Nhiều bể nước có khí độc như xyanua, lưu ý khi thau dọn để không thiệt mạng
Nhiều bể nước có khí độc như xyanua, BS khoa chống độc BV Bạch Mai lưu ý những việc cần làm khi thau dọn để bảo đảm an toàn tính mạng.
BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách TT chống độc BV Bạch Mai khuyến cáo cách xử trí với ngộ độc khí
Ngày 23/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết: “Không hiếm các trường hợp vào thau bể nước, thau giếng, vệ sinh hầm tàu… mà bị tử vong. Các trường hợp này đều do ngộ độc khí hydrogen sulfide hay còn gọi là khí hầm hố (khí độc) chứ không phải khí metal như mọi người vẫn thường nghĩ”.
Theo ông Nguyên, khí độc này thường có trong khoang hốc kín, ví như bể, giếng, bể chứa chất thải, hầm tàu, nhưng nơi này thường để lâu, để hoang, kín gió, thông khí kém… Ở những chỗ này, các chất hữu cơ phân hủy, vi khuẩn chuyển hóa sinh ra khí độc hydrogen sulfide và tích tụ ở đó.
“Loại khí này rất độc với hệ thần kinh cũng như toàn cơ thể, xâm nhập qua đường hô hấp. Với nồng độ thấp còn ngửi mùi thối, thường ở nồng độ cao, loại khí này gây liệt thần kinh khứu giác, bệnh nhân không kịp thấy mùi và xâm nhập nhanh, gây ngộ độc cấp tính, dường như ngay lập tức, gây hôn mê co giật, ngừng thở, trụy tim mạch và tử vong rất nhanh…. Loại khí này có tác động rất mạnh và nhanh đến cơ thể gần giống chất độc xyanua”, ông Nguyên cho hay.
Theo khuyến cáo của BS. Nguyễn Trung Nguyên, để phòng tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc khi muốn thau bể nước, nhất là khi một phần dân cư của Hà Nội đang có nhu cầu làm sạch bể chứa sau vụ việc nước sinh hoạt nhiễm bẩn vừa qua, điều quan trọng nhất là các gia đình cần nhận diện rõ bể nước chính là nơi chứa nhiều khí độc.
Do vậy, trước khi tiến hành thau bể cần mở tung cửa, thổi quạt, phun dưỡng khí (oxy) vào hầm, bể, thổi quạt, để không khí loãng, thoáng. Tiếp đến, khi có người xuống cống, bể nước, hầm… làm việc phải có người ở trên quan sát người ở dưới, có thiết bị cảnh báo kết nối ví như dây thừng buộc vào người, để kịp thời xử trí kịp thời.
“Trong tình huống xấu, người bên ngoài chỉ vào cứu khi được trang bị đủ thiết bị bảo hộ. Nếu nạn nhân, may mắn đưa ra ngoài, thường là trong tình cảnh yếu ngừng thở, thì cần hỗ trợ hô hấp, cấp cứu ngừng tim, bằng cách ép tim, khai thông đường hở, móc đờm dãi trong họng, rồi gọi cấp cứu đến. Không nên bế đưa ngay đi bệnh viện, bởi chỉ cần vài phút thiếu oxy là nạn nhân hỏng não, mất cơ hội sống”, ông Nguyên khuyến cáo.
Video đang HOT
Theo một số người dân tại ngõ 172 phố Đại Từ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), tối 22/10, ông Nguyễn Viết Lập (65 tuổi) và con trai là anh Nguyễn Viết Anh (32 tuổi) cùng nhau thau rửa bể nước ngầm của gia đình sau sự cố nước của Nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu. Anh Viết Anh là người trực tiếp xuống vệ sinh bể ngầm.
Khoảng 20 giờ tối cùng ngày, ông Lập đứng phía trên gọi, song không thấy con trai trả lời nên xuống kiểm tra thì phát hiện anh Viết Anh đã bất tỉnh, nên gọi cấp cứu. Tuy nhiên, nạn nhân đã tử vong ngay sau đó.
Bể nước ngầm nhà ông Lập sâu 2,5 m, diện tích khoảng 15 m2, phần nắp bể rộng khoảng 1 m2 và thường ngày được đậy kín.
Theo baogiaothong
Nước sạch sông Đà nhiễm styren vượt ngưỡng, máy lọc có tác dụng?
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi nước nhiễm styren ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào và người dân liệu có thể tự lọc nước để dùng hay không?
Nhiều ngày sau khi người dân ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai phát hiện nguồn nước sạch do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Công ty Viwasupco) cung cấp qua hệ thống đến từng hộ gia đình có mùi lạ, mùi khét, chiều 15/10 UBND TP. Hà Nội cùng các sở, ngành và Công Viwasupco mới họp báo thông tin về vụ việc.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết trong các mẫu nước xét nghiệm đều có hàm lượng styren vượt mức cho phép từ 1,3-3,65 lần.
