qua (22.9) khi đề nghị HĐXX xem xét lại hành vi cấu thành tội phạm của nhóm các bị cáo Công ty BSC và đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Căn cứ những thay đổi so với bản luận tội, luật sư Phương Nam đề nghị HĐXX không kết tội Giang với cáo buộc Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Phạm Hoàng Giang tại tòa. Ảnh: Việt Hùng
Video đang HOT
Nhắc tới hoàn cảnh gia đình bị cáo có bằng tiến sĩ luật, ông Nam cho hay con gái Giang 8 tuổi đang phải điều trị bệnh về mắt, đứng trước nguy cơ mù lòa. “Trong phần tự trình bày bào chữa của Giang, bị cáo đã nêu về tình trạng bệnh của con rất trầm trọng”, luật sư nói.
Ông Nam thông tin sau phần tự bào chữa đó, các bị cáo có mặt tại tòa đã đóng góp tiền để ủng hộ con thân chủ của mình để chữa bệnh. “Đây là hành động nhân văn, tình người, rất mong HĐXX cân nhắc hoàn cảnh của Giang, xem xét cho bị cáo sớm trở về với gia đình, làm tròn trách nhiệm với người con bệnh tật”, ông Nam đề nghị.
Vị luật sư bào chữa đánh giá, 18 tháng Giang bị tạm giam vừa qua là hình phạt đắt giá cho thân chủ của mình. Theo ông Phương Nam, nếu HĐXX có căn cứ buộc tội thân chủ của mình thì kính mong tòa xem xét tội danh nào nhẹ hơn tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, để Giang được hưởng mức không cách ly khỏi xã hội ngay khi phiên tòa kết thúc.
Ông Vũ Gia Trưởng (luật sư thứ 2 bào chữa cho Phạm Hoàng Giang) sau đó nộp cho HĐXX tập hồ sơ bệnh án của con bị cáo và cho hay cháu bé mới 8 tuổi nhưng đã trải qua nhiều lần phẫu thuật về mắt. “Tôi khẩn thiết mong HĐXX mở lượng khai ân để bị cáo Giang được thực hiện bổn phận của người cha trước khi con không còn thấy ánh sáng”, ông Trưởng nói.
Theo cáo trạng, Phạm Hoàng Giang được Hà Văn Thắm đưa sang Công ty BSC, bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc nhằm thực hiện mục đích sử dụng công ty này ký các hợp đồng dịch vụ khống để “thu phí” khách hàng, hợp thức hóa tiền thu ngoài lãi suất trong hợp đồng vay vốn và tiền chênh lệch khi bán ngoại tệ.
Quá trình điều tra xác định Phạm Hoàng Giang không biết mục đích thu phí và việc sử dụng tiền phí thu được từ các hợp đồng dịch vụ mà Công ty BSC đã ký với khách hàng. Cáo trạng thể hiện, trong thời gian làm tổng giám đốc BSC, Giang đã ký 721 hợp đồng dịch vụ khống để thu phí hàng chục tỷ đồng.
Số tiền này sau đó Hà Văn Thắm đã sử dụng chi cho Nguyễn Xuân Sơn theo yêu cầu của Sơn và bị bị cáo này chiếm đoạt. Giang bị cáo buộc giúp sức cho Thắm và Sơn lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Đồ họa: Hiền Đức
Theo Nhóm phóng viên (Zing)
Đại án OceanBank: PVN từng có cơ hội thoát khoản lỗ 800 tỷ đồng?
Tập đoàn Dầu khí từng có cơ hội thoái vốn khỏi OceanBank khi Văn phòng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá hoặc bán cổ phần. Hà Văn Thắm cũng khai nhận, có đối tác muốn mua lại vốn của tập đoàn với giá 800 tỷ đồng.
Không ảnh hưởng kinh doanh
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố 5 người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 800 tỷ đồng. Đây là một phần trong giai đoạn II đại án tham nhũng - kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank). Có 5 người bị khởi tố gồm: Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN; Ninh Văn Quỳnh - Phó TGĐ PVN; Nguyễn Xuân Thắng và Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Thành viên HĐTV PVN; Vũ Khánh Trường - nguyên Ủy viên HĐQT PVN.
Theo lãnh đạo PVN, việc khởi tố này để phục vụ hoạt động điều tra đối với vụ việc góp vốn của tập đoàn vào Ocean Bank trong giai đoạn trước đây. Cho tới nay, PVN đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình làm rõ vụ việc. "Việc các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện tố tụng đối với cá nhân nêu trên không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của PVN. Ngay khi nhận được thông báo từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an, PVN đã triển khai thủ tục đình chỉ công tác đối với ông Ninh Văn Quỳnh" - lãnh đạo PVN cho biết.
Liên quan vụ việc, tại phiên tòa xét xử vụ OceanBank, TAND TP.Hà Nội xét hỏi về khoản vốn góp 800 tỷ đồng bị thất thoát nói trên. Đại diện của PVN cho hay, trước khi đầu tư vào OceanBank, PVN được Thủ tướng cho phép thành lập ngân hàng mới với vốn góp không quá 50%. Khi khủng hoảng kinh tế năm 2008 xảy ra, Thủ tướng bác bỏ việc này nhưng đồng ý cho PVN góp vốn vào một ngân hàng TMCP khác với tỷ lệ vốn góp không quá 20%.
