Nhiệm vụ chưa hẹn ngày về của người lính tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM
Ba mẹ vắng nhà, cậu anh trai 5 tuổi trưởng thành bất đắc dĩ để thay mẹ chăm em gái. Cứ thế hơn 40 ngày trôi qua, hai đứa trẻ chỉ gặp mẹ qua màn hình điện thoại.
“Em ở nhà chăm sóc con thật tốt, anh nơi đây luôn lo lắng và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để sớm trở về cùng mẹ con em”… trung úy Phan Đồng Tâm (cán bộ chốt trực dã chiến phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) nhắn nhủ vợ trước lúc lên đường làm nhiệm vụ.
20 hôm trước khi dịch bùng phát, con gái đầu lòng của anh chào đời. Người bố trẻ vừa bên con được 5 ngày, chớp mắt đã xa 4 tháng.
Không riêng trung úy Tâm, mang nhiệm vụ trên vai, có người lính 2 tuần chưa về nhà, có người 2 tháng, có người hơn 4 tháng và cũng có người ra đi không hẹn ngày về. Với lực lượng tuyến đầu chống dịch nói chung và những chiến sĩ công an thành phố nói riêng, cuộc chiến với dịch Covid-19 vẫn chưa dừng lại.
“Nếu vợ con nhiễm bệnh, tôi sẽ rất hối hận”
Vừa trở lại trực chốt kiểm soát dịch sau hơn một tháng điều trị, cách ly vì nhiễm SARS-CoV-2, thượng úy Trần Khánh Duy (cán bộ công an phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM) phấn khởi đi đi lại lại, tay liên tục ra hiệu dừng khi thấy có xe sắp đến chốt kiểm soát.
Mắt nheo cười, thượng úy Duy bồi hồi kể mình nhiễm nCoV do tai nạn nghề nghiệp hôm 26/6. Khi đó, anh nhận nhiệm vụ truy tìm một trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 trốn viện. Người này lại có biểu hiện tâm thần, không hợp tác.
Nhận chắc kết quả âm tính sau thời gian điều trị, thượng úy Trần Khánh Duy tiếp tục tác chiến chống dịch cùng đơn vị. Ảnh: Quỳnh Danh.
“Khi anh em đến nơi thì anh ta đóng kín cửa. Buộc lòng chúng tôi phải đạp cửa, xông vào để khống chế”, Duy nhớ lại. Hoàn thành nhiệm vụ, Duy cùng đồng đội như trút được gánh nặng. Để đảm bảo an toàn cho vợ và con nhỏ, anh trở về nhà, cẩn thận cách ly tại phòng riêng, không tiếp xúc với gia đình trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.
Bốn ngày trôi qua, nhận kết quả test nhanh âm tính, Duy yên tâm rời khỏi cửa phòng. Thế nhưng, chỉ một ngày sau, nam thượng úy cầm trên tay kết quả rRT-PCR dương tính.
Biết mình là F0, Duy nhớ cảm giác nóng ran lúc đó, lo lắng không biết vợ con mình có bị lây nhiễm. “Nếu vợ con nhiễm bệnh, tôi sẽ rất hối hận”. May mắn, vợ và con anh đã an toàn.
Còn với trung úy Trần Đồng Tâm, dù chưa từng là F0, bản thân anh và đồng đội thừa nhận đã chuẩn bị sẵn tâm lý. “Tôi chứng kiến các anh em thân thiết nhiễm bệnh, nhưng rất vui vì anh em đều được quan tâm, chăm lo điều trị tận tình và hồi phục. Nghe như vậy tôi thấy được động viên rất nhiều”, trung úy Tâm trò chuyện.
Video đang HOT
“Chưa bao giờ xa con lâu đến vậy”
5…6… 7… 10 ngày rồi nha mẹ… hai đứa bé reo lên trong điện thoại.
Thế nhưng chỉ hai hôm sau, nụ cười của bọn trẻ vụt tắt khi lần nữa nghe mẹ lỡ hẹn. Chuỗi ngày chờ gặp lại mẹ của 2 anh em lại dài hơn bao giờ hết. Hết 14 ngày này, lại 14 ngày khác trôi qua, hai đứa nhỏ không nhớ đã xé bao nhiêu tờ lịch, thế nhưng mãi sao vẫn không đến ngày hẹn thứ 14.
Khi đơn vị xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên, đại úy Phạm Thị Mộng Thu (công tác tại Đội Chính trị – Hậu cần, Công an quận Tân Phú) lo lắng thu dọn ít hành lý rồi vội vã chia tay hai con. Hiểu ba mẹ đều là cảnh sát nên bận bịu, bé trai 5 tuổi và em gái 3 tuổi ngoan ngoãn sang ở cùng ông bà nội.
“Ông xã biền biệt từ hồi tháng 6, lúc dịch diễn biến phức tạp. Ảnh vừa trực chốt, vừa tuần tra… Thời gian nói chuyện với vợ rất ngắn ngủi, nhiều ngày chỉ nhắn vội dòng tin”, chị trầm ngâm.
Đại úy Phạm Thị Mộng Thu. Ảnh: Quỳnh Danh.
Về phần các con, những ngày xa cách, chị Thu tạo tài khoản Facebook cho bé để tiện liên lạc. Ba mẹ vắng nhà, cậu anh trai 5 tuổi trưởng thành bất đắc dĩ để thay mẹ chăm em gái. Cứ thế hơn 40 ngày trôi qua, hai đứa trẻ chỉ gặp mẹ qua màn hình điện thoại. Chưa bao giờ, con chị nói nhớ mẹ nhiều như vậy, và cũng chưa bao giờ, chị Thu xa con lâu đến vậy.
Có lần, cô con gái nhỏ thút thít khóc gọi chị, giọng giận dỗi, líu ríu trách móc, “mẹ hết thương con rồi hả, sao mẹ nói về mãi không về?”. Kể tới đây, chị cười mà khóe mắt rưng rưng. Chị Thu chỉ có thể nói mẹ vẫn ở đây và rất thương con. Nhưng cô bé 3 tuổi vẫn chưa thể hiểu vì sao mẹ chưa về như đã hứa.
Là một trong số những cán bộ nữ hiếm hoi ở lại đơn vị sát cánh cùng lực lượng cán bộ, chiến sĩ, chị kể vất vả nhất là khoảng thời gian nhiều đồng nghiệp phải cách ly y tế. Lúc đó, 2-3 người ở cơ quan gánh toàn bộ công việc lúc bình thường của 7-8 người.
Vậy mà, người cách ly ở nhà thì cứ lo lắng cho người làm tại cơ quan, ngược lại người đang gánh vác công việc cũng hồi hộp chờ đợi kết quả xét nghiệm của đồng nghiệp mình.
Thường ngày, đại úy Thu phụ trách mảng chính sách, từ ngày dịch đến, chị làm bất cứ việc gì, từ chuẩn bị suất ăn cho lực lượng ứng trực, trao tặng quà cho người dân khó khăn hay xử lý sổ sách, giấy tờ…
“Sau dịch này tôi thấy ai trong đơn vị cũng đa năng, phần việc của người khác mà không biết thì gọi rồi trao đổi qua điện thoại, chỉ nhau làm. Thành ra tiến độ công việc cứ thế theo guồng quay”, chị vui vẻ.
Một tháng nữa thôi
Trải qua hơn 80 ngày áp dụng giãn cách xã hội theo nhiều mức độ nâng dần, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu số ca nhiễm trên cả nước, xấp xỉ 160.000. Thành phố bước vào giai đoạn then chốt, đầy trăn trở khi số ca trong cộng đồng và tử vong ngày một tăng cao. Chính quyền kéo dài giãn cách xã hội thêm một tháng và lần nữa thắt chặt kiểm soát người dân ra đường.
Trước bối cảnh này, nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng cảnh sát tuyến đầu lại thêm phần thách thức.
Đối mặt đợt bùng phát dịch chưa từng có, là cán bộ tuyến đầu, vừa là người chỉ huy, hơn ai hết, trung tá Lê Minh Hiếu (Phó trưởng công an quận Tân Phú) thấu hiểu trọng trách của lực lượng công an nói chung và cán bộ tại đơn vị nói riêng.
Năm nay, lực lượng cảnh sát trở thành đơn vị kề vai sát cánh cùng ngành y tế tuyến đầu. Ngoài mục tiêu bảo vệ bình yên cho người dân trên địa bàn, cảnh sát có thêm nhiệm vụ kép đó là đảm bảo phòng, chống dịch.
Trung tá Lê Minh Hiếu, Phó trưởng công an quận Tân Phú, kiểm tra công tác tại chốt dã chiến. Ảnh: Quỳnh Danh.
“Cuộc chiến còn dài, mỗi lúc một cam go, đã có rất nhiều cán bộ chiến sĩ công an nhiễm bệnh, cũng có nhiều đồng chí hy sinh trong quá trình tuần tra kiểm soát, đấu tranh phòng, chống dịch”, trung tá Hiếu bộc bạch.
