Nhiều lo lắng về việc lắp camera phạt nguội lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội
Giới chuyên gia cho rằng, phương án lắp đặt camera để xử lý phạt nguội của Hà Nội chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế. Dễ thấy nhất là việc thu, phạt sẽ tiến hành như thế nào trong khi lượng người vi phạm quá lớn như hiện nay?
Hàng loạt tuyến đường, vỉa hè ở Hà Nội tái diễn tình trạng lấn chiếm gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh: PV
Vỉa hè “giải cứu” xong lại bị lấn chiếm
Sau khi TP Hà Nội đồng loạt ra quân xử lý vi phạm về an toàn giao thông, lập lại trật vỉa hè, lòng đường, nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô đã phong quang, sạch sẽ. Tại các huyện ngoại thành, vỉa hè lòng đường cũng đã giảm tình trạng lấn chiếm, “biến của công thành của tư”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, tại nhiều tuyến phố, vỉa hè ở Hà Nội đang bị lấn chiếm trở lại. Trên các con phố như La Thành, cả hai bên vỉa hè đều bị các hộ gia đình sử dụng làm nơi buôn bán vật liệu xây dựng, hàng ăn, hành nghề cơ khí. Ngay tại đường Lê Văn Lương, dù vỉa hè rộng khoảng 7m nhưng cũng bị nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm, buộc người đi bộ thường xuyên phải đi xuống lòng đường.
Tại đoạn gần ngã tư Tố Hữu – Vạn Phúc còn xuất hiện hàng loạt các xe chở hoa quả, người bán hàng chiếm dụng hết vỉa hè. Thậm chí, cửa hàng rửa ô tô còn lấn chiếm toàn bộ vỉa hè làm chỗ rửa xe, đỗ đến 5-6 ô tô cùng lúc. Anh Nguyễn Như Hoà đón con sau giờ tan học chia sẻ, trước đây, quận và phường ra quân rầm rộ, tình trạng vi phạm có giảm. Nhưng sau một thời gian lại đâu vào đấy, vỉa hè lại bị chiếm dụng làm của riêng. “Ngày nào tôi đi qua đây để đón cháu đều phải đi xuống lòng đường vì chủ cửa hàng rửa xe đỗ tràn ôtô trên vỉa hè, không còn chỗ cho người đi bộ”, anh Hoà nói.
Tương tự, phía sau Bến xe Giáp Bát, khu vực nhà xe trả khách có hai bên vỉa hè rộng chừng 5m/mỗi bên đều bị hộ kinh doanh tận dụng làm nơi trông giữ xe, quán ăn… Tại tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc bởi người đi bộ cũng phải đi xuống lòng đường. Các chủ kinh doanh ngang nhiên bày biện, làm khu trông giữ xe ngay cả khi có biển cấm bán hàng rong, cấm kinh doanh trên vỉa hè.
Tại khu vực phố cổ Hà Nội, dù là quận có nhiều tuyến phố kiểu mẫu, song hầu hết các tuyến phố cổ đều trong tình trạng có vỉa hè cũng như không. Điển hình là vỉa hè phố Hàng Chiếu bị các hộ kinh doanh vô tư chiếm dụng toàn bộ làm nơi giao thương các mặt hàng túi, bạt nilon; vỉa hè phố Hàng Mã được trưng dụng cho các thứ đồ hàng, trò chơi trẻ em. Vỉa hè phố Hàng Lược, Hàng Cá ngập tràn quán ăn, quán cà phê…
Nhiều cơ sở buôn bán các mặt hàng đồ gỗ trên đường Đê La Thành lấn chiếm trọn vỉa hè, buộc người dân phải đi bộ dưới lòng đường.
Video đang HOT
Chỉ là giải pháp tình thế?
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, gần đây, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại diễn ra khá phổ biến ở hầu hết quận, huyện, thị xã. “Chúng tôi đang xây dựng phương án trình TP lắp đặt camera trên địa bàn các quận, huyện để có thể xử lý các vi phạm, trong đó có vi phạm lấn chiếm lòng đường”, ông Viện cho biết.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, với hệ thống camera, việc giám sát thực hiện trật tự đường, hè phố sẽ hiệu quả hơn bởi không phải lúc nào lực lượng chức năng cũng có mặt trực tiếp để xử lý. Việc xử lý vi phạm qua camera sẽ có sức răn đe hơn để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng vỉa hè làm của riêng như hiện nay.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho rằng, trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái chiếm vỉa hè thì có nguyên nhân thiếu quyết liệt từ các lực lượng chức năng quản lý trật tự trên địa bàn như phường, xã, quận, huyện. “Rõ ràng việc thiếu quyết liệt ấy là nguyên nhân chính dẫn đến việc tái chiếm vỉa hè. Trong các kiến nghị của Ban Đô thị và các Đoàn liên ngành đều yêu cầu các lực lượng phải thực hiện nghiêm. Nếu ở đâu để xảy ra vi phạm nhiều thì người đứng đầu lực lượng phải chịu trách nhiệm”, ông Quân nói.
