Nhiệm kỳ mới của Tổng thống Venezuela: Nhiều khó khăn, thách thức
Ngày 11-01, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai để tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng Bolivar cho đến năm 2025 trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với vô vàn thách thức cả về chính trị, kinh tế và xã hội.
Tổng thống Venezuela N. Maduro trong lễ tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: AFP/TTXVN
Tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng Bolivar
Giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử với sự tham gia của đông đảo cử tri cả nước là một minh chứng về tính dân chủ và sự chín muồi chính trị của một tiến trình bầu cử tự do và chủ quyền của Venezuela. Chiến thắng này này cũng cho thấy mặc dù Venezuela đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức cả về chính trị, kinh tế và xã hội do những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước, cũng như sức ép từ bên ngoài, song nhân dân Venezuela vẫn mong muốn tiếp tục con đường mà cố Tổng thống Hugo Chavez đã lựa chọn, xây dựng một đất nước bình đẳng, vì lợi ích của mọi tầng lớp trong xã hội.
Trong lời tuyên thệ nhậm chức trước Tòa án Công lý Tối cao (TSJ) và các khách mời quốc tế, Tổng thống N. Maduro cam kết sẽ tiếp tục cống hiến hết mình phục vụ tổ quốc, bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, đem lại sự phát triển kinh tế và thịnh vượng xã hội cho nhân dân, cũng như tiếp tục con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI.
Trước đó, Chủ tịch TSJ M. Moreno khẳng định, Tổng thống N. Maduro đã tái cử với tỷ lệ 67,84% phiếu bầu ủng hộ trong cuộc bầu cử hồi tháng 5-2018 với sự tham gia của đông đảo cử tri cả nước là một minh chứng về tính dân chủ và sự chín muồi chính trị của một tiến trình bầu cử tự do và chủ quyền.
Chúc mừng Tổng thống N. Maduro, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Gutteres khẳng định tổ chức này sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Venezuela trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống N. Maduro, đặc biệt trong các lĩnh vực trợ giúp phát triển, thực phẩm, y tế và dinh dưỡng. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc S. Dujarric nhấn mạnh Liên hợp quốc sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại Venezuela, và theo như nguyên tắc, tổ chức này luôn nghiêng về đối thoại, đặc biệt là đối thoại khu vực. Theo ông, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhiều lần kêu gọi tổ chức một “cuộc đối thoại chính trị toàn diện” ở Venezuela và ủng hộ các sáng kiến liên quan đến việc này.
Hơn 90 nước và một số tổ chức quốc tế cũng đã cử đại diện tham gia lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống N. Maduro tại thủ đô Caracas, trong đó có Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, Tổng thống Bolivia Evo Morales, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, Tổng thống El Salvador Salvador Sanchez Ceren và Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay.
Video đang HOT
Phát biểu trên trang mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez cho biết, việc Cuba cử phái đoàn sang tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống N. Maduro nhằm biểu thị sự đoàn kết với chính phủ và người dân Venezuela. Tổng thống El Salvador Ceren nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết với chính phủ và người dân Venezuela, nhắc lại việc Caracas nhanh chóng giúp đỡ San Salvador khi nước này hứng chịu thảm họa động đất năm 2001.
Trong khi đó, Tổng thống Nicaragua D. Ortega bày tỏ vinh dự khi được đến quê hương của người anh hùng dân tộc vĩ đại Simon Bolivar, cố Tổng thống Hugo Chavez cũng như những người anh hùng đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ hòa bình và công lý cho khu vực.
Dù không thể tham dự buổi lễ, song Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp N. Maduro, trong đó khẳng định cam kết ủng hộ Venezuela. Bên cạnh đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ song phương, cùng hợp tác nhằm củng cố một thế giới đa cực, cũng như vì nền công lý, sự hòa hợp và hòa bình giữa các quốc gia.
Nhiều thách thức trong nhiệm kỳ mới
Trước kết quả bầu cử của Venezuela, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một loạt các nước Mỹ Latinh, trong đó có Argentina, Chile, Colombia, tìm mọi cách gây sức ép đối với Chính phủ Venezuela, trong đó có việc không công nhận kết quả bầu cử, yêu cầu nhà lãnh đạo cánh tả phải chuyển giao quyền lực cho Quốc hội do phe đối lập kiểm soát để tổ chức một cuộc bầu cử mới. Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo cảnh báo Washington sẽ tiếp tục trừng phạt Caracas cũng như thu hồi thị thực và tăng cường các hình thức hạn chế khác đối với các quan chức cấp cao đương nhiệm và các cựu quan chức Venezuela. Trong khi đó, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã thông qua nghị quyết không công nhận tính hợp pháp nhiệm kỳ hai của Tổng thống N. Maduro. Tuy nhiên, phái đoàn thường trực Venezuela tại OAS đã lên tiếng chỉ trích quyết định trên, cho rằng việc OAS tổ chức cuộc họp bất thường thông qua nghị quyết trên là một hành động thù địch và không thân thiện, đồng thời khẳng định sẽ không công nhận quyết định nào mà tổ chức này đưa ra liên quan đến vấn đề nội bộ của Venezuela.
