Nhiều dự án chống ngập vẫn ì ạch: Ngập thường xuyên hơn, kéo dài hơn
Mùa mưa năm nay, một số dự án chống ngập tại TP.HCM đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ nên người dân nhiều nơi vẫn phải bì bõm trong nước.
Người dân gặp khó khi di chuyển do ngập đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức sau cơn mưa lớn – Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo phản ảnh của người dân, một số khu vực có tình trạng ngập xảy ra thường xuyên hơn, thời gian ngập kéo dài hơn.
“Siêu dự án” chưa biết khi nào xong
Chiều 24-10, đang lúc triều cường trên sông Sài Gòn đạt đỉnh, một cơn mưa chỉ kéo dài 30 phút đã khiến một số tuyến đường khu vực trung tâm TP chìm trong nước, xe cộ chết máy hàng loạt.
Nước ngập từ chân cầu Calmette kéo dài đến tận đường Lê Thị Hồng Gấm. Nặng nhất là giao lộ Nguyễn Thái Bình – Calmette (quận 1), nước ngập gần hết bánh xe máy.
“Tôi nhớ gần đây nhất nước ngập tới bắp chân người lớn rồi từ từ rút, đợt đó báo đài cho biết triều cường TP đạt kỷ lục. Còn đợt này ngập tới đầu gối là hiếm thấy, mà còn bị ngập hai ngày liên tục” – một người dân ở đây than thở.
Nhiều tuyến đường dọc theo các sông, rạch trên địa bàn quận 4, quận 7 cũng ngập sâu bởi những đợt triều cao của tháng 9 và tháng 10. Vào giờ cao điểm, người dân bì bõm lần dò tìm đường về nhà.
Điển hình nhất là đường Trần Xuân Soạn (quận 7), mỗi khi có triều cường, nước từ kênh Tẻ tràn bờ, có những đoạn không phân biệt được đâu là đường, đâu là sông. Nước ngập khiến việc buôn bán, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà phải dùng bao cát, ván gỗ để be bờ chống ngập.
Người dân khu vực này mấy năm qua kỳ vọng vào “siêu dự án” ngăn triều 10.000 tỉ đồng do Tập đoàn Trung Nam đầu tư.
Video đang HOT
Dự án này gồm 6 cống kiểm soát triều Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh, cùng các cống nhỏ bảo vệ những khu vực xung yếu.
Trong đó có hai cống Bến Nghé, Tân Thuận trực tiếp xử lý ngập do triều cường khu vực quận 1, quận 4, quận 7 nhưng nhiều năm nay dự án vẫn chưa hoàn thành.
Đại diện chủ đầu tư cho hay hiện nhiều hạng mục của dự án đạt tiến độ hơn 90%, đã hoàn tất việc lắp đặt cửa van, hệ thống xylanh thủy lực, âu thuyền, buồng bơm. Hạng mục kè mang cống, thảm đá lòng sông và khu nhà quản lý đang tạm dừng thi công và chưa thông tin tiến độ cụ thể khi nào thi công trở lại cũng như thời gian hoàn thành.
Đại diện Sở Xây dựng TP cho hay: “Hiện tại dự án này đang chuẩn bị khởi động lại, UBND TP cũng đã phê duyệt điều chỉnh dự án và trình trung ương”. Trong sáng 1-11, lãnh đạo TP.HCM đã làm việc với Tập đoàn Trung Nam để dự án sớm khởi động lại.
Cần hơn 100.000 tỉ đồng
Ngoài “siêu dự án” nói trên, nhiều dự án chống ngập khác cũng chưa về đích như mong đợi. Trong đó, dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) đã khởi công từ tháng 10-2020 với tổng vốn đầu tư 129,4 tỉ đồng nhưng đến hiện tại dự án vẫn chưa xong, lô cốt vẫn nằm choán mặt đường, xe cộ qua lại rất khó khăn.
Một lãnh đạo Ban quản lý xây dựng công trình TP Thủ Đức cho hay chủ đầu tư đang phối hợp với nhà thầu để triển khai lại dự án. Khi hỏi về mốc tiến độ hoàn thành, vị này cho hay hiện đang thống nhất với đơn vị thi công, khi nào có thông tin sẽ phản hồi sau.
Trong 2 năm qua, nhiều dự án xóa ngập đã có kế hoạch triển khai như dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Quý (quận Tân Phú), Trương Công Định và Ba Vân ( quận Tân Bình), Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức), Bạch Đằng (quận Tân Bình), quốc lộ 1 (đoạn qua TP.HCM).
Tuy nhiên, các dự án đều triển khai chậm so với kế hoạch. Đại diện Ban quản lý dự án đầu xư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho hay đã khởi công 3 dự án trên đường Bàu Cát, Trương Công Định, Tân Quý, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Còn riêng nhóm dự án khác do khó khăn về bố trí vốn nên hiện tại chưa triển khai được.
Tại đường Trương Công Định, mặt đường hiện hữu đã được tái lập, thảm nhựa sau khi đơn vị thi công tổ chức cải tạo hệ thống thoát nước. Ông Kiên, người dân sống tại đây, cho biết trước đây mỗi khi mưa nặng hạt là tuyến đường này bị ngập, nay đường cải tạo lại người dân rất phấn khởi.
