Nhiều người di cư thiệt mạng trong vụ chìm thuyền ở Maroc
Ngày 25/7, chính quyền địa phương Maroc cho biết 8 người di cư đã thiệt mạng sau khi thuyền chở họ bị lật ngoài khơi bờ biển thuộc miền Nam Maroc khi họ cố gắng tiếp cận quần đảo Canary của Tây Ban Nha.
Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể người di cư trên Địa Trung Hải. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, nhà chức trách thị trấn Tarfaya, miền Nam Maroc, cho biết đã vớt được thi thể của 8 người di cư bất hợp pháp sau khi thuyền cao su chở họ bị chìm gần khu vực ven biển của xã Akhfennir. Có 18 người sống sót và toàn bộ là người gốc Phi.
Hiện chính quyền Maroc cũng đã mở cuộc điều tra về hoạt động di cư bất hợp pháp này.
Nằm ở cực Tây Bắc của châu Phi, Maroc là quốc gia trung chuyển của nhiều người di cư tìm cách đến châu Âu từ các bờ biển Đại Tây Dương hoặc Địa Trung Hải, hoặc bằng cách băng qua hàng rào ngăn cách Maroc với vùng đất Ceuta và Melilla của Tây Ban Nha, biên giới trên bộ duy nhất của Liên minh châu Âu (EU) với lục địa châu Phi.
Một tháng trước, 23 người di cư đã thiệt mạng khi cố gắng vượt biên để vào Melilla. Đây là con số thiệt mạng cao nhất từng được ghi nhận ở khu vực biên giới giữa Maroc và 2 thành phố của Tây Ban Nha.
Theo tổ chức phi chính phủ Caminando Fronteras, gần 1.000 người di cư đã thiệt mạng hoặc mất tích trên biển trong nửa đầu năm nay trong các chuyến vượt biển đến Tây Ban Nha. Con số này giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2021 (2.087 người), trong bối cảnh Rabat và Madrid đã bình thường hóa quan hệ.
Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ra tuyên bố chung về vấn đề di cư
Ngày 10/6, lãnh đạo 20 nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) lần thứ 9 diễn ra ở thành phố Los Angeles (Mỹ) đã cam kết phối hợp trong vấn đề di cư, tìm cách thúc đẩy hành động cho vấn đề đang ngày càng nhận được ưu tiên chính trị này.
Lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) lần thứ 9 ở thành phố Los Angeles (Mỹ), ngày 10/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố chung kêu gọi đảm bảo an toàn và quyền lợi chính đáng cho tất cả người di cư và kêu gọi các lực lượng hành pháp và tình báo phối hợp chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, cam kết này được đánh giá chỉ hợp thức hóa những thỏa thuận đã có chứ không có thêm những đột phá.
Điểm nhấn trong cam kết lần này là việc Mỹ khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hành động. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng ủng hộ nhập cư hợp pháp, tuyên bố khoản hỗ trợ khoảng 65 triệu USD để ủng hộ việc tuyển dụng người nhập cư làm việc hợp pháp theo thời vụ tại các nông trang ở Mỹ. Ông kiên quyết phản đối nhập cư bất hợp pháp, hành động mà ông nhấn mạnh là nguy hiểm, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ đảm bảo an ninh biên giới thông qua những biện pháp sáng tạo và có sự phối hợp với các đối tác trong khu vực.
Có mặt tại hội nghị, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã đánh giá tích cực về một số kết quả đạt được, trong đó có những lời kêu gọi từ Tổng thống Mỹ Joe Biden về hợp tác kinh tế và tìm cách ứng phó chung toàn khu vực với tình hình di cư. Với đường biên giới dài giáp Mỹ, Mexico là tuyến trung chuyển cuối của người di cư trước khi đến Mỹ.
Làn sóng di cư từ Trung Mỹ và Haiti tới Mỹ liên tục dâng cao trong thời gian qua, chủ yếu là những người tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực, bạo lực gia tăng và các thảm họa thiên nhiên ngày càng tồi tệ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẽ hỗ trợ tái định cư 20.000 người di cư hợp pháp từ châu Mỹ trong vòng 2 năm tới.
Trên 40 người di cư chết đuối ngoài khơi Tây Sahara Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 8/5, cơ quan cứu trợ người di cư Caminando Fronteras của Tây Ban Nha cho biết ít nhất 44 người di cư đã chết đuối trong một vụ lật thuyền ngoài khơi bờ biển Cap Boujdour, vùng lãnh thổ do Maroc kiểm soát ở phía Tây Sahara. Người di cư chờ được cứu trên Địa...