Nhiều chủ hàng quán Hà Nội bán mang về: Giữ nguyên giá như trước giãn cách
Tôi giữ nguyên giá bán như trước khi giãn cách vì thực tế nhiều người không đi làm được cũng giảm thu nhập, chủ quán vịt trên phố Ngọc Khánh ( Hà Nội) chia sẻ. Quyết định này cũng giống hầu hết các quán đang mở bán mang về.
Hàng quán tại các quận huyện không có ca nhiễm trong cộng đồng được mở bán mang về từ 12 giờ ngày 16.9. Ảnh DƯƠNG LAN
“Giá bán nhà tôi không thay đổi”
Từ 12 giờ ngày 16.9, các cửa hàng bán đồ ăn tại một số quận, huyện của Hà Nội được phép bán hàng mang về. Theo ghi nhận của Thanh Niên, một số quán ăn trên phố Duy Tân, Cốm Vòng (Q.Cầu Giấy); phố Ngọc Khánh, Kim Mã (Q.Ba Đình)… mở bán mang về.
Chị Lê Thị Tiến (31 tuổi, chủ quán bún trên đường Cốm Vòng) cho biết từ 9 giờ sáng nay, chị và nhân viên đã chuẩn bị nguyên liệu để đúng 12 giờ mở bán trở lại. Vì không có thời gian chuẩn bị nhiều nên quán của chị chưa có đầy đủ các món trên menu, chỉ bán những món có nguyên liệu sẵn như bún riêu, bún bề bề…
Người dân các quận “vùng xanh” được mua đồ ăn mang về từ 12 giờ ngày 16.9 . Ảnh DƯƠNG LAN
“Một số nhân viên không về quê được vì giãn cách, nhà tôi tạo điều kiện sinh hoạt nên có tin mở bán lại là bắt tay vào làm luôn. Hôm nay, tôi làm 30kg bún, vừa mới mở từ 12 giờ trưa khách quen họ cũng đến mua. Được mở lại dù chỉ bán mang về cũng cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng. Mong cứ dần dần được mở lại trực tiếp, buôn bán cũng dễ dàng hơn”, chị Tiến nói.
Chị Tiến tất bật làm hàng bán cho khách ngay ngày đầu mở bán trở lại . Ảnh DƯƠNG LAN
Các quán đều trang bị nước sát khuẩn cho khách hàng . Ảnh DƯƠNG LAN
Chị Tiến cho biết vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sau gần 2 tháng đóng cửa, chị được bán lại sẽ có thu nhập bù tiền nhà, tiền điện nước, sinh hoạt… Lo vì dịch chưa hết hẳn nên phải đảm bảo an toàn, thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch.
“Buôn bán bình thường làm liên tục nhưng giãn cách chỉ ở nhà, nghe ngóng tình hình dịch bệnh. Mở bán lại nhà tôi cũng chuẩn bị tấm chắn, nước sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách để yên tâm bán hàng. Giá bán nhà tôi không thay đổi, vẫn giống như trước kia 35.000 đồng/bát bún”, chị chia sẻ.
Người dân tỏ ra phấn khởi khi được mua mang về . Ảnh DƯƠNG LAN
Bà Nguyễn Thị Lan (48 tuổi, chủ quán vịt trên phố Ngọc Khánh) cho hay từ 8 giờ sáng nay, nhà bà đã chuẩn bị vịt quay và vịt luộc để kịp có hàng bán cho khách. Ngay khi có thông báo mở bán trở lại, khách quen của bà đã gọi điện đặt mua sau thời gian dài không được thưởng thức món vịt.
