Nhiễm HIV, sốc ma túy và chuyện những cầu thủ Tây ở Việt Nam
Nên hay không nên gọi cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển Việt Nam? Câu hỏi này đang gây ra những ý kiến trái chiều từ dư luận.
Vừa qua, HLV Hữu Thắng đã bày tỏ nguyện vọng muốn gọi lên tuyển một số cầu thủ nhập tịch nhằm giúp đội tuyển mạnh hơn.
Những người đồng tình cho rằng các cầu thủ gốc nước ngoài một khi đã có quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên phải được đối xử như các cầu thủ nội. Nhưng ở chiều ngược lại, đa số ý kiến đều phản đối việc đội tuyển quốc gia có sự xuất hiện của những cầu thủ không mang dòng máu Việt.
Cầu thủ ngoại nhập tịch để làm gì?
Nguyễn Văn Rodgers trước khi sang Việt Nam chỉ là một anh chàng vắt sữa bò với thù lao chỉ 300 USD/tháng ở đất nước nghèo khó Kenya.
Nhưng với nền tảng thể lực tốt hơn so với cầu thủ Việt, anh được Thanh Hóa, lúc ấy vừa thăng hạng, chiêu mộ về thi đấu với mức lương cao gấp 10 lần so với công việc vắt sữa bò. Suốt bao năm chinh chiến ở V.League, Rodgers chỉ là một cầu thủ hạng xoàng dựa vào thể lực, và thậm chí còn không thể cạnh tranh về chuyên môn so với cầu thủ nội.
V.League đã giúp Rodgers đổi đời hoàn toàn, nhưng bây giờ anh vẫn đang lang thang từ Bắc vào Nam để xin việc.
Rõ ràng, V.League đã giúp Rodgers đổi đời thực sự, nên để bám trụ ở giải đấu này cách duy nhất đó là anh phải nhập tịch Việt Nam để thi đấu với tư cách nội binh. Nhưng ngay cả khi đã có quốc tịch Việt Nam, Rodgers vẫn thất nghiệp và bắt đầu lang thang từ Bắc tới Nam để xin thử việc ở các CLB V.League nhưng vẫn chưa đội bóng nào gật đầu.
Rodgers không phải trường hợp duy nhất mà thậm chí là trường hợp điển hình của tất cả các cầu thủ ngoại muốn nhập tịch Việt Nam.
Không khó bắt gặp các cầu thủ da màu ở khu phố tây Bùi Viện – Phạm Ngũ Lão vẫn lởn vởn vì thất nghiệp. Nhiều cầu thủ do chưa đủ số năm để nhập tịch, đã nhờ người mai mối để kiếm vợ Việt Nam. Những khoản thu nhập kếch xù mà bóng đá Việt Nam mang lại đã khiến họ chấp nhận đánh đổi để trụ lại.
Nguồn thu nhập khủng từ V.League khiến các cầu thủ gốc Phi sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để có thể trụ lại ở Việt Nam.
Nói cách khác, mục đích chính của việc các cầu thủ ngoại chấp nhận nhập tịch Việt Nam về cơ bản là được tăng lương, tăng tiền lót tay và chỉ có nhập tịch mới trụ được ở đất nước hình chữ S, khi mà V.League bắt đầu hạn chế ngoại binh.
Video đang HOT
Nhưng ngay cả khi có quốc tịch Việt Nam, họ cũng không thể cạnh tranh với cầu thủ nội. Đó là lý do, tính đến thời điểm từ con số hơn 20 cầu thủ ngoại nhập tịch, V.League giờ đây chỉ còn lại 6 cầu thủ. Những cái tên như Đinh Văn Ta, Lê Tostao, Phan Lê Isaac, Phan Văn Santos… giờ đây cũng không ai biết đang ở nơi nào sau một thời gian không đội nào ngó ngàng tới.
Hiện tại, ngoài Hoàng Vũ Samson ra thì các cầu thủ còn lại trình độ không nhỉnh hơn là bao so với cầu thủ nội ở cùng vị trí.
Cầu thủ nhập tịch như con dao hai lưỡi
Mặc dù mang quốc tịch Việt Nam nhưng đa số cầu thủ nhập tịch đều không thành thạo tiếng Việt. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam có lẽ không thể nào quên hình ảnh những Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley khi được gọi tập trung lên tuyển trong trận đấu giao hữu với Brazil không thể hát quốc ca Việt Nam. Santos còn mang trên mình lá cờ Brazil và hát quốc ca xứ samba.
Sau đó, Santos cũng đã làm mình, làm mẩy và thường xuyên vi phạm kỷ luật khi thi đấu ở V.League. Thậm chí khi phóng viên chào anh với cái tên Phan Văn Santos thì anh nhất quyết yêu cầu hãy gọi anh với cái tên là Fabio Dos Santos.
Thủ môn Santos lười tập và tăng cân cũng như thường xuyên vi phạm kỷ luật từ khi có quốc tịch Việt Nam.
