Nhiều GV tố bị trưởng phòng GD cưỡng bức
Cô Hiền là một trong hai người đứng ra tố cáo. (Ảnh: Sa Hà)
“Sau đêm bị ông ấy cưỡng bức, em khóc rất nhiều, nếu không được các chị đồng nghiệp khuyên bảo chắc em đã bỏ nghề vì sợ hãi, nhưng đến nay trong mỗi giấc ngủ, mặc dù đã chốt cửa chặt, em vẫn giật mình thon thót, chỉ sợ ông ấy lao vào cưỡng ép mình một lần nữa”.
Cô giáo L.T.N, một giáo viên tiểu học tại TP. Cao Bằng vẫn không khỏi bàng hoàng khi kể lại lần bị ông Hoàng Đình Thiên, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bảo Lâm cưỡng bức khi còn dạy nội trú trú tại một trường tiểu học ở huyện Bảo Lâm (Cao Bằng).
Không ai dám tố vì vẫn dưới quyền
Sự việc diễn ra cũng đã khá lâu, tuy nhiên, cú sốc tinh thần lần đó vẫn còn in hằn trong trí nhớ cô N. “Đêm đó mất điện, chị T cùng phòng đang nấu cơm. Buồn quá, em lấy thư của người yêu ra đọc. Chưa hết nửa trang, tự nhiên thấy ngọn nến tắt, giọng một người đàn ông: Em ơi anh đây. Quá sợ hãi, tôi vơ lấy cái đèn pin để đầu giường, nhưng người đàn ông ấy cầm chặt tay tôi, tay kia sờ soạng khắp người, định lột quần tôi ra”.
Sau một hồi vật lộn, cô N liền hét toáng lên. Thấy vậy, cô T đang từ bếp chạy vào, soi đèn pin thì phát hiện ra “con dê xồm” chính là thầy Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bảo Lâm. Cô T chỉ nói một câu: “Làm thế này nữa á?”, thế là ông Thiên buôn cô Nra, đi thẳng. “Sự ám ảnh những ngày sau đó khiến tôi chỉ muốn bỏ nghề. May sau này được chuyển ra thị xã dạy mới dần hết sợ”, cô N nói.
Cũng giống như cô N, cô giáo Hoàng Thị Hiền, một giáo viên có chút nhan sắc, từng công tác nhiều năm tại trường tiểu học Nà Đon (xã Quảng Lâm, Bảo Lâm) cũng không tránh khỏi sự gạ gẫm của ông Thiên khi ông này liên tục “mời” cô đi đến các khách sạn và nhà nghỉ tại Cao Bằng để trao đổi công việc. “Nhiều lần từ chối khéo, tuy nhiên ông Thiên vẫn không ngừng lôi kéo tôi quan hệ tình dục với ông bằng những lời ngon ngọt và hứa hão về chức danh và giúp đỡ trong một số công việc”, cô Hiền kể.
Cô giáo này cho biết thêm: “Mới gần đây thôi, ông ấy hẹn gặp tôi tại khách sạn Bằng Giang với lý do để trao đổi công việc, nhưng sau khi tôi lên, vừa mở cửa, ông ấy lao sầm vào ôm tôi, chốt cửa, đòi cởi quần áo quan hệ. Do đoán trước ý định đen tối của ông Thiên, tôi đã rủ một bạn gái đi cùng, khi ông Thiên đòi quan hệ tình dục, tôi đã bảo có một người bạn đi cùng đang lên sau thì ông ấy mới chịu buông tha cho tôi”.
Dư luận Bảo Lâm cho biết, không chỉ có cô và cô Như, còn hàng loạt giáo viên trẻ nữa cũng bị ông Thiên quấy rối tình dục nhưng dám đứng ra tố cáo vì sợ bị trù dập. Chỉ những người đã chuyển công tác khỏi huyện Bảo Lâm mới dám tố cáo hành vi suy đồi của ông này.
“Có nghe dư luận nhưng các cô rút đơn nên thôi”
Khi làm việc với phóng viên, ông Hoàng Đình Thiên, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bảo Lâm, người bị các giáo viên tố cáo quấy rối tình dục, vẫn một mực cho rằng, chuyện đó có thể là “thù oán nhau thôi, chứ ai lại đi làm chuyện đó”.
Tuy nhiên, khi được cung cấp đoạn băng ghi âm ghi lại những lời gạ gẫm được các cô giáo ghi lại, ông Thiên run run rót nước rồi lấy lý do bận việc để bỏ đi khỏi phòng làm việc.