“Khi nghe tin được mở bán trở lại tôi rất mừng và phấn khởi dù chỉ bán mang về. Sáng tôi cùng mọi người trong nhà chuẩn bị gia vị, làm vịt để kịp giao cho khách quen. Mới mở bán cũng có khoảng chục con vịt được khách đặt nhưng tôi chưa dám nhập nhiều nguyên liệu. Tôi vừa bán vừa nghe ngóng tình hình xem dân đi lại thế nào để quyết định nhập hàng nhiều hơn, bán liên tục. Tôi vẫn giữ nguyên giá bán như trước khi giãn cách vì thực tế nhiều người không đi làm được cũng giảm thu nhập, nếu giờ tăng giá sợ khách không đến mua”, bà Lan chia sẻ.
Bà Tiến dán biển thông báo bán mang về để khách hàng biết đến . Ảnh DƯƠNG LAN
Một chủ quán bún nhanh tay làm hàng để khách không đợi quá lâu . Ảnh DƯƠNG LAN
Nhà chị Hà Thị Tư (chủ quán bún chả trên phố Duy Tân) nghỉ hẳn từ đợt giãn cách nên không có thu nhập. Nay được mở bán lại, chị mong có thêm tiền trang trải cuộc sống. Dù gặp khó khăn về kinh tế nhưng quán bún nhà chị vẫn giữ nguyên giá 50.000 đồng/bát.
Ngày 16.9: Cả nước 10.489 ca Covid-19, 10.901 ca khỏi | TP.HCM 5.735 ca
“Dù khách chưa nhiều nhưng có việc làm”
Tấm biển thông báo “chỉ bán mang về” có sẵn từ trước đó được bà Lan treo lên trước cửa để khách hàng được biết. Bà mong người dân sẽ nghiêm túc đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp để dịch được kiểm soát, hàng quán mở lại buôn bán bình thường.
Người dân chờ đến lượt mua tại một quán bún trên phố Duy Tân (Q.Cầu Giấy) . Ảnh DƯƠNG LAN
“Tôi làm quán ăn, hoạt động quen tay nên từ đợt giãn cách ở nhà buồn lắm. Mở bán lại dù chưa được nhiều nhưng cũng có việc để làm, khách quen được ăn món mình bán. Ngày đầu mở lại nhà tôi làm 20 con vịt, hy vọng bán được hết trong ngày hôm nay”, bà Lan tâm tình.
Chị Hà Thị Tư chia sẻ từ sớm chị đã liên hệ nhà cung cấp nguyên liệu để kịp mở bán từ 12 giờ trưa. “Nhân viên chưa đi làm đầy đủ lại nên ai ở quán cũng tất bật làm hàng bán cho khách. Tôi nhập 60 – 70kg thịt trong ngày đầu bán lại mong bán hết. Hy vọng thời gian tới cứ theo đà được trở lại cuộc sống bình thường”, chị cho hay.
Một chủ quán trên phố Kim Mã (Q.Ba Đình) dọn dẹp để ngày mai mở bán . Ảnh DƯƠNG LAN
Chị Nguyễn Minh Hà (27 tuổi, ở Q.Cầu Giấy) tỏ ra vui mừng khi hàng quán mở bán trở lại. Chị cho biết hàng quán mở lại giúp chị tiết kiệm thời gian buổi trưa và được lựa chọn nhiều món mình muốn ăn.
“Trưa nay sau khi làm xong tôi đến quán gần chỗ làm mua bún chả vì gần 2 tháng chưa được ăn. Thấy mọi người cũng xếp hàng nhưng không quá dài và chỉ đợi một lúc là có bún mang về. Khi hàng quán chưa mở, tôi thường dậy sớm chuẩn bị cả bữa sáng, bữa trưa để mang đi nhưng giờ sẽ rất tiện, tiết kiệm thời gian khi mua mang đi”, chị chia sẻ.
Anh Phạm Ngọc Anh Khoa (32 tuổi, ở Q.Cầu Giấy) nói: “Sau một thời gian dài không được đi ra ngoài nên tôi rất mừng khi quán mở bán lại, liền đi mua bún cho cả nhà ăn trưa. Khách không quá đông nên không mất quá nhiều thời gian chờ đợi”.
