Nhiều học giả lên án Trung Quốc “xâm lược môi trường biển”
Ngày 8/8, tại thành phố Hải Phòng, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã tổ chức Tọa đàm khoa học về “Môi trường Biển Đông – Ứng xử của con người” với sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế.
Tham dự tọa đàm có hơn 70 đại biểu đến từ các cơ quan khoa học Việt Nam, Philippines, Hoa Kỳ, Bỉ và một số tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam.
TS Trần Công Trục phát biểu tại tọa đàm “Môi trường Biển Đông- Ứng xử của con người” (Ảnh: báo Nhân dân)
Trong buổi tọa đàm, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã trình bày các tham luận về các vấn đề môi trường, về tự do, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Các đại biểu tham gia tọa đàm cũng đã thảo luận sôi nổi để làm sáng tỏ và bổ sung các nghiên cứu, bày tỏ quan điểm và đề xuất các giải pháp liên quan đến các vấn đề trên.
Video đang HOT
Thông qua đó, các đại biểu tham gia tọa đàm đều cho rằng Biển Đông là một trong những hệ sinh thái biển lớn (large marine ecosystem) rất quan trọng của thế giới. Khu vực Biển Đông giàu tài nguyên thiên nhiên và là nơi duy dưỡng của khoảng 300 triệu người có sinh kế hàng ngày phụ thuộc vào nguồn lợi của biển này. Biển Đông cũng được ví như một &’Ngã ba đường’ của thế giới với tuyến hàng hải quốc tế quan trọng nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hàng ngày có khoảng 300 tàu, trong đó có 200 tàu chở dầu đi qua vùng biển này.
Các đại biểu tiếp tục khẳng định Biển Đông có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với các quốc gia xung quanh mà còn đối với khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và toàn thế giới. Khu vực biển này chứa đựng các lợi ích đan xen giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực Biển Đông, đặc biệt là các quyền tự do hàng hải qua và tự do hàng không trên Biển Đông theo quy định của Công ước của liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Chính vì thế, Biển Đông cũng là nơi xảy ra các tranh chấp về chủ quyền phức tạp, nhiều bên, kéo dài, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, các đại biểu tham dự tọa đàm đều quan ngại về sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường biển, gia tăng các sự cố tràn dầu do tác động của con người, sự gia tăng căng thẳng do những tuyên bố và hành động đơn phương của Trung Quốc gần đây đang đe dọa đến môi trường, sinh thái, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông.
Giáo sư E. D. Gomez đến từ Viện Khoa học biển, Đại học tổng hợp Philippines cho rằng trong lúc vội vàng giành lấy sự kiểm soát Biển Đông, Chính phủ và lãnh đạo quân đội Trung Quốc có vẻ như rất ít hoặc không hề quan tâm tới sự thật rằng những rạn san hô, thảm cỏ biển và những hệ sinh thái biển nông ở Biển Đông đang bị phá hủy và bị chôn vùi một cách nhanh chóng. Tính đến cuối tháng 7/2015, Trung Quốc đã san lấp (“khai phá”) mở rộng trên 1.200 hecta &’đảo nhân tạo’ và còn phá hủy nhiều ngàn hecta rạn san hô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển nông khác để lấy làm vật liệu tôn tạo các &’đảo nhân tạo’ trên (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – PV). Việc làm này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm chính Trung Quốc với số tiền ước tính khoảng 400 triệu đôla một năm. Nếu Trung Quốc không dừng hoạt động khai phá và bồi đắp các bãi cạn thì thiệt hại còn tiếp tục tăng.
Các hành vi trên của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên vốn có của các bãi cạn, các đá rạn san hô và rạn san hô vòng (alton) ở quần đảo Trường Sa, mà còn &’cắt đứt’ mối liên kết sinh thái giữa quần đảo này với phần còn lại của Biển Đông. Điều này gây ảnh hưởng rộng hơn đến khả năng cung cấp dinh dưỡng, nguồn giống và nguồn lợi thủy sản cho phần lớn Biển Đông và các vùng biển phụ cận của các quốc gia trong khu vực.
Ngoài ra, hoạt động khai thác hải sản mang tính hủy diệt của con người trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy thoái hệ sinh thái và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài như: rùa biển, một vài loài cá mập và các giống cá khác, đặc biệt là loài trai tai tượng. Việc tiêu diệt các quần thể trai tai tượng ở các bãi cạn Hoàng Nham (Trung Quốc chiếm giữ của Philippines từ cuối năm 2012) cộng với khai thác khối lượng lớn các loại vỏ sinh vật từ bề mặt bãi cạn dẫn tới sự nhiễu loạn sinh thái kéo dài, tiêu diệt nhiều loài sinh vật đáy,… Những chiếc vỏ như vậy được chạm khắc tinh tế, bán cho du khách và người địa phương ở Hải Nam, Trung Quốc (GS. Gomez phàn nàn).