Trước đó, ngày 10-01, Chính phủ Paraguay đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Venezuela nhằm phản đối việc Tổng thống N. Maduro nhậm chức. Trong một tuyên bố chính thức, Tổng thống Paraguay Mario Abdo Benitez cho biết đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Caracas và rút toàn bộ cán bộ ngoại giao về nước, đồng thời kêu gọi các nước khác bày tỏ quan điểm của mình bằng các hành động cụ thể. Nhà lãnh đạo Paraguay cũng đề cập tới tuyên bố được Nhóm Lima thông qua cách đây 1 tuần, trong đó yêu cầu Tổng thống N. Maduro không nhậm chức, chuyển giao quyền lực tạm thời cho Quốc hội cho tới khi tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Ngày 06-01, Tổng thống N. Maduro đã lên tiếng bảo vệ tính hợp pháp trong nhiệm kỳ mới sau khi Quốc hội nước này, do phe đối lập kiểm soát, tuyên bố coi việc nhà lãnh đạo cánh tả này nhậm chức sẽ là một hành động tiếm quyền. Trong một thông điệp trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống N. Maduro nhấn mạnh cách mạng Bolivar lên nắm quyền thông qua con đường dân chủ từ cách đây 20 năm và đã được khẳng định qua 23 chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Tính hợp pháp của chính quyền cách mạng được nhân dân tin tưởng bằng phiếu bầu của mình và đó là điều mà các thế lực chống phá muốn khuất phục ý chí của nhân dân không nên nhầm lẫn.
Venezuela cũng tố cáo Mỹ tiếp tục gia tăng các hành động thù địch, kích động âm mưu đảo chính nhằm vào chính phủ của Tổng thống N. Maduro khi kêu gọi các nước không công nhận các thể chế hợp pháp dân chủ tại Venezuela. Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này cũng đồng thời phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước này, khẳng định Venezuela là “nạn nhân” của âm mưu xâm lược lâu dài trên các mặt trận kinh tế, chính trị và truyền thông do chính quyền Tổng thống D. Trump thúc đẩy. Tổng thống N. Maduro cho rằng, chính quyền Mỹ một lần nữa đã có hành động chống lại nhân dân Venzuela bằng việc áp dụng một học thuyết được hình thành cách đây 200 năm. Ông nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương, bất hợp pháp của Mỹ nhằm vào Venezuela trong hai năm qua đã gây phương hại đến nền kinh tế nước này, hạn chế hoạt động giao thương bằng đồng USD của Venezuela. Hiện nền kinh tế Venezuela đang thiếu hụt hàng hóa trầm trọng và giá cả tăng vọt. Đồng bolivar hiện nay bắt đầu được đưa vào lưu hành cách đây 10 năm nhưng đã liên tục lao dốc trong những năm gần đây do lạm phát phi mã. Đặc biệt trong năm 2017, tỷ lệ lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này đã vượt quá 2.600% và theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì năm 2018 có thể lên tới 1.000.000%. Để chặn đà lạm phát phi mã, Tổng thống N. Maduro đã thông báo kế hoạch đổi tiền tại nước này, theo đó đồng nội tệ của Venezuela được điểu chỉnh giảm 5 số 0 và có tên gọi mới là đồng “bolivar chủ quyền”. Giá trị của đồng bolivar chủ quyền dựa trên cơ sở giá trị đồng petro, đồng tiền điện tử của Venezuela được định giá theo giá dầu với mức 1 petro tương đương với 60 USD.
Mới đây, ngày 08-01, Bộ Tài chính Mỹ thông báo nước này đã ban hành các lệnh trừng phạt mới nhằm vào 7 cá nhân và hàng chục thực thể tại Venezuela. Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với một mạng lưới giao dịch tiền tệ của Venezuela. Trước đó, ngày 06-11-2018, EU đã thông qua quyết định kéo dài thêm 1 năm lệnh trừng phạt đối với Venezuela nhằm gây sức ép chính trị đối với chính phủ của Tổng thống N. Maduro trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế.
Cùng với suy thoái kinh tế là tình trạng lạm phát phi mã, lương thực và thuốc men khan hiếm. Đây là những vấn đề khiến Chính phủ Venezuela “đau đầu” trong những năm gần đây. Từng cam kết đa dạng hóa nền kinh tế để tránh tình trạng bị phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ, song đến nay, Chính phủ Venezuela vẫn chưa thể thực hiện được một cách đầy đủ.
Do vậy, Tổng thống N. Maduro sẽ phải mạnh tay hơn nữa trong cuộc đấu tranh với cuộc chiến kinh tế mà các thế lực thù địch tiến hành, gây khó khăn và thiệt hại nặng nề cho Venezuela, để giải quyết dứt điểm những bất ổn về kinh tế – xã hội mà đất nước đang phải hứng chịu để tập trung cho giai đoạn phát triển mới.
