Nhiều khu vực ở TPHCM ngập sâu
Cơn mưa lớn kéo dài hơn ba giờ kết hợp triều cường dâng cao vào chiều tối 16/9 khiến nhiều quận huyện ở TPHCM bị ngập sâu, làm đảo lộn cuộc sống và sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân.
Tại Bến Phú Định (quận 8), nước ngập lai láng trên đường, nhiều khu vực ngập sâu hơn nửa mét. Hàng loạt ô tô, xe hai bánh chết máy. Hàng trăm người bì bõm dắt xe dò dẫm giữa biển nước mênh mông, không còn phân biệt được đâu là đường, đâu là sông.
Nước sông dâng cao, tràn vào nhà dân hai bên đường. Nhiều hộ dân đắp bao cát trước cửa chắn nước nhưng vẫn không ngăn được những đợt sóng lớn phát sinh mỗi khi xe tải vọt qua.
Có hộ phải tát nước hoặc vận hành máy bơm hút nước ra khỏi nhà. Các công ty, xí nghiệp cũng phải kê hàng hóa lên cao để tránh bị thiệt hại do đợt mưa lớn này.
Ông Nguyễn Xuân Hải (54 tuổi, ngụ 361/23 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân) nói: “Vợ chồng tôi trực chiến từ chiều tới giờ để tát nước. Tát ra hết thì nước lại tràn vào nhà. Cực hết biết”. Các tuyến đường Lê Cơ (Q.Bình Tân), An Dương Vương (phường 16, Q.8)… nhiều đoạn bị ngập rất sâu.
Đặc biệt, đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn từ chân cầu Lò Gốm đến ngã tư Hồ Ngọc Lãm) vừa mới thông xe hơn một năm cũng bị ngập lênh láng khiến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân bị đảo lộn.
Một số hộ dân bức xúc cho biết, tuyến đường An Dương Vương (thuộc phường 16, Q.8) dù mưa to hay nhỏ, có triều cường hay không vẫn bị ngập, đặc biệt là đoạn gần khu dân cư Lê Thành.
Video đang HOT
Ngập nặng trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) do mưa lớn kết hợp triều cường (Ảnh: HT)
Đường bị ngập do không có hệ thống thoát nước, mặt đường lại quá thấp. Tiếp xúc cử tri, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cam kết sẽ thi công lắp đặt hệ thống thoát nước đường An Dương Vương nhưng hết năm này sang năm khác vẫn chưa thực hiện.
Trao đổi với PV, đại diện Trung tâm chống ngập nước TPHCM cho biết một số tuyến đường trong lưu vực kênh Tân Hóa- Lò Gốm bị ngập nước thường xuyên khi có mưa.
Nguyên nhân là do dự án thành phần 4 “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm” đang triển khai thi công gói thầu xây lắp số 1, số 2 và số 3 đã cho lấp kênh, thay thế bằng cống hộp.
Tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm có nhiệm vụ thoát nước cho lưu vực khoảng 1.446 ha nhưng đơn vị thi công chỉ dẫn dòng thi công bằng cống tròn đường kính 1.200mm không đảm bảo thoát nước cho khu vực.
Vừa qua, UBND TPHCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thi công khắc phục song tình trạng ngập úng vẫn tiếp tục xảy ra.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều cường đo tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) vào tối 16/9 đạt 1,34m, xấp xỉ mức báo động II.
Trong những ngày tới, triều cường có khả năng dâng cao hơn. Đến ngày 18 -9, đỉnh triều sẽ lên mức 1,43m (trên mức báo động II).
Trong khi đó, thời tiết khu vực Nam bộ chịu ảnh hưởng bởi dải hội tụ nhiệt đới đi qua giữa Nam Trung bộ và Trung Trung bộ nối với vùng thấp ở giữa biển Đông và cơn bão Sanba.
Vì vậy, thời tiết khu vực này tiếp tục xấu, có mưa rào và dông, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Nhiều khả năng triều cường ở TPHCM sẽ dâng cao hơn so với dự báo nếu xuất hiện mưa to, gió mạnh.
Các quận có địa hình thấp như 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn cần chủ động ứng phó triều cường.
Theo 24h
Sống bám mặt đường
Đi từ Bắc tới Nam, tiêu biểu là theo quốc lộ 1, sẽ thấy khắp nơi dân ta ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi, hiếu hỉ... cách vệt bánh xe, bánh tàu chỉ vài mét. Khoảng cách giữa sự an toàn và không an toàn đôi khi cực mong manh...
