Nhiều băn khoăn khi Bến xe Miền Đông mới hoạt động
“ Xe dù, bến cóc”, thủ tục hành chính, chi phí vận hành… là những băn khoăn, lo lắng của DN vận tải khi di dời các tuyến ra Bến xe Miền Đông mới.
Sáng 22-9, Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông (BXMĐ) tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc di dời các tuyến xe từ BXMĐ hiện hữu về BXMĐ mới (giai đoạn 1) từ ngày 10-10.
Tại cuộc họp này, các doanh nghiệp (DN) vận tải đưa ra nhiều băn khoăn, vướng mắc cần được giải quyết trước khi chính thức di dời sang BXMĐ mới.
Lo nạn “xe dù, bến cóc”
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Thanh Quang, phụ trách điều hành Công ty CP Vận tải tốc hành Mai Linh, cho hay: “Chúng tôi mong muốn bến xe tạo điều kiện hỗ trợ cho DN được ghép phòng vé (phòng vé ở BXMĐ hiện hữu và BXMĐ mới) để giảm chi phí. Bởi trong thời gian sắp xếp di dời ra bến mới, nếu giữ lại phòng vé ở bến cũ thì đội chi phí còn nếu ủy thác cho bến thì doanh thu sụt giảm”.
Ngoài ra, ông Quang cho biết hiện tình trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn TP xuất hiện rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN vận tải trong bến. Do vậy, ông Quang đề nghị thanh tra giao thông cũng như Công an TP tạo điều kiện hỗ trợ BXMĐ cũ và mới giải quyết vấn nạn này để các DN yên tâm hoạt động.
Còn ông Đinh Thanh Hồng, đại diện Công ty TNHH Hiệp Phước, cho rằng thời gian ba tháng để DN chuyển hẳn ra BXMĐ mới là quá ngắn.
Cũng theo ông Hồng, trong khung thời gian khoảng 16 giờ đến 21 giờ có rất nhiều xe đội lốt xe hợp đồng chạy khắp TP chứ không riêng gì BXMĐ đi ra.
Video đang HOT
“Bến xe mới thì DN chạy theo giờ, còn những “bến cóc, xe dù” giờ nào cũng đi. Trong khi đó, chi phí ở bến cao hơn rất nhiều so với “bến cóc, xe dù”. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo sở, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco – DN chủ đầu tư BXMĐ mới) có chủ trương, phương án hỗ trợ DN để khi di dời sang bến xe mới sẽ hoạt động tốt hơn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện HTX Vận tải Dịch vụ Du lịch Sài Gòn, đặt vấn đề: “Khi di dời các tuyến ra BXMĐ mới có cần thiết làm lại các phù hiệu, biển hiệu xe không? Ngoài ra, bến xe cần giảm bớt thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình di dời sang bến mới cũng như đỡ phần nào chi phí”.
Giai đoạn 1 sẽ có 24 tuyến xe được di dời từ Bến xe Miền Đông hiện hữu sang bến mới. Ảnh: LINH PHƯƠNG
Bến xe sẽ đưa ra giải pháp tốt cho doanh nghiệp
Trả lời những thắc mắc của DN vận tải, ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc Công ty CP BXMĐ, cho biết: Bến xe đã tiếp nhận các phản ánh và băn khoăn, vướng mắc của DN vận tải.Theo đó, bến xe cam kết sẽ đưa ra các giải pháp tối ưu để giảm chi phí, tạo điều kiện tốt nhất cho DN di dời từ bến cũ sang bến mới.
Theo ông Huy, để BXMĐ mới hoạt động hiệu quả, di dời theo kế hoạch nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của các DN, bến xe kiến nghị Sở GTVT cho phép tạm thời vẫn sử dụng một số tuyến ở bến cũ cho đến khi BXMĐ mới hoạt động ổn định.
Về công tác bán vé, ông Huy cho biết sau cuộc họp bến xe sẽ triển khai phần mềm bán vé song song ở cả BXMĐ cũ và mới cho các đơn vị vận tải. Qua đó các đơn vị cùng nhau kiểm soát nhằm tăng cường sự liên kết của các DN vận tải.
Ông Huy cho biết các tuyến được di dời sang BXMĐ mới tổng cộng 71 tuyến. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đưa 24 tuyến vào hoạt động trước.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết về mặt quản lý thuộc thẩm quyền của Sở GTVT, sở sẽ đề nghị thanh tra giao thông phối hợp với Công an TP tăng cường, kiểm tra và đặt nhiều biển báo cấm để xử lý nghiêm tình trạng “xe dù, bến cóc”.
Theo ông Hưng, khi BXMĐ mới đi vào hoạt động sẽ phát sinh thêm “xe dù, bến cóc”. Do đó, các đơn vị chức năng cần xử lý triệt để, đặc biệt là lúc chuyển giao từ bến xe hiện hữu qua bến mới.
Trong khi đó, tại cuộc họp này, phía Samco vẫn chưa có câu trả lời trực tiếp cho các DN vận tải. Đại diện đơn vị này chỉ cho hay đã ghi nhận ý kiến của DN và sẽ có thông báo sau.
TP Hồ Chí Minh: Sau nhiều lần lỡ hẹn, bến xe Miền Đông mới chính thức hoạt động từ ngày 10/10
Từ ngày 10/10, Bến xe miền Đông mới sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1, đây là bến xe có quy mô lớn nhất cả nước và là bến xe thứ 5 ở TP Hồ Chí Minh.
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh vừa thông báo kể từ ngày 10/10, bến xe Miền Đông mới (quận 9, TP Hồ Chí Minh) sẽ đi vào hoạt động.
Theo đó, giai đoạn 1 của dự án sẽ di dời các tuyến vận tải hành khách đến và đi từ các tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc có hành trình chạy xe đi qua quốc lộ 1 từ bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) sang bến xe Miền Đông mới (quận 9).
Sau nhiều lần lỡ hẹn, bến xe Miền Đồng mới chính thức 'mở cửa' từ ngày 10/10 tới.
Cụ thể, hành trình chạy xe của xe khách đi và đến bến xe Miền Đông mới trên địa bàn TP như sau:
Hành trình chạy xe đi Quốc lộ 1: Bến xe Miền Đông mới - Quốc lộ 1 (đi theo hướng qua cầu Đồng Nai) và ngược lại.
Hành trình đi cao tốc: Bến xe Miền Đông mới - Đường Hoàng Hữu Nam - Đường D400 - quốc lộ 1 - điểm quay đầu xe trước Nghĩa trang Liệt sĩ TP - Quốc lộ 1 - Xa lộ Hà Nội - Đường D1 Khu Công nghệ cao - Đường D2 Khu Công nghệ cao - Cầu Phú Hữu - Vành đai 2 (Đường Võ Chí Công) - Vòng xoay Phú Hữu; Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - Ranh giới địa phận TP Hồ Chí Minh - tỉnh Đồng Nai và ngược lại.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải giao cho Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (Samco), Công ty TNHH một thành viên bến xe Miền Đông phối hợp hướng dẫn các đơn vị vận tải thực hiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định cho việc di dời sang bến xe Miền Đông mới.
Để việc di dời mang lại hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải trong thời gian đầu và tạo điều kiện cho người dân đi lại được thuận lợi, Sở Giao thông Vận tải TP thống nhất đề xuất của các đơn vị vận tải.
Theo đó, giai đoạn 1 tạm thời lưu đậu xe khách để đón trả khách tại bến xe Miền Đông hiện hữu trước khi bến xe Miền Đông mới hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định (thời hạn tạm thời không quá ba tháng kể từ ngày 10/10).
Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải cũng khuyến khích các đơn vị vận tải đang khai thác các tuyến vận tải hành khách còn lại tại Bến xe Miền Đông hiện hữu sử dụng bến xe Miền Đông mới làm điểm dừng đón trả khách.
Sở Giao thông Vận tải đánh giá, việc đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động sẽ góp phần giải tỏa bớt tình trạng kẹt xe ở trung tâm TP, nhất là xung quanh khu vực bến xe Miền Đông tại quận Bình Thạnh hiện nay.
Bến xe Miền Đông mới được biết đến là bến xe có quy mô lớn nhất cả nước và là bến xe thứ 5 ở TP Hồ Chí Minh, sau các bến xe: Miền Đông (quận Bình Thạnh), miền Tây (quận Bình Tân), An Sương (huyện Hóc Môn) và Ngã Tư Ga (quận 12).
Tổng diện tích của bến xe trên 160.370m2. Trong đó, bãi đậu ô tô chờ vào vị trí đón khách chiếm 29.880m2, bãi đậu xe dành cho các phương tiện khác 21.000m2 và phòng chờ của khách khoảng 1.152m2.
Bến xe ở TP.HCM vắng hoe trước lễ 2/9 Do lễ 2/9 chỉ được nghỉ một ngày và ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bến xe khách lớn ở TP.HCM trở nên thưa thớt, vắng vẻ. Ông Đỗ Phú Đạt, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết lượng khách đến bến dự kiến tập trung từ chiều 1/9 với khoảng 14.000 lượt và 16.000 lượt trong ngày 2/9. Theo ghi...