Nhiều bệnh nhân ung thư như “ngồi trên đống lửa”
Bệnh ung thư không giống các bệnh cấp tính khác là điều trị ngày một, ngày hai mà nó đòi hỏi phác đồ điều trị dài hơi.
Tùy vào giai đoạn bệnh mà các bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp và phác đồ điều trị cụ thể, hầu hết đều phải sử dụng các loại thuốc đặc chủng trong điều trị ung thư với giá thành rất đắt. Bệnh nhân vẫn có thể “trụ được” dưới sự hỗ trợ thanh toán giá thuốc từ BHYT.
Tuy nhiên, khi Luật BHYT (sửa đổi) cùng với Thông tư 40/2014/TT – BYT có hiệu lực từ 1/1/2015, nhiều loại thuốc điều trị ung thư bị loại ra khỏi danh mục được BHYT thanh toán 100%. Nhiều bệnh nhân ung thư như “ngồi trên đống lửa”…
Làm khó người bệnh?
Ngay sau khi Bộ Y tế tổ chức họp báo thông tin chính thức liên quan đến Luật BHYT (sửa đổi) cùng Thông tư 40/2014/TT – BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có mặt tại một số bệnh viện tuyến Trung ương có các khoa điều trị Ung bướu ghi nhận những chia sẻ từ phía bệnh nhân.
Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện K cơ sở 1.
Tại bệnh viện K cơ sở 3 (cơ sở Tân Triều), bệnh nhân Nguyễn Hải Nguyên (59 tuổi, ở Hải Phòng) cho biết: “Mấy ngày vừa qua cũng nghe thấy thông tin một số loại thuốc điều trị ung thư sẽ không còn được BHYT chi trả 100% nữa khiến bản thân tôi lo lắng vô cùng.
Tôi ở đây để điều trị ung thư phổi ở giai đoạn 3, được bác sỹ chỉ định dùng phương pháp điều trị đích với các thuốc phân tử nhỏ thì một viên thuốc hiện có giá hơn 1,4 triệu đồng và uống 1 ngày 1 viên, liên tục kéo dài trong vòng 1 tháng mất khoảng 40-42 triệu đồng. Nếu theo quy định mới BHYT chi trả 50% thì riêng tiền cho 1 loại thuốc này đã “ngốn” tới hơn 20 triệu đồng/tháng. Với đồng lương hưu giáo viên ở quê thì gia đình tôi không trụ nổi”.
Video đang HOT
Trò chuyện với bệnh nhân Lý Thị P. (36 tuổi, Thái Nguyên) đang điều trị tại trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – bệnh viện Bạch Mai rớt nước mắt chia sẻ: “Em làm kế toán cho một công ty có vốn nước ngoài. Chồng em là công nhân viên chức Nhà nước. Gia đình có hai đứa con gái đang đi học. Ngay khi phát hiện mình bị mắc căn bệnh ung thư gan, em suy sụp hoàn toàn. Công ty cho thôi việc có hỗ trợ một khoản tiền nhỏ không thể bù đắp với chi phí thuốc thang. Hiện nay theo phác đồ điều trị, bác sỹ chỉ định sử dụng thuốc điều trị đích Sorafenib (điều trị ung thư gan) có giá gần 1 triệu đồng/viên với liều 4 viên/ngày, chi phí khoảng 120 triệu đồng/tháng.
Hiện tại em vẫn được BHYT chi trả 100% vì em nhập viện trước khi có quy định cắt giảm chi trả BHYT cho loại thuốc này có hiệu lực (Bệnh nhân ung thư có thẻ BHYT vào viện trước ngày thực hiện Thông tư số 40 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 và hiện vẫn đang điều trị tại cơ sở KCB mà đang được chỉ định dùng Sorafenib thì vẫn tiếp tục được điều trị và được thanh toán 100%- PV). Nhưng sau đợt điều trị này, lần nhập viện sau, nếu vẫn phải dùng loại thuốc mà chỉ được BHYT chi trả 50% nghĩa là mỗi tháng phải đóng thêm 60 triệu đồng tiền thuốc, quả thật em chỉ còn nước chết thôi anh ạ”.