Trong phim hành động Mỹ, thường xuyên có cảnh các ô tô rượt đuổi nhau đâm sầm qua những khu nhà cửa, lều trại trong sự tán loạn của mọi người và chỉ kết thúc khi xe bị lộn mấy vòng, bốc cháy đùng đùng, nhưng chẳng ai chết cả, tất cả lại lồm cồm chui từ trong xe ra.
Tất nhiên, đó là phim. Còn chiếc xe Everest mất lái ở Quảng Nam, thì chỉ đâm vào quán ăn sáng đã dừng lại. Nhưng dưới gầm xe là 7 người chết, trong đó có 6 trẻ em, ngoài ra còn 3 người bị thương. Họ chết tức tưởi khi đang chờ ăn mì trong quán... Sự việc khiến người ta bàn tán râm ran một thời gian dài, và rồi dường như nỗi đau chỉ ở lại trong gia đình, họ hàng những người xấu số. Vâng, còn những người khác thì quên đi nhanh chóng. Tôi dám khẳng định điều đó, vì sau nỗi sợ hãi chốc lát với những chiếc xe điên, hàng ngày, hàng giờ đi trên đường tôi vẫn thấy hàng trăm hàng ngàn hàng vạn người ngồi chổng mông ra hè đường, ngay sát dòng xe cộ đang lao vùn vụt và điềm nhiên ăn uống, giặt giũ, vui đùa, điềm nhiên sống. Ngay sát sạt họ, những chiếc xe đang lao sầm sập, không ai dám chắc là tài xế trong xe luôn tỉnh táo.
Ô tô mất lái đâm sập nhà ven đường tại Thanh Hóa. Ảnh: Dantri
Chuyện dân ta đua nhau nhao ra quốc lộ để sống vốn chẳng có gì lạ. Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ cho đến đường liên xã, liên thôn..., xưa kia có lẽ là những con đường hết sức bé nhỏ, vòng vèo qua thôn xóm, nương theo hình thế đất đai mà đi, chứ chưa có cái tư duy xẻ núi, bạt đồi thẳng tiến như thời hiện đại. Ngay cả những con đường làm từ thời Pháp thuộc cũng khá tiết kiệm khâu san lấp, nên có nhiều đoạn khúc khuỷu, quanh co... Và thế là trong cả thế kỷ qua, người ta đã thay đổi từ chỗ sống bám theo sông ngòi, kênh rạch sang xây nhà cửa sống bám theo các trục đường như đàn ruồi bâu lấy khúc dồi. Trung bình cứ vài ba km quốc lộ thì "đàn ruồi" đủ lớn để hình thành một thị tứ, vài chục km thành một thị trấn, và trong khoảng trăm km có một thị xã, hai ba trăm km là có một thành phố... Quy mô cấu trúc của các tổ chức dân cư ấy có thể khác nhau, nhưng đều chung ở chỗ bám lấy mặt đường để... hít bụi. Hai bên quốc lộ có hành lang an toàn theo quy định rộng hàng chục mét mỗi bên, nhưng nghiễm nhiên biến thành sân trước, vườn trước nhà mình, tha hồ trồng cây cối, rau cỏ, rào giậu lại hay biến thành nơi kinh doanh dịch vụ. Nhà cửa bám vào đoạn đường thẳng thì không sao, kinh nhất là những đoạn quốc lộ vòng vèo, xe cộ cứ như đâm sầm vào giữa nhà!
Ở quê tôi, có một gia đình mua đất, xây nhà ngay ở khúc cua của quốc lộ, kết quả là một đứa cháu chơi ở ngoài hè đường bị xe đám ma chạy tuyến Hà Nội - Yên Kỳ chẹt chết, còn ông bố già thì bị xe cán gãy chân, chưa kể một năm không biết mấy lần xe ô tô lỡ trớn phi vào vườn nhà. Có ông đọc sách biết võ vẽ tí chút về phong thủy ra xem khẳng định rằng cái nhà ở đó xây ở chỗ đất xấu, bị "lưỡi gươm" chĩa vào nên không tránh được tai họa. Mọi người nhìn lại thì đúng thật. Con đường thẳng vút chẳng khác gì lưỡi gươm tuốt trần đâm vào sườn nhà. Còn xe cộ thì chạy điên cuồng trên đó chẳng khác thì đám quỷ sứ đi dồn người dưới âm ti địa ngục. Người khác lại bảo tuyến đường này lắm xe đưa ma, nên nhiều xui xẻo. Mãi sau này, khi mở rộng quốc lộ, căn nhà ấy bị bạt đi một nửa. Các kỹ sư cầu đường khẳng định rằng độ nghiêng của mặt đường ở khúc cua, theo thiết kế từ thời Pháp không đảm bảo, nên các xe phóng nhanh thường bị mất lái.
