Nhiệm kỳ không trải hoa hồng của Tổng thống Joko Widodo
Chiều 20/10, Tổng thống tái đắc cử Indonesia Joko Widodo, thường được gọi thân mật là Jokowi đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức bước vào nhiệm kỳ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng trên chiếc ghế quyền lực số một ở quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này.
Nhìn vào tình hình kinh tế, chính trị và xã hội Indonesia thời gian qua, có thể nói quãng thời gian 5 năm tới chắc chắn sẽ không phải là “tuần trăng mật” khi Tổng thống Jokowi phải đối mặt với hàng loạt rắc rối đang thử thách khả năng của nhà lãnh đạo này. Hơn 260 triệu người dân đang đổ dồn sự chú ý vào chủ nhân Cung điện Merdeka (Phủ tổng thống Indonesia), mong mỏi, chờ đợi những lời hứa tranh cử – không ít trong số đó còn treo từ 4 năm trước – được thực thi.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo Trong thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội ở Jakarta ngày 16/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc đầu tiên mà tân Tổng thống sẽ phải làm ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức là chính thức công bố thành phần nội các – một “nội các làm việc” như ông Jokowi từng đặt tên trong nhiệm kỳ đầu. Dư luận sẽ “săm soi” rất kỹ và chính phản ứng này – cả tích cực lẫn tiêu cực – sẽ là cả một thách thức cần chuẩn bị để vượt qua. Đó phải là những bộ trưởng, tư lệnh ngành “tay sạch” thay vì những nhân vật bị dư luận đồn đoán có dính dáng đến tham nhũng hay đại diện cho nhóm quyền lợi bất minh.
Điều quan trọng là phải đảm bảo được sự đoàn kết thống nhất của những “người cũ”, “người mới”, và đây cũng là điều mà Tổng thống Jokowi – vốn được biết đến qua hình ảnh một nhà lãnh đạo chăm chỉ, tham công tiếc việc – đòi hỏi hàng đầu, bên cạnh sự tận tâm cống hiến. Nếu không có sự đoàn kết đó, người “ nhạc trưởng” này sẽ chẳng bao giờ thực hiện được những lời hứa quan trọng của mình.
Một trong những cam kết tranh cử của ông Jokowi hồi năm 2014 là tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình hằng năm đạt 7%, trong khi cuối cùng chỉ đạt 5% – kết quả không quá tệ – song với nhiều người khoảng cách 2% này là một sự thất bại và thất hứa. Theo dự báo cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế của Indonesia thậm chí còn xuống dưới mức 5% trong năm nay. Do vậy, lời hứa trên nhiều khả năng lại bị “treo” đến hết nhiệm kỳ trước những “cơn gió chướng” toàn cầu như bóng ma suy thoái, bất ổn kinh tế toàn cầu, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, giá cả hàng hóa giảm.
Bên cạnh tăng trường kinh tế trì trệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang gây thất vọng, bất chấp chương trình cắt giảm thuế lớn, cải cách hàng loạt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, mở cửa hơn 50 lĩnh vực quan trọng cho đầu tư nước ngoài và cả việc mời cựu Giám đốc điều hành WB, bà Sri Mulyani Indrawati về “nắm cương” ở Bộ Tài chính.
Ngoài ra, còn rất nhiều cam kết mới nhưng không kém phần tham vọng. Ví dụ, mới đây nhà lãnh đạo này tuyên bố sẽ cải thiện giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực, hai yếu tố được xác định là “chìa khóa” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh kế hoạch dời đô và cải tạo cố đô đầy tốn kém, ông cũng cam kết đầu tư hơn 400 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng trong những năm tới. Điều đó không có gì ngạc nhiên vì đầu tư hạ tầng là lĩnh vực mà ông Jokowi được đánh giá cao, qua đó giành chiến thắng liên nhiệm. Chỉ có điều vốn tài trợ cho các dự án quy mô lớn này là cả một vấn đề lớn.
Theo thống kê, chỉ 1/5 vốn đầu tư cơ sở hạ tầng là từ khu vực tư nhân và phần còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước (SOE), khiến các cơ sở này phải gồng mình gánh nợ. Trong khi đó, một báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy mức độ hiện diện của các SOE ở Indonesia rộng lớn hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc. Đây thực sự cũng là một vấn đề lớn đối với Indonesia, vì các thực thể này nắm giữ quá nhiều quyền lực và gần như “không thể chạm tới”, bất chấp nạn tham nhũng cố hữu và những rủi ro tài chính gây ra cho chính phủ.
