“Nhiều con cái của cán bộ giàu một cách bất minh”
Thảo luận về dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sáng nay 9.11, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng tham nhũng ngày càng gia tăng và trở thành vấn nạn đe dọa sự tồn vong của chế độ, gây bức xúc cho người dân nhưng cách phòng chống còn yếu kém, lúng túng.
Tham nhũng cả trong cứu trợ, cứu đói
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu lên một sự thật là hiện nay con cái của các cán bộ, kể cả thành niên hay chưa thành niên đang giàu lên một cách bất minh, bất hợp pháp. Điều đáng nói là tuy con cái rất giàu nhưng trong bản kê khai của các cán bộ này có tài sản rất ít.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): “Tham nhũng diễn ra ở mọi lĩnh vực” – Ảnh: Ngọc Thắng
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) bổ sung: Hiện nay nhiều sinh viên, học sinh mới ra trường nhưng đã được bố mẹ là cán bộ cho khối tài sản hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Điều đáng nói là phần lớn khối tài sản này chưa rõ nguồn gốc và chưa được kê khai đầy đủ.
Cần có biện pháp đảm bảo quyền, cuộc sống cho người tố cáo tham nhũng. Thực tế hiện nay nhiều trường hợp người tố cáo tham nhũng và người thân bị đe đọa về tính mạng, cuộc sống. Nếu không đảm bảo vấn đề này sẽ rất khó khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An)
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho hay, dù Đảng và Nhà nước đã cố gắng phòng chống nhưng tình hình tham nhũng không những không giảm mà ngày càng nhiều. Trước đây tham nhũng chỉ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế thì nay còn xảy ra cả trong giáo dục, y tế…
“Đau xót hơn tham nhũng còn xảy ra trong cứu trợ, cứu đói”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thành Hóa) dẫn chứng theo xếp hạng của Tổ chức minh bạch quốc tế, chỉ số tham nhũng của Việt Nam xếp thứ 121/183 quốc gia.
“Chỉ số xếp hạng này là điều đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Trước đây tham nhũng chỉ diễn ra ở các lĩnh vực quan trọng như kinh tế, đất đai thì nay tồn tại ở bất cứ lĩnh vực nào”, ông Lợi nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết năm 2005, khi góp ý cho luật Phòng, chống tham nhũng, có ý kiến dự báo luật này sẽ thất bại khi quy định chống tham nhũng là nhiệm vụ của cơ quan hành pháp. Điều này chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
“Nếu luật Phòng, chống tham nhũng ban hành năm 2005 làm tốt sẽ không có hiện tượng Vinashin, Vinnalines như bây giờ. Điều đáng nói là kẻ tham nhũng đang nằm ngoài vòng pháp luật còn người tố cáo tham nhũng lại đang trở thành tội đồ. Chỉ có một số vụ mà kẻ tham nhũng hồ đồ mới bị phát hiện”, ông Quốc bức xúc
Công khai tài sản tại nơi cư trú
Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho biết báo cáo sơ kết 5 năm của ban phòng chống tham nhũng cho thấy biểu hiện tham nhũng vẫn còn phức tạp, tinh vi.
Hiện phần lớn phát hiện tham nhũng đến từ người dân và nhà báo nhưng dự luật lại đang phần nào hạn chế quyền hạn của nhà báo.
Video đang HOT
Điều 99 của dự luật này quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.
Quy định như thế khác nào coi báo chí như cấp dưới của mình và hạn chế vai trò của báo chí trong trong phòng chống tham nhũng.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
Điều đáng nói, theo ông Cư phần lớn nhiều vụ tham nhũng không được phát hiện từ nơi làm việc mà đến từ phát hiện của người dân. Từ đó, ông Cư kiến nghị cần có quy định phải công khai tài sản của cán bộ tại nơi cư trú để nhân dân giám sát.
Ông Cư kiến nghị cần thành lập ủy ban phòng chống tham nhũng độc lập trực thuộc Quốc hội, có quyền điều tra, khởi tố và báo cáo trực tiếp trước Quốc hội.
Theo đại biểu Phạm Xuân Thường, cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản của cán bộ vì chức vụ của cán bộ liên tục thay đổi.
“Hôm nay cán bộ này chưa làm chức vụ quản lý, nhưng ngày mai có thể làm quản lý và nắm giữ nhiều quyền hạn, dễ phát sinh tiêu cực”, ông Thường nói.
Tuy nhiên, ông Thường lại không đồng tình với ý kiến thành lập ban phòng chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội.
Theo ông Thường, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng là việc của Chính phủ. “Ở một số nước, ban phòng chống tham nhũng thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của tổng thống và mô hình này rất hiệu quả. Ở ta, ủy ban phòng chống tham nhũng nên thuộc quyền chủ tịch nước”, đại biểu này viện dẫn.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kiến nghị cần bổ sung hành vi “cố ý làm trái” vào 12 biểu hiện của tham nhũng mà dự án uật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang lấy ý kiến.
