Nhiều công trình lún, nứt quanh Nhà khách thành phố Hà Nội
Trong quá trình nhà khách thành phố Hà Nội được thi công, nhiều công trình xung quanh đã bị ảnh hưởng. Hiện tượng lún, nứt xảy ra ở nhiều nhà, thậm chí có công trình đã phải phá dỡ toàn bộ để đảm bảo an toàn.
Sống trong lo sợ
Công trình xây dựng nhà khách Ủy ban thành phố Hà Nội được phê chuẩn xây dựng từ năm 2011, đặt tại vị trí số 13-15 phố Lương Ngọc Quyến, phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, giữa năm 2013, việc thi công công trình này mới bắt đầu được tiến hành.
Chỉ sau một thời gian ngắn thi công, việc tiến hành phá dỡ và đổ móng trên diện tích nền rộng gần 1.000m2 của công trình này đã khiến một loạt các công trình xung quanh xuất hiện những vết nứt, thậm chí có dấu hiệu nghiêng, lún.
Nhà số 11 Lương Ngọc Quyến sát với công trình Nhà khách đang thi công.
Tại nhà số 11 Lương Ngọc Quyến, theo quan sát của chúng tôi, 4 tầng của ngôi nhà này xuất hiện nhiều vết nứt chạy dọc tường. Riêng tại tầng 4, mảng tường ngăn cách giữa Nhà khách và căn hộ thậm chí còn xuất hiện vết gãy gập chạy ngang khiến cho phần ở giữa bị ép, phình ra bất thường.
Bà Trần Thị Phương Mai, khổ chủ của căn nhà số 11 Lương Ngọc Quyến, tỏ ra hết sức lo lắng cho sự an toàn của những người hiện đang còn sinh sống tại đây. Chỉ tay vào hành lang đang nghiêng dần về một phía, bà Mai cho hay: “Bắt đầu từ khoảng tháng 7/2013, công trình Nhà khách được tiến hành thi công. Từ đó tới nay, những vết nứt ngày càng xuất hiện ở nhà tôi nhiều hơn. Đến ngay cả hành lang tầng 3 cũng đã bị kéo nghiêng hẳn sang một bên”.
Hệ thống trần thạch cao của căn nhà cũng bị hư hỏng nghiêm trọng do trong quá trình triển khai, đơn vị thi công không đảm các quy định về an toàn, che chắn dẫn đến tình trạng các tảng bê tông lớn, gạch vỡ bắn sang, xé rách phần mái tôn phía trên của gia đình.
Phần tường nhà số 11 nham nhở từ khi công trình Nhà khách được thi công.
Video đang HOT
“Cực nhất là vào mùa mưa, nước từ trên cao chảy thẳng vào căn phòng rồi tràn xuống các tầng phía dưới khiến cho sinh hoạt của tất cả những người sống trong nhà bị đảo lộn. Hệ thống điện chạy chìm trong tường cũng hư hại, buộc chúng tôi phải cắt toàn bộ điện ở các tầng trên để đảm bảo an toàn” – bà Mai ngậm ngùi.
Các lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Buồm cùng chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công và chủ nhà số 11 Lương Ngọc Quyến đã nhiều lần họp bàn, kiểm tra hiện trạng của căn nhà này. Các biên bản kiểm tra hiện trạng đều xác định khắp 4 tầng của ngôi nhà xuất hiện nhiều vết rạn nứt ở tường và cột trụ.
Nhiều vết nứt chạy dọc trụ tường và dưới chân tường.
Hiện tại, toàn bộ 3 tầng trên của nhà số 11 Lương Ngọc Quyến đã không thể sử dụng, chỉ còn tầng dưới cùng được tận dụng làm cửa hàng cà phê. Tuy nhiên, theo bà Mai, vì sát cạnh ngay công trình đang thi công dở nên quán cũng rất thưa khách.
“Từ khi việc xây dựng được tiến hành, chúng tôi buộc phải tự đi thuê nhà để ở. Việc kinh doanh buôn bán cũng đình trệ nghiêm trọng, trong khi vẫn phải nơm nớp lo sợ nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Cuộc sống của toàn bộ gia đình tôi đang bị đảo lộn” – bà Mai cho hay.
Phải chờ thẩm định
Không chỉ gia đình bà Mai, gần chục gia đình sinh sống xung quanh công trình Nhà khách thành phố cũng đang hết sức lo lắng về độ an toàn của căn nhà mình đang sống. Theo số liệu từ UBND phường Hàng Buồm, có tới 9 hộ và một nhà kho của Công ty Thủy sản chịu ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau từ công trình Nhà khách.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Viết Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường cho hay, trong các trường hợp trên, nghiêm trọng nhất là kho của Công ty Thủy sản đặt tại số 80 phố Mã Mây. Theo ông Thắng, thời điểm cuối năm 2013, qua khảo sát, các cơ quan chức năng phát hiện nhà kho 80 Mã Mây bị tách rời hẳn ra khỏi khối nhà chung và bị nghiêng nghiêm trọng.
Một đoạn tường phình ra bất thường, kèm vết nứt chạy ngang.
