Nhiều băn khoăn quanh quy định phạt “điện thoại cây xăng”
Quy định xử phạt nhiều khi chỉ… nằm trên giấy khi nó không có tính khả thi. Liên quan đến câu chuyện này, đặc biệt là khi Nghị định 52 có hiệu lực, độc giả báo PLVN bày tỏ quan điểm:
Sóng điện thoại có gây cháy nổ hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi
Ông Nguyễn Việt Cường (Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra, xử lý về cháy nổ của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy): Một số điều khoản khó thực thi
- Nhìn dưới góc độ chuyên gia về phòng cháy chữa cháy, tôi cho rằng một số điều khoản xử phạt theo Nghị định 52 rất khó thực thi do còn thiếu nhiều quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, thiếu lực lượng thi hành.
Để xử phạt trong tình huống này thì sẽ phải huy động cán bộ với số lượng rất lớn nhằm “bắt quả tang” đối tượng vi phạm. Cái khó là ở chỗ, thời gian mua xăng thường rất ngắn, chỉ diễn ra trong khoảng vài phút đến vài chục phút thì khi bị phát hiện, người vi phạm đã “cao chạy xa bay”.
Đấy là chưa kể liệu mỗi cây xăng đều có người trực để viết phiếu phạt tiền?. Nhân viên bán xăng chỉ là người bán hàng cho nên không thể có quyền giữ hoặc ngăn cản người mua xăng đã sử dụng điện thoại di động tại cây xăng của mình. Hơn nữa, các hành vi được coi là vi phạm và bị xử phạt chỉ xảy ra tại các nơi có quy định cấm hay biển báo cấm, vậy nên nếu cây xăng không có biển cấm thì cũng rất khó xử phạt.
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến (Hội Luật gia Hà Nội): Không quy định cụ thể, sao thực hiện được nghiêm minh, công bằng?
- Trong khi giới chuyên môn còn đang tranh cãi vấn đề liệu sóng điện thoại có khả năng gây cháy nổ hay không thì một vấn đề cũng được các chuyên gia pháp lý rất quan tâm đó là Nghị định 52 quy định mức phạt từ 2-5 triệu đồng là khá cao, nhưng lại thiếu hướng dẫn cụ thể.
Video đang HOT
Theo Nghị định 52, hành vi nghe và gọi điện thoại di động tại cây xăng là vi phạm, không phân biệt chủng loại và nhãn hiệu điện thoại di động, nhưng lại với mức phạt tiền rất khác nhau.
Theo đó, mức phạt 2 triệu đồng sẽ do Trưởng Công an cấp xã hoặc Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định xử phạt còn mức đến 5 triệu đồng sẽ do UBND cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm và môi trường…, ra quyết định xử phạt.
Vô hình trung, cùng một vi phạm nhưng nếu người “bắt quả tang” thuộc cấp huyện thì người vi phạm sẽ bị phạt nặng, chịu thiệt thòi rất nhiều so với người bắt vi phạm thuộc thẩm quyền cấp xã.
Ở đây phát sinh vấn đề, cùng một hành vi gọi hay nghe điện thoại di động tại cây xăng nhưng mức phạt chênh lệch lên tới 3 triệu đồng, vậy ai là người định mức phạt tiền đối với người vi phạm, căn cứ vào đâu để đảm bảo cho việc xử phạt ở mức đó là khách quan, công bằng?.
Theo tôi, nên chăng căn cứ vào tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm có thể xảy ra do cá nhân sử dụng điện thoại di động trong khi mua bán xăng để ấn định mức tiền xử phạt chứ không căn cứ vào thẩm quyền của người phát hiện và phạt.
Luật sư Nguyễn Thị Phượng (VPLS An Vũ, Hà Nội): Đừng để xử phạt rồi chờ hết thời hiệu
- Nghị định 52 quy định mức xử phạt cao như thế là nghiêm minh nhưng lại còn thiếu nhiều điều kiện để quy định đó được triển khai trên thực tế. Đơn cử như bằng chứng vi phạm, biện pháp cưỡng chế với người vi phạm, lực lượng chức năng thực hiện…
Chưa kể, Nghị định còn thiếu những hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn người mua xăng có phải tắt điện thoại di động trước khi vào mua xăng hay không, nếu điện thoại đổ chuông nhưng không nghe thì có vi phạm?. Nhân viên bán xăng có được sử dụng điện thoại di động hay không?. Nếu có hoặc không thì ai là người xác định?.
