Nhiều cán bộ cũng tham gia phá rừng làm rẫy
Dân phá rừng làm rẫy, cán bộ cũng tham gia “xẻ thịt” rừng đặc dụng. Từ đầu năm đến nay, gần 80 ha rừng đặc dụng Krông Trai (Sơn Hòa, Phú Yên) bị băm nát, biến thành rẫy sắn.
Theo UBND huyện Sơn Hòa, trong 8 tháng qua, trên địa bàn huyện đã xảy ra 259 vụ phá rừng làm nương rẫy, gây thiệt hại 106 ha rừng. Trong đó, chỉ riêng rừng đặc dụng Krông Trai đã có 77,6 ha bị đốn hạ.
Vụ phá rừng nghiêm trọng nhất được ghi nhận ở rừng đặc dụng Krông Trai khởi phát tại Tiểu khu 220 từ giữa tháng 3. UBND xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa và trạm kiểm lâm Thống Nhất phát hiện ông Nguyễn Thái Đắc, trú thị trấn Củng Sơn, huy động nhân công phát dọn 27,8 ha để làm nương rẫy.
Video đang HOT
Tỉnh Phú Yên đang đối mặt với nạn phá rừng. Ảnh: Thiên Lý
Không chỉ người dân lén lút phá rừng làm rẫy, tình trạng phá rừng còn xảy ra ở những cán bộ, đảng viên cấp xã. Tại Tiểu khu 184, 185 ở xã Sơn Phước, 4 vạt rừng nằm giữa vùng đệm và vùng bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng Krông Trai bị đốt phá tan hoang. Tại khu rừng phòng hộ Hòn Cung, Hòn Đát với tổng diện tích 9.000 m2, xã Sơn Định, cũng bị đốt sạch. Thủ phạm được xác định là 4 cán bộ, đảng viên của xã Sơn Định thực hiện.
Trước nạn phá rừng nghiêm trọng ở rừng đặc dụng Krông Trai, ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã kiểm tra thực tế và chỉ đạo các ngành liên quan cùng huyện Sơn Hòa phải triển khai các biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng này. Riêng các cá nhân, cán bộ, đảng viên phá rừng giao các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý đúng người đúng tội.
Ngoài người dân thì cán bộ, đảng viên cũng tham gia phá rừng. Ảnh: Thiên Lý
Nạn phá rừng làm nương rẫy ở rừng đặc dụng Krông Trai không phải mới diễn ra, mà âm ỉ suốt trong thời gian dài. Thế nhưng việc xử lý của chính quyền địa phương và các ngành chức năng không đủ sức răn đe.
Vụ phá rừng của ông Đắc, đã bị phát hiện từ giữa tháng 3, nhưng chính quyền không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Đến ngày 21/4, ông Đắc dọn sạch thêm 5,3 ha rừng để trồng mè. Ngày 25/6, UBND xã Suối Trai và Trạm Kiểm lâm Thống Nhất tiếp tục phát hiện ông Đắc phát dọn thêm 3,6 ha rừng còn lại để trồng mì và dưa lấy hạt rồi đốn hạ tiếp một vạt rừng khác 22,5 ha, nâng tổng diện tích rừng bị tàn phá lên 27,8 ha. Thế nhưng UBND huyện Sơn Hòa vẫn lúng túng trong việc xác định “chủ rừng”, diện tích mà ông Đắc phát dọn.
“Hoạt động bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng, các chủ rừng và chính quyền địa phương nhìn chung hiệu quả thấp, việc kiểm tra tình trạng phá rừng chưa thường xuyên, xử lý các đối tượng vi phạm chưa thật sự kiên quyết”, ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết.
Ngày 4/9, UBND Phú Yên đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ huy cấp bách về bảo vệ rừng huyện Sơn Hòa, trong đó tập trung vào rừng đặc dụng Krông Trai. Nhân sự của Ban chỉ huy cấp bách bảo vệ rừng đặc dụng gồm đại diện các cơ quan: Kiểm lâm, quân sự, quản lý thị trường, nông nghiệp, tài nguyên môi trường và công an.
Ban Chỉ huy cấp bách về bảo vệ rừng huyện Sơn Hòa sẽ hoạt động trong một tháng để kiểm tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, v ận chuyển lâm sản trái phép.
Theo VNExpress