Nhiều biệt thự bạc tỷ An Khánh Splendora có nguy cơ bị phá dỡ
Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội vừa quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng với chủ đầu tư dự án An Khánh Splendora vì thi công công trình xây dựng sai thiết kế cơ sở, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ những biệt thự sai phạm.
Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội vừa có kết luận về việc công dân phản ánh chủ đầu tư dự án An Khánh Splendora tại Hoài Đức (Hà Nội) xây dựng sai thiết kế cơ sở (TKCS), sai hợp đồng mua bán chuyển nhượng đã ký với khách hàng.
Ngày 20/8, Thanh tra Sở phối hợp cùng lực lượng quản lý trật tự xây dựng huyện Hoài Đức, UBND xã An Khánh kiểm tra hiện trạng dự án Splendora theo nội dung đơn phản ánh của khách hàng. Lực lượng chức năng đã tiến hành xem xét hiện trạng 2 biệt thự của ông Đinh Quang Vinh và ông Dương Phúc Tú đã xây dựng hoàn thiện, đối chiếu với hồ sơ pháp lý dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, Thanh tra Sở Xây dựng đã nhận thấy đơn thư phản ánh của khách hàng là có cơ sở.
Khu vực chiều cao cổ bậc tam cấp biệt thự Splendora bị khách hàng tố thi công sai thiết kế.
Cụ thể, theo TKCS, cốt sân vườn là cao độ 7,3m, cốt đường là 7,5m; cốt sảnh là 7,75m, chiều cao cổ bậc tam cấp là 150 mm.
Trong khi đó, hiện trạng thực tế được kiểm tra tại công trình hoàn thiện tại dự án Splendora lại có những sai khác rõ ràng, cụ thể: Cao độ cốt sân vườn là 7,45m, cốt đường là 7,45m, cốt sảnh là 7,78m, chiều cao cổ bậc tam cấp là 110mm.
Tại buổi kiểm tra, thanh tra sở Xây dựng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) là chủ đầu tư dự án Splendora do đã có hành vi vi phạm hành chính: Chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng sai thiết kế cơ sở được thẩm định, phê duyệt, vi phạm Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Trước sự việc, ngày 22/8, phía An Khánh JVC có văn bản giải trình về việc thi công xây dựng sai TKCS. Theo đó, phía chủ đầu tư dự án Splendora cho rằng việc thay đổi các cốt đường, cốt sân vườn, chiều cao bậc thềm là theo đề xuất của nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn quản lý dự án.
Phía An Khánh JVC cũng đưa ra cam kết việc điều chỉnh không làm thay đổi chất lượng công trình.
Tuy nhiên, ngày 30/8, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với An Khánh JVC với mức xử phạt áp dụng cho hành vi sai phạm này của An Khánh JVC là 30 triệu đồng.
Điều quan trọng nhất là Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội buộc An Khánh JVC phải thực hiện đúng quy định tại điều 14, Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Nghị định này, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình sai thiết kế cơ sở hoặc thiết kế kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phải bị lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ.
Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ công trình vi phạm, công trình phải bị cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.
Như vậy, theo kết luận của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội việc An Khánh JVC thực hiện sai so với thiết kế cơ sở được phê duyệt là có. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo đúng kết luận của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội là tự phá dỡ thì con số thiệt hại của chủ đầu tư theo các khách hàng sẽ nhiều tỷ đồng. Còn nếu không tự phá dỡ, An Khánh JVC sẽ chấp nhận bị cưỡng chế phá dỡ.
Video đang HOT
Nhiều khách hàng khẳng định sẽ yêu cầu chủ đầu tư dự án Splendora phải thực hiện đúng thiết kế.
Trao đổi với PV Dân trí, anh Đinh Quang Vinh, khách hàng mua căn biệt thự bị thi công sai TKCS tại Splendora cho biết anh sẽ kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư dự án phải thực hiện đúng TKCS ngôi nhà rồi bàn giao thì anh mới nhận căn biệt thự.
Trong khi đó, ông Hoàng Thế Trung – Phó Tổng Giám đốc Công ty An Khánh JVC vẫn khẳng định rằng An Khánh JVC không thi công sai TKCS.