Hiện vẫn còn nhiều quán vẫn đang chuẩn bị, để mở bán trở lại muộn hơn . Ảnh DƯƠNG LAN
Đã tiêm gần 100% vaccine mũi 1, Hà Nội, TP HCM nới lỏng giãn cách được chưa? TS Thu Anh: 5 câu hỏi cần trả lời trước khi quyết định
Hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM đang tăng tốc độ tiêm chủng để tiêm cho 100% mũi 1 cho người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng độ phủ vắc xin này sẽ giúp cho 2 thành phố này có thể nới lỏng giãn cách.
Để hiểu rõ hơn về hình hình dịch bệnh và nới lỏng giãn cách như thế nào là an toàn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, thuộc Đại học Sydney.
Ngọc Minh: Theo kế hoạch Hà Nội và TP HCM sẽ hoàn thành tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 cho 100% dân số trước ngày 15/9. Nếu giả sử hai thành phố lớn tăng tốc độ tiêm chủng và hoàn thành kế hoạch, thời điểm này nới lỏng giãn cách đã an toàn?
TS Thu Anh: Tôi phải nhấn mạnh một điều ở đây 2 thành phố lớn mới chỉ tiêm được 1 mũi vắc xin (số người tiêm mũi 2 vẫn còn thấp). Việc quyết định có tiếp tục giãn cách hay không sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, tiêm vắc xin chỉ là 1 yếu tố trong quyết định có nới lỏng giãn cách hay không
Yếu tố đầu tiên cần phải nhắc tới đó là: Số lượng người nhiễm ở trong cộng đồng cao hay thấp? Đây sẽ là cơ sở để từ đó có thể biết được năng lực y tế có đáp ứng điều trị hay không?
Yếu tố thứ 2: Chúng ta phải biết được số ca bệnh Covid ở mức độ trung bình và nặng, ca tử vong cao hay thấp. Điều này sẽ phản ánh được mức độ quá tải của hệ thống y tế. Nếu hệ thống y tế quá tải sẽ khiến cho tỷ lệ tử vong sẽ cao.
Yếu tố thứ 3: Chúng ta cần phải biết năng lực của hệ thống y tế, cụ thể: năng lực điều trị (rất quan trọng) và năng lực xét nghiệm.
Yếu tố thứ 4: Cần phải tăng cường độ bao phủ của 2 mũi vắc xin. Trong đó, việc tiêm đủ vắc xin cho nhóm người nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh lý nền) là cực kỳ quan trọng. Vì nhóm đối tượng này khi mắc Covid-19 sẽ chiếm gánh nặng lớn nhất. Khi đã đạt được độ phủ vắc xin an toàn cho nhóm đối tượng nguy cơ, thì sẽ tính tới việc tiêm cho đối tượng trưởng thành (18 tuổi trở lên).
Vắc xin chỉ là một yếu tố để quyết định giãn cách.
Yếu tố cuối cùng là các tổ chức, doanh nghiệp, xí nghiệp, trường học, xe vận tải... tất cả đã sẵn sàng sống chung an toàn với dịch bệnh hay chưa? Và để sống chung an toàn cần phải có kế hoạch cụ thể để phòng bệnh và ứng phó khi phát hiện ra F0.
Khi chúng ta trả lời được 5 câu hỏi trên thì khi đó mới có thể quyết định có nên nới lỏng giãn cách và đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới hay không?
Ngọc Minh: Như chị có phân tích, tôi hiểu rằng đếm số ca bệnh vẫn đang là yếu tố rất quan trọng, song song với đó là cần phải đẩy nhanh việc tiêm vắc xin.
TS Thu Anh: Chúng ta cần phải biết rằng vắc xin không thể bảo vệ 100%. Do vậy, một người dù tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì vẫn có thể nhiễm virus và lây cho người khác.Lợi ích lớn nhất của vắc xin mà luôn được các chuyên gia trong nước và trên thế giới luôn khẳng định đó là: giúp giảm triệu chứng khi nhiễm virus và giảm số ca tử vong.