Bất ổn xã hội và an ninh cũng là hai trong số các nguyên nhân gây đau đầu gần đây cho Tổng thống Jokowi. Cuối tháng Chín vừa qua, làn sóng biểu tình của sinh viên nổ ra trên toàn quốc nhằm phản đối điều luật mới về Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK) – cơ quan thực thi pháp luật được tôn trọng nhất ở Indonesia – và dự luật hình sự bị cho là phá hoại các quyền tự do dân chủ và ngăn chặn các nỗ lực chống tham nhũng. Chính phủ ủng hộ cả hai luật này, song trước sức ép của công luận, Tổng thống Jokowi đã yêu cầu quốc hội hoãn thông qua dự luật hình sự và cho biết có thể xem xét hủy bỏ điều luật về KPK.
Video đang HOT
Tuy nhiên, các nhà lập pháp cảnh báo rằng một động thái như vậy là hành động đối đầu trực diện với quốc hội. Các đảng chính trị thuộc liên minh cầm quyền – trong đó có nhiều thành viên chủ chốt bị KPK “sờ gáy” trong những năm qua – cũng bác bỏ ý tưởng này với lý do việc rút luật về KPK có thể làm suy yếu uy tín của chính phủ và không thể chấm dứt được các cuộc biểu tình. Ông trùm truyền thông Surya Paloh, Chủ tịch đảng Dân chủ Quốc gia (Nasdem), thậm chí còn đe dọa “luận tội” Tổng thống.
Trước sức ép từ nhiều phía, đây sẽ là quyết định “cân não” của Tổng thống Jokowi. Nếu bãi bỏ luật về KPK và đứng về phía phần lớn cử tri, ông sẽ phải đối đầu với quốc hội và các đảng trong liên minh cầm quyền. Điều này có thể khiến ông gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các chương trình của mình và khó tìm được sự đoàn kết nội bộ để lãnh đạo đất nước. Trường hợp ngược lại, có thể những cuộc biểu tình sẽ kéo dài.
Trong khi đó, tại Papua, các cuộc biểu tình và bạo loạn đã khiến hàng chục người thiệt mạng và gần 20.000 người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Những cuộc tụ tập nhỏ lẻ ban đầu để phản đối hành vi phân biệt chủng tộc đối với các sinh viên người Papua, đã làm bùng phát tâm lý bất bình kìm nén, âm ỉ trong lòng người dân bản địa, từ đó làm sống lại phong trào đòi độc lập cho miền đất cực Đông vốn có văn hóa khác biệt với các phần còn lại của Indonesia này. Nếu không có những chính sách hiệu quả, thực chất và nhanh chóng nhằm lấy lại lòng tin của người dân Papua, vùng đất này sẽ tiếp tục nóng, đe dọa tới an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của “quốc gia vạn đảo”.
Dư luận cho rằng giữa những “bộn bề” đó, chắc chắn Tổng thống Jokowi sẽ chẳng có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hay đầu tư cho các vấn đề đối ngoại. Nếu mặt trận kinh tế cần có những chính sách cải cách mạnh mẽ, quyết đoán và thực chất hơn nữa nhằm thực hiện các mục tiêu còn dang dở, Tổng thống Joko Widodo sẽ phải hết sức khéo léo lèo lái vượt qua các “bãi mìn” chính trị, “bình định” được nội bộ, cũng như tập hợp và thu hút sự tham gia, ủng hộ của các lực lượng xã hội vì lợi ích chung.
Theo Hữu Chiến (Pv TTXVN tại Indonesia)
Một ngày thứ sáu bình dị của Tổng thống Indonesia
Một ngày thứ sáu bình thường với Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ như thế nào? Ông đi lễ nhà thờ Hồi giáo, thăm hỏi người dân và không quên chụp ảnh tự sướng với họ trong nỗ lực bồi đắp các di sản của mình.