Do khác biệt về ngôn ngữ nên họ rất ít khi đi chơi cùng các cầu thủ nội trong đội, hoặc nếu có chỉ là xã giao, ngay cả đấy là cầu thủ nhập tịch. Những màn đụng độ, cãi nhau giữa cầu thủ ngoại và cầu thủ nội xuất hiện nhan nhản trong các buổi tập vì các cầu thủ ngoại vẫn thường được ưu ái hơn trong vấn đề kỷ luật.
Thực tế, đời sống của các ngoại binh V.League cực kỳ phức tạp, đặc biệt là những cầu thủ châu Phi. HLV Huỳnh Đức có lẽ là người thấm nhất bài học này đến nỗi ông cạch mặt những nguồn hàng từ lục địa đen, vì các cầu thủ châu Phi tuy khỏe nhưng vô kỷ luật và thiếu chuyên nghiệp, ăn chơi quá dữ.
Cầu thủ Musisi từng bị nghi ngờ nhiễm HIV, sau đó qua đời và đúng là bị căn bệnh thế kỷ này. Hay như trường hợp của Molina đã qua đời vì sốc ma túy trong thời gian khoác áo CLB B.Bình Dương.
Với các cầu thủ nhập tịch thì đa phần họ mắc phải căn bệnh ngôi sao. Nhiều HLV ở V.League chia sẻ, lúc chưa có quốc tịch Việt Nam do phải cạnh tranh vị trí nên họ tập luyện chăm chỉ, nhưng khi đã có quốc tịch Việt Nam rồi thì họ rất lười biếng, có dấu hiệu tăng cân. Và thực tế, đa phần nếu như không muốn nói toàn bộ các cầu thủ nhập tịch đều thi đấu kém hơn so với chính mình khi chưa nhập tịch.
Cũng vì lẽ đó, nếu gọi các cầu thủ nhập tịch lên tuyển thì vô hình trung tạo nên khoảng cách cũng như những mầm mống gây bất ổn nội bộ của đội tuyển.
Những bài học nhãn tiền
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore và Philippines là 2 quốc gia thực hiện chính sách nhập tịch cầu thủ ở đội tuyển. Dù đội tuyển của họ thực sự có mạnh hơn trong một thời gian ngắn, nhưng về tổng thể không giúp nền bóng đá của 2 quốc gia này có thể lột xác và bay cao.
Singapore bây giờ đã bắt đầu hạn chế cầu thủ nhập tịch và tập trung hơn vào đào tạo trẻ. Họ thừa nhận rằng chính khoảng thời gian sử dụng quá nhiều cầu thủ nhập tịch đã khiến họ tước đi cơ hội cho các cầu thủ trẻ thi đấu ở ĐTQG.
Nhìn rộng ra ở khu vực châu Á, Nhật Bản cũng từng gọi một số cầu thủ nhập tịch gốc Brazil, nhưng ngay sau đó đã không gọi thêm bất cứ cầu thủ nào nữa thay vào đó gửi cầu thủ trẻ sang nước ngoài tu nghiệp. Sự tiến bộ của bóng đá Thái Lan hay bóng đá các quốc gia trong khu vực khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… đều không dựa vào cầu thủ nhập tịch.
Nói cách khác, việc gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển chưa chắc giúp đội tuyển mạnh hơn, nhưng chắc chắn khiến đội tuyển phải đối mặt với vô vàn rủi ro khác.
Theo Trí Thức Trẻ
5 chàng rể Việt "tỏa sáng" sân cỏ V-League 2015
Việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hạn chế ngoại binh thi đấu ở sân chơi V-League, điều này khiến không ít chân sút ngoại phải lao đao tìm chỗ đứng. Hãy cùng TinTheThao.com.vn điểm lại những chàng rể Việt "tỏa sáng" sân cỏ V-League 2015.
1. Tiền đạo Diatabe (ĐTLA)
Bản hợp đồng "cuộc đời" ngày 14/1/2015 của tiền đạo Diatabe với tân nương Trúc Linh (Tiền Giang), như một điểm tựa giúp tiền đạo ĐTLA thi đấu thăng hoa tại V-League 2015. Chân sút Diatabe gia nhập bóng đá Việt Nam trong màu áo CLB Cần Thơ mùa bóng hạng nhất 2014. Tuy nhiên, với màn thể hiện ấn tượng ở đội bóng Tây đô, Lãnh đạo ĐTLA đã nhanh chóng có được chữ ký ở V-League 2015.
Thi đấu nhiệt tình năng nổ, cùng với bản năng "sát thủ" của mình, sau 25 vòng đấu, chàng rể Việt đã tỏa sáng với 14 bàn thắng giúp ĐTLA hoàn thành mục tiêu. Cùng với điểm sáng trên sân cỏ, Diatabe và Trúc Linh đang có một những tháng ngày hạnh phúc bên nhau trên dãi đất hình chữ S.
