Nhiều chuyên gia lo ngại hầm vượt sông Hàn sẽ lãng phí
Hôm nay phương án hầm vượt sông Hàn tiếp tục được đặt lên bàn làm việc của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, trong khi một số chuyên gia bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả của phương án này so với làm cầu.
Ông Nguyễn Nho Trung (Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy) cho biết, chiều 27/12, Ban thường vụ Thành ủy có cuộc họp quyết định việc sẽ làm hầm vượt sông Hàn hay không. Đây là cuộc họp thứ 4 trong vòng hơn một năm qua của lãnh đạo Đà Nẵng bàn về chủ đề này.
Góp ý vấn đề trên, nhiều chuyên gia lo ngại tính hiệu quả của phương án làm hầm qua sông Hàn. Ông Hoàng Sừ (nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam) cho hay, với quy mô dự kiến trên 4.000 tỷ đồng, hầm chui sông Hàn thuộc dự án nhóm A. Công trình này phải lập báo cáo tiền khả thi, xác định cho được nhu cầu thực sự của Đà Nẵng trong việc làm hầm chui tại vị trí đầu đường Như Nguyệt.
Vị trí đang tranh cãi về việc có nên làm hầm qua sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Đông.
Theo ông Sừ, hầm Thủ Thiêm với quy mô 6 làn xe, phục vụ cho việc kết nối trung tâm TP HCM với khu vực phía đông bắc thành phố và sân bay, khu công nghiệp ở Đồng Nai. Hàng ngày có hơn 28.000 xe ôtô, 200.000 xe máy lưu thông qua hầm Thủ Thiêm. Tương tự, sông Hoàng Phố đoạn chảy qua TP Thượng Hải (Trung Quốc) dài khoảng 70 km, kết nối 2 bờ bằng 5 cây cầu và 9 hầm chui, khoảng cách bình quân giữa các cầu – hầm khoảng 5-6 km, mỗi cầu – hầm đảm nhận giao thông cho khoảng 1,7 triệu dân.
Từ các số liệu trên, ông Sừ cho rằng Đà Nẵng chỉ có một triệu dân nhưng từ cầu Đỏ đến cầu Thuận Phước dài khoảng 12 km có đến 10 cầu. Bình quân 1,2 km một cầu, mỗi cây cầu chỉ gánh 100.000 dân, “có thể nói mật độ cầu bắc qua sông ở Đà Nẵng dày đặc nhất nước”.
Ông phân tích, khu vực dân cư phía quận Sơn Trà từ cầu quay sông Hàn và cầu Thuận Phước, nơi đang được thành phố quyết chủ trương làm hầm vượt sông, chỉ có diện tích khoảng 10 km2, dân số 3 phường Nại Hiên Đông, Mân Thái và Thọ Quang vào khoảng 150.000 dân và không có khả năng tăng đột biến. Do đó, nếu nhất quyết làm hầm với quy mô 6 làn xe, bình quân mỗi cây cầu và hầm ở khu vực này chỉ phải gánh 50.000 dân.
Video đang HOT
“Với quy mô này, thậm chí cho tăng gấp đôi, gấp ba dân số hiện nay cũng là quá nhỏ bé, liệu có cần thiết phải lấy dao mổ trâu để giết gà không?”, ông Sừ nêu vấn đề và cho rằng nên mở rộng cầu quay sông Hàn, xây dựng nút giao thông lập thể trên tất cả các điểm nút trọng yếu, cải tạo các ngã tư lớn trên toàn thành phố.
Ông Trần Dân khẳng định Hội Cầu-đường đã không ký vào văn bản đề nghị làm hầm. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Trần Dân, Phó chủ tịch thường trực Hội Cầu-đường Đà Nẵng, cho biết tính về giao thông đô thị thì vị trí dự kiến làm hầm “nếu chuyển sang làm một cây cầu sẽ tốt hơn”.
Vừa qua, Mặt trận Tổ quốc TP Đà Nẵng và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP được mời phản biện phương án làm hầm hình chữ Z của đơn vị tư vấn thuộc Bộ Giao thông, sau đó hai cơ quan này đề nghị phải tổ chức một cuộc thi. Ngày 25/9, hội đồng chấm thi đưa ra kết luận đề nghị làm hầm, nhưng đại diện của Hội cầu-đường không đồng tình nên không ký vào biên bản. “Lý do vì không đúng như chuyên môn chúng tôi được học và biết, không phải một mình tôi mà cả một Ban khoa học. Chúng tôi là những người làm chuyên môn, nhận thức sao thì nói vậy”, ông Dân giải thích.
Theo ông Dân, nếu làm một cây cầu qua vị trí nêu trên thì tối đa cần khoảng 2.000 tỷ đồng, còn làm hầm khoảng 4.000 tỷ đồng là một số tiền lớn trong điều kiện Đà Nẵng còn nghèo. Thêm vào đó, việc quản lý, duy tu hàng năm khoảng 30 tỷ.
Cuối tháng 9, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc cho công trình vượt sông Hàn. 11 đơn vị hợp thành 6 liên danh đề xuất 7 phương án. Trong đó có duy nhất một đề xuất làm hầm chui, còn lại chọn cầu nổi với kiến trúc độc đáo.