“Ngay lập tức, chúng tôi đã phải yêu cầu chủ đầu tư phải niêm phong khu vực kho, không cho ai ra vào. Sau đó, phường chủ trì cùng các bên liên quan họp giải quyết, thống nhất phương án phá dỡ toàn bộ công trình nhà kho để đảm bảo an toàn” – ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, các nhà số 17 Lương Ngọc Quyến (có 6 hộ dân sinh sống), nhà số 78 và 92 Mã Mây cõ xuất hiện tình trạng lún, nứt và xé tường nhưng chưa gây nguy hiểm cho người dân. Mặc dù vậy, UBND phường vẫn yêu cầu chủ đầu tư phải tiến hành khảo sát, đánh giá để đảm bảo an toàn.
Công trình Nhà khách thành phố Hà Nội đang được khẩn trương hoàn thành phần móng và 2 tầng hầm.
“Riêng với trường hợp nhà số 11 phố Lương Ngọc Quyến, sau khi làm việc với chủ nhà, đại diện chủ đầu tư cũng như Sở Xây dựng thành phố đã thống nhất sẽ thuê đơn vị khảo sát độc lập để tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng cụ thể để có căn cứ thống nhất phương án đền bù” – ông Thắng nhấn mạnh.
Trong khi chờ đợi các cơ quan có chức năng vào cuộc, hàng ngày, những người sinh sống tại căn nhà 4 tầng số 11 phố Lương Ngọc Quyến cùng nhiều hộ khác vẫn nơm nớp nỗi lo về sự an toàn của bản thân mình.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Hà Nội mở cửa thêm 6 phố đi bộ
Quận Hoàn Kiếm đã triển khai thêm 6 tuyến phố đi bộ là Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện vào cuối tuần.
Ngoài tuyến phố Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân hiện nay, khu phố cổ Hà Nội đã có thêm 6 phố đi bộ vào các ngày thứ 6, thứ 7, chủ nhật.
Trao đổi với báo chí chiều 22/4, ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Xuân cho biết, cuối năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án phố đi bộ. Để triển khai, đơn vị đã lắp đặt nhiều đèn trang trí giới thiệu tuyến phố, thay thế 53 đèn cao áp và tăng cường chiếu sáng tại các điểm di tích như đền Bạch Mã, trung tâm thông tin phố cổ, nhà cổ 87 Mã Mây.
Phường Hàng Buồm đã lắp đặt 20 thùng rác loại 80 lít, tháo dỡ 412 mái che, mái vẩy của các hộ dân, hơn 100 hộ đã thay các biển quảng cáo cho đúng mẫu mã.
Phố đi bộ luôn thu hút đông khách du lịch. Ảnh: Tiến Dũng.
Công ty CP Đồng Xuân đang có 12 điểm giao thông tĩnh phục vụ tuyến đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân với diện tích 1.463 m2. UBND quận đã cấp phép 7 điểm trông giữ xe với diện tích 648 m2 để phục vụ tuyến phố và quy hoạch thêm các điểm để ngăn chặn tình trạng trông xe tự phát. Giá trông giữ là 5.000 đồng mỗi lượt theo quy định của thành phố.
Để giải quyết nhu cầu gửi gần 1.300 xe máy của các hộ trong khu vực phố đi bộ, Công ty CP Đồng Xuân đã in 2.000 tem phát cho các hộ dân dán vào phương tiện của gia đình mình để ra vào khu phố và gửi xe miễn phí các tối cuối tuần.
Các tuyến phố sẽ bố trí điểm kinh doanh trên vỉa hè. Hiện UBND phường Hàng Buồm đã nhận 256 đơn đăng ký, Công ty CP Đồng Xuân đã rà soát, chấp nhận đợt 1 với 168 hộ đủ điều kiện kinh doanh trên vỉa hè. Điểm kinh doanh trên hè đảm bảo nguyên tắc dành lối đi vào bên trong cho các hộ dân từ 0,8 m đến 1 m.
Vào các ngày từ 11/4 đến 13/4 và 18/4 đến 20/4, Công ty CP Đồng Xuân đã bắt đầu thử nghiệm hoạt động của phố đi bộ. Theo ông Đỗ Xuân Thủy, người dân trong khu vực phố đi bộ cơ bản đồng thuận. Các hộ kinh doanh tự giác chấp hành quy định an ninh trật tự, phòng chống cháy.
Phố Hàng Buồm - Mã Mây - Đào Duy Từ - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện thuộc khu vực bảo tồn cấp 1 của Hà Nội. Đây là các phố còn lưu giữ những công trình được xây dựng vào thế kỉ 18 - 19 và nhiều di tích lịch sử văn hóa như đền Bạch Mã, đền Quan Đế, nhà cổ 87 Mã Mây, đền Hương Tượng, đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc.
Theo khảo sát của quận Hoàn Kiếm, dân cư ở các phố này có khoảng 10.000 người, chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh dịch vụ và du lịch. Trong đó dịch vụ thương mại chiếm tỷ lệ 60%, dịch vụ ăn uống chiếm 12%. Tại đây có 240 nhà mở cửa hàng, trong đó có 100 nhà kinh doanh ăn uống.
Theo VNE
Phố cổ Hà Nội: Khi văn hóa không đi kèm với văn minh Nét nhộn nhịp, ồn ã, tấp nập, xô bồ xen lẫn với vẻ cổ kính, chất chứa những trầm tích văn hóa suốt bao thế hệ - đó là tất cả những gì chúng ta có thể hình dung về cuộc sống của những người dân sống ở khu vực "Hà Nội ba sáu phố phường". Giá trị văn hóa, truyền thống dân...