Nhiều áp lực tăng trưởng cho doanh nghiệp xi măng
Nhu cầu trong nước phục hồi song giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang gây áp lực cho các doanh nghiệp xi măng trong nước.
Cùng lúc đó, sản lượng xuất khẩu có thể chững lại khiến áp lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp này ngày càng gia tăng.
Công nhân Công ty cổ phần xi măng La Hiên – VVMI bốc xếp xi măng cho khách hàng. Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, quý I/2022, lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt hơn 13,5 triệu tấn; trong đó, riêng tháng 3 ghi nhận tiêu thụ tăng lên gần 6 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng hơn 3,5 triệu tấn so với tháng trước khi trùng với thời điểm Tết Nguyên Đán, nhu cầu xây dựng và tiêu thụ xi măng hạn chế.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI đánh quá, nhu cầu trong nước có thể quay trở lại mức tăng trưởng bình thường từ 5 -7% trong năm 2022 so với mức thấp trong năm 2021 do nhu cầu bị dồn nén, phân khúc xây dựng dân dụng phục hồi và đẩy mạnh đầu tư công.
Tổng cục Thống kê ghi nhận, 3 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ vốn khu vực Nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi xi măng là nguyên vật liệu quan trọng trong xây dựng công trình. Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn 2022 – 2023, các doanh nghiệp xi măng mới thực sự hưởng lợi từ các dự án đầu tư hạ tầng, sau khi các công trình sử dụng vốn công đã hoàn tất giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây đối với các doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào khi giá thành sản xuất xi măng trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, giá than nhập khẩu vẫn giữ ở mức cao, do chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng thế giới. Giá than trong nước lại đang thấp hơn so với thế giới, song có thể tiếp tục điều chỉnh trong năm nay, do chi phí sản xuất khai thác than hầm lò cao hơn.
Thực tế, để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng đã thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng bao và xi măng rời từ cuối tháng 3 vừa qua.
Đại diện Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) chia sẻ, dù doanh nghiệp đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên nhiên vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.
Do đó, Vicem Hà Tiên đã phải xem xét cân đối lại giá bán xi măng để đảm bảo bù đắp một phần chi phí ngày càng tăng cao. Việc điều chỉnh tăng giá bán được áp dụng bắt đầu từ ngày 23/3 đối với các loại xi măng bao và xi măng bao jumbo với mức tăng thêm 100.000 đồng/tấn, đã bao gồm VAT.
Thêm nữa, từ sau xung đột Nga – Ukraine, giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tiếp tục bị ảnh
hưởng.
Như vậy, dù sản lượng tiêu thụ nội địa dự kiến tăng trưởng trở lại trong năm 2022, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất gặp áp lực do cạnh tranh lớn cùng giá đầu vào tăng.
Video đang HOT
Bên cạnh áp lực từ giá đầu vào, theo phân tích của SSI, tăng trưởng xuất khẩu có thể chững lại, đặc biệt tại thị trường trọng điểm như Trung Quốc, với 55% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021. Cụ thể, ước tính nhu cầu của Trung Quốc chậm lại trong năm nay, thể hiện ở việc giá xi măng Trung Quốc đang giảm so với mức đỉnh tháng 10 năm 2021 do thị trường bất động sản giảm.
Nếu như báo cáo của Hiệp hội Xi măng, năm 2022, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức rất cao, trong khi nhu cầu xi măng trong nước dự kiến từ 63 – 64 triệu tấn khiến xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng thì đây cũng là áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước.
Theo tài liệu Đại hội đại cổ đông năm 2022 được Công ty cổ phần Xi măng La Hiên VVMI công bố, doanh nghiệp này đặt tổng doanh thu dự kiến 680 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng, giảm 18% so với thực hiện trong năm 2021.
Theo lý giải của doanh nghiệp này, mục tiêu năm 2022 thấp hơn do dự báo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất sẽ tăng cao; đồng thời, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ trong khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt và xuất khẩu không ổn định.
Đáng chú ý, năm 2022, ngành xi măng dự kiến sẽ có thêm 3 dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào vận hành gồm: dự án xi măng Xuân Thành 3, dự án xi măng Long Thành và dự án xi măng Đại Dương 1, với công suất khoảng 8,8 triệu tấn/năm.
