Nhiều chính sách mới thúc đẩy phát triển xe điện
Theo nhiều ý kiến, cơ hội phát triển xe điện rất rộng mở và sẽ có những chính sách mới để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển loại phương tiện này.
Đại diện nhiều cơ quan quản lý và các chuyên gia cho biết, cơ hội phát triển xe điện đang rất rộng mở và sẽ tiếp tục có những chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển loại phương tiện này.
Nhiều ưu đãi lớn về thuế, phí
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn (thứ 8 từ phải qua) và Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên (thứ 9 từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Tạ Hải
Tại hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức ngày 20/10, đề cập những chính sách thuế dành cho phương tiện xanh trong tương lai, bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Chính sách thuế xuất, nhập khẩu (Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính) cho biết, hiếm có ngành nào được hỗ trợ nhiều về chính sách thuế như ngành công nghiệp ô tô.
Đối với xe điện, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội rất nhiều văn bản ưu đãi về thuế, phí.
Trong bộ linh kiện của xe điện nhập khẩu về đều được áp mức thuế 0%, trong khi nếu là ô tô xăng nhập khẩu nguyên chiếc, mức thuế áp dụng thông thường là 70%.
Xe xăng kết hợp năng lượng điện ( xe xăng lai điện) hoặc năng lượng sinh học hiện cũng được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế áp dụng cho xe chạy xăng, dầu.
Gần đây, Bộ Tài chính cũng trình, ban hành những văn bản trong đó giảm đáng kể mức tiêu thụ đặc biệt của ô tô chạy pin so với xe chạy xăng, dầu.
Xe điện cũng có ưu đãi rất cao về lệ phí trước bạ, giảm 100% đối với 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.
“Với những chính sách trên, tôi tin sẽ góp phần khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều về chính sách thuế, phí. Đối với các trạm sạc, nếu đầu tư tại các địa bàn được ưu đãi cũng sẽ nhận được nhiều chính sách về đầu tư xây dựng trạm sạc”, bà Ngọc cho biết.
Đưa chính sách khuyến khích vào luật
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề quy hoạch trạm sạc, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường & Hợp tác quốc tế (Cục đường bộ VN) cho biết, Chính phủ đang giao Bộ GTVT phối hợp với các địa phương phát triển hạ tầng sạc trên các đường quốc lộ và các đô thị.
Theo đó, Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống trạm sạc trên mạng lưới đường bộ mà Bộ GTVT quản lý như đường quốc lộ, đường cao tốc còn đường địa phương, đường đô thị sẽ do các địa phương chịu trách nhiệm.
“Chúng tôi đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ, trong đó coi trạm sạc là một kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặt trạm sạc trên quốc lộ và đường cao tốc. Dự kiến tháng 9/2023, Cục Đường bộ VN sẽ hoàn thành quy hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Toàn cho biết thêm.
Tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được phê duyệt từ năm 2014 nhưng hiện mọi thứ đã thay đổi rất nhiều.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đề xuất sửa đổi chiến lược chiến lược phát triển công nghiệp ô tô phù hợp mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh ngành Giao thông vận tải.
Khi được hỏi, dự thảo Luật Đường bộ sửa đổi đang được xây dựng, có chính sách mới nào nhằm khuyến khích phát triển xe điện không, ông Đỗ Công Thủy, Trưởng phòng vận tải và quản lý phương tiện người lái (Cục Đường bộ VN) cho biết, trên cơ sở Quyết định 876 của Thủ tướng, Bộ GTVT và Cục Đường bộ VN sẽ nghiên cứu lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh để đưa vào dự thảo luật.
Điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sang xe điện
Trao đổi bên lề hội thảo, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình Đào tạo Kỹ thuật ô tô (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng: “Một điều rất may mắn là ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam phụ thuộc vào động cơ đốt trong không nhiều. Các doanh nghiệp vẫn còn ở mức đơn giản nên việc chuyển đổi từ sản xuất xe xăng sang xe điện đang rất thuận lợi. Các nhà sản xuất có thể coi đây là thời điểm vàng để chúng ta chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
Thị trường ô tô đang bước vào thời kỳ bùng nổ và người dân sẽ có nhu cầu mua xe rất cao. Đây cũng là cái thời điểm rất tốt để người tiêu dùng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
Với những điều kiện hội tụ như trên cộng với lợi thế về nguồn năng lượng điện tái tạo rất lớn để đưa vào phục vụ cho hệ thống xe điện thì sự phát triển xanh trong giao thông sẽ vô cùng tiềm năng.