“Đi lại thì ổn rồi, còn hết ngập hay không thì đợi mưa lớn mới biết, nếu xóa được ngập thì người dân chúng tôi rất mừng” – ông Kiên chia sẻ. Cách đó không xa, trên đường Bàu Cát cũng đang thi công hệ thống thoát nước. Trên cả tuyến đường còn khoảng 4-5 lô cốt đang che chắn để thi công.
Đoạn lô cốt dày nhất thuộc giao lộ Bàu Cát – Đồng Đen. Đơn vị thi công đang rào chắn 3 lô cốt tại đây, trong đó có 1 lô cốt nằm giữa giao lộ. Trong khi đó tại đường Tân Quý, hệ thống cống thoát nước đã cơ bản xong nhưng mặt đường vẫn còn gồ ghề chưa được tái lập.
Sở Xây dựng vừa trình kế hoạch giảm ngập nước cho TP giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, TP.HCM cần khoảng 101.000 tỉ đồng (tương đương 4,3 tỉ USD) để cải tạo hệ thống thoát nước.
Số tiền này sẽ dùng đầu tư vào các dự án thuộc quy hoạch 752 (về tổng thể hệ thống thoát nước của TP.HCM đến năm 2020) hơn 38.100 tỉ đồng.
Các dự án thuộc quy hoạch 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM) hơn 20.600 tỉ đồng. Các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải 41.000 tỉ đồng và các công trình khác hơn 1.700 tỉ đồng.
Chờ tiền… khơi kênh bồi lắng
Cùng với các giải pháp đầu tư hạ tầng thoát nước, việc chống ngập của TP về lâu dài đang đợi các dự án khơi thông các con kênh lớn. Đây cũng là mục tiêu kép, vừa giải quyết vấn đề thoát nước vừa di dời và lo an sinh hàng ngàn hộ dân sống ven kênh để chỉnh trang đô thị.
Cụ thể như dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) sẽ di dời 2.196 căn nhà ven kênh; dự án cải tạo kênh Hy Vọng di dời 196 hộ dân; dự án nạo vét rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) di dời 834 căn.
Trong kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch – đầu tư, UBND TP cho biết đang ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách TP để đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống dịch COVID-19 nên nguồn vốn phân bổ cho các dự án đầu tư công rất khó khăn.
Do đó, TP.HCM rất cần Bộ Kế hoạch – đầu tư quan tâm đề xuất, kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận bổ sung vốn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2021 – 2025 để đầu tư một số dự án trọng điểm, cấp bách.
Qua rà soát, TP xác định 3 dự án trọng điểm cấp bách trong lĩnh vực giao thông và hạ tầng đô thị cần ưu tiên triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 gồm: cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, cải tạo rạch Xuyên Tâm và cải tạo kênh Hy Vọng.
Theo UBND TP, dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư 9.353 tỉ đồng. Dự án sẽ giải tỏa các căn nhà lụp xụp ven kênh, làm đường giao thông nhằm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Còn dự án cải tạo kênh Hy Vọng nhằm khơi thông dòng chảy, chống ngập úng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và vùng lân cận. TP đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện hai dự án này.
Ngày mai 26-10, TP.HCM tập huấn tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ em
Sáng mai, Sở Y tế, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM sẽ tổ chức buổi tập huấn trực tuyến về đảm bảo an toàn tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc xin cho người dân quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: X.MAI
Ngày 25-10, Sở Y tế TP.HCM gửi giấy mời khẩn đến Bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm Y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức; trạm y tế phường, xã, thị trấn và phòng khám tư nhân để tham dự tập huấn trực tuyến đảm bảo an toàn tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ vào sáng mai 26-10.
Dự kiến nội dung tập huấn gồm: tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19, khám sàng lọc trước tiêm, xử trí phản ứng sau tiêm, tổ chức công tác cấp cứu phục vụ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ.
Cùng thời gian này, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM cũng sẽ tổ chức buổi triển khai trực tuyến công tác chuẩn bị tiêm vắc xin cho học sinh.
Sở Giáo dục và đào tạo cho hay theo kết quả khảo sát từ các trường THCS và THPT trên địa bàn, tính đến chiều 25-10 có 92,13% phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi. Tỉ lệ đồng thuận cao nhất là phụ huynh khối lớp 9.
Trước đó, ngày 25-10, Sở Y tế TP.HCM đã gửi văn bản khẩn đến Viện Pasteur TP.HCM để xin ý kiến tổ chức tiêm vắc xin cho nhóm trẻ em 12-17 tuổi.
Theo văn bản này, Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể loại vắc xin cũng như hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Trong khi chờ Bộ Y tế hướng dẫn, Sở Y tế đề nghị Viện Pasteur TP chấp thuận cho phép sử dụng vắc xin của Pfizer để tiêm cho trẻ 12-17 tuổi và hướng dẫn, tập huấn chuyên môn.
Trước đó, ngày 22-10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã ban hành kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, với số trẻ dự kiến khoảng 780.000 em.
Hơn 86% số người trên 18 tuổi tại TP.HCM đã tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 Số người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 đã đạt 99,87% và mũi 2 đạt 86,32%. Số người tiêm trong ngày 15-10 đạt con số thấp kỷ lục trong suốt một tháng qua khi chỉ có 32.302 người tiêm. Người dân tiêm vắc xin Pfizer tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM sáng 26-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH...