Nhiều công ty bao bì lớn của Việt Nam bị thâu tóm
Nhiều công ty sản xuất bao bì, nhựa có tên tuổi của Việt Nam rơi vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tình trạng này có xu hướng ngày càng lan rộng.
Vấn đề đáng lo ngại đối với ngành bao bì Việt Nam được ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, đưa ra tại hội nghị tổng kết ngành in năm 2020, được tổ chức tại TP.HCM hôm 18/3.
Doanh nghiệp nước ngoài mua thương hiệu bao bì Việt
Theo Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, tình hình dịch chuyển doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tạo nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, trong đó có ngành in, nhưng đồng thời cũng gây ra những hệ lụy không nhỏ.
Tâm lý tự ti trước các đối thủ cạnh tranh lớn xâm nhập thị trường in ấn bao bì dẫn đến việc hàng loạt doanh nghiệp bao bì có thương hiệu lớn của Việt Nam bị bán tháo.
Một ví dụ điển hình là vào cuối năm ngoái, Công ty Bao bì Biên Hòa – doanh nghiệp chuyên làm bao bì cho Unilever, Pepsico, Nestle – đã bị TCG Solutions Pte.Ltd, một công ty con thuộc tập đoàn SCG của tỷ phú người Thái Lan, thâu tóm.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, tại hội nghị ngày 18/3. Ảnh: Duy Anh.
Với thương hiệu SVI, công ty bao bì Biên Hòa là một trong 5 nhà cung cấp bao bì lớn nhất tại phía Nam, mức tăng trưởng bình quân 20-25%/năm. Công ty này có 3 nhà máy trực thuộc, với tổng công suất gần 100.000 tấn/năm.
Đây là công ty thứ hai bị tập đoàn SCG thâu tóm với vốn góp của một tập đoàn Nhật Bản, sau Công ty Bao bì nhựa Tín Thành, theo hình thức M&A – một hình thức mua bán, sáp nhật vốn diễn ra khá rầm rộ gần đây. Loạt doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp bao bì đã lọt vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Trước đó, tập đoàn SCG cũng chi hàng nghìn tỷ đồng để sở hữu Công ty Giấy Kraft Vina (nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam), Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP, Công ty Sản xuất Bao bì Alcamax và Công ty Packamex.
Gần đây, họ vừa đạt được thỏa thuận mua lại 70% cổ phần của Công ty Sản xuất nhựa Duy Tân, nâng tổng số công ty trong mảng bao bì bị tập đoàn này thâu tóm tại Việt Nam lên con số 8, với tổng doanh thu vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Việc gia tăng ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam thông qua M&A của SCG đã khiến thị phần bao bì lệch hẳn về phía doanh nghiệp nước ngoài.
Trong một báo cáo về ngành bao bì của FPTS (Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT), hầu hết doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn trong ngành này, bao gồm bao bì giấy và bao bì nhựa, đều thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó, đứng đầu về bao bì giấy là Ojitex, Tohoku (Nhật Bản), YFY, Việt Long (Đài Loan, Trung Quốc) hay Alcamax, Tân Á (Thái Lan). Mảng bao bì nhựa là Bao bì Tân Tiến – Tapack (Hàn Quốc), Bitico (Thái Lan), J.S Packaging (Hàn Quốc), Huhtamaki (Phần Lan), Nga Mee hay Tong Yuan (Đài Loan, Trung Quốc).
Một nhà máy của Công ty Bao bì Biên Hòa. Ảnh: SVI.Nhiều doanh nghiệp hụt hơi
Tình trạng trên cho thấy nhiều vấn đề trong ngành bao bì. Trước hết, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, dù làm ăn tốt, có khách hàng, khi nước ta mở cửa, đứng trước những yêu cầu mới, cao hơn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra hụt hơi, không đủ sức và tự tin vươn lên theo yêu cầu mới của thị trường.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài lại có tiềm lực, kinh nghiệm quản lý, công nghệ, vốn, muốn thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam đã có sẵn nền tảng để chỉ cần đổ vốn và công nghệ vào là có thể phát triển tốt.
Doanh nghiệp Việt không đầu tư phát triển lên một tầm cao mới, dễ bị lép vế, mất thị trường, dẫn đến thua lỗ, dù quá khứ vẻ vang. Nhưng vấn đề phát triển không phải dễ dàng.
Qua đó, chúng ta thấy sự hụt hơi của các doanh nghiệp trong nước. Nếu các bộ, ngành không hỗ trợ, việc doanh nghiệp phải bán cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng lan rộng.
Khi hội nhập quốc tế, Việt Nam phải tuân thủ luật pháp và các cam kết trong các hiệp định thương mại, không thể dùng biện pháp hành chính để cưỡng ép nhưng rõ ràng chúng ta có thể quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bằng chính sách, tháo gỡ hàng rào thủ tục hành chính để họ tự tin hơn, cố gắng vươn lên.
Video đang HOT
Một số nước đang phát triển, khi mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, họ có chính sách cởi mở cho các doanh nghiệp nội địa phát triển và lớn mạnh.
Còn ở Việt Nam, một thời gian chúng ta cố gắng thu hút vốn FDI, họ được hưởng nhiều ưu đãi chồng ưu đãi, trong khi các doanh nghiệp nội địa phải tự bơi. Mà doanh nghiệp nội địa vốn sức đã yếu, càng bơi càng đuối, cuối cùng dẫn đến buông xuôi.
Ngành in: Đề nghị cơ quan quản lý gỡ khó cho doanh nghiệp
Nhiều quy định quản lý hoạt động ngành in đang trở thành rào cản khiến các doanh nghiệp khó khăn, đặt ra yêu cầu cơ quan quản lý gỡ khó...
Hội nghị Tổng kết ngành in năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và tổng kết thi hành Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ vừa diễn ra tại TP.HCM, với rất nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi sự thay đổi để thích ứng tình hình mới.
Rào cản và kẽ hở
Theo zingnews.vn, tại Hội nghị, nhiều quy định phức tạp, không phù hợp với thực tế đã được các doanh nghiệp ngành in chỉ ra tại hội nghị tổng kết ngành in năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và tổng kết thi hành Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ được tổ chức tại TP.HCM.
Tại cuộc họp, ông Chu Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu ngành in, cho biết trong hoạt động xuất nhập khẩu thiết bị gia công sau in và sản xuất gia công giấy, vướng mắc lớn nhất là tất cả thiết bị cơ khí sản xuất bột giấy, giấy, bìa, thiết bị gia công hoàn thiện giấy, bìa giấy và thiết bị gia công sau in của ngành in và bao bì đều nằm trong quy chiếu của quyết định 18/2019/QĐ-TTg.
Trong khi đó ngành công nghiệp in và bao bì phát triển mạnh mẽ trong hàng thập kỷ qua đã cho ra đời nhiều chủng loại thiết bị, công nghệ khác nhau và hầu như không có ranh giới rõ ràng giữa thiết bị sản xuất giấy, bìa, gia công giấy và các thiết bị gia công sau in trong ngành công nghiệp in.
Bản thân những quy định quản lý các thiết bị này cũng có sự mâu thuẫn giữa Nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung cho Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg.
Hiện nay, cơ quan hải quan cũng bị lúng túng khi vận dụng các quyết định, nghị định này trong thực tế. Mỗi nơi hiểu một kiểu dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp.
"Đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác cũng bị vướng mắc mà ngay như cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan (công ty giám định, trung tâm kiểm định chất lượng) cũng không chắc quy trình làm thế nào cho chuẩn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoặc lại là kẽ hở gây khó khăn và nhũng nhiễu doanh nghiệp", ông Hùng nêu.
Đây cũng là vướng mắc của Công ty Xuất nhập khẩu ngành in TP.HCM đang gặp phải khi nhập máy móc, thiết bị.
Mặt khác, khi tiến hành thực hiện quy trình xuất nhập khẩu thiết bị ngành in và bao bì theo quyết định 18/2019/GĐ-TTg, doanh nghiệp ông Hùng cũng nhận thấy quy trình kiểm định thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng quá phức tạp và không khả thi tốn kém thời gian, phát sinh tiêu cực.
Ông Hùng cho rằng quyết định đã đưa ra những tiêu chí không tưởng: Công suất hoặc hiệu suất còn lại phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế; công nghệ của dây chuyền công nghệ phải đang được sử dụng tại ít nhất 3 cơ sở sản xuất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD).
"Cả 3 tiêu chí này đều bất khả thi và mang tính hình thức vì không thể có tổ chức nước ngoài có thể cung cấp các chứng chỉ này. Trường hợp đặc biệt đảm bảo các chỉ tiêu trên là khi thiết bị, dây chuyền công nghệ vẫn đang hoạt động tại nước sở tại với sự thẩm định của các cơ quan chuyên ngành, khi đó chi phí cũng không thể gánh nổi", ông Hùng nói.
Đặc thù trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thường được mua gom từ các đại lý thương mại tại các nước sở tại là máy tĩnh trong trạng thái ngưng hoạt động và thời gian lưu kho cũng rất ngắn.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội In Hà Nội, đề nghị bãi bỏ việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in, để việc đầu tư trang thiết bị do các đơn vị chủ động. Hiện nay, 80% doanh nghiệp in là loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hạn chế về vốn và chủ yếu đầu tư mua các thiết bị đã qua sử dụng.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ đề nghị đơn vị soạn thảo nghị định bổ sung cần có quy định về điều kiện nhận chế bản, in và gia công sau in (thuộc Nghị định 60/2014/NĐ-CP) cần được sửa đổi để phù hợp với điều kiện thực tế và không gây phiền hà cho doanh nhiệp.
Sở cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có quy định biện pháp chế tài trong xử lý vi phạm các quy định tại Nghị định 60 và Nghị định 25. Vì theo nghị định các cơ sở in trên địa bàn phải đăng ký hoạt động in với Sở Thông tin và Truyền thông và cơ sở photocopy phải đăng ký hoạt động với UBND cấp quận, huyện.
Nhưng trên thực tế các cơ sở này không thực hiện việc đăng ký hoạt động, cơ quan chức năng khi kiểm tra chỉ có thể nhắc nhở. Vì không có chế tài, nên việc thực thi pháp luật chưa được nghiêm.
Đồng thời sở này cũng mong sớm có văn bản hướng dẫn về tổ chức, bộ máy của Đội Liên ngành phòng chống in lậu của địa phương để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống in lậu.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết cơ quan quản lý sẽ xây dựng nghị định sửa đổi các nghị định đang điều chỉnh ngành in.
Lắng nghe những ý kiến đóng góp tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ thông tin và Truyền thông, cho biết hiện nay các quy định tại nghị định chưa bao quát hết các loại hình hoạt động in.
Nạn in lậu, in giả, in trái phép diễn ra khá phổ biến. Nhiều hiện tượng in ấn, sao chụp trái phép, bất hợp pháp diễn ra thường xuyên chưa được ngăn chặn kịp thời và triệt để, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tình trạng hoạt động in không được cấp giấy phép vẫn hoạt động in xuất bản phẩm. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động in phát triển chưa được quan tâm và ban hành kịp thời.
Ông cho hay cơ quan quản lý sẽ xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động in.
Đồng thời, cục cũng sẽ xây dựng phương án sửa đổi Luật Xuất bản năm 2012 nhằm thay đổi các quy định về in xuất bản phẩm theo hướng thông thoáng, mở rộng thị trường in, đối tượng in.
Về việc góp ý, sửa đổi các nghị định, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lưu ý các đơn vị ngành in phải tích cực cho ý kiến, góp ý, để nghị định đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, không xảy ra tình trạng nghị định mới ban hành vài năm đã phải sửa đổi, bổ sung.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói trước đây, các văn bản, nghị định đôi khi phải 5 đến 10 năm mới phải sửa đổi nhưng giờ đây có khi chỉ mới 2 đến 3 năm đã phải điều chỉnh.
Nắm bắt ý kiến của các doanh nghiệp trong thời gian qua, ông Hoàng Vĩnh Bảo nhận thấy hai Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định 25/2018/NĐ-CP là hai văn bản tác động chính đến hoạt động in. Do vậy, trước xu thế phát triển như hiện nay, hai nghị định này cần phải bổ sung, điều chỉnh các nghị định, quy định pháp luật cần thiết cho phù hợp thực tiễn.
"Hiện nay, tính dự báo của các nghị định, quy định pháp luật chưa đạt yêu cầu, vì thế khi luật ban hành thì đã có những điểm lạc hậu. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung nghị định mới cần được làm kỹ để cần đảm bảo tính khả thi và lâu dài", Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Theo ông Bảo, việc sửa đổi, bổ sung các nghị định không chỉ là lắng nghe ý kiến, tình hình hoạt động thực tế của các doanh nghiệp, các đơn vị quản lý ngành in mà còn phải so sánh, đối chiếu với các luật khác có liên quan.
Điều này giúp phát hiện những vấn đề chồng chéo, từ đó, cơ quan soạn thảo nghị định sửa đổi đưa ra những quy định mang tính tổng thể, hài hòa, căn cứ vào mục tiêu chiến lược và quy hoạch ngành.
Nhân lực: Trình độ trên đại học chưa tới 1%
zingnews.vn cho biết: Hiện nhiều doanh nghiệp ngành in đang gặp khó khăn về nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực có dấu hiệu giảm rõ rệt dẫn đến năng suất lao động thấp.
Bên cạnh những số liệu khả quan của ngành in trong năm 2020, một vấn đề khó khăn được cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp nêu ra là nguồn nhân lực.
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng lao động năm 2020 là 60.720 lao động (giảm 2,3%). Trong đó, số lao động nam chiếm 59,8%. Số lao động được đào tạo dưới mọi hình thức (từ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng, đại học) dưới 60%.
Trong số lao động được đào tạo, trình độ trên đại học chưa tới 1%, đại học và cao đẳng chiếm khoảng 20%, trung cấp khoảng 10%, còn lại lại là sơ cấp nghề hoặc chưa qua đào tạo.
Cục Xuất bản, In và Phát hành đánh giá năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực có dấu hiệu giảm rõ rệt. Nguyên nhân là số lao động có trình độ tay nghề cao, bao gồm cả kỹ sư, công nhân bậc cao đào tạo tại nước ngoài, phần lớn đã hết tuổi lao động.
Số lao động lâu năm trong ngành lại khó khăn trong việc cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Do những khó khăn về kinh phí, ít doanh nghiệp đầu tư cho khâu đào tạo nhân lực.
Mặt khác, năng lực đào tạo hiện có của các trường chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động ngành in. Nội dung đào tạo chưa bám sát sự phát triển của công nghệ, thiết bị, gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp in.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội In Hà Nội, thừa nhận thực trạng đang diễn ra đối với ngành in là thiếu lao động được đào tạo. Các doanh nghiệp in trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, cũng như lao động phổ thông.
Ông dẫn ví dụ cuối năm 2020, Cao đẳng Công nghiệp In tổ chức tọa đàm về đào tạo và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp với sự tham gia của 20 doanh nghiệp in lớn và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đăng ký học các khóa rất ít.
Thiếu lao động dẫn đến tình trạng doanh nghiệp này câu kéo nhân công của doanh nghiệp khác bằng cách trả lương cao hơn để có người làm được ngay không phải mất công đào tạo.
Nhân lực ngành in: Trình độ trên đại học chưa tới 1%
Để giải quyết vấn đề này, Cục Xuất bản, In và Phát hành đề nghị các đơn vị đào tạo đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in, gồm đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật.
Nội dung đào tạo cần bám sát sự phát triển của công nghệ, thiết bị, gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp in, để nhân lực được đào tạo khi ra trường có thể làm việc được ngay, tránh tình trạng vừa thiếu nhân lực có chất lượng cao, lại thừa nhân lực do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất mới.
Các trường phải tăng cường, thường xuyên hợp tác với quốc gia có ngành in phát triển để cử sinh viên, cán bộ đi học tập và đào tạo, chuẩn bị cho nguồn nhân lực cho ngành in phù hợp sự phát triển của thế giới.
Các cơ sở ngành in cũng phải chú trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm in của cơ sở.
Nghị định mới cần làm kỹ đảm bảo tính khả thi và lâu dài
Tại hội nghị, đại diện nhiều đơn vị cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động in để phù hợp thực tiễn hoạt động của ngành in.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ thông tin và Truyền thông, cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan quản lý trong năm 2021 là nghiên cứu hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực in theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động in; xây dựng phương án sửa đổi Luật Xuất bản năm 2012 nhằm thay đổi các quy định về in xuất bản phẩm theo hướng thông thoáng, mở rộng thị trường in, đối tượng in.
Các đơn vị phải tích cực góp ý sửa đổi để nghị định đáp ứng yêu cầu ngành in.
Về việc góp ý, sửa đổi các nghị định, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lưu ý các đơn vị ngành in phải tích cực cho ý kiến, góp ý, để nghị định đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, không xảy ra tình trạng nghị định mới ban hành vài năm đã phải sửa đổi, bổ sung.
Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định 25/2018/NĐ-CP là hai văn bản tác động chính đến hoạt động in. Do vậy, trước xu thế phát triển như hiện nay, hai nghị định này cần phải bổ sung, điều chỉnh các nghị định, quy định pháp luật cần thiết cho phù hợp thực tiễn.
"Trên cơ sở những góp ý của các địa phương, doanh nghiệp, hai nghị định có nhiều vấn đề cần sửa đổi. Tuy nhiên, điều này cũng nói lên tính trách nhiệm của các cơ quan xây dựng pháp luật. Hiện nay, tính dự báo của các nghị định, quy định pháp luật chưa đạt yêu cầu, vì thế khi luật ban hành thì đã có những điểm lạc hậu. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung nghị định mới cần được làm kỹ để cần đảm bảo tính khả thi và lâu dài", Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Theo ông Bảo, việc sửa đổi, bổ sung các nghị định không chỉ là lắng nghe ý kiến, tình hình hoạt động thực tế của các doanh nghiệp, các đơn vị quản lý ngành in mà còn phải so sánh, đối chiếu với các luật khác có liên quan. Điều này giúp phát hiện những vấn đề chồng chéo, từ đó, cơ quan soạn thảo nghị định sửa đổi đưa ra những quy định mang tính tổng thể, hài hòa, căn cứ vào mục tiêu chiến lược và quy hoạch ngành.
Ngành in thiếu nhân lực trầm trọng Nhiều doanh nghiệp ngành in đang gặp khó khăn về nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực có dấu hiệu giảm rõ rệt dẫn đến năng suất lao động thấp. Sáng ngày 18/3, hội nghị tổng kết ngành in năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và tổng kết thi hành Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ...