Nhiều bất cập trong điều động giáo viên
Nhiều năm nay, việc điều động giáo viên trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ nơi thừa đến nơi thiếu nhằm sắp xếp lại lực lượng giáo viên cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác điều động giáo viên chưa thực hiện khách quan, minh bạch dẫn đến nhiều bất cập khiến không ít giáo viên bức xúc.
Việc điều động giáo viên ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn những bất cập.
Thiếu công khai, minh bạch?
Là một giáo viên lâu năm từng có 9 năm công tác ở miền núi và 20 năm công tác tại Trường Tiểu học Thiệu Tâm (xã Thiệu Tâm, Thiệu Hóa) nhưng bất ngờ cô giáo Nguyễn Thanh Bình nhận được quyết định điều động về Trường Tiểu học Thiệu Lý mà không hề có sự thông báo trước. Cô Bình cho biết: Ngày 30-10-2019, tôi bất ngờ nhận được quyết định của Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa điều chuyển tôi về Trường Tiểu học Thiệu Lý công tác bắt đầu từ ngày 1-11-2019. Trong khi đó, tôi không có đơn xin chuyển về Trường Tiểu học Thiệu Lý và nhà trường cũng không có cuộc họp nào thông báo về việc điều động tôi về trường khác. Trước khi có quyết định điều chuyển, tôi cũng không được gặp gỡ với cơ quan chức năng để bày tỏ nguyện vọng của mình. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tinh thần của tôi khi về công tác ở đơn vị mới.
Tương tự, cô giáo Hoàng Thị Minh Ngà, Trường THCS Định Tường (xã Định Tường, Yên Định) cũng bất ngờ nhận được quyết định điều động từ Trường THCS Yên Bái (nơi công tác trước khi được điều động trở lại về Trường THCS Định Tường) về Trường THCS Yên Phong mà trước đó không hề được thông báo về việc điều động cô về trường này, khiến cô Ngà không khỏi hoang mang. Cô Ngà bày tỏ: Trước đó, tôi công tác ở Trường THCS Định Tường. Năm 2016, tôi là một trong những giáo viên thực hiện nhiệm vụ điều động đợt đầu tiên của huyện Yên Định. Hết thời hạn điều động 3 năm, tháng 8-2019 tôi sẽ được trở về trường cũ. Theo quy trình, tôi đã làm đơn trình bày nguyện vọng được về trường cũ hoặc trường gần nhà. Tuy nhiên, huyện Yên Định lại có quyết định điều động tôi về Trường THCS Yên Phong. Từ nhà tôi đến Trường THCS Yên Bái cách khoảng 45 km, cách Trường THCS Yên Phong 43 km, cách Trường THCS Định Tường 40 km. Nếu điều động như vậy, tôi lại phải đi xa hơn trường cũ. Trong khi đó, khi UBND huyện không bố trí tôi về trường cũ cũng không hề có sự gặp gỡ để thông báo, trao đổi hoặc lắng nghe nguyện vọng của tôi.
Không chỉ bất cập trong việc xem xét điều động giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, tại huyện Yên Định còn xảy ra tình trạng điều động giáo viên chưa hợp lý giữa các trường dẫn đến một số trường bị thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Trường THCS Yên Thái (xã Yên Thái, Yên Định) hiện có 7 lớp. Trước đó, vào năm 2016, nhà trường có 4 giáo viên dạy Văn, do dôi dư nên 1 giáo viên đã phải chuyển sang làm công tác thư viện. Trong đợt điều động giáo viên năm học 2019-2020, UBND huyện Yên Định tiếp tục điều động 2 giáo viên Văn từ các Trường THCS Định Tường, Trường THCS Định Bình về THCS Yên Thái; 1 giáo viên Địa lý duy nhất của trường được điều động đến trường khác theo nguyện vọng khiến nhà trường không có giáo viên dạy Địa lý phải bố trí 2 giáo viên dạy Văn (dôi dư) sang dạy Địa lý.
Video đang HOT
Trao đổi về vấn đề trên, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Thái, cũng cho biết: Trong 5 giáo viên dạy Văn thì có một số cô giáo có bằng chuyên ngành Văn – Sử – Địa nên nhà trường đã bố trí các cô vừa dạy Văn vừa dạy môn Địa lý và Lịch sử.
Chưa tạo được sự đồng thuận của giáo viên
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT thì hiện nay các huyện, thị xã, thành phố thực hiện điều động giáo viên vẫn đang áp dụng theo Quyết định 3678/2011/QĐ-UBND, ngày 8-11-2011 về việc ban hành quy định điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập. Tại quyết định nêu rõ nguyên tắc điều động, thuyên chuyển phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số địa phương đã thực hiện điều động giáo viên thiếu công khai, minh bạch dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên chưa đồng thuận.
