Nhiều nghi ngờ quanh con số 1.335 cá thể vọoc ở Sơn Trà
Qua 11 năm nghiên cứu loài vọoc chà vá chân nâu Sơn Trà (Đà Nẵng) cả về số lượng, giám sát, phân bổ, cứu hộ, khu hệ thực vật và sinh thái thức ăn, Quỹ bảo tồn Vọoc vá của Mỹ kiểm đếm được số cá thể voọc thấp hơn rất nhiều con số 1.335 cá thể mới được trung tâm GreenViet công bố
Cần nhiều thời gian
Con số 1.335 cá thể voọc chà vá chân nâu đang sinh sống ở Sơn Trà được một tổ chức công bố vào hôm qua (22.5) không những khiến nhiều người bất ngờ mà còn gây ra ý kiến trái chiều trong dư luận.
Trao đổi với PV Dân Việt xung quanh vấn đề này, chuyên gia linh trưởng Vũ Ngọc Thành – Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) kiêm Giám đốc Quỹ Bảo tồn Voọc vá (Douc Langur Foundation, Hoa Kỳ) tại Việt Nam cho rằng, phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, kiểm đếm mới có thể kết luận được con số tương đối chính xác cá thể vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà.
Số cá thể voọc chà vá chân nâu Đà Nẵng mới được công bố đang gây tranh cãi (Ảnh: Lê Phước Chín)
Với con số 1.335 cá thể voọc chá vá chân nâu Sơn Trà mới được tổ chức GreenViet công bố, ông Vũ Ngọc Thành cho rằng, con số này quá ấn tượng.
“Tuy nhiên, nếu đúng như vậy thì cần phải có kế hoạch trồng thêm cây thức ăn cho voọc hoặc có những hành động khác để bảo tồn quần thể voọc số lượng lớn như thế này”, ông Thành nói.
Ông Vũ Ngọc Thành là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về nghiên cứu loài linh trưởng. Ông được trao giải thưởng về Bảo tồn của Hội linh trưởng quốc tế (IPS-International Primatological Society) và đồng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ…
Video đang HOT
Theo ông Thành, nghiên cứu về voọc mất rất nhiều thời gian. Tổ chức GreenViet mới nghiên cứu mà đưa ra con số kiểm đếm thì độ chính xác phải xem lại, xem tổ chức nào thực hiện công tác kiểm đếm, cán bộ kiểm đếm là những ai.
Ông Thành cho biết, có 2 cách để kiểm đếm voọc, trước nhất là kiểm đếm trên diện tích nào đó rồi nhân ra diện tích rộng hơn hoặc kiểm đếm trực tiếp rồi cộng lại.
“Cả 2 phương pháp trên đều cần thời gian dài, bởi nếu muốn tiếp cận voọc thì phải đi theo mùa hoặc tìm ra nguồn thức ăn của nó. Bên cạnh đó, cán bộ kiểm đếm cần có kinh nghiệm về nghiên cứu linh trưởng. Cái này ở Đà Nẵng không phải ai cũng đáp ứng được” – ông Thành khẳng định.
Nghiên cứu lâu ra số thấp
Vị Giám đốc quỹ bảo tồn Voọc vá của Mỹ phân tích thêm, cả 2 phương pháp kiểm đếm voọc đều phải dựa vào ranh giới nơi ở của từng đàn, mà ranh giới nơi ở của voọc Sơn Trà thì chưa có cơ quan nào có điều kiện nghiên cứu. Việt Nam đang hạn chế về cán bộ nghiên cứu do thời gian, phương tiện và kinh phí… rất lớn.
Bán đảo Sơn Trà nơi có loài voọc quý hiếm sinh sống (Ảnh: Đình Thiên)
“Nếu không xác định được ranh giới nơi ở của voọc, rất có thể đàn voọc khi di chuyển đến địa điểm khác (để ăn, ngủ hoặc buộc phải di chuyển do tác động của con người) thì dễ bị đếm lại lần nữa. Hơn nữa đây là loài động vật khi đi ăn thường đi cả đàn lớn” – ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cho biết thêm, tổ chức do ông đại diện đã nghiên cứu về voọc Sơn Trà 11 năm (2006 đến nay) cả về số lượng, giám sát, phân bổ, cứu hộ, khu hệ thực vật và sinh thái thức ăn của chúng. Những nghiên cứu này được phép của Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng.