Vì vậy, khi số ca nhiễm là 100.000 người hoặc 500.000 triệu người đã tiêm vaccine, số ca bệnh trung bình và nặng có thể nhỏ. Nhưng khi số ca nhiễm trên toàn quốc là 5 triệu người chẳng hạn, số ca nặng sẽ tăng lên gấp nhiều lần và hệ thống y tế sẽ rơi vào tình trạng quá tải. Thực tế, hiện nay hệ thống y tế tại các thành phố lớn của Việt Nam vốn đã quá tải dù chưa có Covid.
Do vậy, ở giai đoạn hiện nay chúng ta vẫn phải đếm số ca nhiễm để biết được liệu hệ thống y tế cho đáp ứng được hay không. Việc đếm số ca nhiễm ở đây cần cụ thể hóa: số ca nhiễm đã được tiêm vắc xin và số ca nhiễm chưa được tiêm vắc xin. Từ đó, sẽ tính toán được số ca bệnh nặng để biết được năng lực y tế có đáp ứng được hay không. Nếu trường hợp hệ thống y tế không đáp ứng được chúng ta sẽ phải tiến hành giãn cách một phần.
Hiện nay, trên thế giới các nước dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin họ vẫn thống kế số lượng ca nhiễm để biết được năng lực y tế.
Ý thức cần thay đổi
Ngọc Minh: Tôi rất mong muốn được chị phân tích thêm về việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin tại Hà Nội và TP HCM có thể gỡ bỏ giãn cách hay không?
TS Thu Anh: Khi đã tiêm đủ 2 liều vắc xin chúng ta hoàn toàn có thể nới lỏng các biện pháp giãn cách. Tuy nhiên, tại Hà Nội và TP HCM hiện nay mới chỉ tiêm được 1 mũi do vậy mọi người cần phải hiểu rõ nới lỏng như thế nào là an toàn.
Theo cá nhân tôi an toàn ở đây cần phải hiểu là an toàn cho cá nhân thông qua 5K/5T vaccine; và an toàn cho cộng đồng. An toàn cho cộng đồng là khi số ca bệnh trung bình hoặc nặng có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế xã hội cũng cần thực hiện một cách an toàn để không phải gián đoán sản xuất. Chúng ta buộc phải thay đổi thói quen và hành vi để thích ứng thì mới tiến tới được "bình thường mới".
Đối với TP HCM và Hà Nội thời điểm này không thể nới lỏng theo kiểu mở toang để mọi người đi lại tự do được. Vì sau một thời gian dài giãn cách mọi người sẽ có nhu cầu đi lại rất cao. Nếu mở toang không có kiểm soát nguy cơ dịch bệnh có thể quay trở lại. Do vậy, chúng ta vẫn cần phải giãn cách ở một mức độ nhất định để giảm nguy cơ lây nhiễm ở ngưỡng mà hệ thống y tế có thể ứng phó trong lúc chờ tiêm đủ vaccine cho toàn dân.
Quay trở lại câu chuyện vắc xin, dù tiêm nhưng vẫn có nguy cơ mắc. Khi số ca mắc lên tới hàng triệu người thì áp lực y tế là rất lớn. Trường hợp số ca bệnh mắc COVID-19 phải nhập viện tăng sẽ chiếm mất giường của các bệnh nhân khác và sẽ gây ra những rủi ro cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý khác.
Ngọc Minh: "Ý thức" được ví như là một liều vắc xin bảo vệ khỏi dịch bệnh, người dân cần phải thay đổi điều gì nhất?
TS Thu Anh: Chắc chắn rồinếu không thay đổi ý thức thì khó có thể sống chung an toàn với dịch bệnh. Đợt dịch xảy ra tại Hải Dương, Bắc Giang thể hiện rất rõ chùm ca bệnh liên quan tới đám cưới, đám hỏi, đám hiếu... Chúng ta cần phải tập đời sống ít tụ tập, đám cưới văn minh không phải là đám cưới có hàng trăm, hàng nghìn người tham gia.