2. Tiền đạo Hoàng Vũ Samson (Hà Nội T&T)
Nhắc đến những ngoại binh thi đấu thành công tại V-League, có lẽ Hoàng Vũ Samson chính là cái tên có được nhiều thiện cảm nhất NHM bóng đá Việt Nam. Bởi ngoài sự hòa đồng, chuyên nghiệp trong lối sống, Samson còn để lại những con số cực khủng trên sân cỏ Việt Nam.
Bắt đầu sự nghiệp ở CLB Quảng Ninh ở mùa giải hạng nhất 2008-2009, Samson Kayode ghi 20 bàn thắng, 22 trận. Chuyển đến TĐCS. Đồng Tháp 2009-2011, tiền đạo này tiếp tục tỏa sáng với 43 bàn, sau 49 trận đấu. Hơn ba năm gia nhập Hà Nội T&T (2012-2015), Hoàng Vũ Samson đã 66 lần "nổ súng", sau 76 trận cho đội bóng thủ đô. Riêng V-League 2015, chàng rể Việt đã 14 lần công sau 25 vòng đấu.
Trước khi sang Việt Nam thi đấu, Hoàng Vũ Samson đã có vợ ở quê nhà, nhưng bất ngờ "sát thủ" V-League lại ghi bàn với một phụ nữ Việt. Có tiếng là hai vợ nhưng cuộc sống của Hoàng Vũ Samson luôn ngập tràn niềm vui, hạnh phúc bên tình yêu của mình.
3. Tiền đạo Đinh Hoàng Max (Than Quảng Ninh)
Đinh Hoàng Max tên thật Maxwell Eyerakpo, sinh năm 1986, cựu tiền đạo Ninh Bình kết duyên với Như Mai vào năm 2009. Bén duyên với bóng đá Việt Nam từ CLB Đồng Tháp, tiền đạo người Nigeria trôi dạt rất nhiều bên đỗ như Ninh Bình, Hà Nội T&T, Hải Phòng, Xuân Thành Sài Gòn, An Giang và hiện nay V-League 2015 là CLB Than Quảng Ninh.
Hiện tại sau 6 năm chung sống tại Việt Nam, "cô chủ nhỏ" Như Mai và Hoàng Max đã có một con trai và gái. Như vậy, sau 25 vòng đấu tại V-League 2015, Than Quảng Ninh đội bóng Hoàng Max đang khoác áo có được vị trí 5 đội mạnh nhất. Không kém cạnh những đồng đội như Quang Hải, Minh Tuấn, chàng rể Việt cũng đã bảy lần "xé lưới" đối phương, góp công vào thành tích chung đội bóng đất mỏ mùa này.
4. Tiền đạo Suleiman (QNK Quảng Nam)
Trong số những chàng rể Việt "tỏa sáng" ở V-League 2015, có lẽ Suleiman là người cùng cực nhất. Tuy nhiên, bằng sự chuyên nghiệp nỗ lực của chính bản thân, tiền đạo đang khoác áo QNK Quảng Nam đã "hồi sinh" đúng lúc cùng với Patyo tạo nên mùa giải thành công với bóng đá xứ Quảng.
Không đạt hiệu suất cao như người đồng đội Patyo, nhưng tân lang của Ngọc Trinh đã 10 lần "nổ máy" tại V-League 2015. Sau hai năm hẹn hò, (9/1/2013) Suleiman đưa nàng về dinh. Ngọc Trinh sinh năm 1987 là giáo viên dạy thể dục thẩm mỹ. Hiện tại cả hai đang có những tháng ngày hạnh phúc cả trong sự nghiệp lẫn thành công trên sân cỏ.
5. Trung vệ Van Bakel (Thanh Hóa)
Sau một mùa giải thi đấu khá thành công cùng đội bóng thuộc hạng trung ở V-League là Đồng Nai, mùa giải 2014 Van Bakel chính thức khoác áo đội bóng xứ Thanh. Ngay ở mùa bóng đầu tiên, trung vệ người Hà lan đã cùng Thanh Hóa giành HCĐ.
Mùa bóng 2015, Thanh Hóa có rất nhiều cuộc "thay ngựa" từ HLV đến lãnh đạo đội bóng, nhưng Van Bakel vẫn cho thấy được sự ổn định của mình, trung vệ Hà Lan chính là bức tường thép trước khung thành thủ môn Vĩnh Lợi. Có giai đoạn FLC Thanh Hóa đã soán ngôi vị số một của Becamex Bình Dương ở V-League 2015, trong đó có công không nhỏ của chàng rể Việt này.
Được biết, Trung vệ người Hà Lan có mặt ở Việt Nam năm 2011, sau một lần thư giãn bên ly cafe, Van Bakel đã bị thu phục bởi vẻ đẹp và sự bốc lửa của DJ Myno (tên thật Nguyễn Thị Ngọc My). Tiếng sét ái tình đã đánh trúng cặp đôi trai tài gái sắc này. Sau ba năm chung sống, trung vệ người Hà lan và Ngọc My đã có "thiên thần nhỏ" vào tháng 10/2014 là David van Bakel tên tiếng Việt là Nguyễn David Hữu Lâm.
Theo TTVN