Vị lãnh đạo vừa tái trúng cử hồi tháng 4 năm nay nói rằng, ông sẽ đưa ra rất nhiều quyết định trọng đại trong 5 năm tới, nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Một phụ nữ háo hức chụp ảnh "tự sướng" với Tổng thống
Gần gũi với quần chúng
Ở đất nước có gần 270 triệu dân với xấp xỉ 90% là người Hồi giáo, Tổng thống Indonesia Joko Widodo luôn thể hiện mình là một nhà lãnh đạo của nhân dân khi thường nhắc đến nguồn gốc sinh ra và lớn lên trong một khu ổ chuột ven sông thuộc thành phố Solo miền Trung Java. Sự gần gũi quần chúng, bao gồm cả việc đi tiên phong sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thị trưởng Solo, Thống đốc Jakarta và 2 lần làm Tổng thống suốt 14 năm qua. Giờ đây, khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai, ông đã có gần 23 triệu người theo dõi trên Instagram và 11 triệu người trên Twitter, những con số mà ông hiểu rất rõ mức độ ảnh hưởng của nó.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP gần đây, Tổng thống Indonesia (thường được gọi là Jokowi) đã phác thảo các ưu tiên của mình bao gồm tiếp tục cải cách sâu rộng, thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và đơn giản hóa bộ máy hành chính cồng kềnh. Ông cho biết, luật lao động sẽ được sửa đổi trong một quyết định chính trị đầy thách thức để thu hút thêm đầu tư và tạo ra nhiều việc làm. "Trong 5 năm tới, tôi không có gánh nặng chính trị nào nên việc đưa ra quyết định, đặc biệt là những quyết định quan trọng đối với đất nước sẽ dễ dàng hơn" - ông nói trong chuyến thị sát quanh Jakarta mới đây.
Ông Wikodo tặng sách cho trẻ em nhân dịp tới thăm Tanah Tinggi, khu dân cư của tầng lớp thu nhập thấp ở Thủ đô Indonesia
Nhạy bén về dân chủ và tôn giáo
Hãy xem sự nhạy bén chính trị của ông Widodo ở mức nào trong chuyến thăm Tanah Tinggi - một khu dân cư chủ yếu là tầng lớp lao động ở Jakarta - vào một ngày thứ sáu. Thủ đô Jakarta cũng là một trong những thành trì ủng hộ ông với dân số khoảng 30 triệu người. Ông đã làm lễ cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo địa phương, ngồi khoanh chân trên thảm cùng với những tín đồ khác. Bên ngoài nhà thờ, đông đảo người dân tập trung với hy vọng có cơ hội "chụp ảnh tự sướng" với Tổng thống.
Ông Widodo thường xuyên tiếp xúc với người dân nơi công cộng, dù đám đông nhiệt tình đó tập trung một cách tự phát, nhưng mỗi sự kiện lại hàm chứa thông điệp được chuẩn bị cẩn thận. Ở Tanah Tinggi, vị lãnh đạo của quốc gia 270 triệu dân mặc một chiếc áo sơ mi trắng đơn giản, đi đôi giày thể thao do địa phương sản xuất trị giá 30 USD, thể hiện sự khiêm tốn, bình dị và trái ngược hoàn toàn với hình dung về một con người quyền lực nhất Indonesia.
"Tôi đã luôn dạy con tôi tự lập, có trách nhiệm và không bao giờ tham gia vào các dự án liên quan đến nhà nước. Tôi đã cấm chúng từ khi tôi còn là Thống đốc cho đến bây giờ tôi là Tổng thống. Bọn trẻ nhà tôi rất vui khi bán martabak (một món tráng miệng), bánh chuối rán và cà phê".
Tổng thống IndonesiaJoko Widodo
Làm lễ cầu nguyện công khai cũng giúp nâng cao hình ảnh của ông như một tín đồ sùng đạo. Trong cuộc tổng tuyển cử đầy cạnh tranh trước đó, đối thủ của ông - cựu tướng quân đội Mitchowo Subianto - được hỗ trợ bởi các nhóm Hồi giáo ủng hộ Luật Sharia.
Trước thực tế chính trị, ông Widodo đã chọn một giáo sĩ làm liên danh tranh cử, giúp bảo đảm có được sự hậu thuẫn của nhóm Hồi giáo chính thống lớn nhất Indonesia. Ông đã giành được 55,5% phiếu bầu, một tỷ lệ sít sao cho thấy một cuộc bầu cử phân cực sâu sắc, với các tỉnh theo tôn giáo bảo thủ nghiêng về ủng hộ ứng cử viên Subianto.
Tổng thống Jokowi muốn Indonesia được biết đến như một quốc gia ôn hòa, nhưng thông điệp đó đã bị hủy hoại bởi làn sóng thù địch với người đồng tính và chuyển giới, việc thực thi luật đạo Hồi theo chế độ tự trị đặc biệt hay nhiều ví dụ thực tế khác. Đó là một xu hướng có thể gây hoảng sợ cho các nhà đầu tư nước ngoài vốn được giới lãnh đạo nước này coi như động lực chính tăng trưởng kinh tế của một quốc gia có gần 50% dân số ở độ tuổi dưới 30.