Đánh giá về phương án lắp camera, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho rằng, đây là ý tưởng, chủ trương tốt, nhưng khúc mắc lớn nhất là kinh phí quá lớn, bên cạnh đó phải có chế tài xử phạt qua hình ảnh.
“Làm thế nào để phát hiện được kịp thời các vi phạm bởi nếu chỉ dùng sức con người thì không khả thi. Nếu đủ điều kiện chúng ta áp dụng công nghệ thông tin cùng với các chế tài xử phạt qua hình ảnh. Đây là công cụ hỗ trợ rất tích cực trong việc thực thi chính sách. Nhưng vấn đề là phải có kinh phí và làm sao đồng bộ cho hiệu quả”, ông Quân chia sẻ.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội.
TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên Đại học GTVT cho biết, phần lớn các nước phát triển đều không có tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng. Họ có các hệ thống siêu thị, giá thành rẻ như mua ở ngoài mà lại đảm bảo an toàn vệ sinh nên người dân đều có thói quen mua hàng trong siêu thị. Còn ở Việt Nam, các thành phố chưa giải quyết được tình trạng buôn bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường. Dư luận cho rằng, nếu không có sự dung túng của một số cán bộ có chức quyền, không thể có tình trạng lấn chiếm vỉa hè ngày càng nghiêm trọng như thời gian vừa qua.
Trong khi đó, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: “Việc lắp đặt camera để xử lý phạt nguội chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế. Việc xử lý vi phạm ngay nếu không cân nhắc cẩn thận cũng có thể phát sinh những vấn đề tiêu cực mà không đạt được hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, việc thu, phạt sẽ tiến hành như thế nào, có khôi phục được tất cả hình ảnh để xử lý không, lượng người vi phạm quá lớn như hiện nay thì xử lý sao cho xuể, cho dứt điểm cũng là những băn khoăn rất lớn từ dư luận”.
Đưa ra các giải pháp để tránh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng phải tạo ra hạ tầng, cơ sở vật chất, cần có một không gian riêng cho những người bán hàng rong. Tiếp đến là cần phải có những bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh để phục vụ sinh hoạt của cộng đồng dân cư… Quan trọng hơn hết, để làm được việc này Hà Nội phải soạn thảo thành các quy định trong luật và trình lên Quốc hội thông qua. Sau đó là đẩy mạnh tuyên truyền tới các cơ quan quản lý trên địa bàn, chính quyền quận, phường để thực hiện trên toàn thành phố.
Sẽ phạt nguội đến 25 triệu đồng?
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Chúng tôi kiến nghị thành phố ban hành quy định cho phép cảnh sát trật tự quận, phường sử dụng camera ghi lại hình ảnh nhà hàng, những điểm vi phạm để xử lý vi phạm mà không phải tổ chức “truy đuổi” như trong thời gian qua. Nếu chúng ta xử lý nghiêm theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/5/2016 với khung xử phạt là 25 triệu đồng một vi phạm trật tự hè phố, tôi nghĩ sẽ xử lý triệt để vấn đề này trong thời gian tới”.
Nhóm phóng viên
Theo Giadinhnet
Hà Nội ra quân tổng kiểm tra sức khỏe toàn bộ lái xe
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các DN vận tải phải tập trung rà soát, kiểm tra sức khỏe lái xe, đặc biệt là tập trung kiểm tra, phát hiện các trường hợp lái xe có sử dụng chất gây nghiện. Việc kiểm tra phải hoàn thành trước ngày 28/1.
Hà Nội sẽ có nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán
Trong cuộc họp ngày 17/1, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia đã có chỉ đạo kiểm tra toàn diện sức khỏe đối với lái xe. Thực tế là từ trước tới nay các DN vẫn yêu cầu lái xe kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhưng sau một số vụ TNGT thảm khốc vừa qua, chúng tôi đã chỉ đạo các DN phải tập trung rà soát, kiểm tra sức khỏe lái xe, đặc biệt là tập trung kiểm tra, phát hiện các trường hợp lái xe có sử dụng chất gây nghiện. Chúng tôi đang đôn đốc các DN, yêu cầu phải hoàn thành trước ngày 28/1".
Được biết, năm 2018 vừa qua, Bộ GTVT kết hợp với TP Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số công trình kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao năng lực phục vụ giao thông của Thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã cố gắng tổ chức giao thông hợp lý, giải quyết kịp thời những bất cập liên quan đến công tác hạ tầng, xử lý các điểm đen giao thông. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã phát triển VTHKCC, góp phần giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Tăng cường công tác xử lý vi phạm trật tự, ATGT.
Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ như trên, những năm qua, đặc biệt là năm 2018, Hà Nội đã giảm được nhiều điểm đen về UTGT, giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí; đảm bảo trật tự, ATGT phục vụ nhân dân đi lại trên địa bàn TP, nhất là vào các dịp cao điểm như ngày lễ, Tết.
