Nhiều doanh nghiệp đủ sức ‘chống lưng’ ngân hàng
Theo Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam – Võ Tấn Hoàng Văn, sau những ví dụ thành công gần đây tại TrustBank hay Tienphong Bank, việc doanh nghiệp tham gia tái cơ cấu ngân hàng là hoàn toàn khả thi.
- Nhắc tới tái cơ cấu ngân hàng, lâu nay người ta vẫn nghĩ tới việc nhà băng nhỏ sáp nhập với đơn vị lớn hơn. Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng việc một doanh nghiệp như Tập đoàn Thiên Thanh đứng ra “gồng gánh” ngân hàng – TrustBank là quá sức?
- Bản chất giao dịch nêu trên là thay chủ sở hữu tại TrustBank. Thông qua thay đổi cơ cấu cổ đông, TrustBank huy động và bơm nguồn tiền mới vào để tái cơ cấu. Thiên Thanh chỉ là một đối tác chiến lược (nắm dưới 10% vốn điều lệ) và đại diện cho một nhóm cổ đông mới gồm 20 thể nhân khác chứ không phải riêng mình họ đứng ra cáng đáng toàn bộ TrustBank.
Quá trình tái cơ cấu riêng về tài chính là một phối hợp giữa mua lại nợ xấu, xử lý tài sản, tăng vốn, sử dụng thế mạnh và hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới. Như vậy, trong trường hợp này, nếu dùng đồng thời nhiều công cụ làm phương tiện để tái cơ cấu thì việc tham gia của Thiên Thanh vào TrustBank là có cơ sở khả thi.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng doanh nghiệp giúp ngân hàng tái cơ cấu cũng là một giao dịch có khả năng sinh lời tốt. Ảnh: Thanh Lan.
- Khả thi về mặt tài chính trước mắt nhưng việc doanh nghiệp nhảy vào “chống lưng” cho ngân hàng có tạo ra hệ lụy về quan hệ tín dụng giữa các bên sau này?
- Thực tế cho thấy việc quan hệ chéo giữa doanh nghiệp với ngân hàng có thể dẫn tới tình trạng lạm dụng, nhà băng tập trung cho vay các bên liên quan quá lớn rồi không cân đối được nguồn và sử dụng vốn huy động… Cũng có thể ngân hàng sẽ cho vay không đúng địa chỉ. Đặc biệt, trong bối cảnh các nguồn vốn ở Việt Nam phần lớn là ngắn hạn, nếu ngân hàng quá tập trung cho vay dài hạn, các dự án có chu kỳ kinh doanh dài, lâu thu hồi vốn thì ngân hàng dễ mất cân đối tài chính và thanh khoản trong ngắn hạn.
Video đang HOT
Ông Võ Tấn Hoàng Văn là Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, ngân hàng tại Ersnt & Young Việt Nam. Ông Văn có trên 17 năm kinh nghiệm về quản lý rủi ro, thẩm định hoạt động, quản lý tín dụng, định giá ngân hàng, doanh nghiệp.
Ông tham gia phát triển phương pháp luận cho việc đánh giá danh mục tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam, Lào và Campuchia. Ông Võ Tấn Hoàng Văn cũng tham gia dự án tư vấn hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước phát triển chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và áp dụng các thông lệ quốc tế.
Để tránh việc “lạm dụng” theo bất cứ chiều nào, ngân hàng phải thông qua một cơ chế quản trị tốt, tuân thủ pháp luật, áp dụng các nguyên tắc hoạt động an toàn và phải có cơ chế kiểm soát hiệu quả.
- Vậy đâu là điểm cốt yếu tạo nên sự thành công đối với một cuộc thay chủ sở hữu giữa doanh nghiệp và ngân hàng?
- Một là tiềm lực tài chính của nhóm các nhà đầu tư mới, họ phải thực sự có năng lực về tài chính. Hai là phải có chiến lược và kế hoạch kinh doanh phù hợp, rõ ràng và khả thi. Ba là cần thay đổi hệ thống cũng như các chuẩn mực về quản trị rủi ro theo quy định.