Chia sẻ với PV, bệnh nhân Trần Hải Yến (66 tuổi, Nam Định) thều thào nói: “Biết làm thế nào hả chú, có bệnh thì phải chữa, gia đình tôi đã bán hết tài sản có giá trị ở quê, thậm chí vay mượn để chi trả cho mỗi lần tôi lên Hà Nội điều trị căn bệnh ung thư đại tràng. Tôi điều trị đã hơn 4 năm rồi, trụ được đến nay là nhờ BHYT chi trả 100% tiền thuốc mình chỉ phải lo phí dịch vụ, thuê phòng trọ ăn uống hàng ngày. Tôi cũng nghe một số loại thuốc điều trị căn bệnh của tôi sẽ bị giảm chi phí chi trả từ BHYT nên tôi lo lắng lắm”.
Bệnh nhân tại bệnh viện K cơ sở 1 tỏ ra lo lắng trước thông tin giảm chi phí BHYT với thuốc chữa ung thư.
Giải pháp chống “vỡ” quỹ BHYT?
Việc sửa đổi và bổ sung Luật là tất yếu, tuy nhiên điều đáng bàn là vấn đề tuyên truyền, hướng dẫn chính sách đó như thế nào để không gây hoang mang trong người dân, bệnh nhân. Đặc biệt vấn đề “rút ruột” BHYT, giá thuốc, chất lượng thuốc, y đức… vốn vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết thì người bệnh hoang mang là có cơ sở. Nhưng lãnh đạo các cơ quan chức năng lại có cách nghĩ khác.
Trao đổi với báo chí, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết: “Riêng về thuốc điều trị ung thư, quỹ bảo hiểm y tế đang thanh toán 100% nay giảm tỷ lệ xuống còn 50% gồm 4 loại thuốc là Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib. Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT trong giai đoạn chuyển tiếp, Bộ Y tế đã triển khai hướng dẫn cụ thể sẽ không áp dụng tỷ lệ thanh toán đối với một số đối tượng như người có công, trẻ em dưới 6 tuổi. Riêng đối với bệnh nhân bị ung thư đang sử dụng 4 loại thuốc điều trị ung thư nói trên tại cơ sở khám, chữa bệnh trước thời điểm Thông tư có hiệu lực thì tiếp tục được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí theo quy định cũ có đến hết đợt điều trị”.
Lý giải cho việc lựa chọn 4 chủng loại thuốc đặc trị trong điều trị ung thư sẽ bị giảm chi phí thanh toán BHYT, bà Hương cho biết: Các thuốc quy định tỉ lệ thanh toán theo Thông tư số 40 lần này là các thuốc có chi phí điều trị lớn, chủ yếu là thuốc điều trị ung thư để bác sỹ cân nhắc khi chỉ định, kê đơn thuốc, nhằm quản lý tốt hơn, đáp ứng nhu cầu điều trị, có sự chia sẻ nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT và khả năng chi trả của quỹ BHYT.
Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Việt Nam, việc đưa ra danh mục thuốc tân dược như trên khiến người bệnh lo lắng cũng là điều dễ hiểu, nhưng nếu không căn cơ thì quỹ BHYT sẽ bị vỡ. Và việc giảm chi trả điều trị các loại thuốc này cũng không phải là “tước” cơ hội điều trị của người bệnh, bởi còn nhiều loại thuốc thay thế khác trong danh mục BHYT chi trả có chất lượng điều trị tốt, giá cả hợp lý!?
Theo tìm hiểu, loại thuốc Erlotinib, Gefitinib điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ và Sorafenib điều trị ung thư gan là những thuốc điều trị đích có giá rất đắt. Cả 3 loại thuốc này được chỉ định cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã thất bại với các phương pháp điều trị khác như hóa chất, xạ trị, phẫu thuật. Có thể nói đây là những loại thuốc mang lại tia hy vọng sống cuối cùng cho bệnh nhân và nếu giảm chi phí thanh toán từ BHYT, cơ hội sống của người bệnh thực sự đã bị “rút ngắn” hơn.
Người bệnh có thể chọn phương pháp khác
TS.BS Phạm Cẩm Phương (Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – BV Bạch Mai cho biết: Đối với các loại thuốc điều trị đích (là phương pháp điều trị mới sử dụng các kháng thể đơn dòng…) thì đó là thuốc điều trị thế hệ mới. Độc tính, tác dụng phụ của loại thuốc này mà nó gây ra cho bệnh nhân như suy tủy, thiếu máu, rụng tóc… sẽ ít hơn so với điều trị bằng hóa chất. Trong trường hợp bệnh nhân không có điều kiện cùng chi trả với BHYT, người bệnh hoàn toàn có thể lựa chọn phương pháp khác đó là điều trị hóa trị kết hợp xạ trị. Đó chính là những phương pháp điều trị thay thế khi người bệnh không có điều kiện chi trả cùng BHYT khi dùng thuốc điều trị đích.
Theo NTD
Giật mình Bác sỹ tiêm nhầm vắc xin bằng nước cất cho 60 trẻ
Ngày 26/10, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đã nhận được thông tin về viêc cán bộ tiêm chủng tại điểm tiêm Trường mầm non Sao Mai (phường 3, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) tiêm nhầm nước cất thay vì vắc-xin cho 60 trẻ.
ảnh minh họa
Viện Pastuer TPHCM đã xuống tận nơi tìm hiểu và giải quyết sự việc. Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã thừa nhận có thiếu sót trong chiến dịch tiêm chủng sởi rubella tại Trường mầm non Sao Mai.
Được biết, cán bộ tiêm chủng do tay nghề chuyên môn yếu kém nên lầm tưởng các ống dung dịch hồi chỉnh là loại vắc-xin nên tiêm nước hồi chỉnh mà không có vắc-xin.
Cụ thể, khi mở nắp phích vắc-xin để tiêm chỉ thấy các ống dung dịch hồi chỉnh là nước cất, mà không thấy các lọ vắc-xin nằm ở đáy phích nên cán bộ tiêm chủng này lầm tưởng các ống dung dịch hồi chỉnh là loại vắc-xin mới nên tiêm nước hồi chỉnh mà không có vắc-xin. Khi sai sót trên được cán bộ giám sát phát hiện thì nhân viên tiêm chủng đã tiêm được 6 ống cho 60 cháu.
TS Phu cho biết, lãnh đạo Trung tâm Y tế thành phố Cao Lãnh đã chỉ đạo đình chỉ công tác ngay đối với cán bộ mắc thiếu sót trên. Ngay sau đó, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã cùng chính quyền địa phương tổ chức họp để công bố sai sót trên với người dân, đồng thời giải thích về mặt chuyên môn việc tiêm nhầm nước cất không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Lãnh đạo Sở Y tế cũng nhận trách nhiệm về vấn đề này và xin lỗi các gia đình có trẻ bị tiêm nhầm.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, đây là lần đầu tiên xảy ra việc tiêm nhầm nước cất thay vì vắc-xin. Số trẻ nói trên đã được tiêm vắc-xin sởi rubella dưới sự giám sát của các phòng chuyên môn của Sở Y tế Đồng Tháp. Việc tiêm luôn vắc-xin sởi rubella cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, hiện sức khỏe các cháu được tiêm tốt, không có bất thường nào.
Trước sự cố này, TS Trần Đắc Phu cho biết, Bộ Y tế sẽ yêu cầu các địa phương tăng cường công tác an toàn tiêm chủng để đảm bảo chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em mà Bộ đã đưa ra. Theo đó, với cán bộ tiêm chủng chưa được tập huấn và những cán bộ đã được tập huấn và được cấp Giấy chứng nhận từ 3 năm trở lên (kể cả ở các bệnh viện tuyến Trung ương) đều được tập huấn lại.
Cùng với đó các cán bộ tham gia khám sàng lọc, sơ cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng cũng được tập huấn để có thể sàng lọc, theo dõi, xác định chẩn đoán nguyên nhân, xử trí phản ứng sau tiêm chủng. Sở Y tế phải cử cán bộ chuyên môn đã được tập huấn về khám sàng lọc, sơ cấp cứu khi có tai biến tham gia buổi tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn.
TS Phu cho biết, lãnh đạo Trung tâm Y tế thành phố Cao Lãnh đã chỉ đạo đình chỉ công tác ngay đối với cán bộ mắc thiếu sót trên. Ngay sau đó, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã cùng chính quyền địa phương tổ chức họp để công bố sai sót trên với người dân, đồng thời giải thích về mặt chuyên môn việc tiêm nhầm nước cất không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
Theo Tienphong
Đình chỉ công tác giám đốc bệnh viện uống rượu Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lương Tài, Bắc Ninh bị đình chỉ vì có hành vi không phù hợp với vị trí một công chức. Theo tin tức từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trước thông tin Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lương Tài cản trở các cơ quan báo chí tham gia phản ánh về công...