“Chúng tôi dự định trong quý II năm 2017 sẽ phối hợp với Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo để công bố các nghiên cứu. Những nghiên cứu này đã được trình bày ở các hội nghị khoa học quốc tế, đến nay chưa có báo cáo chính thức với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, số cá thể voọc mà chúng tôi kiểm đếm được qua 11 năm nghiên cứu ở Sơn Trà thì thấp hơn rất nhiều số liệu mới được công bố của trung tâm GreenViet” – chuyên gia này khẳng định.
Theo Danviet
Bất ngờ về số lượng "nữ hoàng linh trưởng" Sơn Trà mới được công bố
Số lượng voọc chà vá chân nâu năm 2013 mới chỉ có khoảng 350 cá thể. Tuy nhiên, số lượng loài vật được mệnh danh là "nữ hoàng linh trưởng" của bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) công bố chiều nay đã khiến nhiều người bất ngờ.
Chiều 22.5, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với với một số tổ chức cộng đồng tổ chức hội thảo: "Công bố kết quả nghiên cứu hiện trạng quần thể voọc chà vá chân nâu và giải pháp bảo tồn loài tại bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng" nhằm cung cấp những số liệu khoa học mới nhất về số lượng, mật độ và sự phân bố của loài voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà.
Tại hội thảo này, số lượng cá thể loài voọc chà vá chân nâu được công bố lên tới khoảng 1.335 con với 237 đàn đang sinh sống tại bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng).
Voọc chà vá chân nâu kiếm ăn ở sát mép biển Đà Nẵng. Ảnh: Lê Phước Chín
Thông tin tại hội thảo này cho rằng, trong báo cáo của 2 nhóm khảo sát gồm tổ chức Lippold và cộng sự (2008), nhà nghiên cứu Đinh Thị Phương Anh và cộng sự (2010) đều ghi nhận khoảng 180 - 200 cá thể voọc chà vá chân nâu đang sinh sống tại bán đảo Sơn Trà. Đến năm 2013, Tổ chức bảo tồn linh trưởng thế giới (DLF, 2013) đã ghi nhận tại Sơn Trà có khoảng 300 - 350 cá thể voọc chà vá chân nâu.
Số lượng cá thể voọc chà vá chân nâu được công bố vào chiều nay được các tổ chức đánh giá là rất đáng tin cậy vì được khảo sát tổng thể. Việc nghiên cứu, khảo sát về voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà có từ năm 1977. Tuy nhiên, các nghiên cứu, khảo sát đều chung một điểm là chỉ khảo sát một vùng, số liệu chỉ thể hiện được một phần một.
Tại hội thảo này, các chuyên gia cũng chỉ ra các yếu tố tác động đến loài voọc chà vá chân nâu hiện nay. Đó là nguy cơ giảm diện tích vùng sống do quy hoạch các dự án phát triển du lịch sinh thái. Chia cắt vùng sống (nguy cơ tai nạn giao va chạm với phương tiện giao thông khi voọc qua đường). Nguy cơ gia tăng nạn săn bắn, bẫy bắt khi phát triển du lịch thiếu kiểm soát. Nguy cơ truyền bệnh từ người sang voọc qua việc cho động vật ăn. Hạn chế trong công tác kiểm soát hoạt động con người trên bán đảo Sơn Trà.
Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) có nguy cơ bị bê tông hóa. Ảnh: Đình Thiên
Liên quan đến vấn đề quy hoạch phát triển tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng), KTS Bùi Huy Trí-Trưởng phòng quản lý quy hoạch và phát triển đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho rằng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng UBND TP.Đà Nẵng có cáo báo trước 30.5.
UBND TP.Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thành báo cáo.
"Cho đến giờ phút này, tôi chưa thể nói chắc cụ thể nó như thế nào, chỉ khẳng định cái gì tốt nhất cho Sơn Trà thì sẽ làm", KTS Bùi Huy Trí cho hay.
KTS Bùi Huy Trí còn cho rằng, vì quá yêu Sơn Trà nên tâm lý nhiều người rất lo lắng bi quan về Sơn Trà. Ông trấn an rằng: "Đừng quá lo lắng, thực ra mọi việc đang trong tầm tay chúng ta".
Theo danviet
Ủy ban Văn hoá tìm hiểu kiến nghị điều chỉnh quy hoạch Sơn Trà Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu nhiên và nhi đồng của Quốc hội đã đề nghị Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cung cấp thông tin về những kiến nghị điều chỉnh bản quy hoạch quốc gia bán đảo Sơn Trà. Chiều 16/5, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng đã nhận được...