Con suối gần nhà máy nước sông Đà vẫn đen kịt sau một tuần. Ảnh: Hồng Quang.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi nước nhiễm styren là gì, ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Chất độc nguy hiểm
Styren là chất thuộc nhóm có chỉ tiêu giám sát mức độ C. Đây là hợp chất hữu cơ, dạng lỏng không màu, nhẹ hơn nước, không tan trong nước, nồng độ đậm đặc sẽ có mùi khó chịu. Theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, giới hạn cho phép đối với styren là 20 g/lít nước.
PGS Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đơn vị trực tiếp giám sát chất lượng nước - cho biết hiện nước sạch sông Đà bị nhiễm styren không đảm bảo chất lượng với người sử dụng.
"Có hai tiêu chí đánh giá đó là nước có mùi và styren có nồng độ cao hơn. Qua kiểm tra thì nguồn nước sạch sông Đà có cả 2 tiêu chí đó, nên nước này đã không đảm bảo chất lượng", ông Hạnh cho hay.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định nguồn nước có nồng độ styren vượt ngưỡng chắc chắn gây hại cho sức khỏe con người khi sử dụng.
Theo chuyên gia này, styren là chất lỏng có khả năng tạo thành hỗn hợp khí gây nổ lớn nếu cất giữ trong các thùng rỗng và có chứa nhiều tạp chất, gây ô nhiễm môi trường. Hơi styren rất nguy hiểm, gây kích ứng mạnh với da và mắt. Hít phải hơi styren sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho gan, thận và hệ thần kinh trung ương.
TS Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Đại học Y tế công cộng (Hà Nội), cho hay chúng ta có thể bị phơi nhiễm với styrene tại nơi làm việc, ở ngoài môi trường và ở nhà qua không khí, thuốc lá, thực phẩm, nước uống.
Theo TS Hạnh, styren có thể gây ra những ảnh hưởng sức khoẻ cấp tính và mạn tính. Tiếp xúc nghề nghiệp với styrene có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương. Phơi nhiễm cấp tính ở nồng độ cao có thể gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng và hệ thống hô hấp, cảm giác đau đầu, suy nhược, chóng mặt, lú lẫn, buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, da nhạy cảm, viêm da, hen suyễn, trầm cảm...
Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra bệnh não, tổn thương gan, tổn thương mô thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng thận, ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, thính giác và thị giác kém. Phơi nhiễm mạn tính với styren gây ung thư phổi ở chuột nhắt và ung thư vú ở chuột.
Người dân cần làm gì?
Với tư cách là đơn vị trực tiếp giám sát chất lượng nước, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khuyến cáo hiện tại người dân chỉ nên sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt, tắm rửa thông thường. "Trước mắt, nước để nấu nướng, uống thì nên sử dụng nước của công ty nước sạch và nước bình. Sau khi các cơ quan tiến hành sục rửa, có xét nghiệm lại về quy chuẩn thì mới nên sử dụng lại như bình thường", ông Hạnh khuyến cáo.
TS Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, cũng khuyên người dân ở các quận đang sử dụng nguồn nước do Nhà máy Nước sạch sông Đà cấp thì tạm thời tìm nguồn nước khác thay thế để ăn, uống cho đến khi cơ quan chức năng khẳng định nguồn nước đã đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, dựa vào đặc tính bay hơi của styren và các chất tương tự styren, người dân có thể loại bỏ chất này ra khỏi nước bằng cách dùng sục khí để thổi hoặc than hoạt tính để lọc nước. Nếu máy lọc nước có dùng than hoạt tính thì có thể hạn chế được styren.
"Tắm giặt và vệ sinh ít nguy cơ hơn vì nồng độ styren mặc dù vượt quy chuẩn cho phép nhưng không quá cao. Mùi nước bị nhiễm styren thường khó chịu. Các thiết bị lọc nước ở hộ gia đình có sử dụng than hoạt tính cũng giúp xử lý nước nhiễm styren", TS Hạnh nói.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế để giúp người dân hạn chế styren trong nước khi chờ các giải pháp căn cơ từ đơn vị cấp nước và cơ quan chức năng.
Ngoài ra, theo TS Hạnh, để giảm thiểu phơi nhiễm với styren, người dân cũng cần giảm/bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng các đồ dùng làm từ styren như hộp xốp, đĩa đựng thức ăn, ly uống cà phê, cốc nước một lần. Tránh đựng đồ nóng trong những hộp nhựa đựng thức ăn...
Theo Zing
Bà bầu cẩn trọng khi mắc sốt xuất huyết Trong số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết (SXH), có 25% số ca mắc là phụ nữ mang thai. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, SXH khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi nên khi thai phụ mắc SXH cần phải nhập viện điều trị kịp thời và...