Với trường hợp TrustBank, nếu họ duy trì thế mạnh “tam nông” sẵn có và tận dụng thế mạnh của Thiên Thanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng với hơn 5.000 doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm bán lẻ, dịch vụ thanh toán thì sẽ khả thi. Có vẻ nhóm đầu tư mới đã nhìn ra hướng đi này nên mới giải cứu TrustBank. Một ví dụ thực tế khác là trường hợp Tập đoàn DOJI tham gia tái cấu trúc Ngân hàng Tienphong. Khi doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn, định hường rõ ràng, có khả năng bán chéo sản phẩm cho ngân hàng thì việc tái cơ cấu cũng rất suôn sẻ.
- Nói vậy thì việc doanh nghiệp tham gia tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, nhiệm vụ tưởng chừng khó khăn, lại là một cơ hội tốt để sinh lời cho họ?
- Theo tôi, đây không thể là một giao dịch thuộc dạng “đánh quả” được. Ta nên xem đó là một cơ hội kinh doanh tốt trong dài hạn. Tuy nhiên để tham gia tái cơ cấu một ngân hàng đòi hỏi phải có vốn lớn và mức độ cam kết lâu dài. Hiện các cơ quan quản lý thẩm định rất kỹ lưỡng năng lực. Thời gian phê duyệt khá lâu, cũng là một thách thức cho các nhà đầu tư để xem họ có chịu nổi rất nhiều áp lực khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng hay không.
- Theo ông những mối lương duyên như vậy liệu sẽ kéo dài?
- Việt Nam mới ở bước đầu của giai đoạn tích tụ tài chính, chưa thể hy vọng một ngân hàng có thể hoạt động tốt mà chỉ dựa vào nền tảng là các cổ đông cá nhân. Thay vào đó, cần có sự nương tựa giữa doanh nghiệp và ngân hàng theo hai chiều để tạo sức bật nhất định và tạo ra quy mô lớn.
Nhưng lưu ý, khi ngân hàng phát triển ở một tầm nào đó, sự tham gia của doanh nghiệp kia sẽ không còn hay không quá quan trọng nữa và sự minh bạch trong hoạt động mới là điều quyết định cho sự phát triển của ngân hàng đó. Nếu nhìn từ thế giới sẽ thấy rất rõ, CocaCola đâu còn là cổ đông chiến lược tại bất kỳ ngân hàng Mỹ nào. Tương tự, BP cũng không là cổ đông lớn tại các ngân hàng của Anh và một số tên tuổi khác cũng vậy.
Ngân hàng chăm chỉ nhặt bạc lẻ
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng ì ạch, các ngân hàng chuyển sang chăm chút hơn cho khách hàng sử dụng thẻ. Khuyến mãi vay tiêu dùng, mua sắm, ăn uống qua thẻ với tỷ lệ chiết khấu tới 50% đang là xu hướng phổ biến.
Hầu hết ngân hàng đều tung những chiêu khuyến mại với các dịch vụ tiện ích chăm sóc "từ đầu đến chân" cho các chủ thẻ như mua sắm quần áo, điện máy, vali, đồng hồ, ăn uống, làm đẹp, đi du lịch... Trong một tháng trở lại đây, mục tin tức, khuyến mãi cho các chủ thẻ cá nhân tại website của một số nhà băng liên tục được cập nhật với số lượng tăng chóng mặt.
Khối ngân hàng cổ phần tổng tấn công vào đối tượng này nhiều nhất. Trong tháng 8 và tháng 9, TienPhong Bank dành hàng loạt ưu đãi cho các chủ thẻ ATM và Visa. Thậm chí, chủ thẻ TienPhong Bank được giảm tới từ 5%-40% khi đi ăn buffet, may váy cưới, đi spa mà không cần phải có số dư trong tài khoản. Tương tự, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) thì giảm giá du lịch tại Singapore tới 50% cho chủ thẻ MasterCard, ưu đãi 40%-50% cho việc mua sắm các sản phẩm thương hiệu cao cấp. ACB thì triển khai chương trình tiết kiệm đến 90% cho tất cả chủ thẻ của ngân hàng này khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ trong các lĩnh vực ăn uống, du lịch, thời trang, công nghệ, làm đẹp, gia dụng, đào tạo, mua sắm, vui chơi...
Các nhà băng đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng qua thẻ để bù lơi nhuận cho tín dụng. Ảnh minh họa:Hoàng Hà.
