Nhiều bất cập trong dự thảo hạn chế phương tiện cá nhân
Sau khi nhận được dự thảo hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn, đại diện các ban ngành của TP.Hà Nội đã “lên tiếng” cho rằng, các quy định trên không có gì mới và khó có thể thực hiện.
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cùng các sở, ngành thành phố đã góp ý kiến xung quanh dự thảo đề án hạn chế phương tiện cá nhân tại các TP lớn. Tuy nhiên mới đây, sở GTVT Hà Nội vừa kiến nghị bộ GTVT xem xét bỏ một số quy định được nêu trong dự thảo đề án.
Loay hoay đề án quản lý phương tiện cá nhân
Tại dự thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Văn Khôi yêu cầu, các sở, ngành nghiên cứu xây dựng Đề án thu phí phương tiện cá nhân vào trung tâm TP Quy chế quản lý các hoạt động taxi trên địa bàn, trình TP vào quý II/2013, đề xuất cấm phương tiện cá nhân tại một số tuyến trong năm 2012. Thực hiện cấm các phương tiện cá nhân trên một số tuyến trong giai đoạn 2012 – 2015 và từ năm 2015 – 2016 sẽ cấm theo vùng.
Đề án hạn chế xe cá nhân nhằm vào xe máy đang gây nhiều tranh cãi
Dự thảo đề án tập trung vào việc hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại 5 đô thị lớn trên cả nước, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ.
Một trong những nội dung chính được đề cập là đến năm 2016, một số biện pháp cấp thiết sẽ được đưa ra áp dụng tại các TP lớn: Tăng phí trông giữ xe, tăng chế tài xử phạt, quy hoạch giao thông tĩnh, cấm dừng đỗ xe trên một số tuyến đường cấm một số loại xe con, xe khách, xe tải trên một số trục chính, đường hướng tâm trong thành phố… nhằm mục tiêu hạn chế xe cá nhân, chống ùn tắc.
Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc sở GTVT Hà Nội không nên đưa vào Đề án quy định, để sở hữu phương tiện xe ô tô con, chủ sở hữu phải chứng minh được có chỗ đỗ xe, do không khả thi.
Video đang HOT
Ngoài ra, quy định về hạn chế sở hữu phương tiện theo thời gian sinh sống tại các TP lớn như phải tạm trú tại TP đến 5 năm mới được đăng ký xe, cũng không phù hợp, vì người dân có thể đưa phương tiện từ các tỉnh ngoài vào lưu thông.
Về vấn đề quản lý sở hữu phương tiện, một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là quy định người không có hộ khẩu tại các TP lớn phải có thời gian sinh sống ít nhất 5 năm trở lên mới được đăng ký phương tiện cá nhân.
Tại khu vực nội ô của các TP lớn, muốn sở hữu ô tô con phải chứng minh được có chỗ đỗ xe. Đồng thời, hạn chế số lượng xe bằng cách cấp hạn ngạch cho số phương tiện được phép đăng ký mới theo năm đối với từng TP, trên cơ sở tính toán phù hợp với sự phát triển kết cấu hạ tầng của TP đó.
Tương tự, việc yêu cầu người không có hộ khẩu phải sinh sống ít nhất 5 năm ở các TP lớn mới được đăng ký phương tiện cũng sẽ khiến các đô thị này phải đối mặt với làn sóng xe ngoại tỉnh tràn vào. Khi đó, vấn đề kiểm soát phương tiện còn phức tạp hơn hiện nay rất nhiều. Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng, các TP chỉ hạn chế được bằng chính sách thuế, không nên hạn chế bằng quản lý.
“Chúng ta không thể cấm người dân mua 3 – 5 ôtô nhưng có được lưu hành trong nội đô không là do quy định của thành phố. Do vậy, thuế và phí phải tăng lên để hạn chế phương tiện. Có thể áp phí phương tiện vào trung tâm và phí vào trung tâm theo giờ cao điểm, tăng phí dịch vụ và giá dịch vụ trông giữ xe”, ông Nam bày tỏ.
Cũng theo ông Nam, Chính phủ có thể giao cho HĐND lấy ý kiến nhân dân về đề án để chủ động trong việc thực hiện.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam không đồng tình việc đưa đăng kiểm xe máy vào đề án hạn chế xe cá nhân
Đăng kiểm xe máy mua thêm việc, tạo phiền toái
Đề án của bộ GTVT tiếp tục nhắm đến việc tăng cường các loại thuế, phí, phí hạn chế phương tiện cá nhân, phí lưu thông giờ cao điểm… nhằm tác động vào kinh tế của người sử dụng phương tiện. Theo lộ trình của Đề án, ngoài các giải pháp về hạ tầng và vận tải hành khách công cộng, Hà Nội và TP.HCM sẽ phải sớm triển khai đề án thu “phí vào trung tâm TP” và “phí vào trung tâm TP giờ cao điểm”.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia với mục tiêu hạn chế ùn tắc, chỉ cần phí vào trung tâm TP giờ cao điểm là đủ, không nên hạn chế quyền đi lại của người dân vào trung tâm TP.
Sở GTVT Hà Nội cũng đã kiến nghị bộ GTVT bỏ hàng loạt quy định được nêu trong dự thảo Đề án “Hạn chế phương tiện xe cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn”. Cụ thể, bỏ quy định người không có hộ khẩu tại các TP lớn phải có thời gian sinh sống ít nhất 5 năm trở lên mới được đăng ký xe phải chứng minh được có chỗ đỗ xe mới đủ điều kiện để sở hữu ô tô con thực hiện việc đăng kiểm để loại bỏ những xe máy cũ không đạt chuẩn.
Sở GTVT Hà Nội cho rằng đây là những quy định rất khó thực hiện, đã làm nhưng không thành công hoặc dễ gây ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội. Ngoài ra, việc thu phí vào trung tâm TP và phí vào trung tâm TP trong giờ cao điểm cũng cần được xem xét kỹ vì đây là hai loại phí không được nêu trong Pháp lệnh Phí và lệ phí.
Trên thực tế, UBND TP.Hà Nội từng quy định người dân phải chứng minh có nơi đỗ xe khi đăng ký xe ô tô. Sau khi áp dụng, nhiều người dân đã phải khổ sở “chạy” giấy chứng nhận điểm đỗ xe, ký “hợp đồng giả” với các điểm trông giữ xe, nảy sinh hàng loạt tiêu cực. Bởi vậy, quy định này đã bị bãi bỏ. Việc đề án tiếp tục đề xuất lặp lại quy định này khiến nhiều người lo ngại những tiêu cực xung quanh chuyện “chạy” giấy chứng nhận rất có thể tái xuất.
Ngay cả việc bộ GTVT đưa ra có quy định về việc đăng kiểm đối với xe máy cũng còn nhiều bất cập. Bởi lẽ nếu đề án triển khai hằng năm, thậm chí hằng quý cơ quan chức năng sẽ triển khai việc đăng kiểm xe máy cho người dân tại các thành phố lớn.
Theo thống kê, 80% dân số tại các đô thị lớn hiện đi lại bằng xe máy, do vậy nếu triển khai đăng kiểm sẽ rất khó khăn và tốn kém cho nhân dân và ngân sách Nhà nước, trong khi hiệu quả lại không cao vì xe máy chiếm đường chỉ bằng 1/5 ô tô và đây cũng là phương tiện mưu sinh chính của đại bộ phận dân cư.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam không đồng tình việc đưa nội dung đăng kiểm xe máy vào đề án hạn chế xe cá nhân. Sau khi nghiên cứu đề án, mục đăng kiểm xe máy không liên quan gì đến hạn chế xe cá nhân, vì mục tiêu chính được nói ở đây là đăng kiểm xe máy để bảo vệ môi trường, tăng cường công tác quản lý… Chưa cần nói đến tính pháp lý việc đưa vấn đề bảo vệ môi trường trong đề án hạn chế xe cá nhân là hoàn toàn không phù hợp.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội sẽ có văn bản kiến nghị những nội dung này, cùng với đó lộ trình thực hiện đề án từ năm 2013 là quá sớm, Hiệp hội đề nghị cần phải xem xét lại, nhất là trong bối cảnh vận tải công cộng và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp.
Vận tải công cộng còn quá yếu“Vận tải công cộng của Hà Nội hiện mới đạt gần 11%. Do vậy, việc cấm các phương tiện cá nhân phải có cơ quan chuyên ngành khoa học tính toán phân vùng, phân quy hoạch để cấm đến mức độ nào. Các thành phố lớn trên thế giới như New York, London… rất rộng rãi nhưng vẫn có phương tiện cá nhân. Do vậy, chắc chắn không cấm hết được các phương tiện cá nhân…”, ông Trần Đức Vũ, Phó giám đốc sở KH&ĐT Hà Nội khẳng định.Theo VNN
Hạn chế phương tiện cá nhân: Những câu chuyện nói cho... "sướng miệng"?
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra dự thảo "Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn" để lấy ý kiến các địa phương.
Đăng kiểm xe máy có hết tắc đường? Ảnh: Quỳnh Anh
Theo đề án này, hàng năm xe máy cũng phải đi đăng kiểm giống như đang áp dụng định kỳ với... ô tô. Còn nữa, đề án này cũng đề xuất "những người phải có thời gian 5 năm sống ở TP mới được sở hữu phương tiện" và có ga ra mới được mua ô tô... Theo Bộ GTVT, đề án này nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.
Xe máy cũng phải đăng kiểm
Một trong những điểm mới nhất tại dự thảo "Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn" vừa được Bộ GTVT đưa ra nhằm lấy ý kiến của các Bộ, ngành, UBND các TP và người dân là việc tiến hành đăng kiểm đối với xe gắn máy trên toàn quốc và quy định niên hạn sử dụng. Phạm vi áp dụng đề án này là những TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng...
Theo Đề án của Bộ GTVT, xe máy phải đảm bảo các điều kiện về khí thải mới được tham gia giao thông tại các TP từ loại 2 trở lên (chưa thực hiện ở nông thôn, thị xã và TP loại 3). Từ ngày 1-7-2007, các loại mô tô, xe máy trước khi xuất xưởng buộc phải đạt các mức tiêu chuẩn khí thải Euro 2 của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, sau khi đã được cấp BKS, mô tô, xe máy có thể tham gia giao thông đến lúc hỏng hẳn, không thể sử dụng. Chính điều này mà xe máy hàng chục tuổi vẫn được sử dụng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm không khí và tai nạn giao thông trong nhiều năm qua. Đó là lý do để thực hiện việc kiểm định đối với mô tô, xe máy.
Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam: "Chúng tôi sẽ làm thí điểm tại một vài TP trước, khoảng vài ba năm sau mới áp dụng sang các TP khác. Sẽ kiểm tra xe cũ trước, xe mới sau với lộ trình phù hợp". Trước mắt, sẽ chỉ kiểm soát khí thải ở những xe trên 3 năm sử dụng. Nếu đề án được Chính phủ phê duyệt, Cục Đăng kiểm sẽ tiến hành việc kiểm tra khí thải định kỳ bắt buộc.
Những xe đạt tiêu chuẩn khí thải được cấp tem và giấy chứng nhận mới được phép tham gia giao thông. Xe không đạt tiêu chuẩn phải tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa. Và những xe khí thải không đạt chỉ được phép tham gia giao thông tại những địa phương, TP chưa thực hiện việc kiểm soát khí thải. Dự kiến, chi phí cho mỗi lần kiểm tra khí thải 50.000 đồng/xe/năm. Để đảm bảo việc thực hiện, cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ căn cứ vào tem và giấy chứng nhận kiểm tra khí thải để xử phạt các trường hợp vi phạm giống như đang làm với ô tô hiện nay.
Quan điểm này của Bộ GTVT trong dự thảo "Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn" vừa công bố đã lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận và người dân vì tồn tại không ít sự bất hợp lý. Ông Lê Minh Tân ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết: "Việc đề xuất xe máy cũng phải đăng kiểm chỉ là cách bới việc ra để làm của Bộ GTVT vì thực tế ngay cả việc kiểm tra khí thải của ô tô cũng chỉ là hình thức. Người dân Hà Nội cũng không lạ gì cảnh những chiếc ô tô xả khói mù mịt mà vẫn được dán tem đăng kiểm. Tôi cho rằng việc buộc xe máy đi đăng kiểm không hiệu quả về mặt kiểm soát khí thải, càng không hạn chế được phương tiện cá nhân mà chỉ hành dân...".
Một bạn đọc tên Dũng, ở TP Bắc Giang điện thoại đến đường dây nóng của báo PL&XH phản ánh: "Theo đề án của Bộ GTVT, xe máy khi tham gia giao thông có mức khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép sẽ bị CSGT xử phạt hành chính. Điều này gần như không thể thực hiện vì phải cần đến một lực lượng CSGT hùng hậu và có phương tiện, chuyên môn mới làm được.
Tôi còn chưa thấy chiếc ô tô nào đang lưu thông bị CSGT thổi còi để kiểm tra khí thải trong hàng chục năm qua". Anh Dũng cũng cho rằng, việc đăng kiểm xe máy không liên quan gì đến hạn chế xe cá nhân, vì mục tiêu chính của dự thảo đề án khẳng định việc đăng kiểm xe máy để bảo vệ môi trường, tăng cường công tác quản lý. Do đó, việc đưa vấn đề đăng kiểm xe máy vào dự thảo đề án này là "râu ông nọ cắm cằm bà kia".
Dưới 5 năm phải... đi bộ?
Theo dự thảo Đề án, người không có hộ khẩu tại các TP lớn phải có thời gian sinh sống ít nhất 5 năm trở lên mới được đăng ký phương tiện cá nhân. Tại khu vực nội đô của các TP lớn, điều kiện để sở hữu ô tô con là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe...