Những tuyên bố đơn phương, phi lý của phía Trung Quốc về “Đường lưỡi bò”, về Lệnh cấm đánh bắt thủy sản đơn phương theo mùa và một loạt hành động nguy hiểm gần đây khi tôn tạo bãi cạn, đá rạn san hô thành các &’đảo nhân tạo’ và &’căn cứ quân sự’ (xâm phạm quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cũng như chậm thực hiện DOC và kéo dài sự chuẩn bị COC,… bất chấp sự phản đối của các nước và các tổ chức quốc tế, rõ ràng đã cản trở đến tự do hàng hải và hàng không trong khu vực biển này.
Các nhà khoa học cho rằng Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các công ước quốc tế có liên quan, đặc biệt là Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng (CTTES) và UNCLOS 1982, vi phạm điều 5 trong Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà chính Trung Quốc đã cam kết. Các hành động và ý đồ trên là không thể chấp nhận, phải bị lên án mạnh mẽ hơn nữa để buộc phía Trung Quốc dừng hành vi phi lý, từ bỏ tham vọng &’độc chiếm Biển Đông’, sớm đưa khu vực trở lại trạng thái ổn định và bảo đảm các quyền tự do biển cả cơ bản trong khu vực.
Tọa đàm khuyến nghị các quốc gia đang làm suy thoái và hủy hoại những hệ sinh thái biển nông, phải chấm dứt những hành động xâm hại tới năng suất và đa dạng sinh học của các vùng biển trong Biển Đông; ngăn chặn việc khai thác các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cũng như khai thác hải sản quá mức và mang tính hủy diệt, đảm bảo tính bền vững, không hủy hoại hay xâm hại các hệ sinh thái ở vùng biển quan trọng này của thế giới.
Tự do hàng hải và tự do hàng không được quy định rất rõ trong UNCLOS 1982 là căn cứ quan trọng để các quốc gia trong và ngoài khu vực Biển Đông thực hiện các quyền này. Trung Quốc không được cố ý diễn giải sai UNCLOS 1982 và dừng ngay các đe dọa quân sự và hoạt động quân sự &’trá hình’ để tạo môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi giữa các bên liên quan.
Bên cạnh đó, Tọa đàm khuyến nghị cần tăng cường và phát huy vai trò của ASEAN trong việc đàm phán với Trung Quốc để góp phần giải quyết các tranh chấp chủ quyền trong khu vực Biển Đông trên tinh thần &’cao thượng’, tạo dựng lòng tin, thúc đẩy thực hiện tốt điều 5 và điều 6 trong Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng và thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).
Các nước lớn cần gương mẫu trong việc chấp hành các quy định của luật pháp quốc tế, tạo tiền đề để các quốc gia khác cùng nghiêm túc thực hiện. Đồng thời các quốc gia trong khu vực phải có giải pháp, cơ chế giám sát môi trường Biển Đông do hoạt động mở rộng, tôn tạo bãi cạn và giáo dục ngư dân về ý thức bảo vệ môi trường sinh thái biển và nguồn lợi hải sản.
Ngoài ra, tọa đàm cũng khuyến nghị cộng đồng quốc tế cần lên án hành vi sai trái, &’quân sự hóa’ khu vực quần đảo Trường Sa để tránh xung đột gây thảm họa khôn lường cho môi trường và sinh thái Biển Đông. Thậm chí phải sử dụng trọng tài quốc tế hoặc tòa công pháp quốc tế xử công khai tội gây thảm họa môi trường tương tự như tội &’xâm lược môi trường’.
Khuyến nghị Chính phủ Việt Nam phối hợp với các quốc gia liên quan ủng hộ và tạo điều kiện để các nhà khoa học tiếp tục hợp tác nghiên cứu sâu hơn, đưa ra các kết luận rõ ràng hơn về các tác động xấu đến môi trường, sinh thái, tự do và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Thiết lập và thực hiện một &’Cơ chế vùng ở Biển Đông’ để tăng cường hợp tác về môi trường giữa các quốc gia trong khu vực. Tổ chức định kỳ &’Tọa đàm/Diễn đàn về Môi trường và An ninh hàng hải Biển Đông’ để tạo cơ hội cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu, phát hiện mới và các kiến nghị giải pháp liên quan đến các vấn đề cấp bách trên.
Tọa đàm cũng kêu gọi các Tổ chức quốc tế, các quốc gia, vùng lãnh thổ và các nhà tài trợ khác có các hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường trước mắt và lâu dài ở Biển Đông trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động về Đại dương và Biến đổi khí hậu hậu Rio 20.
Theo Infonet