Và xe mất lái chui hẳn vào nhà. Ảnh: NLĐ
Có những cái chết oan do chẳng may gặp phải chiếc xe bị mất lái như 7 người xấu số dưới bánh chiếc "xe điên" nói trên, dù họ đã ngồi hẳn trong quán. Nhưng điều đáng nói là các vụ việc như thế (xe tông đổ quán, đổ nhà...) không phải là hy hữu nữa. Điều đó đặt ra câu hỏi, những căn nhà ven quốc lộ đã được bảo vệ như thế nào, khi dưới lòng đường các xe được chạy với tốc độ 80 km/h bất kể ngày đêm. Nhà cửa sát với lòng đường sao không hề có rào chắn bảo vệ? Những chiếc xe mất lái dẫu sao cũng là tai nạn hy hữu, nhưng quả thực tôi tê tái người mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ tung tăng vui chơi trước nhà, ngay rìa quốc lộ và chúng cứ thế lớn lên.
Thực ra sống gần đường vẫn chưa phải là thảm họa. Thảm họa chính là do sự lấn chiếm. Đường phố chật hẹp, cứ về chiều là tắc. Điều đó ai cũng biết, và đương nhiên cái hàng phở bày 2 dãy bàn ra vỉa hè ấy cũng biết. Thế nhưng đường tắc mặc tắc, mặc xe cộ nhao hết lên vỉa hè tìm đường thoát, đám người ăn phở vẫn húp sì sụp trên vỉa hè, chổng mông ra đường mà ăn, cái ghế họ ngồi chỉ cách các mũi xe đang gầm gừ có phải centimet. Xe cộ tất nhiên phải tránh họ. Vào giờ đó chỉ cần ai đó bưng bát phở lên, dịch cái ghế, cái bàn vào trong một tí thì đám tắc đã giảm đi đáng kể. Nhưng chẳng ai thấy tức mắt về chuyện đó cho nên quán phở ấy vẫn tồn tại cho đến giờ, và ngày càng đông khách.
Con ngõ vào nhà ông anh tôi xưa nay vẫn thấy nó giống hệt một cái hang nhớp nháp, hai xe máy tránh nhau đã khó. Thế mà tình cờ sang chơi lúc khuya khoắt, tôi bất ngờ thấy con ngõ rộng thênh thang, lái xe ô tô vào được tận nơi. Thì ra ban ngày, hàng quán hai bên lấn chiếm, mỗi người nống ra một tí, người thì đặt mẹt rau, vại dưa, người thì kê ba hòn gạch để dắt xe vào nhà..., thế là con ngõ biến thành một cái hang chuột. Ông anh tôi ngậm ngùi bảo: Cứ hôm vào về khuya thì đánh được xe ô tô vào nhà, nhưng sáng phải đánh ra sớm, nếu không thì phải gửi xe ở bãi ngoài! Đi lại ở Hà Nội, nếu không đêm khuya thì tinh sương, khi hàng quán chưa mở cửa, và các chợ cóc chợ tạm chưa bâu lấy các trục đường, thành phố thanh bình như trở về với những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Ti-vi vừa đọc oang oang con số rợn người: 5 tháng đầu năm nay gần 4.000 người chết vì tai nạn giao thông
Hành lang an toàn đường bộ
Đối với đường ngoài đô thị: căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn của đường có bề rộng tính từ mép của đường bộ trở ra hai bên là:
- 47 mét đối với đường cao tốc.
- 17 mét đối với đường cấp I, cấp II.
- 13 mét đối với đường cấp III. - 9 mét đối với đường cấp IV, cấp V.
- 4 mét đối với đường có cấp thấp hơn cấp V Theo VNE
Quốc lộ 50 chi chít ổ gà, ổ voi Quốc lộ 50, đoạn từ TP Mỹ Tho đi huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) dài hơn 10km đang bị xuống cấp nghiêm trọng với vô số ổ gà, ổ voi chi chít trên mặt đường. Ôtô đi qua đoạn đường này vừa phải "bò", vừa phải chạy hình chữ Z để tránh những ổ voi lớn khiến xe thường lấn sang phần đường...