Vì vậy, PVN sau đó góp vốn vào OceanBank 3 lần với tổng tiền 800 tỷ đồng nhằm luôn giữ mức 20% vốn điều lệ và cử người sang làm người đại diện phần vốn của mình. Trong đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn làm đại diện trong năm 2010 - 2011. PVN cũng cử ông Sơn sang OceanBank giữ chức TGĐ của ngân hàng.
Về hiệu quả của khoản đầu tư trên, phía PVN cho biết, từ 2009 tới 2013, theo báo cáo tài chính thì OceanBank hoạt động có hiệu quả, năm nào PVN cũng được chia cổ tức với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng. "Điều đó cho thấy đứng về mặt kinh tế và đầu tư tài chính là hiệu quả... còn thật sự hiệu quả hay không chúng tôi đang chờ phán quyết của tòa" - vị này trình bày.
Bị can Ninh Văn Quỳnh (bìa trái) và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trả lời HĐXX.
Bị cáo Sơn: Có thời kỳ bị cáo nổi tiếng trên thị trường chứng khoán "Bị cáo là người đầu tư tài chính. Có thời kỳ bị cáo còn nổi tiếng trên thị trường chứng khoán và có khá nhiều tiền để đầu tư...", Nguyễn Xuân Sơn khai. Nguồn: Zing
Từng có cơ hội thoát lỗ?
Tiếp đó, HĐXX hỏi việc góp vốn của PVN có đúng luật không? Đại diện PVN trả lời 2 lần góp vốn đầu tuân theo Luật Tổ chức tín dụng 2007, cụ thể 1 tổ chức được mua tối đa 20% cổ phần ở 1 tổ chức tín dụng. Vì thế, khi PVN đề nghị góp vốn, Thủ tướng đã đồng ý, giao Bộ Tài chính thẩm định trước khi thực hiện. Chỉ có lần sau cùng, PVN góp thêm 100 tỷ đồng để đạt tỷ lệ 20% vốn thì sai so với Luật tổ chức tín dụng 2010 (được mua tối đa 15% - PV). Tuy vậy, đại diện PVN cho rằng lần góp vốn thứ 3 chỉ là triển khai hệ quả của việc góp lần 2 đã được Thủ tướng đồng ý và do PVN không cập nhật kịp nên vẫn làm. Tập đoàn cũng luôn xin ý kiến của trên khi thực hiện nhưng đang xử lý vốn ở OceanBank thì ngân hàng này bị mua 0 đồng.
"Việc góp vốn lần 3 số tiền 100 tỷ đồng được Thủ tướng đồng ý từ 2010. Lúc đó Luật Tổ chức tín dụng 2010 chưa có hiệu lực... Chúng tôi hỏi Văn phòng Chính phủ (VPCP) thì được trả lời đến 2015, PVN phải thoái hết vốn tại các ngân hàng. Năm 2014, PVN báo cáo Thủ tướng, đề nghị chuyển nhượng vốn ở OceanBank nếu đạt được thỏa thuận với các đối tác tiềm năng. Thủ tướng đồng ý bằng công văn sau đó vài ngày. Cụ thể, 12.6.2014, VPCP có công văn gửi PVN, nội dung Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý PVN chuyển nhượng cổ phần bằng đấu giá công khai hoặc bán thỏa thuận theo quy định của Ngân hàng Nhà nước"- đại diện PVN trả lời HĐXX.
Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank khai: "Luật quy định các tổ chức chỉ nắm 15% (vốn tại ngân hàng - PV) lúc đó chưa thực hiện được vì PVN có đại diện ở OceanBank và theo Luật Chứng khoán thì không được bán... Bị cáo trao đổi với PVN rằng không bán được thì nâng vốn điều lệ lên 5.300 tỷ đồng, như vậy 800 tỷ đồng vốn của PVN từ 20% xuống 15% nhưng sau chào bán không thành công".
Đặc biệt, ông Thắm cho rằng khoản đầu tư của PVN đã từng có đơn vị khác muốn mua lại: "Bị cáo làm việc với 1 đối tác Singapore, 1 đối tác Việt Nam thì họ đồng ý mua lại cổ phần của PVN với giá 800 tỷ đồng, tức là PVN không bị lỗ".
Theo Xuân Ân - Quỳnh Nga (Tiền Phong)
Đại án OceanBank: Vợ Nguyễn Xuân Sơn xin giữ lại biệt thự Ciputra Đối với số cổ phiếu và căn hộ của Nguyễn Xuân Sơn do Nguyễn Xuân Thắng đứng tên, bà Xuân (vợ Nguyễn Xuân Sơn) kiến nghị HĐXX xử lý theo quy định của pháp luật để khắc phục những hậu quả do chồng bà gây ra. Trong chiều 31.8 và ngày 1.9, HĐXX đại án OceanBank tập trung đặt các câu hỏi đối...