Các "ông lớn" khác cũng hào hứng tham gia cuộc đua khuyến mại thẻ cùng với nhóm ngân hàng cổ phần. Vietinbank kết hợp với một loạt các siêu thị điện máy, trung tâm thương mại để giảm giá từ 10%-30% cho chủ thẻ khi tham gia mua sắm. Tương tự, Agribank cũng ưu đãi cho khách mua hàng tại các siêu thị, hỗ trợ dịch vụ du lịch. Vietcombank thì giảm giá 200.000 đồng cho những chủ thẻ đặt phòng và giảm 5% cho các lần đặt phòng tiếp theo tại các khách sạn cao cấp của Việt Nam.
Nhóm các ngân hàng nước ngoài với thế mạnh sẵn có còn mạnh tay hơn trong việc kích cầu tiêu dùng qua thẻ. HSBC tặng ngay 88 vé khứ hồi đi Hong Kong trong 88 ngày triển khai chương trình đối với khách hàng mới mở thẻ tín dụng. Chủ thẻ HSBC được mua sắm, ăn uống với tỷ lệ chiết khấu 10%-40% tại các điểm dịch vụ cao cấp. Ngân hàng này cũng tặng phiếu mua hàng tại siêu thị cho các chủ thẻ. Tương tự, Standard Chartered cũng tặng 5% tiền mặt vào ví của khách hàng khi mua sắm tại siêu thị.
Hầu hết các sản phẩm khuyến mại của nhà băng đều hướng đến đối tượng thu nhập cao, có nhu cầu sử dụng, tiêu dùng các dịch vụ cao cấp. Đại diện TienPhong Bank - một trong những ngân hàng cổ phần mạnh tay phát triển mảng tiện ích cho khách hàng cá nhân - cho biết, việc đẩy mạnh khuyến mại qua thẻ ATM hay Visa nằm trong chiến lược phát triển của ngân hàng dù lợi nhuận từ hoạt động này không thể cao bằng tín dụng.
Chia sẻ với VnExpress.net, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TienPhong Bank - ví von hoạt động này của các nhà băng như việc "nhặt tiền lẻ" nhưng vô cùng hiệu quả. "Hoạt động này vừa là phân tán rủi ro lại vừa có lợi nhuận. Các khoản lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng nhiều. Trong khi đó những món doanh thu nhỏ lại góp phần giúp phân tán rủi ro tốt hơn. Nói thực, nhóm khách hàng này tuy nhỏ nhưng phần đóng góp của họ vào doanh thu không phải ít", CEO TienPhong Bank lý giải.
Theo giới chuyên gia ngân hàng, việc các nhà băng ồ ạt lao vào cuộc đua với những sản phẩm tiện ích, thanh toán, khuyến mại qua thẻ là một hướng đi hợp lý để "chữa cháy" trong bối cảnh cho vay khó khăn. Bản thân lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cũng thừa nhận: "Giờ phải lấy miền xuôi để nuôi miền ngược. Tín dụng không tăng thì vẫn có thể tập trung vào các thị trường 'ngách' như thanh toán thẻ, tiện ích tiêu dùng".
Vị này cũng chỉ ra rằng, đẩy mạnh tiêu dùng qua thẻ cũng là một trong những cách hỗ trợ cho ngân hàng trong việc bán chéo sản phẩm. "Khi khách dùng thẻ của ngân hàng để mua sắm thì tôi tin có thể họ sẽ dùng nhiều sản phẩm khác của chúng tôi trong tương lai", vị tổng giám đốc này kỳ vọng.
Đại diện Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) cho biết việc phát triển vào đối tượng khách hàng tiêu dùng qua thẻ là một trong những hoạt động thường xuyên của ngân hàng. Mặc dù từ chối tiết lộ lợi nhuận thu được từ các chương trình khuyến mại qua thẻ nhưng ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ACB - cũng thừa nhận: "Đây là một trong những cách để phân tán rủi ro trong bối cảnh hiện nay".
Theo VNE
Balotelli tranh cãi nảy lửa với Buffon do thua thảm Theo thông tin được đăng tải trên tờ tờ La Gazzetta Dello Sport, tiền đạo Mario Balotelli và đội trưởng Gianluigi Buffon đã có cuộc tranh cãi nảy lửa sau khi Italy bị Tây Ban Nha đánh bại trong trận chung kết giải bóng đá vô địch châu Âu (EURO 2012). Ở trận chung kết EURO 2012, Tây Ban Nha đã có lợi...