Cần lưu ý, nếu Nghị định 52 không có biện pháp cụ thể, chi tiết, phù hợp với đời sống xã hội mà đã nóng vội áp dụng thì hiệu lực của quy định sẽ giảm giá trị, không thể thực hiện được hoặc có chăng là xử phạt chỉ để chờ hết thời hiệu.
Ông Trần Linh (Nhân viên kinh doanh, trú tại TP HCM): Băn khoăn về biện pháp đảm bảo thực hiện!
Tôi cho rằng việc bắt quả tang hành vi vi phạm để lập biên bản đã khó, việc tìm biện pháp đảm bảo thực hiện còn khó hơn. Tạm giữ phương tiện vi phạm là điều có thể thực hiện được, nhưng chỉ có tính khả thi với những phương tiện là điện thoại di dộng có giá trị, chứ đối với điện thoại giá chỉ vài trăm ngàn thì có tạm giữ cũng bằng không.
Có ý kiến cho rằng người vi phạm sẽ bị tạm giữ giấy tờ tùy thân nhưng tôi cho rằng biện pháp này không khả thi. Vì khách hàng ở cây xăng là người tứ xứ, cư trú ở nhiều nơi, thậm chí ở nhiều địa phương, tỉnh thành khác nhau vậy việc tạm giữ giấy tờ tùy thân của họ ở trường hợp này không hợp tình, hợp lý.
Như vậy, có thể phải rất khó khăn mới ra được biên bản xử phạt nhưng xử phạt rồi rất khó thi hành. Thời hiệu xử phạt hành chính là 2 năm. Trong vòng 2 năm đó, nếu lực lượng không đôn đốc thực hiện và có biện pháp cưỡng chế thì xử phạt chỉ để chờ hết thời hiệu mà thôi. Thay vì ra văn bản, nên chăng xử phạt tại chỗ sẽ có hiệu quả hơn?.
Theo PLVN
Sóng điện thoại có thực sự gây cháy nổ tại cây xăng?
Dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh đầy đủ việc sử dụng điện thoại di động tại khu vực chứa nhiều xăng, dầu sẽ gây cháy, song theo các nhà khoa học, hiểm họa cháy nổ tại cây xăng do sóng điện thoại di động là không thể bỏ qua.
Phó Trưởng phòng 7 - Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) Hoàng Ngọc Huynh cho biết, quy định cấm sử dụng điện thoại di động tại các kho xăng, dầu, các điểm bán lẻ đã được các Tổ chức, Tập đoàn Dầu lửa trên thế giới quy định trong mọi hoạt động của họ. Ông Huynh cũng thừa nhận, trên thế giới và cả ở Việt Nam, đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh đầy đủ việc sử dụng điện thoại di động tại khu vực chứa nhiều xăng, dầu sẽ gây cháy.
Tuy nhiên, vừa qua đã có một số tai nạn có thể liên quan đến điều này. Cụ thể, hồi cuối tháng 11/2011, anh Vũ Trọng Khanh ở Gia Lâm, Hà Nội đã bị bỏng khá nặng vì lửa bùng cháy khi anh nhận một cuộc gọi đến điện thoại di động của mình trong lúc đi vệ sinh tại một cây xăng ở cầu Phù Đổng, quận Long Biên. Nạn nhân cho biết trước khi nghe điện thoại anh cũng đã ngửi thấy mùi xăng nồng lên và khi nhận cuộc gọi thì lửa lùa vào, bốc quanh người...
Theo ông, Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex (chuyên gia về an toàn cháy nổ xăng dầu), khi bật điện thoại lúc có cuộc gọi sẽ gây ra hiện tượng đoản mạch, tạo ra tia lửa điện. Nếu không may xung quanh chỗ người sử dụng có nồng độ xăng dầu đủ lớn để phát hỏa thì sẽ kết hợp với tia lửa điện từ điện thoại gây ra cháy.
Trong khi trên thị trường Việt Nam, thiết bị điện thoại lậu, không chính hãng là rất nhiều, do đó nhiều khi không đảm bảo an toàn về mạch và pin. Cùng với đó là một số tính năng mở rộng của điện thoại liên quan đến đèn flash cũng gây ra cháy khi tiếp xúc với khu vực có nồng độ xăng, dầu lớn.