Theo ông Thuyền, vừa qua có nhiều hành vi cố ý làm trái như mua tàu, ký ban hành chuyển đổi sử dụng đất… gây thất thoát tiền của Nhà nước và nhân dân nhưng những hành vi này lại không được xem là tham nhũng là chưa hợp lý.
“Hành vi nhận tiền lối lộ của cảnh sát giao thông ngoài đường chỉ là bức xúc nhỏ. Bức xúc lớn nhất, nguy hiểm nhất chính là tham nhũng liên quan đến chính sách”, ông Thuyền bổ sung.
Ngoài ra, ông Thuyền kiến nghị cần tịch thu nếu phát hiện số tài sản mà cán bộ không kê khai và không chứng minh được nguồn gốc.
Khó thu hồi tài sản thất thoát từ tham nhũng
Theo Thanh tra Chính phủ, số vụ tham nhũng được khởi tố, điều tra, truy tố năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm của công an đã thụ lý 551 vụ án, 1.277 bị can phạm tội về tham nhũng.
Cùng với đó, đã kết luận điều tra 197 vụ, 521 bị can. Hiện đang điều tra 137 vụ, 295 bị can.
Năm 2012, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý tuy có tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít.
Ngoài ra, hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Theo TNO
Tội phạm tham nhũng "ẩn" vì có sự bao che !?
"Vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn, người ta nghĩ ngay đến chuyện có người bao che. Yếu tố "ẩn" của tội phạm tham nhũng chính là do vậy, do có người bao che, có người "mật báo", có người lấp liếm cho" - Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý phân tích.
Thảo luận tại tại tổ về tình hình tội phạm, công tác phòng chống tham nhũng năm 2012, nhiều ý kiến đã "làm sôi" diễn đàn về độ bức xúc của tệ tham nhũng.
Kê khai tài sản "không trúng" vì hình thức
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đi thẳng vào vấn đề, kết quả chống tham nhũng còn hạn chế phát hiện tham nhũng không tương xứng thực tế vì thực chất các hoạt động "phòng, chống" mới chỉ tiến hành trên diện rộng, chưa đi vào chiều sâu, thực chất vấn đề.
Ông Quyền phân tích, biện pháp "phòng" tham nhũng bằng kê khai tài sản - có mở rộng diện đối tượng phải kê gồm cả vợ chồng, con cái, bố mẹ - vẫn... không trúng vì hình thức. Quan trọng nhất là phải kiểm soát được tài sản của công dân, trong đó có công chức, viên chức.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp dẫn chuyện, những băng cướp nhỏ ở Nam Phi, mỗi khi cướp được tài sản là lượng nhỏ ngoại tệ đều phải "nhiệt tình"... trả lại. Lý do là vì ngoại tệ không tiêu được ở đất nước này. Đó đã là một cơ chế rất hữu hiệu để chống rửa tiền, phòng tham nhũng. Nó cũng biểu hiện việc nhà nước kiểm soát rất tốt tài sản, thu nhập của mọi công dân.
Trong khi tại Việt Nam, có vụ tham nhũng mà qua 4 vòng xét xử, kéo dài 14 năm cũng vẫn chưa xác định được tài sản của cán bộ nghi tham nhũng. Như vậy, chỉ nhìn vào bảng kê khai tài sản, ông Quyền lắc đầu "sao nói lên được điều gì".
"Tôi đồng ý việc niêm yết công khai bảng kê tài sản song chắc nó chỉ có ý nghĩa để cho cán bộ tự thấy mình tự giác thôi chứ không có ý nghĩa để người khác phát hiện tham nhũng" - ông Quyền phát biểu.
Đối phó với tội phạm tham nhũng, theo đại biểu, quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất là chứng cứ. Vì tham nhũng là tội phạm ẩn, được so sánh như biểu tượng thường thấy là hình ảnh 2 bàn tay lồng vào nhau - ý nói hành vi đưa nhận hối lộ.
Song rất nhiều năm qua, dù tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều vẫn ít có kết quả vì khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, đơn vị này vẫn tiếp tục công việc cả năm trời, sau đó mới chuyển tài liệu sang cơ quan điều tra. Lúc này, cơ quan điều tra vào cuộc thì cũng đành "bó tay" vì không thể tìm được chứng cứ. Mọi thứ đã được xóa sạch.
Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) phân tích thêm, nói tội phạm tham nhũng "ẩn" cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng nói là nguyên nhân chủ quan.
Ông Lý đề cập lại vụ Cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng bỏ trốn. Đặt câu hỏi vì sao bị can trốn được, người ta nghĩ ngay đến chuyện có người bao che. Chủ nhiệm UB Pháp luật quả quyết: "Yếu tố "ẩn" chính là do vậy, do có người bao che, có người "mật báo", có người lấp liếm, bỏ qua cho. Vậy nên nói "ẩn" như thế là do nguyên nhân chủ quan".
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cũng phản ánh, dân không tin Dương Chí Dũng bỏ trốn êm đềm như vậy, rồi nói bắt là bắt ngay được như vậy.
Chống tham nhũng từ... tư duy
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND TPHCM nói: "Chúng ta giật mình khi nổ ra những vụ án với số tiền chiếm đoạt rất lớn, diễn ra trong thời gian dài. Vậy tại sao giờ mới phát hiện. Chuyện Vinalines mua chiếc ụ nổi cũ kỹ, lạc hậu vậy mà không ai phát hiện sao? An ninh kinh tế không phát hiện, hay có mà không công khai xử lý?... Tôi cho là chúng ta biết nhưng chần chừ, dẫn đến sai phạm lún sâu dần".
Đại biểu Phan Trung Lý (trái) - Chủ nhiệm UB Pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) băn khoăn, từ lãnh đạo đến cán bộ, người dân đều luôn luôn nói về tham nhũng nhưng khi có những vụ việc rành rành là tham nhũng nổi lên như PMU18, Vinashin rồi hiện tại là Vinalines thì cuối cùng lại quy về "tội trạng" là không hoàn thành nhiệm vụ, làm trái quy định chứ không chỉ đích danh là tham ô.
"Mua tàu cũ dẫn đến gây thiệt hại lớn cũng không nói là tham ô mà lại là lám trái chỉ đạo Thủ tướng. Nhưng thực chất việc này phải nói là mua tàu cũ với giá gần bằng tàu mới. Có khi con tàu giá mua 1.000 tỷ đồng, thực tế chỉ phải trả 500 tỷ, số còn lại từ lãnh đạo đến cấp dưới cắt ra chia nhau" - ông Hồng phán đoán.
Đại biểu cũng bộc bạch, khi nghe tin nổ ra những vụ án "đình đám" như vậy, "dân thường" như ông nghĩ ngay đến việc tử hình đến nơi nhiều quan chức cấp cao. Vậy nhưng cuối cùng cũng chỉ là mấy tội danh nhẹ nhàng như trên. Thậm chí có người sau đó còn khôi phục sinh hoạt Đảng. Ông Hồng bình luận đó là việc "không thể hiểu nổi".
Đại biểu đặt vấn đề, nên chăng có luật đưa ra những mức định khung cụ thể, làm thất thoát, thiệt hại đến 200 tỷ, 500 tỷ.... là cứ vậy áp án chung thân, tử hình. Làm mạnh tay để tránh tình trạng lãnh đạo làm sai, gây thiệt hại đến hàng nghìn tỷ mà lĩnh án không bằng hành vi của kẻ ăn trộm, giết người.
Ông Hồng đặt vấn đề phải chống "tư duy tham nhũng" ngay từ việc nhỏ nhất. Chuyện người lao công tại khu phố, cứ tháng nào nhận được thêm phong bì bồi dưỡng thì quét dọn sạch bong, tháng nào quên, lỡ hạn là làm quấy quá được ông Hồng dẫn ra để nói về chuyện này.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, có hiện tượng hành chính hóa, nội bộ hóa để giảm án tham nhũng. Số vụ án tham nhũng nhiều nhưng khởi tố kiểu đầu voi đuôi chuột. Thất thoát nhiều nhưng khi kết luận lại không có tham ô. Thu hồi tài sản chiếm đọat trong các vụ án tham nhũng rất thấp, chỉ vài %, vậy đi đâu hết? Nếu chỉ phát hiện, xử tù mấy năm rồi tha thì không răn đe được tham nhũng. Phải tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng.
"Nhiều vụ án đầu voi đuôi chuột, PMU18, rồi Vinashin, giờ là Vinalines, thất thoát nhiều như vậy nhưng kết luận không thấy dấu hiệu tham ô mới là lạ, tài sản thu hồi cũng rất thấp. Thu hồi tài sản là yêu cầu đặt ra trong phòng chống tham nhũng, nếu không, chỉ đi tù một thời gian được giảm án về thì không thể khắc phục được thiệt hại" - ông Đương nhấn mạnh.
Theo Dantri
Phân bổ 1.000 tấn gạo cứu đói cho nhân dân vùng lũ UBND tỉnh Nghệ An vừa phân bổ 1.000 tấn gạo hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ tháng 9/2012. Dịp này, Sở GD-ĐT Nghệ An cũng tổ chức trao 100 triệu đồng cho các trường bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất trong đợt mưa lũ. Thực hiện việc phân bổ gạo cứu đói...