Nhiều kế hoạch trọng tâm hướng đến mốc 10 năm VSD
Trao đổi với ĐTCK, ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, tổng giá trị thanh toán giao dịch chứng khoán qua VSD năm 2015 đạt gần 1.502.571 tỷ đồng, đây là mức thanh toán cao nhất của thị trường từ trước đến nay.
Ông Dương Văn Thanh
Năm 2016, VSD thực hiện nhiều kế hoạch trọng tậm, hướng đến mốc 10 năm VSD và 20 năm UBCK.
Năm 2015, TTCK các nước trong khu vực và thế giới biến động mạnh, nhưng TTCK Việt Nam vẫn tương đối ổn định, quy mô vốn hóa thị trường tăng lên đáng kể và được coi là điểm sáng trong khu vực về thu hút dòng vốn gián tiếp. VSD, với vai trò là tổ chức thực hiện thanh toán bù trừ cho thị trường, đã có những kết quả và đóng góp ra sao đối với thị trường?
Có thể khẳng định, năm 2015 đã ghi nhận những bước tiến và nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tạo dựng nền tảng cho sự phát triển của TTCK các năm tiếp theo.
Với rất nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy thị trường được ban hành và triển khai, cùng với đó là sự khởi sắc của kinh tế vĩ mô đã giúp cho TTCK Việt Nam đạt được những thành công nhất định trong điều kiện TTCK nhiều nước có chiều hướng suy giảm.
Đối với các dịch vụ hỗ trợ sau giao dịch, hầu hết các chỉ tiêu định lượng đều có sự tăng trưởng so với năm 2014 và các năm trước đó. Về hoạt động đăng ký, lưu ký chứng khoán, tính đến 15/12/2015, đã có 1.173 tổ chức phát hành đăng ký chứng khoán, với tổng số dư hơn 73 tỷ chứng khoán; trong đó, số lượng đăng ký mới phát sinh trong năm 2015 là gần 9,1 tỷ chứng khoán, tăng 165% so với số lượng đăng ký mới 2014. Số lượng chứng khoán lưu ký tại VSD đạt gần 43,5 tỷ chứng khoán, tăng hơn 19% so với cuối năm 2014.
Về hoạt động thanh toán, tổng giá trị thanh toán giao dịch chứng khoán qua VSD đạt gần 1.502.571 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2014 và là mức thanh toán cao nhất của thị trường từ trước đến nay.
Điều đáng ghi nhận là mặc dù giá trị thanh toán giao dịch tăng, nhưng kỷ luật thanh toán của thị trường đã được nâng lên rõ rệt, ý thức chấp hành quy định về thanh toán của các thành viên được cải thiện.
Số lần và số tiền sử dụng Quỹ Hỗ trợ thanh toán để thực hiện phát vay trong năm 2015 giảm mạnh, chỉ có duy nhất một thành viên phải sử dụng với số tiền 673 triệu đồng, trong khi năm 2013, 2014 có thành viên lưu ký phải sử dụng Quỹ hỗ trợ thanh toán với số tiền là 21,65 tỷ đồng.
Các kết quả hoạt động nghiệp vụ nêu trên của VSD đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì sự vận hành an toàn và phát triển ổn định của thị trường.
Bên cạnh những kết quả trên, trong năm 2015, VSD đã có nhiều đề xuất về hoạt động cho thị trường được đón nhận như phương án rút ngắn thời gian thanh toán xuống T 2 và cấp mã số giao dịch trực tuyến cho NĐT nước ngoài. Công tác chuẩn bị của VSD đối với việc triển khai các công việc này hiện đến đâu, thưa ông?
Thực hiện mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam mà cơ quan quản lý đề ra, trong năm 2015, VSD đã chủ động đề xuất áp dụng nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của TTCK theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, trong đó có phương án rút ngắn thời gian thanh toán từ T 3 xuống T 2 và cấp mã số giao dịch trực tuyến cho NĐT nước ngoài.
Video đang HOT
Đến nay, mọi khâu chuẩn bị cho 2 phương án trên đã hoàn tất và sẵn sàng triển khai kể từ ngày 1/1/2016.
Theo nhiều nhận định, bước sang năm 2016, bên cạnh những cơ hội, TTCK Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Xin ông cho biết những kế hoạch cụ thể mà VSD sẽ triển khai trong năm nay để tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của thị trường?
Năm 2016 là năm đặc biệt, kỷ niệm 20 năm ngành chứng khoán Việt Nam và đánh dấu chặng đường 10 năm hoạt động của VSD. Nhận thức được ý nghĩa này, trong năm 2016, nhiều kế hoạch trọng tâm sẽ được VSD triển khai để đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của thị trường:
Thứ nhất, tiếp tục củng cố và hoàn thiện các mặt hoạt động để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho thị trường. Trong năm 2016, sẽ có nhiều cơ chế hoạt động mới của thị trường bắt đầu có hiệu lực và nhiều sản phẩm mới được triển khai.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường, kịp thời triển khai ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCK, VSD sẽ tiếp tục bám sát các diễn biến hoạt động của thị trường, từ đó sẵn sàng đưa ra các giải pháp thực hiện và cùng với đó là việc tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp cung cấp dịch vụ với các thành viên, tổ chức phát hành.
Thứ hai, hoàn thành công tác chuẩn bị cho việc triển khai chức năng bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh theo mô hình đối tác trung tâm (CCP). Các công tác chuẩn bị về cơ chế pháp lý và hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động này đang được VSD phối hợp với UBCK và Sở GDCK Hà Nội triển khai một cách tích cực và sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới để sẵn sàng cho việc triển khai chính thức TTCK phái sinh từ cuối năm 2016.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thanh toán, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán thông qua việc triển khai Đề án chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đến nay, cơ bản các nội dung của đề án này đã được Bộ Tài chính và NHNN thông qua. Sau khi Đề án được phê duyệt, VSD sẽ phối hợp với đơn vị chức năng của NHNN triển khai thanh toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ theo thông lệ chuẩn quốc tế.
Hải Vân thực hiện
Theo NTD
10 điểm nhấn kinh tế nổi bật năm 2015
Vượt lên nhiều khó khăn thách thức, kinh tế Việt Nam năm 2015 được các tổ chức quốc tế đánh giá là "một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế châu Á". Báo Đầu tư xin điểm lại 10 điểm nhấn kinh tế nổi bật trong năm qua, có tác động mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư - kinh doanh trong năm mới.
1. Lạm phát thấp kỷ lục
Năm 2015, lạm phát 0,6% - mức thấp nhất trong 14 năm gần đây. Đây là kết quả của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô cùng với việc giảm giá nhiên liệu.
Lạm phát thấp sẽ tạo điều kiện để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, qua đó giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.
2. GDP tăng trưởng ấn tượng
Tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,68% - mức cao nhất trong 8 năm qua. Kết quả này nhờ sự phục hồi khả quan của ngành sản xuất công nghiệp, lòng tin của người tiêu dùng được lấy lại do lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng đáng kể.
3. FDI khởi sắc
Tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 22,76 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước và tăng gấp đôi so với năm 2009. Điều này cho thấy xu hướng phục hồi mạnh mẽ của dòng vốn FDI, thể hiện lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế đang đòi hỏi phải sàng lọc, nâng cao chất lượng và tác động lan tỏa của FDI, đồng thời có chính sách khuyến khích khu vực kinh tế trong nước phát triển nhanh hơn nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
4. Giá dầu giảm kỷ lục
Tiếp tục đà suy giảm trong cả năm, giá dầu thô những phiên cuối năm 2015 "dò đáy" ở mức dưới 40 USD/thùng - mức thấp nhất trong 7 năm qua. Giá dầu giảm một mặt làm giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô, mặt khác tác động tích cực đến sản xuất trong nước nhờ giảm chi phí sản xuất.
5. Hàng loạt FTA được ký kết
Năm 2015 đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với khu vực và thế giới. Sau 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực, như FTA với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới đang đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả ở cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm để có thể tận dụng được các cơ hội mới, đồng thời đứng vững trên "sân nhà".
6. Đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế
Có thể nói, năm 2015 là năm ghi đậm dấu ấn về đổi mới thể chế kinh tế. Nhiều đạo luật mới được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực trong năm 2015, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và tạo khung khổ pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Điều hết sức có ý nghĩa là, các đạo luật mới cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm đổi mới và cải cách, tiếp cận thông lệ quốc tế, đồng thời phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
7. Rốt ráo cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Trong suốt cả năm, chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã trở thành chủ đề sôi động, nóng bỏng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, tạo áp lực lớn đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hóa DNNN đang phải đối mặt với nhiều lực cản, thách thức và chưa đạt kết quả như mong muốn của Chính phủ cả về tiến độ và chất lượng. Năm 2015, cả nước mới cổ phần hóa được 200/289 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các DNNN đã được cổ phần hóa chưa tạo được sự chuyển biến cơ bản về nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động.
8. Lãi suất, tỷ giá diễn biến theo chiều hướng tích cực
Cùng với những kết quả tích cực trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, năm 2015 ghi nhận những chuyển biến tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ.
Lạm phát thấp đã cho phép điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm giá vốn. Mặt khác, trong bối cảnh Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ, Việt Nam cũng đã có sự điều chỉnh tỷ giá hợp lý, để vừa khuyến khích gia tăng xuất khẩu, vừa giữ ổn định giá trị VND.
9. Thị trường bất động sản phục hồi
Năm 2015 ghi nhận sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam qua những con số về sự tăng giá liên tục của nhiều dự án cũng như việc giải quyết hàng tồn kho và thanh khoản tăng cao.
Tuy nhiên,việc đầu tư quá thái, kém hiệu quả của một số tập đoàn bất động sản dựa vào nguồn vốn ngân hàng đang đặt ra cảnh báo về nguy cơ tái gia tăng nợ xấu.
10. Kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện
Tiếp sau việc đưa vào hoạt động tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, khánh thành cầu Nhật Tân và đường cao tốc Hà nội - Nội Bài vào đầu năm, việc khánh thành tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km vào đầu tháng 12/2015 là dấu mốc quan trọng trong quá trình đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải.
Việc khánh thành và đưa vào hoạt động nhiều công trình giao thông - vận tải trong năm 2015 đã góp phần quan trọng tạo bước đột phá mới về kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế trong những năm tới.
baodautu.vn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Năm 2015, Vietnam Arilines thu lợi nhuận bao nhiêu tỉ? Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VietNam Airlines) cho biết trong năm 2015, Tổng công ty đã thực hiện trên 127.500 chuyến bay an toàn, tăng gần 3,5% so với cùng kỳ, vận chuyển được trên 17,4 triệu lượt khách, tăng 4,8% so với kế hoạch năm. Vietnam Airlines đưa vào sử dụng loại máy bay hiện đại nhất thế giới hiện...