Nhiều cán bộ, công chức bị triệu tập vì “dính” sai phạm
Liên quan đến sai phạm trong việc đầu tư, di chuyển công trình cấp điện cho Công ty hỗ trợ giáo dục Sao Khuê và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về “Kiểm toán dự án phát triển toàn diện kinh tế – xã hội thành phố Thanh Hóa”, Hội đồng xét kỷ luật thành phố Thanh Hóa đã có văn bản triệu tập hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức để làm rõ các nội dung.
Theo đó, liên quan đến sai phạm trong việc đầu tư, di chuyển công trình cấp điện cho Công ty Hỗ trợ giáo dục Sao Khuê, ngày 14/6/2018, Hội đồng xét kỷ luật thành phố Thanh Hóa đã triệu tập 5 cán bộ, công chức, viên chức.
Có 5 cán bộ, công chức liên quan đến sai phạm trong việc đầu tư, di chuyển công trình cấp điện cho Công ty hỗ trợ giáo dục Sao Khuê bị triệu tập
Cụ thể, những người bị triệu tập gồm: ông Nguyễn Văn Ngọc – Chủ tịch UBND xã Quảng Thịnh (nguyên Giám đốc Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư (TĐC) thành phố Thanh Hóa); ông Lê Minh Hưng – Trưởng phòng dự án, Ban Ban GPMB&TĐC; ông Trương Văn Tính – Lao động hợp đồng Ban GPMB&TĐC; ông Trịnh Anh Nhân – Chuyên viên phòng Quản lý đô thị; ông Hà Đình Anh – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, thành phố Thanh Hóa.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản số 1355/UBND-CN chỉ đạo UBND thành phố Thanh Hóa điều chỉnh lại quyết toán đầu tư công trình di chuyển đường điện cấp cho công ty Sao Khuê.
Đồng thời, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai sót trong việc quản lý, tham mưu phê duyệt dự toán, quyết toán đầu tư xây dựng công trình điện nêu trên.
Trước đó, ngày 27/10/2016, UBND thành phố Thanh Hóa có văn bản số 3998/UBND-GPMB báo cáo tình hình thực hiện công tác di chuyển đường điện 35KV cấp điện cho trạm biến áp 180KVA-35/0,4KV của công ty Sao Khuê. Tại văn bản này, UBND thành phố nêu rõ giá trị quyết toán công trình là 532.219.000 đồng.
Tuy nhiên, tại văn bản số 350/STC-ĐT, ngày 25/1/2017 của Sở Tài chính Thanh Hóa về việc thẩm định lại dự toán và quyết toán công trình di chuyển đường điện 35KV cấp điện cho trạm biến áp 180KVA-35/0,4KV có sự chênh lệch rõ rệt.
Cụ thể: Về dự toán công trình, các loại chi phí như: Chi phí xây dựng, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, Sở Tài chính thẩm định lại đều thấp hơn dự toán đã được phê duyệt, chênh lệch 147.053.000 đồng.
Ban GPMB&TĐC thành phố Thanh Hóa là đơn vị có nhiều cán bộ bị triệu tập nhất
Video đang HOT
Đối với việc quyết toán công trình, các loại chi phí như: Chi phí xây dựng, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, Sở Tài chính thẩm định lại cũng thấp hơn quyết toán đã được phê duyệt, chênh lệch 127.425.000 đồng.
Trên cơ sở thẩm định lại, Sở Tài chính đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa nghiên cứu, xem xét lại các quyết định của mình để điều chỉnh phù hợp làm căn cứ thực hiện.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu cho cấp quyết định theo chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chi phí đầu tư, xây dựng các công trình thuộc thẩm quyền.