Trước những bức xúc của các giáo viên và người dân, các phóng viên đã làm việc với ông Nguyễn Duy Lai, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Tại buổi làm việc, ông Lai cho biết: “Chuyện ông Thiên quấy rồi tình dục các giáo viên trẻ cấp dưới đã có dư luận rồi. Các giáo viên nữ trên địa bàn có truyền tai nhau và tôi có biết chuyện này. Trước đây cũng có giáo viên phát đơn kiện đến các cơ quan có chức năng. Nhưng không hiểu vì lý do gì cô ấy lại rút đơn tố cáo”.
Ông Lai khẳng định: “Tôi không bao che cho cấp dưới của mình, những gì giáo viên truyền tai nhau là đúng, thì ông Thiên là kẻ bị loạn dục, cần nghiêm trị để bảo vệ giáo viên. Việc đòi quan hệ bừa bãi với giáo viên dưới quyền vi phạm lối sống, tư cách. Hơn nữa đây còn là một nhà giáo, người đứng đầu ngành giáo dục huyện. Việc này cần xử lý, điều tra gấp để ổn định tâm lý cho các giáo viên”. Ông Lai hứa sẽ chỉ đạo khẩn trương làm rõ vụ việc, có biện pháp xử lý thích đáng.
Video đang HOT
Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng Trịnh Hữu Khang chung quan điểm: Không phải nhà giáo đã không chấp nhận được rồi, đằng này là nhà giáo, một người đứng đầu ngành giáo dục cả huyện. Với chứng cứ đã có, chúng tôi sẽ xem xét kỹ để nghiêm trị ông Hoàng Đình Thiên, không chỉ để bảo vệ cả uy tín cho cả ngành giáo dục tỉnh, mà còn bảo vệ con người, các giáo viên trẻ trong tương lai”.
Theo 24h
Thầy giáo trẻ, tài tử: 'Sống được bằng lương, chẳng ai đi dạy thêm'
Thầy giáo dạy Toán có vẻ ngoài như diễn viên, được nhiều học sinh ngưỡng mộ lập hẳn một trang "phát cuồng", đã có trải lòng về những trăn trở, khó khăn của một giáo viên trẻ.
Thầy Lại Tiến Minh được biết tới là một giáo viên dạy Toán trẻ, được nhiều học trò ngưỡng mộ, lập fanpage trên mạng xã hội. Thầy hiện là giảng viên thuộc biên chế trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và cũng là giáo viên hợp đồng tại trường THPT Lương Thế Vinh.
Cách đây không lâu, bài viết chân dung thầy Lại Tiến Minh đã được đăng tải và nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ độc giả. "Nhiều người liên hệ với tôi chỉ để nói những lời động viên, khích lệ tôi cố gắng cống hiến. Tôi không gặp họ, cũng không biết họ là ai nhưng chính những điều nhỏ nhặt đó làm tôi có thêm động lực với con đường của một nhà giáo" - thầy Lại Tiến Minh chia sẻ.
- Sau 4 năm làm giáo viên, thầy có hài lòng với công việc của mình?
- Hiện tại tôi khá hài lòng với công việc của mình. Tôi thấy môi trường làm việc chỗ tôi tương đối tốt, học sinh, sinh viên khá ngoan. Quan trọng nhất không bị áp lực về thành tích, hồ sơ sổ sách và hội họp. Ở trường ĐH Kiến trúc, nếu bạn làm tốt bạn sẽ được trọng dụng, không nhìn vào tuổi tác và những điều kiện khác để cất nhắc như ở một số trường khác.
- Lý do gì thầy chọn nghề giáo thay vì những công việc hấp dẫn khác?
- Việc tôi chọn nghề giáo cũng là một sự tình cờ. Sau này tôi mơi thấy nghề giáo cũng phù hợp với mình vì thôi thấy mình hình như cũng có chút năng khiếu sư phạm (cười).
- 4 năm không phải là dài nhưng cũng đủ để một giáo viên trẻ có cái nhìn toàn cảnh về những gì mình đã trải qua. Với những vấn đề giáo dục hiện nay, thầy có trăn trở gì?
- Tôi thấy giáo dục ở nước ta còn rất nhiều điều phải xem xét. Quan trọng nhất là giáo dục chưa gắn liền với thực tế cuộc sống. Nhiều khi chính giáo viên lại là người biến học sinh thành những cỗ máy với chương trình học tập, bài vở quá nặng thiên về truyền đạt kiến thức hơn là rèn luyện kỹ năng, đạo đức, lối sống cho học sinh.
Tôi nghĩ đổi mới giáo dục là một việc làm cấp bách.
- Theo thầy, khó khăn lớn nhất đối với một giáo viên trẻ là gì? Thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm vượt qua những khó khăn này?
- Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất đối với một giáo viên trẻ chính là khả năng sư phạm không được rèn luyện nhiều qua thực tế. Giáo viên mới ra trường thường ôm đồm nhiều kiến thức, chỉ tập trung thể hiện giảng bài mà quên theo dõi xem học sinh có tiếp thu được không.
Các tiết học của tôi, tôi thường giao lưu, quan sát bài làm của từng em học sinh một, tùy thuộc vào mức độ nhận thức của các em từ đó đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp.
- Thầy nghĩ sao về những áp lực của nghề giáo, do bản thân công việc, phụ huynh học sinh hay cả xã hội?
- Nghề giáo bây giờ chịu quá nhiều áp lực. Tôi thấy ở các trường phổ thông áp lực về thành tích, hồ sơ sổ sách, thanh kiểm tra, hội họp quả là... ác mộng. Giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều việc ở trường, nhất là giáo viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thì chuyện xử lý các công việc hành chính mất rất nhiều thời gian và khiến cho họ không có điều kiện để tiếp tục học tập, nâng cao trình độ.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh kỳ vọng nhà trường, giáo viên "nhào nặn" con cái họ thành những cá nhân xuất sắc mà quên mất nhiệm vụ giáo dục của gia đình. Thậm chí, có những gia đình phó thác hoàn toàn trách nhiệm giáo dục con cái lên những người làm nghề giáo. Chưa kể những phản ứng tiêu cực từ phía những học sinh cá biệt.
- Đối với những học trò khó bảo, thầy Lại Tiến Minh dùng cách nào để thuyết phục?
- Tôi cũng đã từng gặp nhiều học sinh cá biệt. Cá nhân tôi cho rằng việc quan trọng nhất khi giáo dục một học sinh cá biệt là cần phải tâm sự để hiểu được câu chuyện của các em, hiểu được hoàn cảnh, nguyện vọng của các em từ đó đưa ra các biện pháp giáo dục cho phù hợp.
Sẽ là sai lầm khi áp dụng quá nhiều hình thức kỷ luật học sinh cá biệt, giống như dồn các em vào đường cùng, khi đó sẽ xảy ra những hậu quả không hay. Phải làm cho học sinh thấy mình đứng về phía các em và đang làm tất cả những điều tốt nhất có thể cho các em.
- Một số người còn nói, thái độ tôn kính của xã hội và học sinh, sinh viên đối với giáo viên ngày nay không còn được như xưa, thầy nghĩ điều đó có đúng không?
- Ngày nay học sinh, sinh viên dường như thực tế hơn và không có cái nhìn ngưỡng vọng, hay thái độ e dè khi tiếp xúc với giáo viên như ngày trước. Do đó, thái độ của các em đối với giáo viên vì thế cũng có phần nhạt đi.
Quan điểm của tôi là mình làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo tâm huyết với nghề, giúp đỡ các em hết mức có thể. Tôi không mong nhận lại gì cả.
- Với cương vị là giáo viên dạy Toán, thầy đánh giá ra sao về năng lực bản thân?
- Hiện tại chưa có điều gì của bản thân làm tôi hài lòng cả. Tôi còn phải cố gắng nỗ lực nhiều nữa để rèn luyện nâng cao chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề giáo.
Thầy Lại Tiến Minh và học trò.
"Sống được bằng lương thì chẳng ai muốn đi dạy thêm"
- Sắp tới, Bộ GD&ĐT chủ trương đổi mới giáo dục. Trong đó, sẽ có những đổi mới đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ. Thầy có quan tâm tới vấn đề này không và có ý kiến gì?
- Nên có những ưu đãi đặc biệt đối với ngành sư phạm. Chúng ta đều biết là mấy năm gần đây điểm tuyển sinh đầu vào của các trường sư phạm rất thấp. Vậy thì nguyên nhân tại sao nhiều người không mặn mà với ngành sư phạm? Chất lượng giáo viên thấp sẽ có ảnh hưởng thế nào thì ai cũng biết.
Do vậy, tôi nghĩ nên có chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ, sao cho họ có thể sống bằng lương, có điều kiện được học tập nâng cao trình độ, phát triển bản thân. Có như vậy, họ mới tâm huyết với nghề.