Ông Trung cho rằng: “Phía chủ đầu tư làm một số căn nhà có cao độ sân vườn nếu theo thiết kế thì không phù hợp lắm với cách sống và thẩm mỹ nói chung nên chúng tôi điều chỉnh viêc đó theo chính kiến của chúng tôi. Cái sai phạm là chưa báo cáo và chưa được sự thống nhất với khách hàng, tức là chủ sở hữu của những ngôi nhà đó”.
Tuy nhiên, ông Trung cũng thừa nhận việc Thanh tra sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định tại điều 14, Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì phía chủ đầu tư phải tuân thủ, tức là làm gì cũng phải đúng với bản thiết kế đã được phê duyệt.
Trước đó, bị hơn 20 khách hàng khởi kiện về việc không bàn giao thông báo hoàn thiện phần nhà xây thô mà vẫn tiếp tục hoàn thiện dự án, yêu cầu khách hàng nộp tiền, chủ đầu tư dự án Bắc An Khánh – Splendora đã phải ra hầu toà.
Theo các khách hàng, sở dĩ họ kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư dự án Bắc An Khánh – Splendora phải bàn giao thông báo hoàn thiện phần thô còn vì họ phát hiện nhiều sai phạm tại dự án này như sai thiết kế về cốt nền xây dựng, bỏ hạng mục đường chạy bộ quanh biệt thự… Chính vì vậy, thông báo hoàn thiện phần thô dự án đồng nghĩa với việc các hạng mục dự án phải được nghiêm thu theo quy định.
Dự án Splendora do Tổng công ty Vinaconex và Công ty Posco E&C của Hàn Quốc góp vốn đầu tư, trong đó An Khánh JVC là đại diện pháp nhân do hai bên lập ra.
Đây là một dự án đầu tư xây dựng khu đô thị cao cấp kết hợp các trung tâm, văn phòng thương mại nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, dọc theo trục đại lộ Thăng Long, trong phạm vi xã An Khánh, xã Lại Yên, xã Song Phương và xã Vân Canh huyện Hoài Đức – Hà Nội với tổng diện tích dự án là 245 ha.
Khu đô thị mới Bắc An Khánh – Spendora vốn đình đám trên thị trường bất động sản trong thời “hoàng kim” khi giá mỗi căn biệt thự của dự án được bán chênh hàng tỷ đồng.
Anh Thế
Theo Dantri
Bất cập của thị trường bất động sản Việt Nam lên báo Mỹ
Núp bóng một công ty BĐS danh tiếng, một Việt kiều Mỹ không hề có kinh nghiệm phát triển dự án đã bán dự án trên giấy rồi ôm tiền bỏ trốn, khiến nhà đầu tư nếm trái đắng. Cú lừa ngoạn mục đã hé lộ những bất cập trên thị trường BĐS Việt Nam.
Với tiêu đề "Nhà phát triển bất động sản Mỹ bỏ lại sự giận dữ tại Việt Nam", phóng viên của hãng tin AP đã có những phân tích về bất cập trên thị trường BĐS thời gian qua, mà các nhà đầu tư nôn nóng là những người lĩnh hậu quả cuối cùng. Bài viết sau đó cũng được nhiều hãng tin lớn của Mỹ, trong đó có ABC news và Foxnews đăng tải.
Những ngôi nhà bỏ hoang tại một khu đô thị phía Tây Hà Nội
Bài viết xoay quanh dự án Tricon Towers, tại khu đô thị Bắc An Khánh, Hà Nội, của công ty đầu tư Minh Việt mà báo giới trong nước đã đề cập nhiều những tháng qua, sau khi chủ đầu tư là một Việt kiều có tên Edward Chi, ôm tiền bỏ trốn.
Theo đó, khi "bong bóng" trên thị trường BĐS bắt đầu vỡ, Edward Chi vẫn hứa hẹn với các nhà đầu tư rằng dự án xây dựng các căn hộ hào nhoáng của họ vẫn đang đi đúng hướng. Doanh nhân này thậm chí còn tuyên bố sẽ bán các BĐS của mình tại California để hoàn trả tiền cho khách hàng, nếu việc xây dựng những dự án, vốn được tiếp thị mạnh mẽ bởi một công ty BĐS có tiếng tại Mỹ, bị trì hoãn.
Thế nhưng Chi đã chuồn khỏi một cuộc họp căng thẳng với những chủ nhà tương lai diễn ra hồi năm ngoái, và không hề trở lại, bỏ lại sau lưng những cọc móng gỉ sét của một dự án chung cư cùng ít nhất 128 nhà đầu tư giận dữ. Nhiều người trong số này đã vay mượn hoặc lấy tiền tiền kiệm ra góp vốn tới 150.000 USD. Công an cho biết Chi đã rời Việt Nam và không thể liên lạc được.
Chi chỉ là một trong số hàng chục nhà đầu tư đổ xô vào thị trường BĐS Việt Nam cuối những năm 2000, khi các ngân hàng cấp tín dụng một cách dễ dãi cho các nhà đầu tư và chủ dự án trong bối cảnh chính phủ đang kích cầu kinh tế, khiến giá đất tăng vọt.
Đây từng là một hiện tượng mới tại Việt Nam. Nhiều chủ đầu tư là các công ty quốc doanh không hề có kinh nghiệm về BĐS. Cho dù hy vọng ban đầu là giúp mọi người đều có cơ hội sở hữu nhà, những người mua lại thường là giới đầu cơ, tìm cách thâu tóm dự án và kiếm lời nhanh.
"Đột nhiên, tất cả mọi người đều dừng sản xuất giày, các thiết bị hay bất kỳ thứ gì khác để trở thành chủ đầu tư dự án trong thoáng chốc", Marc Townsend, giám đốc điều hành của chi nhánh CB Richard Ellis tại Việt Nam cho biết. "Và những gì còn lại đang ở khắp thành phố".
Nhiều dự án đổ bể do nhà đầu tư non kinh nghiệm
Bài học kinh nghiệm từ rất nhiều quốc gia đã chỉ ra rằng, giá nhà khi đã giảm sẽ nhanh không kém lúc tăng. Việt Nam đã phải chứng kiến nó với sự trả giá cuối năm 2010 khi kinh tế trượt dốc. Tại nhiều nơi, giá giảm tới 50% và không ai biết khi nào giá mới phục hồi.
Nhiều ngân hàng bị nợ xấu đè nặng, phần nhiều trong số đó được bảo đảm bằng BĐS. Những nhà băng này đang không mặn mà với việc cho vay, khiến đà tăng trưởng tại nền kinh tế từng là điểm nóng suy yếu.
Khắp nhiều khu vực của Hà Nội là những dự án chung cư cao tầng và khu nhà ở phức hợp bị bỏ dở, trong khi ở đâu đó, chuyện về các nhà đầu tư bỏ trốn xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn và báo giới. Tran Thanh Hai, một người đã bỏ ra 180.000 USD để thanh toán lần đầu cho một căn hộ 210m vuông trong dự án Tricon Towers của Chi ở ngoại ô phía Tây Hà Nội nay đã mất trắng.
Các công ty môi giới BĐS thì lo sợ những nhà đầu tư khác một ngày nào đó cũng gây ra những cú sốc tương tự, bởi các nhà đầu tư non kinh nghiệm, cùng một số ngân hàng cho vay đảm bảo bằng dự án đổ bể, đang ngày gặp khó.
Chính phủ đã thành lập một công ty quản lý tài sản để mua nợ xấu và loại chúng khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, nhưng liệu cơ quan này có đủ nguồn lực và sức mạnh để giải quyết vấn đề hay không vẫn còn cần kiểm chứng.
Không ít ngân hàng dường như vẫn không muốn chấp nhận thua lỗ, vẫn thích che giấu các khoản cho vay của mình và đánh cược vào khả năng kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ giúp giá BĐS tăng. Hai năm sau khi khủng hoảng trở nên rõ ràng, vẫn chưa có khoản nợ xấu nào được bán và quy mô số nợ này trong hệ thống vẫn chưa có con số chính xác.
