Nhẹ dạ dễ sa bẫy
Với “mác” Giám đốc Công ty CP Thương mại, dịch vụ và Đầu tư phát triển kinh tế Tây Bắc, Quách Huyền Thi đã dùng thủ đoạn lợi dụng ủy quyền để bán nhà và chiếm đoạt tiền của nhiều người. Vụ án còn là bài học cho những ai nhẹ dạ cả tin.
Quách Huyền Thi trước giờ nghe tòa tuyên án
Trước vành móng ngựa, Quách Huyền Thi (SN 1966), HKTT tại xã Kim Bình, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Công ty CP Thương mại, dịch vụ và Đầu tư phát triển kinh tế Tây Bắc có trụ sở ở số 94E đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội bị VKSNDTP Hà Nội truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS.
Theo cáo trạng, để có tiền chi tiêu cá nhân và trả nợ do làm ăn thua lỗ, Thi đã thông qua môi giới lập các hợp đồng ủy quyền tài sản để vay vốn cho những người có nhu cầu.
Theo đó, nạn nhân đầu tiên bị đối tượng cho “sập bẫy” là vợ chồng ông Phạm Văn Ba, trú ở Khu tập thể quân đội D77, thuộc xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm. Có nhu cầu vay 200 triệu đồng, ngày 5-7-2008, vợ chồng ông Ba theo Thi đến Phòng Công chứng số 5 Hà Nội lập hợp đồng ủy quyền tài sản để thế chấp vay vốn ngân hàng. Tài sản mà vợ chồng ông Ba giao cho đối tượng là các giấy tờ nhà, đất của ngôi nhà gia đình ông đang ở, tại địa chỉ trên.
Theo hợp đồng này, Quách Huyền Thi có toàn quyền thế chấp và định đoạt nhà, đất để vay tiền cho vợ chồng ông Ba. Sau khi có được các giấy tờ nhà, đất của vợ chồng ông Ba, Thi đã tự ý bán cho ông Nguyễn Đăng Sơn (trú ở phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, Hà Nội) với giá 400 triệu đồng. Đúng hẹn, ông Sơn tìm đến ngôi nhà của gia đình ông Ba thì mới vỡ lẽ không hề có chuyện mua bán nhà, đất thông qua Quách Huyền Thi. Điều đáng nói nữa là số tiền có được từ việc bán nhà, đất cho ông Sơn, đối tượng không hề đưa cho “khổ chủ” một đồng nào.
Luật sư bảo vệ quyền lợi của một bị hại trong vụ việc cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét vai trò, trách nhiệm của nhân viên phòng công chứng là thiếu sót. Bởi tại phiên tòa cũng như trong quá trình điều tra, người có quyền lợi liên quan đều khẳng định không được đọc lại nội dung ủy quyền trước khi ký kết nên mới dẫn đến việc bị cáo có cơ hội bán nhà của họ.
Cũng theo tài liệu truy tố, bằng thủ đoạn như trên, từ tháng 6-2008 đến 5-2009, Quách Huyền Thi còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 2 nạn nhân khác với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm hôm qua (2-3), bị cáo Thi khai, không thực hiện việc chuyển nhượng nhà và đất của các “khổ chủ” như cáo trạng truy tố mà chỉ thế chấp để vay tiền của các cá nhân với lãi suất từ 3.000 đến 8.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Khi tiến hành vay mượn tiền, giữa đối tượng và những người liên quan đã ký kết các hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất nếu đến hạn đối tượng không trả được. Bị cáo nại ra rằng, hợp đồng chuyển nhượng chỉ mang tính hình thức. Tuy nhiên, khi HĐXX yêu cầu đưa ra chứng cứ thì bị cáo… “lắc đầu”. Do đó, lời khai này không được chấp nhận.
Với tư cách người có quyền lợi liên quan, ông Phạm Văn Ba khai, khi ký hợp đồng ủy quyền tại phòng công chứng, văn bản này có cả những nội dung trái với mong muốn của vợ chồng ông. Cụ thể là Quách Huyền Thi được phép chuyển nhượng, cho tặng và định đoạt nhà, đất của gia đình ông. Thắc mắc, ông được nhân viên công chứng giải thích đó là những nội dung theo mẫu, bắt buộc phải thể hiện trong hợp đồng.
Vì vậy sau khi ký hợp đồng ủy quyền, vợ chồng ông Ba đã yêu cầu Thi viết giấy cam kết không được chuyển nhượng, cho tặng nhà và đất của mình mà chỉ được thế chấp để vay tiền ngân hàng. Tương tự, một số người có quyền lợi liên quan trong vụ án cũng khẳng định, bị Quách Huyền Thi và nhân viên công chứng “qua mặt” khi họ đến thực hiện hợp đồng ủy quyền.
Kết thúc phiên xét xử, chủ tọa phiên tòa tuyên phạt Quách Huyền Thi 15 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời tuyên vô hiệu tất cả các hợp đồng ủy quyền và hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất trong vụ án. Ngoài ra, bị cáo còn phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân.
Theo ANTD