Phương án hầm của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn – Hầm (BRITEC -Bộ Giao thông Vận tải) liên danh với Oriental Consultants Global Company LTD (Nhật Bản) với ý tưởng làm hầm chui dài hơn 1.300 m, có thêm điểm nhấn là các nút giao thông khác mức và đường gom phía bờ tây. Tổng mức đầu tư dự án 4.100 tỷ đồng, chi phí vận hành 26,4 tỷ đồng/năm.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Đà Nẵng tính chi nghìn tỷ xây hầm vượt sông Hàn
Sở ngành và lãnh đạo Đà Nẵng đang nghiêng về phương án xây hầm vượt sông Hàn, với kinh phí dự tính hơn 3 nghìn tỷ đồng.
UBND TP Đà Nẵng vừa giao Sở Giao thông Vận tải lên phương án xây cầu hoặc hầm vượt sông Hàn, nằm giữa hai cầu Thuận Phước và cầu quay sông Hàn. Đơn vị tư vấn đã trình 2 phương án xây cầu và xây hầm xuyên qua sông Hàn.
Phương án xây cầu qua sông có 2 tuyến. Tuyến 1 bắt đầu từ đường Đống Đa (quận Hải Châu) sang đường Vân Đồn (quận Sơn Trà). Tuyến 2 bắt đầu từ đường Đống Đa nhưng thẳng sang đường Nguyễn Thị Định. Nếu xây cầu vượt sông theo tuyến 1 thì chi phí khoảng 2.515 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng hết 239 tỷ đồng, còn tuyến 2 là 2.053 tỷ đồng và phí giải tỏa là 665 tỷ đồng.
Phương án xây hầm vượt sông cũng có 2 tuyến tương tự như xây cầu. Kinh phí làm hầm theo tuyến 1 khoảng 3.094 tỷ đồng và 143 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. Tuyến 2 khoảng 2.683 tỷ đồng nhưng chi phí giải phóng mặt bằng lên đến 463 tỷ đồng. Phía đơn vị tư vấn cho rằng nên xây hầm vượt sông và chọn tuyến 1 để giảm chi phí giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Sở Giao thông Đà Nẵng Lê Văn Trung cho rằng việc xây cầu hoặc hầm qua sông Hàn ở thời điểm hiện tại là cần thiết, vì lưu lượng xe qua cầu quay sông Hàn đã quá tải. Tuy nhiên, để xây dựng một công trình vĩnh cửu qua sông Hàn cần tính toán kỹ để không ảnh hưởng đến cảnh quan hai bờ của thành phố du lịch.
Sở Xây dựng và Viện quy hoạch Đà Nẵng cho rằng khu vực dự kiến xây cầu hoặc hầm trong tương lai sẽ có nhiều bến du thuyền. Do đó Viện nghiêng về phương án xây hầm nhằm thuận lợi cho du thuyền ra vào bến, người dân đi lại mùa mưa bão đỡ vất vả.
Đà Nẵng sẽ xây cầu hoặc hầm chui qua sông Hàn ở đoạn giữa cầu quay sông Hàn và cầu Thuận Phước. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Xây hầm vượt sông là phương án rất táo bạo", ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bày tỏ sự ủng hộ. Ông Dũng nhận định nếu xây hầm thì ngoài kinh phí ban đầu lớn hơn xây cầu, về lâu dài sẽ phải tốn chi phí duy tu, bảo dưỡng định kỳ.
Từng làm giám đốc Sở Giao thông, ông Đặng Việt Dũng cho rằng xây cầu hay hầm cũng phải tạo cho được sự thông thoáng của tuyến. Nếu xây dựng theo tuyến 1 thì trục giao thông sẽ quanh co. Trong khi đó tuyến 2 sẽ đi trên một trục đường thẳng nhưng do khu vực này dân cư đông đúc nên phải tốn kém chi phí giải tỏa.
"Nên chấp nhận giải tỏa đền bù để có tuyến đường đẹp thay vì sợ tốn kém mà giao thông không được thông suốt", ông Dũng nêu ý kiến.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ủng hộ phương án xây hầm vượt sông Hàn. Đây là việc cần làm ngay vì nếu chần chừ thì vài năm nữa lưu lượng xe qua các cầu sẽ tăng. Ông Thơ đề nghị Sở Giao thông gấp rút hoàn thiện các phương án trình Thường vụ Thành ủy và HĐND lấy ý kiến để triển khai.
Vấn đề xây thêm cầu hoặc hầm chui qua sông Hàn từng được các đại biểu thảo luận tại kỳ họp 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa 8 (diễn ra từ ngày 8 đến 10/12). Nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng không ít đại biểu cho rằng, cuộc sống của người dân Đà Nẵng chưa ổn định, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì khủng hoảng kinh tế, đến năm 2017 thành phố phải trả nợ 1.700 tỷ nên cần tiết kiệm, chưa nên xây thêm cầu.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định tại kỳ họp, thành phố sẽ không phát hành trái phiếu để lấy tiền xây cầu, không gia tăng nợ công. "Trước mắt việc xây cầu hay làm hầm chui qua sông Hàn sẽ công khai đấu thầu bằng hình thức BT", ông Thơ nói.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Đà Nẵng tạo luồng mới trên sông Hàn đón thuyền buồm quốc tế Sông Hàn sẽ được nạo vét tạo luồng mới với độ sâu khoảng 3 mét, dài 3,6km để phục vụ cuộc thi đua thuyền buồm quốc tế Clipper. Chiều 12/1, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo về cuộc đua thuyền buồm Vòng quanh thế giới Clipper 2015-2016. Phó chủ tịch thành phố Đặng Việt Dũng cho biết, đã giao Sở Giao...