"Để tạo ra thay đổi người ta cần nhận thấy rằng đang có trục trặc, còn ở đây người ta lại không thấy có vấn đề gì", Sameer Goyal, điều phối viên ngành tài chính và kinh tế tư nhân của ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết.
Chi, một người Mỹ gốc Việt, là một tên tuổi có tiếng trong giới kinh doanh và đầu tư tại Hà Nội và TP.HCM trước khi bất ngờ bỏ trốn hồi năm ngoái. Một nhân viên môi giới BĐS biết rõ Việt kiều này tiết lộ trước khi bước vào BĐS Chi chỉ kinh doanh bảo hiểm.
Những gì còn lại của một dự án của công ty Minh Việt
Công ty mà ông ta tạo ra, công ty Minh Việt, hầu như không gặp khó khăn gì để thu hút nhà đầu tư khi ra mắt dự án tại Hà Nội khoảng giữa năm 2009. Nó từng được tung hô là những tòa tháp 44 tầng "siêu hiện đại", với 734 căn hộ và sẽ giao nhà cuối năm 2011. Minh Việt sau đó còn tiếp thị và nhận tiền đặt cọc cho một dự án thứ hai nhìn ra vịnh Hạ Long, một điểm du lịch ở phía Bắc. Nhưng việc xây dựng tại đây chưa hề được tiến hành.
Một số người nếu có hoài nghi về uy tín của Chi lại bị đánh lừa bởi đối tác nước ngoài danh tiếng của ông ta. Ông ta đã được Coldwell Banker nhượng quyền và luôn sử dụng thương hiệu của hãng BĐS Mỹ trong quá trình quảng bá dự án. Coldwell Banker cho biết đã hủy hợp đồng nhượng quyền với Chi năm 2012 và từ chối cho biết thêm.
Trên một trang web rất đẹp quảng cáo về các dự án, Chi tiếp tục rao bán ngay cả khi việc xậy dựng đình trệ, và bất đồng giữa Minh Việt và nhà thầu thi công Việt Nam, công ty Coteccons bị phanh phui. Báo giới cho biết Minh Việt nợ công ty này 7,5 triệu USD.
Nguyen Ngoc Tuan, một kỹ sư 37 tuổi, cho biết đã trả 180.000 USD cho Minh Việt. 80.000 USD trong số đó là từ tiền tiết kiệm, số còn lại vay ngân hàng. Ông dùng chính hợp đồng ký với Minh Việt làm tài sản bảo đảm cho khoản vay. Giờ thì vị kỹ sư này vẫn ở nhà thuê và có kế hoạch ngừng trả lãi vay.
"Lương của tôi và vợ không đủ để trả lãi ngân hàng", Tuan nói. "Tôi đã đề nghị ngân hàng khoanh nợ nhưng không được đồng ý. Sắp tới tôi không có ý định trả lãi bởi chúng tôi thậm chí không đủ tiền nuôi sống gia đình".
Tran Thanh Hai, một nhà đầu tư khác cũng bị mắc lừa với công ty Minh Việt cho biết đã điều tra về ngôi nhà của Chi tại California. "Chúng tôi đã kiểm tra trên Internet. Ngôi nhà đã được sang tay nhiều lần kể từ năm 2006. Và chủ sở hữu gần nhất không phải Edward Chi".
Hiện văn phòng từng một thời hào nhoáng của Tricon Towers đã bị bỏ hoang. Một tấm bảng rách nát bay lật phật trong gió. Những thanh sắt gỉ sét và một hàng bê tông là giấu hiệu duy nhất còn lại về tham vọng của Chi.
Thanh Tùng
Theo AP
Sở Xây dựng yêu cầu trả lại nguyên hiện trạng nhà 38 Hàng Giầy Liên quan đến khiếu nại của công dân về sai phạm tại 38 Hàng Giầy, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, xử lý dứt điểm vi phạm, trả lại nguyên hiện trạng theo Quyết định số 1818 của Thành phố. Sai phạm ở 38 Hàng Giầy đã kéo...