Nhiều hãng hàng không né không phận Sinai sau vụ rơi máy bay Nga
Thêm hãng Emirates của Dubai theo chân Lufthansa (Đức) và Air France (Pháp) cho biết tránh bay qua không phận bán đảo Sinai ở Ai Cập, sau khi một máy bay hành khách của Nga rơi ở khu vực này.
Một mảnh vỡ máy Airbus A321 tại hiện trường vụ rơi máy bay hành khách Nga ở Sinai, Ai Cập ngày 31.10 – Ảnh: Reuters
Sáng 1.11, hãng hàng không Emirates của Dubai thông báo tạm dừng các chuyến bay ngang qua không phận Sinai của Ai Cập cho đến khi có thông tin mới.
Trước đó, hãng hàng không Lufthansa (Đức) và Air France (Pháp) ngày 31.10 cho biết đã thay đổi lộ trình các chuyến bay đi qua khu vực này, theo The New York Times (Mỹ).
Đây là một dấu hiệu cho thấy trong những năm gần đây các hãng hàng không ngày càng trở nên cảnh giác về việc bay qua những khu vực có xung đột.
Máy bay Airbus A321 của hãng không Nga Kogalymavia (thương hiệu Metrojet) rơi ở bán đảo Sinai, Ai Cập vào ngày 31.10, khiến tất cả 224 người trên máy bay thiệt mạng.
Video đang HOT
Chiếc Airbus A321 cất cánh từ thành phố Sharm el-Sheikh (Sinai) vào lúc 5 giờ 51 (giờ địa phương) ngày 31.10, biến mất khỏi màn hình 23 phút sau đó và rơi xuống vùng đồi núi hoang vắng ở miền trung Sinai.
Nhiều hãng hàng không trên thế giới hiện đã tránh bay qua không phận của một số quốc gia ở Trung Đông, bao gồm Iraq và Syria.
Ngành hàng không dân dụng thế giới đã thay đổi nhận thức về những mối đe dọa sau khi máy bay của hãng Malaysia Airlines (chuyến bay MH17), bị bắn rơi khi bay qua miền đông Ukraine, nơi xảy ra giao tranh giữa phe ly khai thân Nga và lực lượng quân đội Ukraine hồi năm 2014. Tất cả 298 người trên MH17 đều thiệt mạng.
Nhưng việc thay đổi lộ trình bay đồng nghĩa thời gian chuyến bay kéo dài hơn, tốn nhiều nhiêu liệu và chi phí hơn đối với các hãng hàng không, theo The New York Times.
Sau vụ MH17, Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên Hiệp Quốc, và Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA), đã phối hợp xem xét lại những chính sách và tìm kiếm những biện pháp nhằm tăng cường chia sẻ thông tin về những vùng có xung đột.
Hiện tại, nhiều hãng hàng không trên thế giới phải tự đánh giá nguy cơ, rủi ro khi bay qua những vùng có xung đột.
Chính quyền Mỹ lo ngại về những mối đe dọa mà các hãng hàng không phải đối mặt ở Sinai. Hồi tháng 3.2015, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ từng cảnh báo các hãng hàng không có chuyến bay đi qua bán đảo Sinai “có nguy cơ gặp nguy hiểm do những hoạt động của các phần tử cực đoan vốn là mối đe dọa nghiêm trọng cho an toàn hàng không dân dụng Mỹ”.
Một nhánh của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tuyên bố bắn hạ máy bay Airbus A321 của Nga ngày 31.10, nhưng Nga bác bỏ thông tin này.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Phiến quân IS nói đã bắn hạ máy bay hành khách Nga (?)
Một số tay súng của lực lượng khủng bố IS ở Ai Cập đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ bắn rơi máy bay hành khách của Nga ở tỉnh Sinai, Ai Cập.
Các thân nhân nạn nhân trong vụ rơi máy bay hành khách của Nga - Ảnh: Reuters
Reuters cho biết thông tin nhận trách nhiệm của IS được đưa trên trang Aamaq, trang thông tin được cho là cơ quan truyền thông của IS.
"Các tay súng của IS đã bắn hạ ở tỉnh Sinai một máy bay Nga chở 220 hành khách. Tất cả họ đã chết. Cám ơn thượng đế", một thông cáo được nói là của IS lan truyền trên Twittter, theo Reuters.
Báo Anh The Guardian cho biết chưa rõ tính xác thực của thông tin trên và chưa thấy giới chức Nga hay Ai Cập lên tiếng về thông tin nhận trách nhiệm của IS, lực lượng mà Moscow đang nhắm đến trong chiến dịch không kích cả tháng nay ở Syria. Đây có thể là cuộc trả thù của IS đối với Moscow nếu như thông tin trên là chính xác.
Một báo cáo hồi tháng 7.2015 của chuyên gia tạp chí quốc phòng IHS Jane's nói rằng một nhóm IS là Wilayat Sinai đưa ra những video tuyên truyền nói rằng những hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) của nhóm này có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao đến 22.000 feet (hơn 6.700 m), theo The Guardian. Tuy nhiên, thông tin ban đầu cho hay máy bay Nga bị rơi khi đang ở độ cao 31.000 feet, tức gần 9.500 m.
Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn tin từ lực lượng an ninh Ai Cập cho biết có thể lỗi kỹ thuật là nguyên nhân dẫn đến tai nạn thảm khốc cho chiếc máy bay này. Trước đó, giới chức an ninh Ai Cập cho rằng còn quá sớm để khẳng định vụ rơi máy bay có liên quan đến vấn đề an ninh hay khủng bố.
Máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Kogalymavia (Nga) chở 224 người (217 hành khách, gồm 214 người Nga và 3 người Ukraine, và phi hành đoàn 7 người đều là người Nga, theo Reuters) cất cánh từ sân bay ở Sharm el-Sheik (Sinai, Ai Cập) về St. Petersburg (Nga) lúc 5 giờ 51 phút giờ địa phương (10 giờ 51 phút giờ VN) sáng 31.10, và biến mất khỏi màn hình radar sau 23 phút. Ai Cập đã tìm thấy nơi máy bay của Nga rơi tại vùngHassana, cách thành phố Al Arish 35 km về phía nam.
Hãng hàng không Kogalymavia thành lập năm 1993, ban đầu có tên là Kolavia. Hãng này có 2 chiếc Airbus A320 và 7 chiếc A321. Hãng này còn có tên thương mại là Metrojet.
Tập đoàn Airbus cho hay dòng máy bay chở khách tầm trung A321 đi vào hoạt động từ năm 1994, với hơn 1.100 chiếc đang hoạt động trên thế giới. Chiếc A321 bị nạn của Kogalymavia sản xuất năm 1997, được hãng sử dụng từ năm 2012, đã bay hơn 56.000 giờ với 21.000 chuyến.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Máy bay Nga rơi ở Ai Cập có 'vấn đề kỹ thuật' trước khi cất cánh? Máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Nga Kogalymavia rơi ở bán đảo Sinai, Ai Cập ngày 31.10, khiến tất cả 224 người trên máy bay thiệt mạng. Có thông tin cho hay máy bay có vấn đề kỹ thuật trước khi cất cánh. Mảnh vỡ máy bay Nga rơi gần thành phố El Arish, miền trung Sinai, Ai Cập - Ảnh:...