Nhiều chiêu ‘triệt’ cho vay ngoại tệ
Theo dự kiến, cuối tháng 12, Đề án Chống đôla hóa sẽ được Ngân hàng Nhà nước trình Bộ Chính trị. Như vậy, dù quyền sở hữu ngoại tệ của người dân vẫn được thừa nhận, song việc cho vay ngoại tệ sẽ dần bị xóa sổ.
Ông Phí Đăng Minh, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) nhận định, quy định liên quan đến quyền sở hữu ngoại tệ của các tổ chức tín dụng và quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức kinh tế, cá nhân trong Pháp lệnh Ngoại hối hiện quá rộng, cần phải được sửa đổi. Thế nhưng, trong Dự thảo Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi vừa được đưa ra lấy ý kiến Thường vụ Quốc hội tuần qua, quyền sở hữu ngoại tệ của người dân vẫn được giữ nguyên.
Cùng với việc giữ nguyên quyền sở hữu ngoại tệ của người dân, người đứng đầu NHNN cũng khẳng định, sẽ có nhiều “cây gậy” để chống đôla hóa. Trên thực tế, dù Đề án Chống đôla hóa cuối tháng này mới được NHNN trình, song các giải pháp chống đôla hóa đã được triển khai từ đầu năm đến nay và bước đầu đã mang lại một số hiệu quả.
Đề án chống đôla hóa sắp trình Bộ Chính trị vào cuối tháng này. Ảnh: Hoàng Hà.
Điển hình là Thông tư 03 về việc vay vốn ngoại tệ đối với nhiều đối tượng doanh nghiệp sẽ chỉ được thực hiện đến ngày 31/12. Sau thời điểm này, ngân hàng chỉ được phép cho vay bằng ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ. Để xác định có đủ nguồn ngoại tệ, ngân hàng thương mại sẽ căn cứ trên hợp đồng xuất khẩu. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây là bước đi để hướng tới chấm dứt cho vay ngoại tệ trong tương lai.
Video đang HOT
Bên cạnh ban hành Thông tư 03, trong năm 2012, NHNN cũng áp trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ thấp (2% một năm) và duy trì tỷ giá ổn định. Điều này đã khiến tâm lý kỳ vọng vào đồng USD giảm mạnh, tình trạng găm giữ ngoại tệ của người dân giảm, một lượng lớn ngoại tệ được chuyển thành tiền đồng và chảy qua các kênh đầu tư khác. Một khi huy động ngoại tệ giảm, doanh nghiệp cũng ít có cơ hội vay ngoại tệ, mà phải chuyển sang quan hệ mua – bán ngoại theo hợp đồng xuất nhập khẩu. Số liệu thống kê của NHNN Chi nhánh TP HCM cho thấy, 11 tháng đầu năm, huy động và cho vay ngoại tệ trên địa bàn đều giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Lãi suất cho vay tiền đồng đang dần ổn định với xu hướng hạ cũng khiến cho vay USD mất dần sức hấp dẫn. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lãi suất cho vay tiền đồng tại nhiều ngân hàng áp dụng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện chỉ còn 10 – 11% một năm, thậm chí 8 – 9% một năm. Mức lãi suất này, nếu so sánh với lãi suất cho vay ngoại tệ (6 – 7% một năm) là không quá lớn và doanh nghiệp không phải quá đắn đo khi vay tiền đồng.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nên nới quy định hạn chế vay ngoại tệ thêm vài năm nữa, bởi lãi suất cho vay tiền đồng với xuất nhập khẩu hiện nay vẫn là 12-13% một năm, cao gấp đôi lãi suất cho vay bằng ngoại tệ.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa dự đoán, vào năm 2015 hoặc năm 2016, thị trường sẽ chứng kiến việc giảm, tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ. “Với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trước mắt, có thể được duy trì tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ. Song tiến tới, tài khoản thanh toán này cũng cần được loại bỏ. Luồng ngoại tệ khi về tài khoản của doanh nghiệp sẽ được các ngân hàng sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái chuyển đổi ngay lập tức”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Theo VNE
Phải tôn trọng quyền sở hữu tài sản của dân
Trong phiên thảo luận chiều qua về dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cần phải đặc biệt tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người dân, tạo sự thuận lợi trong chuyển đổi ngoại tệ.