Với ước tính công suất trong nước sẽ tăng từ 10 – 15%, giới phân tích nhìn nhân, sự giảm tốc của kênh xuất khẩu sẽ dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường trong nước. Điều này đặc biệt xảy ra tại miền Bắc và miền Trung, nơi có các dự án mới nhiều nhất và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.
Từ năm 2023, theo Nghị định 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế xuất khẩu clinker dự kiến sẽ tăng từ 5% lên 10% nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản. Khi clinker thường chiếm từ 60 – 70% tổng lượng xi măng và clinker xuất khẩu, xuất khẩu clinker giảm sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh lên thị trường trong nước.
Cùng thời điểm này, xi măng xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển cần đáp ứng yêu cầu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng ở mức thấp. Nếu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng cao như hiện nay, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới.
Trên thị trường, từ đầu năm, nhóm cổ phiếu xi măng cũng ghi nhận những phiên tăng nóng trong tháng 3 vừa qua, song nhịp tăng không kéo dài. Đóng cửa phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ (8/4), cổ phiếu BCC của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn có giá 24.300 đồng/đơn vị, tăng 3% so với đầu năm; cổ phiếu HT1 của Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 có giá 25.500 đồng/đơn vị, tăng 6% so với đầu năm; cổ phiếu CLH của Công ty cổ phần Xi măng La Hiên VVMI có giá 37.500 đồng/đơn vị, tăng 37% so với đầu năm.
Nhà nghiên cứu Hà Nội: Có cần tòa nhà 11 tầng ở gần quảng trường Ba Đình?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ tiếc nuối khi toà nhà Pháp cổ bị phá dỡ và đặt câu hỏi có cần một công trình cao 11 tầng ở gần Quảng trường Ba Đình không?
Việc tòa nhà Pháp cổ gần 100 năm tuổi ở khu đất 61 Trần Phú (Hà Nội) bị phá dỡ đang được dư luận quan tâm. VTC News phỏng vấn nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến xung quanh câu chuyện này.
- Là một người yêu và viết nhiều tác phẩm về Hà Nội, xin ông cho biết vài nét về lịch sử của tòa nhà Pháp cổ gần 100 năm tuổi ở 61 Trần Phú?
Ngay sau khi xâm chiếm miền Bắc, năm 1884, chính quyền Pháp thiết lập hệ thống thông tin liên lạc từ Bắc vào Nam để phục vụ cho công cuộc cai trị thuộc địa.
Năm 1889, Pháp xây dựng công trình điện thoại ở Hà Nội trên khu đất trước đó là chùa Báo Ân nhìn ra Hồ Gươm. Cuối năm này, đường dây liên lạc hữu tuyến đã thông suốt với Vinh, Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn.
Cùng với việc xây dựng Trung tâm điện thoại Hà Nội, chính quyền Pháp đã xây dựng Cơ xưởng bưu điện Hà Nội tại Voie 209 (đường 209, nay là phố Lê Phụng Hiểu).
Diện tích xưởng nhỏ hẹp có hai dãy nhà cấp bốn lợp mái tôn. Nhiệm vụ của xưởng là sửa chữa, bảo trì thiết bị, máy móc cho các cơ sở điện thoại từ Vinh trở ra ngoài Bắc.
Toà nhà Pháp cổ đang bị tháo dỡ để xây tòa cao ốc.
Năm 1902, Hà Nội được chọn là Thủ đô của Liên bang Đông Dương nên nhiều công trình hành chính, công ích có quy mô lớn, tính mỹ thuật cao đã được xây dựng ở Hà Nội.
Khi bưu điện ở Việt Nam phát triển thì nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng cũng tăng lên nên Cơ xưởng bưu điện nhỏ bé ở Voie 209 không thể đáp ứng được.
Ngày 21/5/1924, Toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin đã ký quyết định xây dựng cơ xưởng mới đặt tại lô đất khá rộng, giáp 4 phố gồm: Félix Faure (nay là phố Trần Phú), Brière de I'Ile (nay là đường Hùng Vương), Rue Général Lebloie (nay là Lê Trực) và Duvillier (nay là Nguyễn Thái Học).
