‘Nhiều người bốc cháy rừng rực’ trong vụ đánh bom sân bay Kabul
Nhân chứng kể “nhiều người bốc cháy rừng rực”, “không thể thở được” khi hai quả bom phát nổ giữa đám đông chờ di tản bên ngoài sân bay Kabul.
Hàng nghìn người Afghanistan chiều 26/8 vẫn tập trung quanh sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, hy vọng sẽ được các binh sĩ Mỹ canh gác tại cổng Abbey cho vào bên trong. Chỉ còn 5 ngày nữa là Mỹ sẽ chấm dứt hoạt động di tản, kết thúc mọi hy vọng rời khỏi Afghanistan dưới chế độ Taliban của họ.
Trong khi đoàn người chen nhau tiến về phía cổng Abbey, một kẻ đánh bom tự sát len lỏi vào trong đám đông, rồi kích hoạt khối thuốc nổ gắn trên người. Khi mọi người còn đang bàng hoàng, quả bom thứ hai phát nổ tại khách sạn Baron gần đó, rồi hàng loạt tiếng súng vang lên.
“Nhiều người bốc cháy rừng rực, họ không thể thở được”, một nhân chứng người Afghanistan đang chờ đợi bên ngoài sân bay Kabul cùng vợ con kể lại vụ tấn công. Một người đàn ông khác cho biết “thi thể nằm la liệt, tôi thấy một người phụ nữ được quấn trong một chiếc chăn đầy máu”.
Khi màn đêm buông xuống, thương vong trong hai vụ đánh bom trở nên rõ ràng hơn. Ít nhất 70 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ. Khoảng 120 người bị thương, trong đó có 18 lính Mỹ.
Vụ đánh bom là một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất nhằm vào quân đội Mỹ tại Afghanistan trong hai thập kỷ qua, đồng thời là lần hứng chịu thiệt hại nhân mạng đầu tiên của lực lượng này ở quốc gia Trung Á kể từ tháng 2/2020.
Hai phụ nữ Afghanistan bị thương trong vụ đánh bom ở sân bay Kabul ngày 26/8. Ảnh: AFP .
Taliban, lực lượng kiểm soát toàn bộ Afghanistan từ ngày 15/8, đã cam kết họ có thể đảm bảo an ninh và điều hành đất nước. Tuy nhiên, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy chỉ sau vài giây, một mương thoát nước dọc bức tường chống nổ ngoài sân bay Kabul tràn ngập thi thể nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết.
Các nạn nhân, chủ yếu là đàn ông trẻ tuổi, nằm chồng lên nhau, một số gương mặt đông cứng vì đau đớn. Tại nơi khác, các thi thể nằm dưới mương nước xâm xấp.
Một người đàn ông cố gắng lay một thanh niên bất tỉnh. Gần đó là những người bị thương với gương mặt đầy máu đang được người khác dìu đến nơi an toàn.
Video và ảnh trên mạng xã hội cho thấy các nạn nhân được chuyển tới khu cấp cứu bằng xe cút kít, vốn đã chật kín bệnh nhân và những người đổ tới để tìm hiểu số phận của người thân.
“Các bệnh viện ở Kabul bị lấp đầy đến 80% trước khi xảy ra vụ nổ. Chúng tôi giờ phải kê thêm giường phụ để tiếp nhận những người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch sau vụ nổ ở sân bay”, Rosella Miccio, người đứng đầu tổ chức từ thiện y tế Emergency, cho biết.
Alberto, điều phối viên tại Kabul của Emergency, cho biết những nạn nhân được chuyển đến “không thể nói chuyện, nhiều người vô cùng sợ hãi, đôi mắt của họ hoàn toàn trống rỗng với ánh nhìn vô hồn”. “Hiếm khi chúng tôi chứng kiến tình huống như vậy”, Alberto cho biết.
Nạn nhân trong vụ đánh bom ở sân bay Kabul ngày 26/8 nằm trong một bệnh viện. Ảnh: AFP .
Sau vụ nổ, hàng trăm người Afghanistan tranh nhau tìm chỗ ẩn nấp. Một người đàn ông kể lại rằng mọi người đổ xô đến bức tường chống nổ và cố gắng trèo lên để tìm đường thoát, cho biết mình và vợ tới khu nhà do quân đội Anh điều hành, các binh sĩ này yêu cầu họ cùng những người khác ngồi xuống.
“Đèn tắt, chúng tôi không được phép ra ngoài hay đứng lên. Khoảng 600 người trú ẩn tại đây”, người đàn ông cho biết. “Chúng tôi vẫn chờ để được về nhà”.
Một số người Afghanistan thoát nạn sau vụ nổ đổ lỗi cho quân đội Mỹ. “Tôi quá chán ngấy với mọi thứ. Sao nước Mỹ di tản mọi người, để rồi họ bị giết chết?”.
Hàng trăm cựu đặc nhiệm Afghanistan có mặt trong đám đông tập trung gần cổng Abbey trước khi vụ nổ xảy ra. Nhiều người trong số này đi cùng gia đình sau khi nhận thông báo được tới khu vực quân sự của sân bay Kabul để lên các chuyến bay rời Afghanistan. Đoàn người đang chờ tín hiệu để tiếp tục di chuyển thì vụ nổ xảy ra.
Một cựu quan chức Afghanistan cho biết ít nhất 4 cựu đặc nhiệm nước này thiệt mạng trong vụ nổ. Những người khác được chuyển tới một bệnh viện gần sân bay để điều trị, song chưa rõ con số cụ thể.
Các cựu đặc nhiệm Afghanistan, từng tham gia huấn luyện và tác chiến cùng quân đội Mỹ, nằm trong diện nguy cơ cao khi Taliban lên nắm quyền. Các cựu đặc nhiệm này không chỉ có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Mỹ mà còn từng tham gia các cuộc đột kích, bắt và thẩm vấn nhiều tay súng Taliban.
Vị trí hai vụ đánh bom ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 26/8. Đồ họa: Business Insider .
Khi hạn chót 31/8 của chiến dịch di tản ở Afghanistan cận kề, căng thẳng quanh sân bay Kabul tăng vọt khi hàng nghìn người tìm cách rời quốc gia Trung Á. Các thủ lĩnh Taliban tuần này cấm những người Afghanistan không có hộ chiếu nước ngoài hoặc thẻ xanh vào sân bay Kabul trong nỗ lực ngăn tình trạng chảy máu chất xám.
Các hạn chế của Taliban càng khiến những người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước thêm lo lắng. Nhiều người cho biết các tay súng Taliban trở nên hung bạo hơn với đám đông.
Vài giờ sau hai vụ đánh bom, một vụ nổ lớn hơn xảy ra ở sân bay, khiến cửa sổ rung chuyển và bụi bay mù mịt, khiến tâm lý của người dân càng trở nên lo sợ. Tuy nhiên, một quan chức Lầu Năm Góc sau đó cho biết đây là một vụ nổ có kiểm soát do lực lượng Mỹ thực hiện, song không nêu lý do rõ ràng.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẽ phá hủy các trang thiết bị không thể mang theo ở sân bay Kabul, nhằm ngăn chúng rơi vào tay người khác.
13 lính Mỹ thiệt mạng ở Kabul: Kịch bản "ác mộng" với ông Biden
Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với tình huống khó khăn sau cái chết của 13 binh lính trong vụ đánh bom ở sân bay Kabul trước khi Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan.
Hiện trường vụ nổ bom như "ngày tận thế" tại sân bay Kabul
Lính Mỹ đảm bảo an ninh tại sân bay Kabul, Afghanistan (Ảnh: Sputnik).
Giữa lúc đang phải lo lắng tìm cách hoàn tất quá trình di tản quân nhân và công dân Mỹ khỏi Afghanistan, Tổng thống Joe Biden tiếp tục chứng kiến một kịch bản ác mộng xảy ra vào ngày 26/8 khi các vụ đánh bom liều chết làm rung chuyển sân bay thủ đô Kabul, khiến ít nhất 13 lính Mỹ thiệt mạng và 15 người khác bị thương.
Ông Biden đã triệu tập các cố vấn quân sự và ngoại giao hàng đầu tới Phòng Tình huống của Nhà Trắng để nhận báo cáo cập nhật hàng ngày về nỗ lực sơ tán trong tình trạng hỗn loạn ở Kabul, sau khi các vụ nổ xảy ra bên ngoài sân bay ở thủ đô Afghanistan.
Hai giờ sau đó, nhóm cố vấn mới rời khỏi Phòng Tình huống. Tổng thống Biden trở lại Phòng Bầu Dục, trong khi các quan chức của Lầu Năm Góc ra vào Nhà Trắng liên tục. Một số nhân viên Nhà Trắng chỉ biết thông tin về số binh sĩ thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Kabul qua truyền hình.
"Chúng tôi phẫn nộ và đau lòng", Tổng thống Biden nói về cảm xúc của chính ông và phu nhân Jill Biden trong bài phát biểu trước công chúng vào cuối ngày 26/8.
Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ "săn lùng" những kẻ tấn công và gọi những binh lính thiệt mạng là "anh hùng".
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP).
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu ở Kabul.
Rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm chiến tranh, Tổng thống Biden đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc vội vàng sơ tán lực lượng Mỹ sau khi Taliban nhanh chóng tiếp quản Kabul. Vài ngày trước vụ đánh bom ở Kabul, ông Biden cố gắng gửi một thông điệp tới người dân trong nước rằng Mỹ rời khỏi Afghanistan để cứu mạng binh lính Mỹ.
Kể từ năm 2001, khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan, số binh lính Mỹ thiệt mạng đã lên tới gần 2.500 người.
Chia sẻ với các phóng viên ngày 20/8, Tổng thống Biden nói rằng, nếu Mỹ ở lại Afghanistan lâu hơn, đồng nghĩa với việc "những người con trai, con gái của các bạn, giống như con trai tôi từng được điều tới Iraq trước đây, có thể sẽ chết. Và điều đó để làm gì?".
Thương vong của quân đội Mỹ trong vụ đánh bom mới nhất là thương vong đầu tiên ở Afghanistan kể từ tháng 2/2020 và là ngày chết chóc nhất của quân đội Mỹ trong một thập niên ở Afghanistan.
Phe chỉ trích cho rằng chính cuộc sơ tán vội vã đã dẫn đến cái chết của 13 người trong số gần 5.200 binh lính Mỹ được triển khai để đảm bảo an ninh tại sân bay Kabul. Cuộc sơ tán đó khiến những người Mỹ vẫn phải ở lại Afghanistan bị đe dọa.
Giới chức Mỹ ngày 26/8 cho biết khoảng 1.000 người Mỹ vẫn đang ở Afghanistan.
"Đây là cơn ác mộng mà chúng tôi lo sợ, và đó là lý do trong nhiều tuần qua, các lãnh đạo quân sự, tình báo và quốc hội của cả 2 đảng đã khẩn cầu tổng thống chống lại Taliban và đẩy họ ra khỏi khu vực sân bay", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ben Sasse nói.
"Trong khi chúng ta vẫn chờ đợi thêm thông tin chi tiết, một điều rõ ràng là chúng ta không thể tin tưởng Taliban trong việc đảm bảo an ninh cho người Mỹ", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez nói, khi ngầm chỉ trích chiến lược sơ tán của Tổng thống Biden.
Trong khi người tiền nhiệm Donald Trump đặt mục tiêu rút quân vào tháng 5, Tổng thống Biden đã lùi kế hoạch tới ngày 31/8. Nhưng khi các quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo nguy cơ an ninh đang gia tăng từ các chiến binh Hồi giáo tại sân bay Kabul, ông Biden không thay đổi hạn chót, bất chấp sức ép từ các nước đồng minh.
Một cố vấn của ông Biden nói rằng cái chết của các binh lính Mỹ ở Kabul vừa qua càng nhấn mạnh lý do khiến ông phải đưa ra quyết định rút quân, đồng thời cũng cho thấy những rủi ro mà Mỹ phải đối mặt nếu tiếp tục ở lại Afghanistan.
Là người vốn hoài nghi về sự hiện diện quân sự suốt 20 năm qua của Mỹ ở Afghanistan, ông Biden đã nói rằng Washington từ lâu đã đạt được mục tiêu ban đầu khi đưa quân vào Afghansitan: tiêu diệt tận gốc al-Qaeda và ngăn chặn một cuộc tấn công khác nhằm vào Mỹ như vụ khủng bố ngày 11/9. Tuy nhiên, vụ tấn công mới nhất đã đặt ra nghi vấn về mục tiêu này.
Nhóm khủng bố khét tiếng đứng sau vụ đánh bom đẫm máu ở sân bay Kabul Trước vụ đánh bom sân bay Kabul làm hơn 100 người chết, nhóm khủng bố ISIS-K - một nhánh khét tiếng của tổ chức IS - đã gây ra hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu khác trên lãnh thổ Afghanistan. Hiện trường vụ nổ bom như "ngày tận thế" tại sân bay Kabul Các phần tử khủng bố ISIS-K trong một...