Nhiều em bé ở miền Nam nhập viện do bệnh sởi
15 trẻ dương tính với virus sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 2, hầu hết chưa tiêm ngừa vắcxin.
Từ ngày 6/8 đến 30/8, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) tiếp nhận 25 bệnh nhi sốt phát ban nghi do sởi. Kết quả xét nghiệm xác định 15 trường hợp dương tính, trong đó có một bé sống ở TP HCM, còn lại rải rác các tỉnh miền Nam. 8 trẻ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến thời điểm tiêm vắcxin sởi. Những bệnh nhi còn lại đều chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ vắcxin sởi.
Bệnh viện Nhi đồng 1 tuần qua cũng ghi nhận 3 trẻ dưới 9 tháng tuổi bị sởi nhập viện, nguồn lây có thể là từ bố mẹ mắc bệnh.
Bệnh sởi đang có khuynh hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước châu Âu. Tại Việt Nam, bệnh sởi đang gia tăng ở các tỉnh phía Bắc. Trong bối cảnh giao thương đi lại thuận lợi, rất dễ lây lan bệnh giữa các vùng miền.
Trẻ mắc sởi điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.Q.
Trước tình hình bệnh sởi có dấu hiệu bùng phát, Sở Y tế TP HCM khẩn trương triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh sởi trong bệnh viện và trong cộng đồng. Các bệnh viện tổ chức cách ly, vệ sinh môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng ngừa lây nhiễm chéo và tổ chức phân luồng cho trẻ đến khám bệnh có biểu hiện nghi ngờ. Xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, không để bùng phát và lan rộng. Cơ sở tiêm chủng cần tư vấn đầy đủ cho trẻ tiêm đủ vắcxin sởi đúng lịch.
Video đang HOT
Khuyến cáo gia đình có trẻ dưới 5 tuổi:
Đưa trẻ tiêm chủng vắcxin phòng bệnh sởi, phải đảm bảo bé được tiêm mũi vắcxin phòng ngừa sởi khi tròn 9 tháng tuổi. Mũi vắcxin sởi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng.
Nếu trẻ trên 9 tháng mà vẫn chưa được tiêm vắcxin sởi mũi một hoặc trên 18 tháng chưa tiêm vắcxin sởi mũi 2, bố mẹ đưa trẻ ra trạm y tế phường để được khám, tư vấn tiêm bù càng sớm càng tốt.
Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt hay phát ban.
Cha mẹ và người thân trong gia đình phải thực hiện rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ. Tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.
Nếu trẻ sốt hoặc phát ban cần đưa đi khám tại cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Dấu hiệu bệnh là sốt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Khi bị sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ gặp các biến chứng. Dấu hiệu điển hình của giai đoạn toàn phát bao gồm nổi ban sẩn, mịn như nhung. Ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân và biến mất theo thứ tự đã mọc.
Lê Phương
Theo Vnexpress
Một y tá Mỹ bị sa thải vì tiết lộ thông tin bệnh nhân
Y tá này không chỉ vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân mà còn gây sốc vì đã công khai thái độ chống tiêm vắc xin.
Chuyên gia y tế khuyến cáo tiêm chủng là cách bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh sởi - REUTERS
Một y tá ở Houston (Mỹ) đã mất việc sau khi đăng bài về bệnh nhân trên mạng xã hội, NBCNews ngày 31.8 đưa tin.
Cụ thể, cô viết về một bệnh nhân nhi đang điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Texas. Tất nhiên cô bị điều tra về hành vi vi phạm quyền riêng tư.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế còn lo ngại về quan điểm chống tiêm vắc xin mà y tá này trình bày trên trang cá nhân dù bài viết đã được gỡ ngày 30.8.
Ngay khi nắm bắt được sự việc, bệnh viện đã ra thông cáo và tuyên bố: "Một bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Texas được xét nghiệm dương tính với bệnh sởi. Đây là một bệnh dễ lây nhưng có thể phòng ngừa. Chúng tôi biết tiêm chủng là cách bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh sởi".
Tiến sĩ David Persse, Giám đốc Sở Y tế Houston, bị sốc vì y tá nói trên là một trong số ít người đã trực tiếp thấy căn bệnh tàn phá cỡ nào mà lại đi chống tiêm vắc xin.
Ông chỉ ra rằng nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự an toàn của vắc xin và nhấn mạnh các chuyên gia y tế nên được giáo dục rốt ráo về vấn đề này.
Phía bệnh viện cho hay họ xử nghiêm trường hợp y tá "vì sự riêng tư và an toàn của bệnh nhân luôn là ưu tiên hàng đầu". Sau khi điều tra nội bộ, cô đã bị cho nghỉ việc nhưng danh tính được giữ kín.
Bệnh sởi đã được loại bỏ tại Mỹ thông qua tiêm chủng, nhưng hàng năm, các trường hợp nhiễm bệnh vẫn vào lãnh thổ quốc gia này qua biên giới. Sởi là bệnh dễ lây. Những người không được chủng ngừa hoặc chủng ngừa không đầy đủ có thể bị nhiễm bệnh.
Châu Âu đang trải qua giai đoạn bùng phát sởi với số ca bệnh lớn nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Theo thanhnien.vn
Cảnh báo gia tăng bệnh sởi Theo Bộ Y tế, ở nước ta, tại một số vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ nên có nguy cơ cao xuất hiện các ổ dịch sởi. Thông tin từ Cơ quan đầu mối quốc gia điều lệ y tế quốc tế...