Cô giáo Hoàng Thị Minh Ngà chia sẻ: Tôi đã công tác hơn 20 năm trong ngành giáo dục. Khi thuộc diện dôi dư, tôi sẵn sàng chấp nhận theo sự điều động của cấp trên, tuy nhiên sau khi hết thời gian đi nghĩa vụ, chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng thực hiện đúng quy định như cam kết ban đầu về thời hạn 3 năm điều động. Thế nhưng, việc thực hiện điều động lại không công khai, minh bạch, không có sự gặp gỡ để tạo sự đồng thuận của giáo viên gây ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên. Sau khi có đơn kiến nghị của tôi cùng nhiều giáo viên khác trên địa bàn, huyện Yên Định đã thay đổi quyết định điều động cho hợp lý và đúng nguyện vọng của các giáo viên. Hiện nay, tôi đã được điều động trở lại Trường THCS Định Tường và yên tâm công tác. Tuy nhiên, thời gian tới tôi cũng mong cơ quan chức năng cần có sự thay đổi trong quy trình điều động, như: Xem xét thận trọng hơn, quan tâm hơn đến tâm tư, nguyện vọng của giáo viên… để giáo viên không phải chịu thiệt thòi và yên tâm công tác.
Cùng là công tác điều động giáo viên, tuy nhiên cấp THPT lại được giáo viên đánh giá cao và tạo được sự đồng thuận của giáo viên. Năm 2017, toàn tỉnh có 70 giáo viên THPT dôi dư được điều động từ trường thừa đến trường thiếu (trong đó có 50 giáo viên đi nghĩa vụ ngoài huyện và 20 giáo viên đi trong huyện). Để tạo niềm tin và động lực cho những giáo viên thuộc diện điều động, Sở GD&ĐT đã điều động giáo viên thực hiện nghĩa vụ có thời hạn 2 năm đối với giáo viên đi ngoài huyện và 3 năm với giáo viên trong huyện. Tháng 8-2019, toàn bộ 50 giáo viên đi nghĩa vụ huyện ngoài đủ thời hạn đã được bố trí về trường cũ hoặc theo đúng nguyện vọng của giáo viên. Năm 2018, Sở GD&ĐT tiếp tục điều động gần 60 giáo viên THPT. Bên cạnh đó, có 8 trường THPT giải thể với 335 cán bộ, giáo viên. Sở đã bố trí 300 người trong huyện và điều động 35 người đi nghĩa vụ ngoài huyện. Sau khi hết thời hạn, những giáo viên này sẽ được điều động trở lại theo đúng quy định.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thành, sau khi duyệt biên chế đầu năm, xác định giáo viên dôi dư, thiếu ở từng đơn vị, các nhà trường có dôi dư giáo viên sẽ tự xét theo tiêu chí ưu tiên đã quy định. Sau đó, Sở GD&ĐT công khai nơi đi và nơi đến cho giáo viên nắm bắt, từ đó giáo viên có nguyện vọng đăng ký về các trường thiếu phù hợp với điều kiện của mình. Khi hết thời hạn nghĩa vụ, nếu được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, mỗi giáo viên sẽ được đề nghị 3 nguyện vọng để Sở GD&ĐT xem xét điều động trở lại trường cũ hoặc theo nguyện vọng, tùy vào tình hình thực tế.
Chia sẻ về những yếu tố quan trọng tạo nên sự đồng thuận trong điều động giáo viên ở các địa phương hiện nay, ông Thành nhấn mạnh: Việc điều động giáo viên phải thực hiện theo nguyên tắc từ nơi thừa đến nơi thiếu. Đặc biệt, yếu tố quan trọng trong điều động giáo viên dôi dư là phải đặt ra thời hạn nghĩa vụ, để tạo niềm tin cho giáo viên. Bởi đặc điểm của giáo viên là trong quá trình công tác họ đã dần hợp thức hóa để ổn định nơi cư trú gần nơi công tác. Khi điều động đi nơi khác sẽ tạo nên sự xáo trộn không nhỏ về cuộc sống, tâm lý, đặc biệt vất vả đối với giáo viên nữ. Cũng chính vì vậy mà quy trình điều động cần thận trọng, đảm bảo khách quan, công khai nơi đến để giáo viên được bày tỏ nguyện vọng cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Bên cạnh đó, cũng cần gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe, động viên giáo viên để họ yên tâm thực hiện nghĩa vụ ở nơi công tác mới.
Điều động giáo viên dôi dư là nhiệm vụ cần thiết để giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để tạo được sự đồng thuận của giáo viên, thiết nghĩ các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến tâm tư, nguyện vọng của giáo viên để sắp xếp cho phù hợp hơn. Có như vậy mới thu hút được giáo viên tự nguyện đến những vùng khó tiếp tục cống hiến.
Hoàng Giang
Theo baothanhhoa
Giáo viên bất ngờ nhận quyết định chuyển đi trường khác
Cô Nguyễn Thanh Bình, giáo viên Trường tiểu học Thiệu Tâm (xã Thiệu Tâm, huyện Thiệu Hóa) bức xúc vì bất ngờ nhận được quyết định chuyển về Trường tiểu học Thiệu Lý (xã Thiệu Lý) dù không có đơn xin chuyển trường cũng như không nhận được trao đổi, kế hoạch điều động, luân chuyển trước đó.
