Nhạy bén trước nhu cầu của du khách
Theo Sở Du lịch TPHCM, từ đầu năm đến nay, khách quốc tế đến TP đạt hơn 6 triệu lượt, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng doanh thu ngành du lịch 9 tháng năm 2019 đạt 108.300 tỷ đồng, hoàn thành 72,2% kế hoạch đề ra.
Chuẩn bị bước sang năm mới 2020, nhiều hãng lữ hành đang “tăng tốc” cho ra các sản phẩm du lịch ấn tượng nhằm thu hút khách.
Xây dựng sản phẩm hợp thị hiếu
Năm 2019, ngành hàng không chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu như Vinpearl Air, Vietravel Airlines, Vietstar… Những hãng hàng không mới được thành lập, cùng với các hãng hàng không thành lập trước đây, đều mở đường bay thẳng quốc tế. Các chuyến bay charter quốc tế tới Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… đã làm tăng đột biến lượng khách quốc tế vào mùa cao điểm của thị trường Inbound (đưa khách đến Việt Nam) trong thời gian qua.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Phú Dũng, Phó Giám đốc Khối du lịch quốc tế Lữ hành Saigontourist, cho biết tùy theo từng thị trường, Saigontourist sẽ tìm hiểu, nắm bắt xu hướng du lịch của khách để xây dựng sản phẩm tham quan phù hợp.
Du khách tham quan di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác ở huyện Cần Giờ, TPHCM.
Ngoài sản phẩm truyền thống, Saigontourist đang xây dựng các sản phẩm chuyên biệt phục vụ du khách quốc tế, như sản phẩm du lịch đường sông tham quan các điểm đến tại TPHCM và khu vực lân cận bằng tàu cao tốc gồm tour ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn (tour 2 – 3 giờ), tour tham quan địa đạo Củ Chi, Cần Giờ (TPHCM), tour tham quan Bình Dương, ĐBSCL; chương trình giao lưu với các nghệ nhân nổi tiếng, tham quan, trải nghiệm thực tế; các tour trải nghiệm khám phá Sài Gòn và khu vực lân cận bằng các phương tiện đặc biệt ( xe Vespa cổ)…
Cách nay vài ngày, một số khách sạn 5 sao của TPHCM đã giới thiệu nhiều món ăn đặc sản địa phương tới khách quốc tế, tạo thêm nhiều trải nghiệm thú vị về thưởng thức ẩm thực để khách ở lại lâu hơn. Chẳng hạn, khách sạn Grand Saigon đưa các món ăn dân dã, đặc sản nhiều vùng miền vào thực đơn, như: hủ tiếu Mỹ Lồng (Bến Tre); bánh hỏi thịt nướng, cháo lòng Gò Công (Tiền Giang); hủ tiếu bắp chìa Đắk Lắk; súp lươn Nghệ An…
Đa dạng hóa thu hút nguồn khách quốc tế
Để đa dạng hóa thu hút nguồn khách du lịch quốc tế, các hãng lữ hành sẽ tăng cường tham gia hội chợ, roadshow du lịch tại các thị trường trọng điểm. Tiêu biểu như Hội chợ ITB tại Đức, IFTM Top Resa (Pháp), MITT (Nga), UITT (Ukraine), Cruise Shipping Miami (Mỹ)… vì đây là cơ hội để đẩy mạnh hoạt động tiếp thị và quảng bá thương hiệu nói riêng, ngành du lịch Việt Nam nói chung đến các thị trường quốc tế. Song song đó là củng cố, phát triển thị trường du lịch truyền thống, trọng điểm như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương…; mở rộng mạng lưới đối tác tại các khu vực, thị trường du lịch nhiều tiềm năng như Đông và Trung Âu, khu vực Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương, châu Phi, Nam Mỹ…
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019, lượng khách đến từ khu vực châu Á tăng mạnh và chiếm gần 80% trong tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam; trong số này, khách đến từ Thái Lan tăng tới 146%.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông – Marketing TST Tourist, chia sẻ công ty đang đầu tư nhiều hơn nữa cho thị trường khách đến từ các quốc gia châu Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Ấn Độ, thị trường có số dân số lớn thứ 2 trên thế giới và có dòng khách cao cấp với mức chi tiêu cao.
Video đang HOT
Những sản phẩm được giới thiệu, tập trung vào tour trải nghiệm, khám phá văn hóa, ẩm thực bằng chất lượng dịch vụ cao cấp… Ví dụ, cũng là tour du lịch Đông Bắc, Tây Bắc nhưng khách không phải “cưỡi ngựa xem hoa” cho vui, mà được trải nghiệm ẩm thực, lối sống bản địa của đồng bào dân tộc vùng cao một cách chân thực, sinh động…
Xu hướng du lịch tự túc đang ngày càng nhiều. Du khách tự tìm hiểu thông tin, tự tổ chức các chuyến du lịch, tự đặt vé máy bay, đặt trực tiếp khách sạn hoặc qua các trang web bán phòng trực tuyến. Nhìn nhận về xu hướng này, ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho rằng song song với lượng khách đoàn thì đối tượng khách đi lẻ cũng rất tiềm năng, mang lại nguồn thu đáng kể nếu ngành du lịch biết cách khai thác và đáp ứng nhanh chóng, nhạy bén trước sự biến đổi nhu cầu của khách hàng và thị trường.