Chính phủ Venezuela cũng phải đấu tranh một cách quyết liệt hơn để chống lại nạn tham nhũng cũng như giải quyết triệt để tình trạng tội phạm đang gây lo lắng trong xã hội. Những thách thức này sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự thành bại của chính phủ cách mạng Bolivar trong thời gian tới trên con đường xây dựng một đất nước ổn định về chính trị, mạnh mẽ về kinh tế mà nhân dân Venezuela xứng đáng được hưởng.
Ngoài ra, các chương trình xã hội vì người nghèo mà chính phủ Venezuela đã triển khai trong nhiều năm qua, đặc biệt là các chương trình giáo dục và y tế miễn phí và chất lượng, cũng như chương trình xây dựng nhà cho người nghèo cũng là những vấn đề mà Tổng thống N. Maduro cần thúc đẩy trong nhiệm kỳ tới.
Trong quan hệ đối ngoại, Tổng thống N. Maduro sẽ phải giải quyết những “vướng mắc” trong quan hệ với các nước láng giềng, tạo sự ổn định vì sự hợp tác và liên kết trong khu vực, qua đó giúp cho công cuộc khôi phục và ổn định nền kinh tế có được nhiều thuận lợi hơn. Venezuela sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong mối liên kết với phong trào tiến bộ ở khu vực để vực dậy sức mạnh như những năm trước đây, cũng như bảo vệ chủ quyền và quyền tự quyết định vận mệnh trước sự áp đặt của các nước lớn.
Việc Tổng thống N. Maduro tiếp tục là người lãnh đạo cao nhất đất nước trong 6 năm tới, đã thể hiện rõ niềm tin của người dân đối với Tổng thống N. Maduro cũng như tiến trình cách mạng Bolivar mà cả dân tộc đã theo đuổi trong nhiều năm qua, song cũng đặt lên vai nhà lãnh đạo cánh tả này những nhiệm vụ nặng nề để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những thách thức của thời cuộc vì một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước./.
BTV/TTXVN
Theo Tintuc
Chuyên gia Venezuela: Nhóm Lima vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế
Theo Tân hoa xã, nhà phân tích chính trị Venezuela Vladimir Adrianza Salas ngày 6/1 cho rằng Nhóm Lima gồm 13 nước Mỹ Latinh và Canada đã vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế - đó là không được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong cuộc họp báo tại Caracas ngày 12/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông Adrianza đã đưa ra bình luận trên sau khi 13 trong số 14 nước thành viên Mỹ Latinh thuộc Nhóm Lima, ngoại trừ Mexico, ngày 4/1 đã ký vào bản tuyên bố chung tại thủ đô Lima của Peru, kêu gọi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro không tiếp tục nhiệm kỳ tiếp theo bắt đầu từ ngày 10/1 tới do chính phủ của ông bị cáo buộc vi phạm dân chủ.
Nhóm Lima đã nghi ngờ về tính hợp lệ của cuộc bầu cử tổng thống Venezuela hồi tháng Năm năm ngoái, trong đó ông Maduro đã giành chiến thắng vang dội trước ứng cử viên phe đối lập Henri Falcon.
Chuyên gia Adrianza đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng phe đối lập không được tự do tham gia cuộc bầu cử và quá trình bầu cử thiếu minh bạch.
Ông Adrianza nhấn mạnh: "Hơn 24 tiến trình bầu cử đã được thực hiện ở Venezuela trong vòng hai thập kỷ qua. Những cuộc bầu cử này được thực hiện bằng cách sử dụng cùng một hệ thống điện tử với một cuộc kiểm phiếu công khai. Hơn 67% cử tri đã bầu chọn cho ông Maduro. Điều đáng lưu ý là 100% kết quả đã được kiểm duyệt bởi tất cả các đảng chính trị tham gia, không có sự mâu thuẫn nào gây nghi ngờ về kết quả đã thu được."
Nhà phân tích chính trị Venezuela này cho rằng tuyên bố của Nhóm Lima chính là một phần trong chiến lược lớn hơn của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm lật đổ Chính phủ Venezuela bằng cách "kích động nội chiến ở Venezuela."
Một đòi hỏi quan trọng khác của Nhóm Lima là Tổng thống Maduro phải công nhận quyền lực của Quốc hội. Tuy nhiên, ông Adrianza cũng lý giải rằng theo Hiến pháp và pháp luật Venezuela, Quốc hội "không có giá trị pháp lý."
Chuyên gia này cũng cho rằng yêu sách nói trên của Nhóm Lima là âm mưu nhằm can thiệp và thay đổi Chính phủ Venezuela./.
Theo VietNam
Venezuela mở cửa đón Nga khai thác mỏ vàng cực lớn Công ty Nga được khai thác vàng tại Venezuela đảm bảo đầu tư trị giá 1 tỷ USD. Đại sứ Nga tại Venezuela Vladimir Zaemsky hôm 26/12 cho biết, giới chức Venezuela nói sẽ tạo điều kiện để các công ty Nga được tham gia khai thác vàng tại quốc gia này. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir...