Nhiều bệnh viện Mỹ đang cạn dần thuốc men, máy thở, thiết bị y tế
Không chỉ thiếu khẩu trang chuyên dụng, nhiều nhân viên y tế tại một số bệnh viện của Mỹ bắt đầu thông báo tình trạng cạn dần thuốc men và các thiết bị y tế cần thiết như máy thở.
Đưa một người bệnh lên xe cấp cứu trong lúc các nhân viên y tế tiếp tục xét nghiệm COVID-19 cho mọi người ở bên ngoài Trung tâm bệnh viện Brooklyn ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 27-3-2020 – Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, rất nhiều trang thiết bị y tế rất cần thiết trong điều trị người bệnh COVID-19 đang cạn dần tại một số bệnh viện Mỹ trong bối cảnh số ca bệnh ở đây vượt qua 103.000 người.
Ngày 27-3 cũng là ngày Mỹ ghi nhận số ca tăng thêm kỷ lục trong một ngày với khoảng 18.000 người bệnh mới.
Thiếu cả những thứ cơ bản nhất
Theo hãng tin Reuters, các y bác sĩ đang làm việc tại tuyến đầu chống dịch ở Mỹ ngày 27-3 lên tiếng báo động về tình trạng khan hiếm đồ bảo hộ y tế và trang thiết bị điều trị người bệnh COVID-19, đặc biệt là tình trạng thiếu máy thở.
Ông Marney Gruber, bác sĩ làm việc tại nhiều phòng cấp cứu ở thành phố New York, cho biết một số loại thuốc dùng thông dụng đang không đủ, ít nhất một bệnh viện đã hết các bộ dụng cụ thông tĩnh mạch trung tâm vốn thường dùng để truyền thuốc cho các bệnh nhân trong phòng hồi sức tích cực.
“Trước đây tôi chưa từng nghe thấy vấn đề này”, ông Gruber chia sẻ với hãng tin Reuters trong cuộc phỏng vấn ngày 27-3.
“Đây là những thứ thiết yếu nhất trong y khoa cấp cứu và các phòng hồi sức tích cực (ICU). Những thứ này giống như bánh mì và bơ vậy, thực sự đó là những thứ hết sức cơ bản”, ông tiếp.
Các bệnh viện ở New York mau chóng phải đối mặt với sức ép điều trị gia tăng khi nơi đây trở thành tâm dịch COVID-19 của Mỹ. Thành phố này đã có ít nhất 366 người chết vì virus trong tháng 3 và hơn 4.700 người đã nhập viện.
Theo ông Gruber các loại thuốc đang cạn dần gồm midazolam và fentanyl, đây là hai loại thuốc cần dùng để điều trị những bệnh nhân đã bị viêm phổi nặng và phải có máy thở hỗ trợ hô hấp.
Các bệnh viện cũng thiếu thuốc Levophed, một loại chuyên trị huyết áp thấp và các trục trặc tim mạch, và thiếu thuốc Albuterol thường dùng điều trị hen suyễn nhưng cũng cho thấy có tác dụng khi điều trị những người bị COVID-19.
Video đang HOT
Bên cạnh máy thở, một số bệnh viện cũng đã hết bình ô-xy, theo ông Gruber. Người bệnh thường chỉ dùng các bình này khi được vận chuyển từ nơi này tới nơi khác trong viện nhưng vì tất cả các bình dưỡng khí gắn trên tường đã dùng hết, các bác sĩ đã phải cho người bệnh COVID-19 dùng bình ô-xy trong các phòng ICU.
Nguy cơ với các nhân viên y tế
Tình trạng thiếu các trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế tại các bệnh viện ở Mỹ cũng đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Trong đó việc thiếu khẩu trang chuyên dụng N95 đã được báo cáo trong nhiều tuần gần đây.
Chị Mary MacDonald, y tá tại bệnh viện Ascension Providence ở Novi, Michigan, đã nức nở khóc trong video đăng trên Facebook, cho biết chị đã thấy nơi làm việc của mình hết thuốc fentanyl và propofol (một loại thuốc khác điều trị người bệnh phải dùng máy thở), cũng như thiếu thuốc giảm đau cơ bản acetaminophen (thường được biết với tên gọi Tylenol).
Nhiều bệnh viện tại thành phố New York, New Orleans, Detroit và nhiều điểm nóng về dịch bệnh COVID-19 khác cũng đã báo động việc thiếu thuốc men, dụng cụ y khoa và nhân viên y tế.