Cùng ngày 14/6/2018, Hội đồng kỷ luật thành phố Thanh Hóa cũng đã triệu tập 7 cán bộ, công chức, viên chức gồm: ông Nguyễn Anh Đức – Cán bộ phòng Quản lý đất đai (QLĐĐ); ông Lê Văn Chiến – Chủ tịch UBND phường Tào Xuyên (nguyên Phó Trưởng phòng QLĐĐ); ông Dương Đình Huệ – Phó giám đốc Ban GPMB&TĐC; ông Lê Minh Hưng – Trưởng phòng Quản lý dự án, Ban GPMB&TĐC; ông Bùi Văn Long – Lao động hợp đồng Ban GPMB&TĐC; ông Lê Ngọc Long – Lao động hợp đồng Ban GPMB&TĐC; ông Trương Văn Tính – Lao động hợp đồng Ban GPMB&TĐC thành phố Thanh Hóa để làm rõ những sai phạm trong việc xác định đơn giá đền bù sai quy định theo thông báo của Kiểm toán Nhà nước và chỉ đạo của Chủ tịch của UBND tỉnh Thanh Hóa tại công văn số 8626/UBND-KTTC ngày 5/8/2016.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về “Kiểm toán dự án phát triển toàn diện kinh tế – xã hội thành phố Thanh Hóa” thì các ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện những nội dung mà Kiểm toán Nhà nước đã kết luận và kiến nghị có liên quan đến đơn vị mình trong việc quản lý Dự án “Phát triển toàn diện kinh tế – xã hội thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa”.
Ban quản lý dự án khẩn trương điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo quyết toán chi phí đầu tư thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; xử lý các vấn đề về tài chính; chấn chính công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán.
Có 7 cán bộ, công chức liên quan những sai phạm trong việc xác định đơn giá đền bù sai quy định theo thông báo của Kiểm toán Nhà nước bị triệu tập
Đồng thời, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với bộ phận thiết kế, dự toán, tổ chuyên gia chấm thầu đối với những sai sót trong công tác đấu thầu; hoàn tất các nghĩa vụ hợp đồng đối với nhà thầu, làm thủ tục thanh toán gửi ADB để nhanh chóng giải ngân số vốn còn lại theo đúng cam kết hợp đồng và Hiệp định vay vốn; và các vấn đề có liên quan khác đến đơn vị; gửi kết quả thực hiện cho Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Kiểm toán Nhà nước và UBND tỉnh trước ngày 20/8/2016.
Đối với UBND thành phố Thanh Hóa có trách nhiệm tổ chức thẩm tra, làm rõ những tồn tại thiếu sót trong việc xác định đơn giá đền bù sai quy định và xử lý trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị, cá nhân tham mưu; gửi kết quả thực hiện cho Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Kiểm toán Nhà nước và UBND tỉnh trước ngày 20/8/2016…
Tuy đã hơn một năm kể từ khi có văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhưng đến nay UBND thành phố Thanh Hóa mới tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Duy Tuyên
Theo Dantri
40 dự án BOT "có vấn đề", đề nghị giảm thu phí 120 năm
Báo cáo kết quả kiểm toán việc quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ GTVT được Kiểm toán nhà nước gửi tới Quốc hội nêu danh sách thêm 40 dự án BOT có vấn đề trong việc tính tổng mức đầu tư, thời gian thu phí...
Báo cáo cho biết, từ năm 2002 đến nay, Bộ đã thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện 75 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư , gồm 68 dự án BOT, 4 dự án BT; 1 dự án BOO và 2 dự án vừa BOT và BT với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 230.000 tỉ đồng.
Đến thời điểm kiểm toán (tháng 3.2017) có 57 dự án hoàn thành đưa vào khai thác góp phần giải quyết tắc nghẽn, quá tải và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.
Dù vậy, kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các dự án.
Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm cả thời gian thu phí và giảm tài chính đối với 40 dự án BOT mới được kiểm toán
Trước hết, cơ quan kiểm toán nêu vấn đề, Bộ GTVT không gửi danh mục dự án đến các bộ, ngành và địa phương có liên quan để lấy ý kiến khi xây dựng và phê duyệt danh mục 66 dự án gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP. Có 49/75 dự án được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng có 45/49 dự án không thuộc danh mục 66 dự án được phê duyệt.
56/75 dự án với chiều dài 2.535 km là nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường do ngân sách đầu tư từ trước. Chỉ có 19 dự án đầu tư mới với chiều dài 526 km. Con số như vậy thấp hơn nhiều so với mục tiêu đầu tư mới 2.629km trong danh mục kêu gọi đầu tư được phê duyệt.
Ngoài ra, theo Kiểm toán nhà nước, Bộ GTVT còn bổ sung 15 hạng mục (ngoài nội dung, phạm vi đầu tư ban đầu) của 8 dự án trị giá 17.483 tỉ đồng khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính và UBND tỉnh.
74/75 dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, trong đó, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng chấp thuận chỉ định thầu 22 dự án ngoài quy định, lựa chọn một số Nhà đầu tư chưa đảm bảo năng lực như nhà đầu tư dự án quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, dự án quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ, dự án tuyến tránh thành phố Thanh Hóa.
Qua kiểm toán chi tiết 40 dự án cho thấy nhiều sai phạm khác, như đưa vào trong phương án tài chính một số nội dung chưa có quy định để tính thời gian hoàn vốn với các khoản tiền lên đến nhiều nghìn tỉ đồng.
Cụ thể, có 1 dự án tính chi phí trích lập quỹ dự phòng duy tu bảo dưỡng hơn 600 tỉ đồng, 5 dự án tính lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong quá trình thi công trên 1.400 tỉ đồng, 15 dự án không tính hoàn thuế giá trị gia tăng đối chi phí đầu tư xấp xỉ 1.700 tỉ đồng, 9 dự án tính chi phí bảo toàn vốn trong thời gian khai thác 940 tỉ đồng chưa phù hợp với ý kiến của Bộ Tài chính.
71/75 dự án đưa chi phí dự phòng 27.400 tỉ đồng vào phương án tài chính để tính thời gian thu phí hoàn vốn khi chưa xác định được nhiệm vụ chi và trong hợp đồng cũng không có điều khoản thỏa thuận liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí này khi phát sinh nhiệm vụ chi.
Việc lập phương án tài chính cũng còn nhiều thiếu sót. Năm 2015, khi điều chỉnh phương án tài chính tuyến Tây Thanh Hóa, đoạn Km0-Km6, các bên xác định mức tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm trong giai đoạn 2011-2015 trung bình 3,7%, thấp hơn thực tế 15,3%.
Dự án cầu Yên Lệnh tính thuế thu nhập doanh nghiệp 6% cho toàn bộ thời gian thực hiện hợp đồng mà không xác định theo quy định (10% và được miễn trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo). Năm 2012 dự án cầu Yên Lệnh ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng đưa chi phí sửa chữa của năm 2012 vào năm 2005, dẫn đến phương án tài chính chưa chính xác.
Sai sót tiếp theo là tỷ lệ lợi nhuận giữa các dự án và các nhà đầu tư còn chênh lệch lớn, dự án thấp nhất là 11%, dự án cao nhất là 13%.
Với sai sót nhà đầu tư chưa huy động đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án tài chính, báo cáo nêu tên các dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1063 877 - Km1092 577, tỉnh Quảng Ngãi; dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987 560 - Km2014 000, tỉnh Tiền Giang; dư an đường cao tốc Hạ Long- Vân đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km2118 600 - Km2127 320,75 và xây dựng tuyến tránh thành phố Sóc Trăng của Quốc lộ 1, tỉnh Sóc Trăng; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn cửa ngõ phía Bắc thành phố Bạc Liêu Km 2169 056,65 - Km 2178 126,79 và xử lý một số vị trí ngập nước trên Quốc lộ 1, tỉnh Bạc Liêu; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thành phố Uông Bí - TP.Hạ Long.
Về vấn đề đặt trạm thu phí, Kiểm toán Nhà nước cũng kết luận, vị trí đặt một số trạm chưa phù hợp, 31/87 trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm là 70 km và 6 trạm thực hiện thu phí hoàn vốn trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.
Việc triển khai thu phí tự động không dừng còn chậm, mới có 33/87 trạm thu phí tự động không dừng kết hợp với thu phí 1 dừng vào hoạt động. Ngoài ra còn 25/87 trạm thu phí chưa hoạt động, chưa có chủ trương thu phí tự động.
Vấn đề nghiệm thu, thanh toán được kết luận là còn sai sót; chất lượng thi công chưa đảm bảo...
Báo cáo kiểm toán thể hiện, Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 40 dự án là 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467,3 tỉ đồng. Năm 2016 trở về trước, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị giảm 107,4 năm của 27 dự án.
Theo Thái Anh (Dân Trí)
Bảo tàng gốm trong trang trại của em trai bí thư đã được cấp phép Những công trình trong khu trang trại kinh tế tổng hợp cá-lúa của em trai Bí thư thành phố Thanh Hóa có khu nhà Bảo tàng gốm Tam Thọ. Công trình này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập. Qua tìm hiểu hồ sơ được biết, ngày 14/8/2017, căn cứ các quy định...