Nỗi trăn trở của người chỉ huy là khi thấu hiểu những lúc thiếu nhân lực, anh em đơn vị buộc phải trực 24/24h. Tất cả hoạt động sinh hoạt tế nhị đều phải thay phiên nhau. Thời gian ngủ một ngày chỉ vài giờ sau đó phải quay lại trực tại các khu dân cư…
“Với nỗi lo canh cánh đó, tôi cho rằng việc đầu tiên phải làm đó là dốc sức để mang lại an toàn nhất cho anh em đơn vị. Cố gắng trang bị cho anh em từng thứ nhỏ nhặt nhất như khẩu trang kháng khuẩn cao, kính chống giọt bắn, các bình xịt khử khuẩn. Ban chỉ huy phải phân bổ ca trực hợp lý, để anh em đảm bảo được thời gian thực hiện nhiệm vụ và nghỉ ngơi”, trung tá Hiếu chia sẻ.
Giữa những ngày lo âu, có lúc kiệt sức, lực lượng cảnh sát chỉ biết động viên nhau cố gắng. Trong lớp khẩu trang kín mít, nụ cười chưa bao giờ tắt. Họ tin với những nỗ lực của người dân và nhiều lực lượng, thành phố sẽ sớm trở về nhịp thở thường ngày.
Nhưng cuộc chiến nào cũng có thời điểm phải trả giá.
Thành phố tháng 8, trời đang đổ dài những cơn mưa, lực lượng công an thành phố vẫn còn nhớ giây phút bàng hoàng, hụt hẫng nghe tin người đồng đội Phan Tấn Tài, cán bộ Đội cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an quận 6, hy sinh trên đường làm nhiệm vụ chống dịch.
Trong ký ức của thượng úy Nguyễn Trần Trung Hậu (cán bộ Đội cảnh sát điều tra tội phạm ma túy), đồng đội Phan Tấn Tài là người sống giản dị, tiết kiệm và cũng chưa lập gia đình. Tính tình Tài nhiệt huyết, chưa hề câu nệ việc khó nào và luôn giúp đỡ đồng đội, nhất là các đồng chí trẻ.
“Khi hay tin Tài ra đi sau khi làm nhiệm vụ, hơn ai hết tôi và anh em trong đơn vị lòng nặng trĩu, còn đó bao nhiêu bàng hoàng, hụt hẫng. Sự việc xảy đến quá nhanh khiến chúng tôi không dám nghĩ đó là đồng đội, người anh em thân thiết của mình”, thượng úy Hậu bộc bạch.
“Một tháng nữa thôi…”, những cảnh sát trực chốt nói, lòng đong đầy hy vọng buổi sớm mai nhộn nhịp của thành phố sẽ trở lại.
Cô giáo trẻ xung phong vào tuyến đầu chống dịch
Dịch bùng phát tại địa phương, cô giáo trẻ rẻo cao đã viết đơn tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên khắp mọi miền Tổ quốc. Tại tỉnh Nghệ An, ổ dịch ở bản Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương đã bùng phát, 21 ca F0, hàng trăm F1 phải cách ly tập trung. Bản nghèo điêu đứng vì dịch.
Mới đây, cô giáo trẻ Lương Thị Hiền (Trường Tiểu học Thạch Giám 1, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương) đã viết đơn xin tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Lá đơn của cô giáo trẻ.
Trong đơn, nữ giáo viên Lương Thị Hiền viết: "Nhìn thấy hình ảnh y, bác sĩ, các chú bộ đội, trèo đèo lội suối, ngày đêm trực chốt tại các khu cách ly, những đứa trẻ Chằm Puông lần đầu ra thị trấn... khiến cho tôi - một đoàn viên thanh niên có sức khỏe, sức trẻ - rất băn khoăn, trăn trở muốn đóng góp sức mình vào công tác phòng, chống dịch tại địa phương".
Lá đơn được cô giáo Lương Thị Hiền viết tay gửi Trưởng phòng Giáo dục huyện Tương Dương, sau đó được đăng tải lên mạng xã hội gây xúc động trong dư luận, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Cô giáo Lương Thị Hiền.
Sáng 14/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An phát tin báo, xuất hiện 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở bản Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, cuộc sống người dân sở tại gặp nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy.
Tính đến tối 16/7, Nghệ An đã có 154 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở 11 địa phương. Cụ thể: TP Vinh: 90, Diễn Châu: 18, Tân Kỳ: 1, Quỳ Hợp: 5, Nam Đàn: 6, Đô Lương: 1, Hoàng Mai: 2, Nghĩa Đàn: 1, Nghi Lộc: 04, Quỳnh Lưu: 5, Tương Dương: 21 ca.
Chàng trai miễn phí 200 phòng trọ cho chiến sĩ tuyến đầu chống dịch Theo thông tin từ Thanh Niên, anh T. (27 tuổi, sống tại quận Phú Nhuận, TP.HCM) hiện làm công việc kinh doanh tự do. Anh và một người khác có trống một vài căn phòng nên đã nảy ra ý tưởng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch ở miễn phí. Dự án này bắt đầu từ cuối tháng 7 và hiện tại...