“Lộ trình thì Chính phủ đã có những mốc chuyển đổi xe xăng sang điện. Tôi cho rằng, lộ trình sẽ có những bước chuyển giai đoạn. Nói về xe điện chúng ta có những sự lựa chọn khác nhau cho từng giai đoạn. Tùy từng giai đoạn sẽ có hỗ trợ chính sách để đến năm 2050 tôi tin rằng chúng ta có thể hoàn thành chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện”, ông Phúc nhận định.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Kathleen Dematera Contreras – Trưởng nhóm chính sách giao thông (Mạng lưới không khí sạch Châu Á) cho hay, kinh nghiệm của các nước như Thái Lan, Hà Lan, Indonesia, Ấn Độ đều có điểm giống Việt Nam là chia lộ trình thành 2 giai đoạn, gồm giai đoạn thứ nhất là chấm dứt sản xuất – lắp ráp – nhập khẩu xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch (trước năm 2030 – 2040); giai đoạn thứ hai là 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh (mốc năm 2050).
Điểm khác là một số nước đưa ra lộ trình sớm hơn. Như Thái Lan đề ra lộ trình đến năm 2030, 100% phương tiện công cộng phải dùng năng lượng xanh, đến năm 2035 toàn bộ xe bán ra thị trường Thái Lan là xe điện.
Với Indonesia, họ thành lập hẳn một ủy ban thuộc Chính phủ để điều phối lộ trình xe điện, với mục tiêu rất sớm, là đến năm 2025 phải có 25% số phương tiện giao thông đường bộ là xe điện.
Việt Nam sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu xe động cơ đốt trong
Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất và nhập khẩu ô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 876/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT.
Các phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh được ưu tiên phát triển
Huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh
Theo Quyết định, chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trong nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Đồng thời cũng là cơ hội để ngành GTVT có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến trên thế giới.
Bên cạnh đó, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành GTVT có nền tảng là sự chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ, cần dựa vào thể chế, quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn chất lượng cao.
Việc thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT cần xây dựng lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong thực hiện, thông qua các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.
Quan điểm của Chương trình cũng nêu việc huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT. Khẩn trương bổ sung, sửa đổi thể chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến; tạo động lực để huy động sự tham gia của toàn xã hội cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào quá trình thực hiện.
Tăng cường hợp tác quốc tế để triển khai thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT dựa trên cách tiếp cận toàn cầu với sự phối hợp của tất cả các quốc gia, tranh thủ tối đa sự ủng hộ và hỗ trợ quốc tế.
Theo Chương trình, mục tiêu tổng quát là phát triển hệ thống GTVT xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030 là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành GTVT đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.
Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050.
Đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng SXLR và nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước
Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh
Lộ trình đối với đường bộ sẽ chia làm 2 giai đoạn 2022 - 2030 và 2030 - 2050. Trong giai đoạn đầu tiên, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp (SXLR), nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Ở giai đoạn 2031 - 2050, đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Toàn bộ các các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Đối với Đường sắt và Đường thuỷ nội địa, lộ trình cũng đến 2050 chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe, phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh. Thêm vào đó chuyển đổi 100% trang thiết bị sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh tại các nhà ga, cảng, bến thuỷ nội địa.
Hàng hải cũng hướng tới mục tiêu từ năm 2050, tất cả các phương tiện, trang thiết bị tại cảng, các thiết bị báo hiệu hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương.
Ngành Hàng không cũng được đề ra mục tiêu từ năm 2050 sẽ chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Tuỳ thuộc điều kiện công nghệ, lượng phát thải còn lại được thực hiện bằng cách bù đắp các-bon để đạt phát thải ròng bằng "0"...
Đối với giao thông đô thị, sẽ quy hoạch và xây dựng hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xe cho phương tiện.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, một số giải pháp được đưa ra như: Áp dụng giới hạn mức tiêu hao nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình; Thúc đẩy hợp tác quốc tế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến và học hỏi kinh nghiệm xây dựng cơ chế, chính sách; Huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, nhà nước và tư nhân để thực hiện các nhiệm vụ, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải...
Phạm vi di chuyển của xe điện là không quá quan trọng Đại diện hãng xe Đức Audi cho rằng trong tương lai, hạ tầng sạc dành cho xe điện phát triển hơn, mọi người sẽ không còn phải lo nghĩ nhiều đến tầm di chuyển. Vừa qua, chủ tịch của Audi chi nhánh Bắc Mỹ là ông Daniel Weissland đã có những lời chia sẻ đáng chú ý về xu thế phát triển xe...