Cấm giao dịch bằng ngoại tệ
Điểm đáng chú ý, Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các hoạt động: báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của cá nhân, tổ chức không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc cho phép một số trường hợp được ký hợp đồng, báo giá bằng ngoại tệ nhưng sẽ thanh toán bằng đồng VN để bảo vệ quyền lợi của người cư trú trước rủi ro tỷ giá trong các lĩnh vực được khuyến khích. Tuy nhiên, đa số ý kiến thành viên của Ủy ban Kinh tế khẳng định cần tạo khung pháp lý đồng bộ và thống nhất để giải quyết tình trạng đô la hóa, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán.
Cũng theo ông Giàu, có ý kiến nêu các khoản tiền chuyển một chiều được sử dụng cho mục đích cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng... có thể làm gia tăng tình trạng đô la hóa, gây ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ. Do vậy, cần phải có biện pháp siết chặt hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến nêu nên thận trọng vì có thể ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị việc sửa đổi không được làm ảnh hưởng tới quyền lợi tổ chức, cá nhân có dự trữ ngoại hối và không làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ông Hiển đề xuất trong thành phần dự trữ ngoại hối NHNN có thể nên bổ sung thêm đá quý. Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi còn một số điểm cụ thể chưa thống nhất và có sự mâu thuẫn giữa quyền sở hữu tài sản của người dân khi siết và chống đô la hóa, vàng hóa. Vì vậy, các bước đi cần thận trọng và tránh gây sốc cho người dân, cũng như nền kinh tế.
Sẽ chỉ có một số giao dịch được thực hiện bằng ngoại tệ - Ảnh: Đ.N.Thạch
"Hạn chế, đừng thắt chặt"
Giải trình thêm về những vấn đề trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết quan điểm của NHNN khi xây dựng dự thảo là không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với quyền của người dân trong sở hữu ngoại tệ, theo ông Bình, NHNN mong muốn được siết và thu hẹp lại hơn nữa, nhưng trong dự thảo cơ bản không sửa đổi gì, do đây là vấn đề nhạy cảm, đụng đến quyền của người dân. Vì vậy, NHNN sẽ dùng các công cụ khác để siết như đã áp dụng các quy định trần lãi tiền gửi bằng USD 2% cá nhân, doanh nghiệp 0,5%. "Năm 2013, NHNN xem xét lại mặt bằng lãi suất này và có thể điều chỉnh cho phù hợp với mặt bằng chung lãi suất", ông nói.
Liên quan đến đề xuất của ông Hiển có thể dự trữ thêm đá quý, ông Bình cho biết trước kia Nghệ An có khai thác Rubi, nhà nước cũng định bổ sung thêm đá quý vào dự trữ, tuy nhiên qua thăm dò khai thác trữ lượng không nhiều, và thực tế vừa qua đá quý không có vai trò trong nền kinh tế nên không đưa.
Khép lại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận, việc chống đô la hóa và vàng hóa theo hướng chặt hơn là cần thiết, nhưng cần có lộ trình và phải tạo sự thuận lợi cho người dân trong giao dịch, chuyển đổi. Tôn trọng đồng nội tệ, nhưng cũng phải tạo sự thông thoáng cho người dân, thông qua các cửa hàng thu đổi ngoại tệ được phép. "Tôi đi nước ngoài mua cho các cháu áo, nhưng họ không lấy đô la, may mà có mấy đồng chí có thẻ mới mua được. Nếu chúng ta cấm giao dịch ngoại tệ, thì phải có kênh giao dịch chính thức thuận tiện. Nếu không, tôi có đô la trong túi tôi đi mua, bán trực tiếp, còn hơn đi đổi lấy VNĐ đi mua", Chủ tịch nói.
Ưu tiên xử lý nợ xấu
Theo dự kiến, Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua lần cuối sau 2 tháng nữa, trước khi trình Quốc hội xem xét vào tháng 5.2013. Tuy nhiên, đến phiên họp sau - tức vào cuối 2013 mới được thông qua.
Về Đề án chống đô la hóa, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã thực hiện xong. Hiện tại, Chính phủ đang ưu tiên cho Đề án xử lý nợ xấu (đề án này được Chính phủ nghe báo cáo ngày 24 hoặc 25.12 tới và thông qua vào 28.12 để sau đó trình Bộ Chính trị). Sau khi xong đề án nợ xấu, Chính phủ sẽ nghe báo cáo Đề án chống đô la hóa.
Theo TNO
Lấy ý kiến nhân dân về dự luật đất đai sửa đổi Ngoài việc tổ chức hội nghị, thảo luận để lấy ý kiến ở các cấp từ trung ương tới địa phương, tổ chức, cá nhân có thể gửi góp ý về Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chiều 14/12, Thường vụ Quốc hội nhất trí tổ chức lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật...