Nhiều cách sáng tạo hỗ trợ người dân vượt qua dịch COVID-19
Nhiều cách làm hay, sáng tạo đã cụ thể hóa việc giúp nhau vượt khó trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Tiền Giang.
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Tiền Giang chuyển thức ăn cho các bệnh nhân. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN
Trong hơn 2 tháng qua, hưởng ứng chung tay hỗ trợ nhân dân khó khăn vượt qua dịch COVID-19, các đoàn thể trong tỉnh Tiền Giang: Liên đoàn Lao động, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh… đã tích cực mở các đợt vận động hội viên, nhà hảo tâm ủng hộ tiền, quà, nhu yếu phẩm… trị giá trên 6,8 tỷ đồng giúp bà con trong vùng phong tỏa, cách ly, hộ nghèo, hộ đoàn viên và hội viên khó khăn; các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
Nhiều cách làm hay, sáng tạo đã cụ thể hóa việc giúp nhau vượt khó trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như tổ chức các Gian hàng 0 đồng, Phiên chợ 0 đồng, Cây ATM gạo, phát khẩu trang và nước sát khuẩn, tặng quà hộ nghèo… do các ngành, đoàn thể phát động, tổ chức, được đông đảo hội viên hưởng ứng tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Để tạo nguồn hỗ trợ cho các đối tượng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang đã duy trì hàng trăm Tổ may khẩu trang vải cung cấp miễn phí cho các đối tượng; thành lập các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Tổ Hậu cần, Tổ phản ứng nhanh… tại các cơ sở, địa bàn trọng điểm về dịch bệnh, khu vực đang bị cách ly, phong tỏa… trong toàn tỉnh thu hút hàng ngàn thành viên.
Đáng chú ý, hưởng ứng các hoạt động “Nâng niu giá trị nông sản Việt – Kết nối nông sản – San sẻ yêu thương – Vượt qua đại dịch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đã phát động hội viên chung sức, tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên và nông dân trên địa bàn, không để ùn ứ nông sản cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản hàng hóa cho thị trường; đồng thời, tổ chức nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác như: Gian hàng 0 đồng, Phiên chợ 0 đồng, Phiên chợ nghĩa tình, “Cây ATM gạo”…
Qua các hoạt động trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã huy động được khối lượng hàng hóa rất lớn gồm trên 100 tấn nông sản và nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu, cung cấp gần 10 ngàn suất cơm miễn phí… kịp thời tương trợ, giúp đỡ các hộ dân và trường hợp bị ảnh hưởng dịch bệnh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Video đang HOT
Tiếp nhận thức ăn tại Siêu thị Co.opmart Thị xã Gò Công. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN
Tiên phong trong hoạt động này, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Phước đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức “Chương trình hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản của hội viên phụ nữ và nông dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19″.
Chương trình được tổ chức theo nguyên tắc phi lợi nhuận, trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức Hội, chính quyền địa phương với nông dân và người tiêu dùng.
Chỉ sau khoảng 2 tháng thực hiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Phước đã hỗ trợ tiêu thụ trên 300 tấn nông sản của hội viên và người dân trên địa bàn, trong đó, có 210 tấn dứa, còn lại là các nông sản hàng hóa khác như: khoai mì, khoai mỡ, ổi, mít, đậu phộng, mãng cầu, khổ qua, đu đủ… Qua đó góp phần giúp nông dân giảm bớt thiệt hại, đảm bảo thu nhập và an tâm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Phước còn vận động các hội viên đóng góp, ủng hộ được hơn 5,5 tấn nông sản và hàng hóa thiết yếu trao tặng cho các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 và các hộ dân nghèo khó tại thành phố Mỹ Tho, một trong những điểm nóng về dịch COVID-19 tại Tiền Giang.
Công tác vận động quyên góp do Ban Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang phát động trong toàn hệ thống Công đoàn tỉnh cũng đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các cấp, ngành, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh. Đồng thời, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xét và chi hỗ trợ đoàn viên, công nhân viên chức lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Quyết định số 2006/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho gần 2.500 trường hợp với tổng kinh phí 2,013 tỷ đồng. Nhờ vậy, đoàn viên, công nhân viên chức lao động nghèo có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn, thách thức do dịch COVID-19.
Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội lan tỏa tình yêu thương đến hội viên
Ngày 17/8, Đoàn công tác của Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội do Chủ tịch Hội Lê Kim Anh làm Trưởng đoàn, đã trao tặng 70 suất quà hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Sóc Sơn; động viên tổ công tác tại 2 điểm chốt kiểm soát dịch ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội Lê Kim Anh thăm hỏi, động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt trực trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Tại xã Trung Giã, địa bàn giáp ranh thị xã Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) và huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang), Đoàn công tác đã đến thăm và động viên các lực lượng chốt trực tại điểm kiểm soát dịch của thành phố ở cầu Đa Phúc và điểm kiểm soát dịch của huyện tại cầu Vát.
Ân cần thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ đang căng mình làm việc, khắc phục khó khăn trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt để hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh với người và phương tiện, bà Lê Kim Anh mong muốn Tổ công tác tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, không lơ là, chủ quan, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công việc, giữ vững thành quả phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn sức khỏe. Thay mặt lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, bà Lê Kim Anh đã trao tặng các chốt trực những phần quà động viên.