Việc Bộ GTVT đưa ra quan điểm trên không khác mấy so với quy định mỗi người dân Hà Nội chỉ được phép đứng tên sở hữu một xe máy như đã từng làm cách đây gần chục năm nhưng do bất hợp lý nên đã bị bãi bỏ. Cần khẳng định rằng, những quy định trên không thể hạn chế việc người dân sử dụng phương tiên cá nhân bởi lẽ nếu không đăng ký phương tiện ở TP thì người ta sẽ về nông thôn, về nơi chưa áp dụng quy định này để đăng ký. Và khi đó, đường phố các TP lớn như Hà Nội, TP HCM sẽ tràn ngập xe máy, ô tô BKS ngoại tỉnh. Hậu quả là các TP thực hiện đề án trên của Bộ GTVT bị thất thu ngân sách (các khoản phí, thuế...) nhưng lại rất khó khăn trong công tác quản lý vì phương tiện lưu hành ở một TP nhưng hồ sơ lại do một tỉnh khác lưu giữ.
Để "lách" quy định này, những người không đủ điều kiện sở hữu phương tiện cá nhân vẫn còn một phương án nữa. Đó là việc bỏ tiền "mua suất" đăng ký của những người đủ điều kiện hoặc của những người đã có hộ khẩu thường trú tại các TP áp dụng quy định "người không có hộ khẩu tại các TP lớn phải có thời gian sinh sống ít nhất 5 năm trở lên mới được đăng ký phương tiện cá nhân".
Đại diện Sở GTVT Hà Nội nhận định, quy định sở hữu ô tô phải chứng minh được có chỗ đỗ xe cũng khó khả thi do thực tế đã đưa vào triển khai nhưng không áp dụng được. Anh Trần Trí Dũng ở khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên bức xúc: "Bản thân mỗi người đều có ý thức giữ gìn tài sản riêng, nên với một tài sản lớn như ô tô, chắc chắn không có chuyện chủ xe để vạ vật ngoài đường, trên vỉa hè, nếu đó không phải là các điểm trông giữ xe theo quy định. Chúng ta có thể hạn chế phương tiện cá nhân bằng cách cấm nhập khẩu ô tô, hạn chế sản xuất, lắp ráp mặt hàng này trong nước, tăng thuế trước bạ lên mức cao nhất, buộc người mua xe ô tô chứng minh nguồn gốc thu nhập... nhưng không thể quy định người mua ô tô phải chứng minh có ga-ra để xe, bởi đó là điều phi lý".
Thực tế, vài năm trước đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định chủ xe là cá nhân, các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức thuộc diện đăng ký xe biển màu trắng, phải có xác nhận của chính quyền xã, phường về việc có nơi để xe hoặc có hợp đồng trông giữ xe từ 1 năm trở lên. Nhiều chủ xe đã "lách" quy định này bằng cách mua hợp đồng điểm đỗ khống, dẫn đến việc có những điểm đỗ xe chỉ có sức chứa vài chục chiếc, song số xe hợp đồng gửi lại lên đến con số hàng trăm... Với hàng nghìn điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn TP, việc các cơ quan chức năng đủ lực lượng để kiểm tra hợp đồng trông giữ từng chiếc ô tô là điều không hề đơn giản.
Theo thống kê của Bộ BTVT, đến năm 2010, TP HCM sẽ có khoảng 4,2 - 5,4 triệu xe gắn máy, Hà Nội có trên 2 triệu xe. Như vậy, cứ cho rằng quy định xe máy cũ phải đăng kiểm của Bộ GTVT là khả thi thì cũng cần phải có khoảng 4 năm Cục Đăng kiểm mới kiểm tra được hết số xe máy trên. Và trong 4 năm đó, một số lượng lớn xe đã kiểm tra đã không còn đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải để lưu thông. Hơn nữa, với thực trạng hiện nay, việc buộc xe máy cũ phải đi đăng kiểm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng vạn người nghèo tại các TP lớn trong cả nước. Không ít ý kiến còn cho rằng, việc kiểm tra khí thải đối với xe máy nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ chỉ khiến người dân bị "hành" khi đi đăng kiểm và cả khi lưu thông trên đường...
Theo VNE
Xe con cá nhân bị cấm đi trên đường trục chính Hà Nội? Để hạn chế ôtô cá nhân, Hà Nội đề xuất các giải pháp tăng phí trước bạ, thu phí vào trung tâm đô thị. Xe con có thể bị cấm lưu thông trên một trục chính và cấm theo vùng trong giai đoạn 2012 - 2016. Chính phủ vừa hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án hạn chế phương tiện...