- Nhiều người cho rằng mức lương chưa hợp lý làm khó nghề giáo. Thầy làm cách nào vượt qua những khó khăn tài chính vì mức lương nhà giáo hiện chưa cao?
- Mức lương thấp không chỉ là khó khăn đối với nghề giáo mà còn là của những người làm công ăn lương nói chung, nhất là đối với những người mới ra trường. Tôi nghĩ chẳng ai có thể đủ sống (nhất là ở các thành phố) với mức lương khởi điểm thấp như vậy. Bản thân tôi cũng phải tranh thủ thời gian ngoài giờ đi dạy ở các trung tâm bồi dưỡng văn hóa hoặc dạy các nhóm học sinh do phụ huynh học sinh tổ chức.
Cá nhân tôi, việc đi dạy thêm cũng thu lượm được nhiều điều, vừa rèn luyện được chuyên môn, khả năng sư phạm vừa cải thiện được thu nhập. Thực ra tôi cũng từng có ý định đầu tư chứng khoán, bất động sản, mở cửa hàng...nâng cao thu nhập, nhưng sau đó gia đình tôi khuyên nên tập trung vào công việc mình đam mê nên tôi đã từ bỏ. Khó có thể hoàn thành tốt nhiều việc cùng lúc được.
- Vấn đề dạy thêm, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có nói: phải tính toán thế nào để giáo viên đủ sống. Với phụ cấp dành cho giáo viên ở miền núi 70%, họ không đủ tiền về quê thăm bố mẹ. Như thế ai mặn mà với giáo dục miền núi? Giáo viên không đủ sống thì sẽ tiếp tục xảy ra lạm thu, dạy thêm, học thêm... Thầy có đồng ý với ý kiến này?
- Tôi đồng ý với ý kiến này. Tôi nghĩ nếu đã sống được bằng lương chính được thì chẳng ai muốn đi dạy thêm làm gì. Giáo viên cũng vậy, nếu có thể sống được bằng tiền đứng lớp được thì sao họ phải dạy thêm.
Tuy nhiên, theo tôi việc dạy thêm xuất phát từ sự tự nguyện, từ nhu cầu thực sự từ hai phía giáo viên và học sinh cũng chẳng có gì xấu. Giáo viên đi dạy thêm vừa rèn luyện được chuyên môn vừa cái thiện được thu nhập, giúp họ tiếp tục bám lấy nghề. Tôi thấy có nhiều giáo viên không đi dạy thêm mà quay ra kinh doanh buôn bán dần dần thu nhập khá lên, họ cũng chẳng mặn mà lắm với nghề nữa. Đó mới là hiện tượng đáng báo động.
- Ngoài những vấn đề đối với giáo viên trẻ, thầy có ý kiến, đề xuất gì thêm đối với cả cách giáo dục, đặc biệt là cấp 2, 3?
- Tôi nghĩ nền giáo dục của ta hiện nay đang đi lệch hướng. Mục đích của việc học ở phổ thông hiện nay là để thi chứ không tập trung vào việc đào tạo nên một con người toàn diện về "đức, trí, thể, mỹ". Tôi thấy chúng ta đang bắt học sinh học nhiều thứ không thật sự cần thiết, không giúp gì được cho các em khi bước vào cuộc sống.
Giáo dục hiện tại chỉ tập chung vào việc truyền đạt cho học sinh kiến thức mà quên đi việc rèn luyện các kỹ năng cơ bản như: khả năng làm việc độc lập, khả năng làm việc theo nhóm, hòa đồng, phản biện, lãnh đạo và thuyết phục... Các kỹ năng này cần phải được rèn luyện trong 12 năm học phổ thông. Tôi nghĩ đổi mới, cải cách giáo dục một mặt là nâng cao chất lượng cơ sở vật vất, đội ngũ giáo viên một mặt phải rà soát lại hệ thống sách giáo khoa, chương trình học theo tiêu chí giảm tải kiến thức, tăng thời gian rèn luyện kỹ năng.
MAI CHÂM
Theo Infonet
'Rơi vữa trần khiến học sinh mổ não là do làm ẩu, ăn bớt' Nhiều độc giả cho rằng, việc Tiểu học Đa Tốn (Gia Lâm) vừa sửa xong đã bị rơi vữa trần là do vật liệu kém chất lượng, làm không đúng kỹ thuật. Trưởng phòng Giáo dục huyện thừa nhận,"chất lượng thấp là không thể chối cãi". Thông tin vữa trần phòng học lớp 1C Tiểu học Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) rơi...