Nhiễm khuẩn tử cung do nạo hút thai
Hỏi: Tôi bị thai chết lưu nên phải bỏ. Gần đây, tôi thường bị đau bụng dưới, thỉnh thoảng sốt nhẹ, tiết dịch có màu xanh hơi vàng, mùi hôi. Xin hỏi, đó là bệnh gì? Trần Minh Thu (Gia Lâm, Hà Nội).
BS Đào Xuân Dũng, Bệnh viện Phụ sản T.Ư trả lời: Biểu hiện đau bụng dưới, dịch tiết màu xanh hơi vàng và có mùi hôi… của bạn cần phải đi khám ngay vì có thể do nhiễm khuẩn cấp ở tử cung, ở 2 vòi trứng và các mô xung quanh (nên gọi là viêm tiểu khung).
Bệnh lý này có thể không có nguyên nhân rõ ràng nhưng thường lan truyền từ âm đạo, từ quan hệ tình dục, đôi khi từ dụng cụ tử cung hoặc sau nạo thai, sảy thai.
Video đang HOT
Triệu chứng thường gặp nhất là xuất tiết âm đạo có màu sắc bất thường, mùi hôi (có khi như mủ), đau vùng bụng dưới, sốt (không thường xuyên).
Ngoài ra, có thể có gai rét, ra kinh không đều hay ra máu giữa kỳ, mất kinh, đau hoặc ra máu khi quan hệ tình dục, đau vùng thắt lưng, mỏi mệt, ăn kém, buồn nôn, đái vặt hoặc đái buốt, dễ đau khi đụng chạm vào vùng tiểu khung.
Theo Kiến thức
Cách chăm sóc sức khỏe sau nạo hút thai
Nạo hút thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là một cú sốc lớn về tinh thần đối với người phụ nữ. Do đó việc chăm sóc sức khỏe cả tinh thần và thể chất sau nạo hút thai là rất quan trọng.
Chăm sóc sức khỏe thể chất
Sau khi hút thai cơ thể bạn sẽ rất yếu và dễ bị nhiễm trùng đường sinh sản. Bình thường, buồng tử cung vô khuẩn tuyệt đối. Khi thực hiện thủ thuật nạo hút thai, mặc dù các dụng cụ đã được diệt khuẩn và các thao tác có được thực hiện cẩn thận thì quá trình chảy máu vẫn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Do đó ngay sau nạo hút thai bạn cần:
- Nghỉ ngơi tại chỗ (cơ sở y tế) từ 1 - 6 giờ.
- Bạn có thể có ra máu âm đạo và đau bụng dưới giống như đau bụng khi có kinh nguyệt, như vậy là bình thường. Khi đó bạn cần dùng băng vệ sinh hoặc khăn vải xô để thấm máu như máu kinh bình thường.
- Cần vệ sinh thân thể và bộ phận sinh dục bằng nước ấm sạch. Có thể dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ có nguồn gốc từ thảo dược, dịu nhẹ. Thay băng vệ sinh ít nhất từ 3 - 4 lần trong ngày (sáng, trưa, chiều và buổi tối trước khi đi ngủ). Không được thụt rửa âm đạo hoặc cho bất cứ vật gì vào âm đạo.
- Không quan hệ tình dục đến khi hết ra máu âm đạo (ít nhất là 2 - 3 tuần sau nạo hút thai).
- Cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng từ 2 - 4 tuần.
- Cần ăn uống bồi dưỡng bồi bổ lại sức khỏe, không phải ăn kiêng.
- Uống thuốc và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Cần thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ về chăm sóc sức khỏe sau nạo hút thai. Ảnh minh họa
Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Phải nạo hút thai sẽ gây nên những tổn thương về mặt tinh thần, thậm chí là nỗi ám ảnh, suy sụp đối với nhiều người. Do đó để lấy lại sự cân bằng về tinh thần, người phụ nữ cần được an ủi, chia sẻ, động viên của người thân trong gia đình, nhất là của người chồng.
Tuy nhiên bản thân người phụ nữ cũng cần nhận thức rằng đây là việc không ai mong muốn, nó có thể xảy ra với bất cứ ai trong cuộc sống. Do đó tự bản thân cũng cần cố gắng vượt qua, không nên quá buồn rầu sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và lần mang thai tiếp theo.
Những dấu hiệu cần khám lại ngay
- Đau nhiều ở bụng dưới, đau cơ, bụng ấn đau.
- Bị sốt hoặc thấy ớn lạnh.
- Ra máu nhiều (nhiều hơn ra máu kinh bình thường), kéo dài hơn 10 ngày.
- Âm đạo tiết ra nhiều khí hư có mùi hôi,...
Bạn cần quay lại cơ sở y tế để khám lại ngay khi có một trong những dấu hiệu trên.
Theo Bác sĩ Thu Lan (Sức khỏe & Đời sống)
Dấu hiệu nguy hiểm sau khi nạo phá thai Khi việc nạo phá thai được nhân viên y tế có chuyên môn thực hiện trong điều kiện vô khuẩn thì người phụ nữ rất ít gặp tai biến. Nhưng khi việc nạo phá thai được thực hiện tại nhà, hoặc do những người không có chuyên môn làm thì rất nguy hiểm, vì dễ gây chảy máu nặng, nhiễm khuẩn, thậm chí...