THI HỒNG
Theo saigondautu.com.vn
Vào rừng tràm Trà Sư, mục sở thị cây cầu tình yêu bằng gỗ có một không hai tại Việt Nam
Rừng tràm Trà Sư nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Rừng tràm Trà Sư đẹp nhất vào mùa nước nổi từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, du khách sẽ được ngồi trên những chiếc nghe, thuyền để lướt nhẹ trên mặt nước. Nếu đi vào mùa khô, du khách sẽ được thấy rất nhiều tổ chim, nhiều loài chim kêu ríu rít.
Khách đến thăm rừng tràm Trà Sư, mỗi lúc lại thêm ngỡ ngàng và thích thú vì được nhận ra bao điều kỳ diệu của thiên nhiên mà cây rừng đang gìn giữ trong sắc lá và hương tràm ngào ngạt.
Những chiếc ghe, thuyền mảnh mai rẻ vạt bèo xanh đưa ta đi theo những con kinh ngang dọc xuyên rừng, dưới những hàng tràm thẳng thắp rợp mát và tĩnh lặng.
Bước chân xuống thuyền, du khách đã cảm nhận ngay được một không khí trong lành, thoáng đãng và yên tĩnh nơi đây. Khi thuyền nhẹ lướt trên mặt nước, giữa những hàng cây cao vút hai bên, có lẽ, tất cả mọi bộn bề của cuộc sống đều lắng xuống, để cho mọi giác quan của con người được dịp phát huy, tận dụng.
Cây cầu tình yêu dài hàng trăm mét len lỏi giữa khu rừng tĩnh lặng, xanh ngát đang là điểm nhấn hấp dẫn của rừng tràm Trà Sư
Tham quan rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức các món ăn đặc sản mùa nước nổi miền Tây sông nước mà không vùng đất nào có được như: Lẩu cá linh nấu bông điên điển; cá linh chiên giòn, chuột đồng quay lu; đọt choại, dương sỉ luộc... Một bữa ăn mang đậm hương vị miền Tây và rất dân dã giữa khung cảnh thơ mộng của khu rừng này, chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên đối với du khách.
Điều đặc biệt ở khu du lịch rừng tràm Trà Sư đó là việc các hướng dẫn viên du lịch sẽ kiêm luôn việc chèo ghe, thuyền phục vụ du khách. Các hướng dẫn viên này gần như 100% là người dân bản địa, vì vậy họ rất am hiểu về khu rừng này, đồng thời cách nói chuyện, giao tiếp với du khách cũng rất chân phương, mộc mạc, dễ gây thiện cảm.
Rừng tràm Trà Sư rộng 845 hecta, thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên; là nơi sinh sôi của nhiều loại cò, dơi và rất nhiều loài chim, thú quý hiếm như: Giang sen, cò Ấn Độ, cò lạo, điêng điểng... Rừng có 140 loài thực vật, 11 loài thú, 22 loài bò sát, 23 loài cá có cả cá đen và cá trắng.
Đứng trên đài quan sát cao 25 mét, ta có thể nhìn toàn cảnh rừng Trà Sư với những cánh cò trắng điểm xuyến cho thảm xanh của cây lá bạt ngàn. Khi hoàng hôn xuống, đàn cò bay về đậu trên những vạt rừng như những dải lụa phơi trên đầu cây. Nếu dùng kính viễn vọng ta có thể nhìn xa tới 25 kí-lô-mét, trông qua núi Cấm với tượng Phật Di Lặc chễm chệ trên sườn núi.
Theo quy hoạch phát triển du lịch tại rừng tràm Trà Sư của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, tới đây, rừng tràm này sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn du khách như bơi thuyền kayak khám phá rừng tràm theo sơ đồ tuyến, câu cá giải trí, trải nghiệm nuôi và thu hoạch mật ong dưới tán rừng, tham quan và mua sắm tại khu sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ tràm, tham gia thu hoạch các sản vật từ rừng, trải nghiệm ngủ tại rừng và tham gia các trò chơi dân gian tại khu cắm trại.../.
Vi Phong
Theo toquoc.vn
Lạc vào "cõi mơ" Y Tý Khi nào trời chuyển gió mùa/ Thì lên Y Tý, Tà Xùa săn mây..." Thời điểm này trời cũng đang chuyển gió mùa, đưa Y Tý vào mùa du lịch. Nằm ở phía Tây của huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), Y Tý ở trên vùng núi cao 2000m. Đây là một trong 10 địa điểm "săn mây" nổi tiếng nhất của giới...