Ông Viện cho biết thêm, xây dựng, phát triển giao thông thông minh là một trong những yêu cầu trọng tâm của Hà Nội trong năm 2019. Để triển khai từng bước, Sở GTVT đang tập trung xây dựng trung tâm điều hành giao thông chung của Thành phố. Trên cơ sở đó, ngành GTVT Thủ đô được phân công một số nhiệm vụ phối hợp với FPT cung cấp bản đồ giao thông thực, trực tuyến cho người dân trong quý 1/2019; tăng cường kết nối hệ thống camera giám sát.
Thành phố cũng đã có chủ trương giao cho 12 quận nội thành đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát đường phố, vừa để quản lý an ninh trật tự, vừa để phục vụ công tác điều hành, tổ chức, xử lý vi phạm giao thông; vừa để cung cấp thông tinh xây dựng bản đồ số giao thông của Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đã kiến nghị Bộ GTVT sớm xây dựng ứng dụng quản lý trực tuyến GPS của các loại hình xe kinh doanh vận tải. Hiện Tổng cục đường bộ Việt Nam đã có hệ thống quản lý rồi nhưng thường là hậu kiểm nên chưa ngăn chặn được kịp thời các vi phạm.
"Chúng tôi tin rằng nếu có ứng dụng quản lý trực tuyến sẽ kịp thời cảnh báo, ngăn chặn các vi phạm như: chạy quá tốc độ, chạy sai hành trình, xe dù bến cóc" - ông Viện khẳng định.
Được biết, hiện nay Sở GTVT đang tích cực triển khai các dự án giao thông trọng yếu như Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 3; cũng như một loạt các công trình kết nối giao thông giữa các khu đô thị, các khu trung tâm với ngoại thành.
Ông Viện chia sẻ thêm, để phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có rất nhiều chỉ đạo đối với Sở GTVT cũng như các đơn vị, địa phương liên quan, triển khai sớm các kế hoạch đảm bảo trật tự, ATGT. Trong đó, ngành GTVT Thủ đô phải duy tu, duy trì, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng lưu thông thuận lợi, an toàn nhất. Ngoài các biện pháp thường xuyên, hiện Sở GTVT đang thực hiện nâng cấp, cải tạo, mở rộng một số đoạn tuyến Vành đai 2 và 3. Đoạn tuyến Vành đai 3 dưới thấp từ Nghiêm Xuân Yên - Phạm Hùng dự kiến sẽ được hoàn thành cải tạo, đưa vào sử dụng trước ngày 25 tháng Chạp tới; đường Láng là trước ngày 28 tháng Chạp. Khi đưa vào khai thác, sử dụng, 2 đoạn tuyến nêu trên sẽ góp phần giải quyết rất nhiều nút thắt giao thông.
Theo dự kiến của Bộ GTVT, tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2019. Để chuẩn bị cho việc này, Chính quyền Thành phố đã cho phép Sở GTVT triển khai một dự án kết nối hạ tầng, nhằm thuận lợi cho các phương tiện giao thông và người đi bộ dễ dàng tiếp cận với các điểm nhà ga của tuyến.
Sở GTVT cũng đã có phương án điều chỉnh hệ thống tuyến buýt cận kề khu vực này nhằm thu hút tối đa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị 2A. Được biết, Sở GTVT đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội xây dựng quy chế quản lý nhằm vận hành tốt tuyến số 2A khi Bộ GTVT bàn giao về cho Hà Nội.
Đối với lĩnh vực xe buýt, năm 2018 đã triển khai được 14 tuyến mới. Năm 2019, Thành ủy, HĐND, UBND TP vẫn tiếp tục chỉ đạo mở rộng tối đa mạng lưới xe buýt để nâng cao chất lượng VTHKCC. Dự kiến, kế hoạch năm 2019, Hà Nội sẽ mở mới từ 15 - 20 tuyến xe buýt mới; trong đó có một số tuyến buýt gom sử dụng xe nhỏ để có thể đi vào các tuyến đường có mặt cắt nhỏ, thu hút nhiều hành khách hơn cho các tuyến buýt hiện có.
Với điều kiện hiện nay, đặc biệt là khu vực trung tâm không thể mở mới được các tuyến đường nên chúng ta phải chọn giải pháp mở rộng, cải tạo, nâng cấp các tuyến hiện có. Khi mở rộng đều phải xem xét toàn diện, tối đa để đảm bảo đủ diện tích cho cả người đi bộ lẫn lưu thông của các phương tiện. Một số vị trí bắt buộc phải xén vỉa hè, dải phân cách, nhưng cũng có những khu vực sẽ được xem xét mở rộng vỉa hè, đảm bảo cho người đi bộ tiếp cận tốt hệ thống VTHKCC.
Ông Viện nhấn mạnh: "Trước mắt cần khẩn trương tổ chức vận tải, phục vụ nhân dân dịp Tết. Đặc biệt là tổ chức kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với phương tiện, khám sức khỏe người lái, làm sao đảm bảo tốt nhất năng lực phục vụ".
Hoàng Nam
Theo Infornet
Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ đề án cấm xe máy tại Hà Nội, TP.HCM Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ đề án cấm xe máy tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, song song với việc tổ chức giao thông tốt, đảm bảo người dân đi lại thuận lợi. Xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ đạo của người dân ít nhất trong thời gian tới. (Ảnh:...