Sóng điện thoại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Cùng trao đổi về vấn đề này, TS Huỳnh Quyền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh), cũng khẳng định, hiện trên thế giới, trong tất cả các cơ sở nhà máy lọc hóa dầu đều thực hiện lệnh cấm sử dụng điện thoại di động để đề phòng nguy cơ cháy nổ. Khi có sóng điện thoại, nguồn nhiệt phát sinh từ điện thoại rất lớn, có thể gây chập mạch dẫn đến phát sinh tia lửa điện. Khi đó, tại các vòi bơm xăng nếu có rò rỉ sẽ rất dễ gây ra nguy cơ cháy nổ. Dù trên thế giới chưa có kết luận cuối cùng về việc sóng điện thoại có khả năng gây cháy nổ tại các trạm xăng hay không, cũng như thực tế ở Việt Nam có rất ít các vụ cháy nổ do sóng điện thoại gây ra, song để đảm bảo tính mạng cho người dân thì không thể chủ quan.
Trả lời câu hỏi, sử dụng điện thoại trong bán kính bao nhiêu thì gây nguy hiểm tại các trạm xăng? TS Quyền nhận định: "Hiện chưa có khảo sát để đưa ra con số chính xác về khoảng cách an toàn giữa vị trí cây xăng với người sử dụng điện thoại. Các con số 3m, 5m chỉ là các con số ước lượng. Muốn tìm ra bán kính an toàn thì phải khảo sát kỹ nồng độ xăng dầu bốc hơi trong không khí ở từng cây xăng".
Đã có ý kiến cho rằng nên lắp đặt các công cụ phá sóng điện thoại tại các cây xăng. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, về mặt kỹ thuật có thể tiến hành phá sóng điện thoại nhưng do cây xăng ở nước ta hầu hết không nằm biệt lập nên sẽ dẫn tới khóa sóng của cả khu vực gần đó, ảnh hưởng rất nhiều tới nhu cầu thông tin liên lạc của người dân xung quanh.
Một vấn đề nữa là hiện nay rất nhiều trạm xăng được xây dựng tại các khu đông dân cư, gần đường giao thông, gần chợ... Nếu xảy ra sự cố cháy nổ, bán kính sát hại sẽ rất lớn. Hiện Đà Nẵng đang đi đầu trong việc di dời các cây xăng ra khỏi trung tâm thành phố.
Việc xử phạt gặp khó! Nghị định 52/2012/NĐCP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, trong đó hành vi sử dụng điện thoại tại các cây xăng có mức phạt từ 2-5 triệu đồng, đã chính thức có hiệu lực từ ngày 5/8. Tuy nhiên, thị sát tại các cây xăng trong chiều 6/8, các vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, việc xử lí chủ yếu dừng ở việc nhắc nhở. Việc xử phạt gặp khó vì nhiều nội dung trong nghị định còn khá mập mờ, trong khi lực lượng chức năng cũng không thể bố trí người túc trực tại các cây xăng để "rình" người dân vi phạm... Đại úy Phạm Đình Hải - Phó Trưởng Công an phường Bách Khoa - địa bàn đang quản lí cây xăng trên phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội) cho biết, hiện tại đơn vị vẫn chưa nhận được văn bản nào hướng dẫn về việc xử phạt, cũng không biết thẩm quyền được giao đến đâu. Chị Thanh Mai (phường Tân Mai, Hà Nội) lại chia sẻ: "Nghị định còn nhiều điểm chưa rõ, ví dụ nếu để điện thoại trong cốp xe, vào đổ xăng, vô tình có cuộc gọi đến, tức là đã có sóng điện thoại rồi, khi đó kể cả không nghe máy có bị xử phạt không? Hay đang đi trên đường, tới gần vị trí có cây xăng mà có điện thoại, dừng lại nghe thì có phạm luật không?". Theo chị Mai, trước mắt, các trạm xăng cần có những biển báo khuyến cáo, nhắc nhở người mua xăng nên tự giác tắt điện thoại để dần dần tạo thói quen mới cho người dân.
Theo Dân Trí
Vô tư "alô" ở cây xăng Từ hôm qua, 5-8, việc sử dụng ĐTDĐ tại các trạm xăng dầu bị phạt đến 2-5 triệu đồng nhưng nhiều người không chấp hành mà vẫn chẳng bị xử lý Tại cửa hàng xăng dầu trên đường Hồng Bàng, quận 11 Theo Nghị định 52/CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCCC có hiệu lực từ hôm...