Thời vua Minh Mạng, lô đất thuộc thôn Thanh Ninh, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội nhưng được lấy để lập đồn Hữu Quân. Đồn nằm sát bên con hào của thành Hà Nội, có nhiệm vụ bảo vệ cửa Tây Nam. Cơ xưởng bưu điện xây dựng năm 1925, hoàn thành năm 1927.
Theo Hiệp định Genève, Pháp phải rút quân khỏi Đông Dương, Cơ xưởng bưu điện được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản, sau đó bàn giao cho Tổng cục Bưu điện quản lý.
Cơ xưởng bưu điện được đổi thành Cơ sở bưu điện Trung ương với hai nhiệm vụ: sửa chữa và tận dụng nguyên liệu còn lại để sản xuất phương tiện liên lạc hữu tuyến, vô tuyến hỗ trợ cho khôi phục và phát triển bưu điện ở miền Bắc. Sau này được đổi thành Nhà máy thiết bị bưu điện.
Một công trình kiến trúc công nghiệp gần 100 năm có giá trị về thời gian không? Câu trả lời là: Có!
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến
- Trên tòa nhà Pháp cổ cũng còn bức phù điêu ghi dấu một thời đạn bom, một thời hào hùng của Thủ đô ta, thưa ông?
Một thời, Nhà máy thiết bị bưu điện còn có cơ sở nữa nằm trên đường Hùng Vương, xưa cơ sở này là Trung tâm Điện báo Đông Dương phục vụ cho chính phủ bảo hộ.
Tôi được biết trong thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, nhà máy có một khẩu đội súng 12 ly 7 đặt trên tầng cao của cơ sở này. Thời kỳ này, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở miền Bắc đều thành lập các đội tự vệ 12 ly 7 bắn máy bay Mỹ.
Ngày 19/5/1967, một chiếc F-111 bị bắn cháy và rơi xuống phố Lê Trực, đây là chiến thắng chung của quân dân Hà Nội và miền Bắc. Để kỷ niệm chiến công này, chính quyền Hà Nội đã cho đắp bức phù điêu trên tường nhà máy góc phố Lê Trực - Nguyễn Thái Học.
- Ông đánh giá thế nào khi đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng công trình 61 Trần Phú không có giá trị kiến trúc?
Tôi cho rằng, kiến trúc dân dụng và kiến trúc công nghiệp hoàn toàn khác nhau. Kiến trúc công nghiệp thiên về tính thích dụng, còn kiến trúc dân dụng luôn đề cao tính mỹ thuật.
Trước đây trong khu vực nội đô Hà Nội có rất nhiều nhà máy xây dựng trước năm 1954. Theo quy hoạch, các nhà máy này lần lượt được di chuyển ra ngoại thành, duy nhất công trình 61 Trần Phú với lối kiến trúc này còn tồn tại cho đến khi nó bị dỡ bỏ - tháng 4/2022.
Một công trình kiến trúc công nghiệp gần 100 năm có giá trị về thời gian không? Câu trả lời là: Có! Và trong công trình này còn ẩn chứa biết bao nhiêu câu chuyện về lịch sử ngành bưu điện, về giai cấp công nhân Việt Nam...
- Cũng trong cuộc họp này, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng họ làm đúng luật?
Tất nhiên là "đúng quy trình" rồi. Nhưng tôi cũng như nhiều người có quyền đặt câu hỏi: Liệu có cần một công trình cao 11 tầng ở gần Quảng trường Ba Đình không?
- Vậy quan điểm của ông về việc này thế nào?
Tôi thấy rất tiếc khi công trình 61 Trần Phú bị phá dỡ!
Xin cảm ơn ông
Cao ốc 11 tầng sẽ "thế chỗ" dãy nhà Pháp cổ ở Ba Đình có gì đặc biệt? Theo phương án được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận, Công trình đa chức năng Postef thay thế dãy nhà xưởng Pháp cổ ở Ba Đình gồm 11 tầng nổi, 6 tầng hầm. Theo tìm hiểu của PV Dân trí, năm 2017, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Thế Công đã ký văn...