Tới thăm bếp ăn tình nguyện của gia đình chị Hoàng Thị Thu Hà, hội viên phụ nữ, thành viên Câu lạc bộ nữ doanh nhân huyện Sóc Sơn, bà Lê Kim Anh đánh giá cao sáng kiến tổ chức những "bữa cơm nhà" từ căn bếp ấm cúng. Những bữa cơm này không chỉ đầy đủ dinh dưỡng giúp cán bộ, chiến sĩ đảm bảo sức khỏe, yên tâm công tác mà còn gửi gắm rất nhiều tình cảm, tấm lòng, sự sẻ chia kịp thời, thể hiện sự quan tâm chu đáo của cán bộ, hội viên phụ nữ với các tổ công tác đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Nằm ở cửa ngõ Thủ đô, huyện Sóc Sơn tiếp giáp với 6 huyện của 4 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, hàng ngày lượng người và phương tiện qua lại rất đông. Do đó, để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến việc đi lại, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, huyện Sóc Sơn đã thành lập số lượng điểm chốt kiểm soát dịch lớn nhất thành phố, với 6 điểm chốt kiểm soát dịch cấp thành phố, 9 chốt của huyện và 1.200 chốt tại các xã, thị trấn.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà cho biết, thời gian qua, cả hệ thống chính trị của huyện rất tích cực tham gia phòng chống dịch, thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân và duy trì phát triển kinh tế. Trong đó, các cấp Hội Phụ nữ huyện đã vào cuộc rất sớm, chủ động và hiệu quả như tham gia nấu các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, góp phần đảm bảo sức khỏe cho lực lượng trực chốt phòng, chống dịch trong điều kiện dịch bệnh phức tạp và thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ huyện cũng có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, quan tâm hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, giúp chị em sớm ổn định cuộc sống, yên tâm tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch...
"Huyện Sóc Sơn hiện còn hơn 500 hộ nghèo. Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã cùng huyện Sóc Sơn chăm lo tốt hơn cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đó là những tình cảm, sự quan tâm đầy ý nghĩa mà chúng tôi rất trân trọng", đồng chí Nguyễn Nam Hà nói.
Từ ngày 14/8, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch đã trao tặng 1.200 suất quà tới nữ công nhân lao động nghèo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo tại 10 quận, huyện, đơn vị. Mỗi suất quà trị giá 200 nghìn đồng, gồm gạo, dầu ăn, nước mắm, trứng gà... Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa trong chương trình thiện nguyện "Đàn kiến yêu thương".
Ngoài ra, trên khắp địa bàn thành phố, Hội Phụ nữ các quận, huyện, thị xã đã có nhiều việc làm đầy ý nghĩa, góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch chung của thành phố. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa tiếp tục duy trì tham gia trực chốt phòng dịch, chốt cách ly, vùng xanh; tuyên truyền tới từng ngõ, khu dân cư, tổ dân phố. Quận Hội tiếp nhận và trao tặng 12.000 hộp sữa đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch; đồng thời, thăm hỏi, tặng 100 suất quà cho hội viên, phụ nữ và nhân dân xóm chạy thận phường Phương Mai và khu phong tỏa phường Văn Chương...
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội Lê Kim Anh tặng 70 phần quà hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Còn các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ quận Cầu Giấy đã tặng 1 tấn gạo, 50 thùng nước, 50 thùng mì tôm và 335 suất quà gồm một số hàng hóa lương thực trị giá 66 triệu đồng cho người khó khăn, thuê trọ và 30 suất quà, mỗi suất 200 nghìn đồng tiền mặt; trao tặng lực lượng y tế và công an phường Dịch Vọng Hậu nhu yếu phẩm, trị giá gần 9 triệu đồng.
Tại huyện Gia Lâm, cán bộ phụ nữ các xã, thị trấn đã tổ chức nấu ăn, chế biến các loại nước mát gửi đến lực lượng tuyến đầu. Phụ nữ xã Cổ Bi nấu chè đỗ đen, phụ nữ xã Phú Thị làm trà sữa, phụ nữ xã Văn Đức gửi tặng trái cây, phụ nữ xã Dương Quang tặng nhu yếu phẩm nấu ăn hằng ngày; phụ nữ xã Lệ Chi biếu trà mạn; phụ nữ xã Kiêu Kỵ, Phù Đổng, Yên Thường, thị trấn Trâu Quỳ gửi nước tăng lực... Ngoài ra, các cấp Hội tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại 10 chốt kiểm soát dịch bệnh do thành phố, huyện lập; khu cách ly tập trung Học viện Nông nghiệp Việt Nam và 220 chốt trực tại các xã, thị trấn với hơn 1.200 suất ăn...
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì cũng đã vận động cán bộ, hội viên tham gia ủng hộ lực lượng trực chốt kiểm dịch được tổng số tiền và nhu yếu phẩm trị giá 39,1 triệu đồng. Các "Bếp ăn phụ nữ" tiếp tục nấu 208 suất cơm phục vụ lực lượng trực chốt kiểm dịch và điểm tiêm phòng vaccine. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ huyện và cơ sở kết nối tiêu thụ được hơn 11 tấn nhãn cho bà con các xã, thị trấn...
Kết nối tiêu thụ gắn với hỗ trợ người dân khó khăn do dịch COVID-19 Ngày 17/8, ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, qua gần 1 tháng đường dây nóng đi vào hoạt động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã nhận được hơn 200 cuộc gọi đến để được hỗ trợ, tư vấn; trong đó đáng chú ý có 89...