Nhiều nghị sĩ Solomon tố TQ và Đài Loan chạy đua hối lộ ở quốc hội
Các chính trị gia tại Solomon nói họ nhận được hàng trăm nghìn USD từ Trung Quốc và Đài Loan đổi lấy sự ủng hộ trước khi đảo quốc Nam Thái Bình Dương thay đổi quan hệ ngoại giao.
Hồi tháng 9, Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon chính thức cắt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc và thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh. Động thái đã kết thúc quan hệ ngoại giao kéo dài 36 năm qua giữa đảo quốc Nam Thái Bình Dương và hòn đảo Đài Loan.
Trung Quốc xem đây là một chiến thắng quan trọng trong nỗ lực cô lập Đài Loan trên trường quốc tế. Nhiều nghị sĩ cảm thấy quan ngại. Đài Bắc phản ứng giận dữ trước sự thay đổi của Solomon. Một đảo quốc khác trong khu vực là Kiribati cũng từ bỏ quan hệ với Đài Loan chưa đầy 2 tuần sau đó, làm cho Australia đau đầu trước sức ảnh hưởng ngày một lớn của Bắc Kinh tại khu vực.
Theo điều tra của Guardian, nhiều nghị sĩ Solomon cho biết Trung Quốc và cả Đài Loan đã đề nghị tặng họ hàng trăm nghìn USD để đổi lấy sự ủng hộ. Phó thủ lĩnh phe đối lập, Peter Kenilorea Jr, nói “những vụ việc này luôn liên quan đến tiền” và đây là “một bí mật mở”.
Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa xã.
Kenilorea là một trong những nghị sĩ phản đối việc thay đổi quan hệ ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh. Ông nhận định đây là “một cú tát vào năm quy trình nghị viện”. Những nghị sĩ tham gia quyết định thay đổi quan hệ ngoại giao nhận từ 246.000 – 615.000 USD từ Trung Quốc.
Video đang HOT
Daniel Sudaini, thống đốc đảo Malaita, tỉnh lớn nhất của Solomon, tiết lộ ông được đề nghị một khoản hối lộ để bớt gay gắt với Bắc Kinh. Ông nhận được cuộc gọi đề nghị đổi chác trước khi Solomon cắt quan hệ với Đài Bắc. Trả lời Solomon Star, Sudaini nói ông được hứa tặng 123.000 USD nếu theo phe ủng hộ Trung Quốc. Cảnh sát Solomon đã tiến hành điều tra tuyên bố của vị thống đốc.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đã diễn ra một cách minh bạch.
“Không có lời đồn đại hay bôi nhọ nào có thể ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon”, cơ quan này nhấn mạnh.
Nghị sĩ Titus Fika lại cáo buộc Đài Loan cố lũng đoạn quá trình làm việc của quốc hội Solomon, tiết lộ ông cũng được tiếp cận với khoản tiền 2 triệu USD, chia làm hai khoản, để giữ quan hệ với Đài Bắc.
Phía Đài Loan đã bác bỏ cáo buộc của ông Fika. Joanne Ou, người phát ngôn cơ quan ngoại giao Đài Bắc khẳng định họ “không bao giờ chọn chính sách đối ngoại bằng đồng tiền”, cạnh tranh với Trung Quốc theo kiểu đấu giá chỉ để “làm dày thêm túi cho những chính trị gia tham nhũng”.
Theo Zing
Solomon 'nghỉ chơi' Đài Loan, Phó Tổng thống Mỹ hủy gặp Thủ tướng nước này
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hủy kế hoạch gặp lãnh đạo Solomon sau khi đảo quốc này cắt đứt quan hệ với Đài Loan, thiết lập quan hệ với Trung Quốc.
Theo kế hoạch đưa ra hồi tháng 7, ông Pence dự kiến sẽ có cuộc gặp mặt với Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York trong vài ngày tới hoặc sau đó tại Washington.
"Tuy nhiên, quyết định thay đổi công nhận quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc của Solomon đã dẫn tới các hậu quả. Họ đang làm tổn thương một mối quan hệ mạnh mẽ trong lịch sử khi làm vậy. Đó là sự thoái lưu, ưu tiên lợi ích ngắn hạn với Trung Quốc hơn là cam kêt lâu dài với Mỹ", Reuters dẫn lời một quan chức chính quyền Mỹ cho hay.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Solomon Manasseh Sogavare. (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc luôn khẳng định Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời. Dù công nhận chính sách "một Trung Quốc", Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng thường không bán những khí tài hiện đại nhất cho Đài Bắc để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua rơi vào căng thẳng liên quan tới các tranh chấp thương mại, quốc phòng, công nghệ.
Phó Tổng thống Pence là một trong những quan chức Mỹ đưa ra những lời lẽ cứng rắn nhất với Trung Quốc. Ông lên án mạnh mẽ "chính sách ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh, cáo buộc Trung Quốc đưa các quốc gia nhỏ vào bẫy nợ, buộc họ đánh đổi lợi ích quốc gia để trả nợ.
Theo quan chức Mỹ, các quốc gia thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc với hy vọng bước đi như vậy sẽ giúp tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.
"Tuy nhiên, sau một thời gian, họ sẽ thấy mọi chuyện tồi tệ hơn", ông này nói với Reuters.
Solomon là quốc gia thứ 6 cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền ở Đài Bắc năm 2016. Các quốc gia còn lại bao gồm Burkina Faso, Cộng hòa Dominica, Sao Tome và Principe, Panama và El Salvador.
Ngay sau quyết định của Solomon, Đài Loan tuyên bố đóng cửa văn phòng đại diện và triệu hồi các nhà ngoại giao. Đài Bắc cũng cáo buộc Trung Quốc sử dụng chiến lược "ngoại giao USD" để lôi kéo các nước quay lưng với Đài Loan, khẳng định Bắc Kinh sẽ còn làm hơn nữa khi cuộc bầu cử cơ quan lập pháp và lãnh đạo Đài Loan đang đến gần.
Sau cú quay lưng của Solomon, Đài Loan hiện duy trì quan hệ chính thức với 16 quốc gia, nhiều trong số đó là các quốc gia nhỏ, kém phát triển ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương.
Bắc Kinh hôm 17/9 khẳng định rằng Solomon sẽ có những cơ hội phát triển chưa từng có sau khi cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Trung Quốc đang cung cấp 8,5 triệu USD cho các quỹ phát triển của Solomon để thay thế hỗ trợ từ Đài Loan.
(Nguồn: Reuters)
SONG HY
Theo VTC
Đài Loan cảnh báo 'nguy cơ tấn công' nếu kinh tế TQ tiếp tục suy thoái Bắc Kinh có thể dùng đến xung đột quân sự với Đài Loan để chuyển hướng áp lực trong nước, nếu gặp bất lợi vì kinh tế suy thoái. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 6/11 , người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp đã hướng sự chú ý đến nền kinh tế đang chững lại...