Nhiều công trình cản trở hệ thống thoát nước
Nhằm hạn chế tình trạng ngập úng có thể xảy ra trong mùa mưa năm 2021, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị chức năng đã và đang triển khai hàng loạt biện pháp tăng khả năng tiêu, thoát nước. Tuy nhiên, công tác thoát nước mùa mưa năm nay được dự báo gặp không ít khó khăn.
Một trong những dự án kéo dài ảnh hưởng đến dòng chảy trên sông Lừ. Ảnh: Công Trình
Áp lực
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, đến cuối mùa mưa năm 2020, Hà Nội đã giảm được 5/16 điểm úng ngập. Như vậy, trong năm 2021, với các trận mưa dưới 50mm/2 giờ trên địa bàn TP sẽ không xảy ra úng ngập. Nhưng với những trận mưa từ 50 – 100mm/2 giờ, Hà Nội còn 11 điểm có thể xảy ra úng ngập cục bộ.
Video đang HOT
Để bảo đảm khả năng tiêu thoát nước, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm, Công ty đã yêu cầu các xí nghiệp tiến hành nạo vét hệ thống sông, kênh, mương, cống dọc, tập trung tại các trục tiêu thoát nước chính, khu vực thường xuyên xảy ra úng ngập. Đồng thời, sửa chữa, bảo dưỡng trạm bơm, đập điều tiết… nhằm đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu. Ngoài ra, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, bố trí công nhân và máy móc ứng trực tại các điểm nóng để kịp thời xử lý tình huống có thể phát sinh.
Mặc dù vậy, theo đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, ngoài việc các công trình đầu mối, hệ thống thoát nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, tình trạng một số dự án thi công kéo dài như: Dự án Nhà máy xử lý nước thải trên sông Lừ, sông Tô Lịch; dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và các hạng mục thuộc dự án Cụm công trình đầu mối Yên Nghĩa… cũng gây áp lực lên hệ thống thoát nước. “Do đang trong quá trình triển khai nên lòng sông, hệ thống thoát nước bị thu hẹp. Điều này sẽ làm chậm khả năng tiêu, thoát nước của Thủ đô mỗi khi có mưa lớn kéo dài” – đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chia sẻ.
Trách nhiệm của cộng đồng
Liên quan đến việc hệ thống tiêu thoát nước đang bị thu hẹp bởi các công trình xây dựng, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các chuyên gia cho rằng, đây là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trong tương lai, những công trình trên khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng môi trường tại Thủ đô. Vì vậy, để giảm thiểu ảnh hưởng có thể xảy ra khi mưa lớn, trước mắt, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã có văn bản đề nghị các đơn vị thi công tập kết vật liệu, có biện pháp thi công hợp lý. Nhưng một vấn đề quan trọng không kém là rất cần có sự chung tay và nâng cao ý thức của toàn xã hội. Lý giải về việc này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết, để tăng khả năng tiêu, thoát nước mỗi khi trời mưa, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức phá dỡ bục bệ, cầu dẫn… lắp đặt sai quy định gây cản trở hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều trường hợp tiếp tục vi phạm. Bên cạnh đó, việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, xưởng sửa chữa ô tô, xe máy… không lắp thiết bị tách dầu mỡ mà đẩy thẳng hệ thống thoát nước cũng khiến đường thoát nước bị tắc nghẽn.
Do vậy, để hạn chế thấp nhất tình trạng ngập úng trên địa bàn TP, ngoài việc nâng cao hiệu quả của hệ thống thoát nước, rất cần có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Cả nước có thêm 33 nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động
Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho biết, tính đến hết năm 2020, cả nước có 63 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các đô thị từ loại IV trở lên đi vào vận hành, tăng thêm 33 nhà máy và khoảng hơn 500.000m3/ngày đêm so với năm 2015.
Theo đó, đối với công tác cấp nước, các địa phương đã cơ bản đạt yêu cầu so với các chỉ tiêu của Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia. Chủ trương xã hội hóa ngành nước đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và vận hành các công trình cấp nước. Có trên 95% doanh nghiệp cấp nước hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Đến hết năm 2020, cả nước có 750 nhà máy nước sạch đô thị với tổng công suất khoảng 10,6 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước qua hệ thống nước tập trung đạt khoảng 90%.
Cả nước có thêm 33 nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động trong năm 2020 (Ảnh internet).
Về thoát nước và xử lý nước thải (XLNT), các đô thị đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Một số khu đô thị mới, đô thị mở rộng đã đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước riêng nước mưa và nước thải. Các mô hình về đấu nối, thu gom nước thải đang được nhân rộng đến các địa phương trên cả nước. Nhiều dự án thu gom và xử lý nước thải cũng đang được triển khai có công suất lớn như Nhà máy XLNT Yên Xá (Hà Nội) công suất 270.000m3/ngày đêm; Nhà máy XLNT Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh) công suất 480.000m3/ngày đêm; Nhà máy XLNT Bình Hưng giai đoạn 2 (TP Hồ Chí Minh) công suất 328.000m3/ngày đêm...
"Cả nước có 63 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các đô thị từ loại IV trở lên đi vào vận hành với tổng công suất xử lý theo thiết kế gần 1,34 triệu m3/ngày đêm (tăng 33 nhà máy và khoảng hơn 500.000m3/ngày đêm so với năm 2015); phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đạt khoảng 60%, tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý tại các đô thị đạt khoảng 15%" - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho hay.
Ngoài ra, công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị cũng được đặc biệt quan tâm, cả nước có 45 cơ sở xử lý tập trung với tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 8.700 tấn/ngày được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Một số cơ sở xử lý chất thải rắn có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, như: Nhà máy xử lý rác thải tại Bố Trạch - Quảng Bình, dự án đốt rác phát điện tại Thới Lai - Cần Thơ... Tuy nhiên, chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn xử lý bằng phương pháp chôn lấp, các công nghệ xử lý tiên tiến đang dần được áp dụng phổ biến như sản xuất phân compost; đốt; kết hợp đốt và sản xuất phân compost; đốt rác phát điện và tái chế...
"Để khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, các chương trình, định hướng, chiến lược về quản lý đã được tập trung thực hiện, như: Điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp; Điều chỉnh định hướng thoát nước đô thị và khu công nghiệp; Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050; Chương trình quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 và Chương trình chống thất thoát thất thu nước sạch đến năm 2025" - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết thêm.
TP.HCM cần 107.200 tỷ đồng chống ngập trong 5 năm tới Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2025, TP.HCM cần 107.200 tỷ đồng để thực hiện các quy hoạch, nhiệm vụ chính. UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030. Ngập nước ở TP.HCM vẫn thường xuyên...