Theo nội dung đơn khiếu nại của cô Nguyễn Thanh Bình thì sáng ngày 30/10/2019, cô Bình bất ngờ nhận được Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa điều chuyển cô về Trường tiểu học Thiệu Lý công tác bắt đầu từ ngày 1/11/2019. Cô Bình vô cùng bất ngờ vì trước đó cô không có đơn xin chuyển về Trường tiểu học Thiệu Lý.
Cô Bình cho biết: Gia đình tôi ở xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, từ nhà đến trường khoảng 9km, tuy nhiên Thiệu Tâm là quê hương của tôi. Công tác tại đây tôi có nhiều thuận lợi hơn do trường gần nhà của bố mẹ và anh chị của tôi. Những hôm phải dạy học buổi chiều tôi có nơi để ăn nghỉ vào buổi trưa. Vừa qua, Hiệu trưởng nhà trường có hỏi về nguyện vọng của tôi, tôi có nói là muốn chuyển về Trường tiểu học Thiệu Trung (xã Thiệu Trung, ở gần xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn), nếu không được, tôi muốn tiếp tục công tác tại trường. Tuy nhiên, sau đó cô Bình lại nhận được Quyết định về Trường tiểu học Thiệu Lý công tác.
Cô Bình không thuộc đối tượng dôi dư, nhà trường lại đang thiếu giáo viên. Sau khi cô Bình có Quyết định đi trường khác, nhà trường cũng tiếp nhận thêm 3 giáo viên mới.
Trường tiểu học Thiệu Tâm
Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thiệu Tâm xác nhận: Cô Nguyễn Thanh Bình không có đơn xin chuyển về trường tiểu học Thiệu Lý mà trong quá trình công tác, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cô Bình muốn về Trường tiểu học Thiệu Trung công tác để gần nhà hơn, tôi đã có tờ trình gửi UBND huyện. Tuy nhiên, khi xét điều chuyển, Chủ tịch UBND huyện lại có Quyết định cho cô Bình về Trường tiểu học Thiệu Lý. Tôi cũng không nắm bắt trước được thông tin này.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trịnh Thanh Xuân, cán bộ phòng GD&ĐT huyện Thiệu Hóa cho biết: Vừa qua, huyện Thiệu Hóa vừa tuyển dụng 38 giáo viên, vì vậy đã tiến hành sắp xếp lại giáo viên ở các trường học cho hợp lý. Trong đó có thuyên chuyển 13 giáo viên tiểu học nhưng trên tinh thần chuyển từ xa đến nơi gần nhằm tạo điều kiện cho giáo viên thuận lợi trong quá trình công tác.
Theo quy trình xét điều chuyển, sau khi có đơn của giáo viên hoặc tờ trình của Hiệu trưởng, phòng GD&ĐT sẽ tổng hợp và trình lên Hội đồng điều chuyển xem xét. Trường hợp cô giáo Nguyễn Thanh Bình có tờ trình của Hiệu trưởng nhà trường xin chuyển về Trường tiểu học Thiệu Trung.
Tuy nhiên do Trường tiểu học Thiệu Trung chỉ thiểu 1 giáo viên và đã ưu tiên cho vợ một chiến sỹ bộ đội đóng quân xa nhà. Xét thấy Trường tiểu học Thiệu Lý còn thiếu giáo viên, lại rút ngắn quảng đường đến trường cho cô Bình đỡ vất vả, Hội đồng điều chuyển đã thống nhất Quyết định chuyển cô Bình về Trường tiểu học Thiệu Lý.
Theo văn bản trả lời của UBND huyện Thiệu Hoá thì nguyện vọng của cô Bình được thuyên chuyển về Trường tiểu học Thiệu Trung (theo tờ trình của hiệu trưởng Trường tiểu học Thiệu Tâm) sẽ được nghiên cứu, xem xét ở các năm học sau.
Chưa đồng tình với Quyết định của Chủ tịch UND huyện Thiệu Hóa, cô Bình cho rằng việc điều chuyển cô về trường tiểu học Thiệu Lý là chưa đúng bởi cô không có nguyện vọng chuyển về dạy tại đây. Trước khi có Quyết định điều chuyển, cô cũng không được thông báo, gặp gỡ với cơ quan chức năng để bày tỏ nguyện vọng của mình. Cô Bình mong muốn Chủ tịch UBND huyện xem xét để cô được tiếp tục ở lại công tác tại trường cũ.
Theo Tiền phong
Trường tiểu học Lê Lợi, thị xã Sơn Tây: Hưởng ứng "Tháng hành động an toàn giao thông" Thực hiện kế hoạch phối hợp tổ chức truyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các trường học và cơ sở giáo dục, Chi đoàn Công an phường Lê Lợi đã phối hợp trường Tiểu học Lê Lợi tổ chức lễ phát động hưởng ứng " Tháng hành động an toàn giao thông ". Tất cả...