Đếm ca bệnh vẫn là một trong yếu tố quyết định có nên giãn cách hay không
Người có triệu chứng ho sốt nên ở nhà, tuyệt đối không tham gia vào các buổi có đông người. Người ho sốt nên đi xét nghiệm. Mọi người luôn có ý thức đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn chứa cồn. Khi ho hoặc hắt hơi, hãy dùng khăn giấy hoặc gập khuỷu tay lại để che mũi và miệng. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa.
Ngọc Minh: Theo Cục Y tế Dự phòng, những người đã tiêm một mũi vắc xin sẽ có chứng nhận màu vàng, còn người tiêm đủ 2 mũi sẽ có chứng nhận màu xanh. Tùy theo mức độ kiểm soát dịch, những người có thẻ xanh - thẻ vàng COVID được phép tham gia các hoạt động lao động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt xã hội, được tới các công viên để tập thể dục nâng cao sức khỏe. Quan điểm TS về vấn đề này như thế nào?
TS Thu Anh: Quan điểm của cá nhân tôi việc áp dụng thẻ xanh trong diễn biến dịch bệnh phức tạp sẽ không có lợi cho cộng đồng. Nếu người có thẻ xanh được đi lại tự do không may nhiễm vẫn có nguy cơ nhiễm và lây virus cho người khác dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Thẻ xanh chỉ là căn cứ để ghi nhận y tế, nguy cơ lây bệnh của từng người. Thẻ xanh không nên là yếu tố quyết định cho một người được đi làm hay đi lại tự do hay không.
Việc áp dụng thẻ xanh chỉ nên áp dụng tại một số ngành nguy cơ cao, đặc thù: ngành y tế, ngành dịch vụ tiếp xúc với rất nhiều người.
Nếu đứng ở góc nhìn cho cộng đồng và lâu dài, theo tôi cần tiêm vắc xin cho tất cả người dân. Khi chúng ta tiêm được vắc xin cho mọi người thì không cần áp dụng thẻ xanh nữa.
Hiện nay, ngay cả trên thế giới cũng đang cân nhắc việc có nên áp dụng "hộ chiếu vắc xin" hay không? Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không dùng vắc xin để quyết định một người có được di chuyển hay không. Việc áp dụng "hộ chiếu vắc xin" có thể dẫn tới mất công bằng trong xã hội.
Ngọc Minh: Khi đã tiêm phủ vắc xin cho 70% dân số, chiến lược phòng chống bệnh có cần phải thay đổi gì hay không?
TS Thu Anh: Cá nhân tôi nghĩ cần phải tiêm vắc xin với độ phủ phải cao hơn mức 70%, phải ở mức trên 90% mới đảm bảo. Khi đó chúng ta có thể cuộc sống bình thường mới, người dân vẫn cần phải mang khẩu trang đúng cách và đi lại bình thường.
Kinh nghiệm cho thấy, giống như biến chủng Delta, rất có thể sẽ xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm. Do vậy, chúng ta không thể biết được trong tương lại sẽ có biến chủng mới hay không? Do vậy chúng ta cần phải có kế hoạch để không bị lúng túng.
Cảm ơn tiến sĩ, chúc chị sức khỏe và thành công!
Những người trẻ mang nỗi buồn Covid-19 Những ngày giãn cách, Trần Thu Hồng cảm thấy mất khả năng kiểm soát cuộc đời, mọi thứ đột ngột đứng yên một chỗ, hoặc nếu có, chuyển động cũng rất chậm. 2021 đáng lẽ là một năm đầy triển vọng với Hồng nhưng Covid-19 đã khiến mọi thứ lỡ dở. Hai chuyến du lịch bị hủy, thẻ bơi bỏ xó, việc học...