“Chúng tôi rất lo sợ”, bác sĩ Arabia Mollette thuộc bệnh viện đại học Brookdale và Trung tâm y khoa ở Brooklyn, chia sẻ với Reuters. “Chúng tôi đang cố gắng chiến đấu vì sinh mệnh của mọi người, nhưng chúng tôi cũng phải chiến đấu vì chính mạng sống của mình nữa, vì chúng tôi đang có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất”.
Một bác sĩ tại phòng cấp cứu ở Michigan (một tâm dịch mới khác đang nổi lên sau New York) cho biết anh đã phải dùng một khẩu trang bằng giấy trong suốt ca trực vì không có khẩu trang chuyên dụng.
Cũng theo bác sĩ này, các bệnh viện ở khu vực Detroit cũng sẽ sớm cạn nguồn máy thở.
Bác sĩ Rob Davidson chia sẻ trong video đăng trên Twitter: “Các bệnh viện ở vùng Detroit tại Michigan đang gần dùng hết các máy thở và sẽ phải nói với các gia đình là họ không thể cứu những người thân yêu của họ nữa vì bệnh viện không còn đủ thiết bị”.
Người bệnh dùng máy thở trong phòng điều trị – Ảnh: METICULOUSBLOG
Tăng tốc sản xuất máy thở
Cũng theo hãng tin Reuters, nhiều nhà sản xuất thiết bị y tế đang dồn mọi nguồn lực vào việc sản xuất máy thở, đơn giản hóa thiết kế để làm được nhiều máy nhất có thể.
Ngày 27-3 Tổng thống Trump đã căn cứ Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA), ký sắc lệnh liên bang yêu cầu nhà sản xuất xe hơi General Motors phải sản xuất máy thở để chống lại đại dịch COVID-19. Ông Trump còn buộc tội hãng xe này đã chậm trễ và “làm lãng phí thời gian”.
Tình trạng thiếu máy thở đã hối thúc nhiều công ty sản xuất thiết bị y tế khác phải đẩy nhanh quy mô lúc này. Ông Darren Saravis, CEO của công ty Nectar có trụ sở tại Long Beach, California, đã thành lập một công ty mới là BreathDirect để sản xuất một phiên bản máy thở gọn nhẹ hơn.
Loại máy thở mới này sẽ có giá khoảng 10.000 USD và có những cài đặt đơn giản hơn so với các mẫu đã có. Công ty BreathDirect dự kiến hoàn thành mẫu máy đầu tiên vào 5-4 và chiếc máy thở đầu tiên loại này sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt dự kiến có trước 19-4, mặc dù thời gian chính xác còn tùy vào việc phê chuẩn của Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ.
Tuy nhiên theo ông Saravis, nếu mọi thứ suôn sẻ theo kế hoạch, trong tháng 5 công ty này sẽ sản xuất được 3.500 máy thở mỗi tuần và nâng lên 40.000 máy thở mỗi tháng trong tháng 6.
D. KIM THOA
Lựa chọn nghiệt ngã trong đại dịch
Sau Italy, đến lượt các bác sĩ Mỹ phải đưa ra lựa chọn: bệnh nhân nào sẽ vào danh sách được cứu, và bệnh nhân nào không.
Tại Bệnh viện Bellevue ở thành phố New York, y bác sĩ đang phải gồng mình đối phó với lượng bệnh nhân khổng lồ. Cơn bão Sandy quét qua năm 2012 đã khiến các máy phát điện chính hư hại phần nhiều. Bác sĩ Laura Evans chỉ còn sử dụng được 6 ổ cắm điện cho 50 bệnh nhân ở khu cách ly.
Lãnh đạo bệnh viện yêu cầu cô lựa chọn người được ưu tiên sử dụng các thiết bị y tế.
"Laura, chúng ta cần lập một danh sách", một cấp trên nói với cô. Sau khi thảo luận với các chuyên gia khác, cô đã liệt kê tên của những bệnh nhân "may mắn".
Các bác sĩ ở khắp nơi tại Mỹ cũng đứng trước tình hống tương tự, lựa chọn có phần nghiệt ngã được thực hiện ở quy mô rộng lớn hơn nhiều. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo về sự bùng nổ số lượng bệnh nhân nguy kịch, kết hợp với tình trạng thiếu thiết bị, vật tư, nhân viên và giường bệnh nghiêm trọng. Điểm nóng bao gồm các bang như New York, California và Washington.
Bác sĩ Laura Evans bên ngoài Trung tâm Y tế Đại học Washington ở Seattle. Ảnh: NY Times
Bác sĩ đang nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát, mở rộng năng lực y tế để hạn chế việc lựa chọn bệnh nhân. Song nếu tình thế ép buộc, câu hỏi được đặt ra là họ sẽ đưa ra quyết định theo tiêu chí gì, giảm thiểu số người chết ra sao, ai là người có quyền lựa chọn và hợp thức hoá điều này với công chúng thế nào?
Các bệnh viện đang xem xét dựa trên những diễn biến ban đầu ở Trung Quốc, nơi có nhiều bệnh nhân bị từ chối cho nhập viện. Tình trạng tương tự diễn ra ở Italy. Các bác sĩ bị quá tải và phải từ chối điều trị cho bệnh nhân lớn tuổi có tỷ lệ tử vong cao để dành máy thở cho bệnh nhân khoẻ mạnh, nhiều khả năng sống sót hơn.
"Việc lựa chọn đi ngược lại những gì chúng ta từng nghĩ về nghề nghiệp của mình, trái với hành vi cần có của bác sĩ đối với bệnh nhân", tiến sĩ Marco Metra, trưởng khoa tim mạch tại một bệnh viện ở Italy cho biết.
Ở Mỹ, có một số hướng dẫn đã tồn tại trước đây liên quan đến nhiệm vụ "nghiệt ngã" này. Chương trình hỗ trợ liên bang đối với các bệnh viện, bang và Cơ quan Quản lý Y tế Cựu chiến binh từng phát triển kế hoạch cơ bản ứng phó với đại dịch nghiêm trọng. Dù được ít người biết đến và có vài điểm lỗi thời, bộ hướng dẫn dẫn đang được xem xét dùng lại trong đợt đại dịch lần này.
Song hiện chưa có nhiều nghiên cứu để đánh giá liệu các chiến lược này có thể cứu chữa thêm các bệnh nhân hoặc duy trì sự sống cho họ lâu hơn so với việc lựa chọn ngẫu nhiên hay không.
"Cần phải xác định mục tiêu một cách rõ ràng. Có thể bạn cứu được nhiều người hơn nhưng cuối cùng tạo ra một xã hội tranh đấu vì chính điều này. Một số công dân sẽ cho rằng mạng sống của họ là không xứng đáng", Christina Pagel, một chuyên gia người Anh từng nghiên cứu về vấn đề tương tự trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009 nhận định.
Bệnh nhân xếp hàng bên ngoài Bệnh viện Brooklyn, New York để chờ thăm khám. Ảnh: NY Times
Nhiều công dân lo ngại việc lựa chọn bệnh nhân dựa trên tỷ lệ sống sót có thể là một hình thức phân biệt đối xử. Những người Mỹ gốc Phi nhập cư vốn đã không nhận được sự chăm sóc sức khoẻ tương đương với người bản địa từ trước đó.
Ngay trước khi Covid-19 bùng phát, bác sĩ Laura Evans đã chỉ đạo hoạt động cho các phòng chăm sóc đặc biệt của Trung tâm Y tế Đại học Washington, Seattle. Thành phố là khu vực đầu tiên của Mỹ ghi nhận các ca lây nhiễm cộng đồng.
Bệnh viện đang làm hết sức mình để tránh phải lựa chọn bệnh nhân. Bác sĩ Evans gọi đây là "nghĩa vụ đạo đức". Giống như các tổ chức khác, họ cố gắng đảm bảo nguồn cung, đào tạo nhân viên y tế cho các vai trò nằm ngoài công việc thường ngày, hoãn một số ca phẫu thuật tự chọn để tạo thêm không gian điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Một số thành phố trên cả nước đang chạy đua để xây dựng các bệnh viện mới.
Chuyên gia đề xuất một số hướng giải quyết tình trạng khan hiếm máy thở như nhường cho người đến trước. Song một số người cho rằng điều này gây bất lợi cho các bệnh nhân sống xa bệnh viện và lựa chọn ngẫu nhiên vẫn công bằng hơn.
Thục Linh
Trung Quốc hoàn thành giải phẫu 2 thi thể nhiễm Covid-19 ở Vũ Hán Kết quả giải phẫu sẽ được gửi đi để nghiên cứu thêm về bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 (nCoV) gây nên này. Việc giải phẫu thi thể của 2 bệnh nhân qua đời vì bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây nên đã hoàn thành ngày 16/2 tại Vũ Hán. Kết quả này sẽ được gửi đi...