Ông Widodo cho biết, ông sẽ cố gắng hợp tác với các nhóm Hồi giáo miễn là quan điểm của họ không vi phạm các nguyên tắc nền tảng của Indonesia, bao gồm một chính phủ thế tục và có sự khoan dung với một số tôn giáo được công nhận chính thức. "Nếu một tổ chức gây nguy hiểm cho quốc gia bằng hệ tư tưởng của nó, tôi sẽ không thỏa hiệp với họ", ông nói.
Khi được hỏi về khả năng cấm Mặt trận bảo vệ Hồi giáo - một tổ chức tôn giáo theo đường lối cứng rắn - hoạt động, ông cho biết: "Có, tất nhiên, điều đó là hoàn toàn có thể nếu chính phủ xem xét ở góc độ an ninh và ý thức hệ cho thấy rằng họ không phù hợp với quốc gia". Năm 2017, ông Widodo đã cấm mọi hoạt động của Hizbut Tahrir Indonesia - một nhóm nhỏ hơn Mặt trận bảo vệ Hồi giáo - vốn vận động cho một cái gọi là Nhà nước Hồi giáo toàn cầu.
Điều đáng nói, nhóm Mặt trận bảo vệ Hồi giáo từng không được chú ý nhiều về mặt chính trị, nhưng họ đã đạt được ảnh hưởng đáng kể qua công tác nhân đạo và từ thiện. Ý tưởng của họ là muốn áp dụng Luật Hồi giáo Sharia cho toàn bộ đời sống của 270 triệu người dân Indonesia. Đó cũng là nhân tố quan trọng trong việc tổ chức các cuộc biểu tình lớn trên đường phố vào năm 2016, 2017 chống lại Thống đốc Jakarta - một đồng minh của ông Widodo - người sau đó đã bị cầm tù vì tội báng bổ.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo buộc lại dây giày thể thao sau khi dự lễ cầu nguyện tại một nhà thờ ở Jakarta
Tấm gương về sự bình dị và không tư lợi
Khi ông Widodo len lỏi đi qua đám đông sau buổi cầu nguyện hôm ấy, ông đã kịp chụp hàng chục bức ảnh "tự sướng" với người dân đã chờ sẵn bên ngoài. Ông trở nên lão luyện trong việc chụp ảnh chân dung kiểu này đến nỗi cầm luôn điện thoại di động của người dân rồi hào hứng giơ lên chụp.
Đội cận vệ Tổng thống, gồm những người mặc đồng phục quần đen và chiếc áo sơ mi batik đầy màu sắc có vẻ khá thoải mái mặc dù khó có thể đoán trước điều gì xảy ra. Khi ông Widodo rời khỏi trên chiếc SUV màu đen, ông mở cửa kính và tặng sổ cho mọi người đứng bên đường. Những cuốn sổ mang thông điệp truyền cảm hứng như "Hãy học, học và học" với chữ ký mang biệt danh Jokowi.
Ông Widodo được đông đảo người dân yêu mến bởi gia đình ông không tận dụng lợi thế về chính trị để kiếm lợi nhuận. Đó là điều tương đối mới lạ đối với người Indonesia sau nhiều năm quen với hình ảnh các thành viên gia đình Tổng thống đã làm giàu nhờ công quỹ, ví dụ như thời kỳ nhà độc tài Suharto.
"Tôi đã luôn dạy con cái tự lập, có trách nhiệm và không bao giờ tham gia vào các dự án liên quan đến nhà nước. Tôi đã cấm chúng từ khi tôi còn là Thống đốc cho đến bây giờ tôi là Tổng thống. Bọn trẻ nhà tôi rất vui khi bán martabak (một món tráng miệng), bánh chuối rán và cà phê" - ông Widodo nói.
Theo anninhthudo
Tổng thống Indonesia tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 20/10 đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 kéo dài 5 năm, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nền dân chủ lớn thứ 3 thế giới sau nhiệm kỳ đầu tiên với dấu ấn là chi tiêu mạnh tay cho cơ sở hạ tầng. Tổng thống Indonesa Joko Widodo ngày 20/10 đã tuyên thệ nhậm chức....