Nhật Úc Ấn liên thủ, Trung Quốc vùng vẫy thế nào?
Ấn Độ tiếp tục chi hàng tỉ USD mua sắm vũ khí, Nhật Bản- Australia hợp tác quân sự, liệu Trung Quốc còn lớn tiếng?
Chính sách đi đôi với hành động
Vừa qua, Chính phủ mới của Ấn Độ đã quyết định chi 3,5 tỉ USD để hiện đại hóa sức mạnh quốc phòng. Số tiền này được sử dụng vào hai mục đích, trước mắt là nâng cấp các khí tài đã có phần lạc hậu, đồng thời hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng đủ sức cạnh tranh với thế giới.
Đồng thời, hồi đầu tháng 7/2014, New Delhi tuyên bố tăng 12% chi tiêu quân sự cho ngân sách hàng năm, với mục tiêu nâng cao khả năng chiến đấu và hiện đại hóa tất cả các binh chủng. Có thể thấy rằng Ấn Độ đang rất quyết tâm và muốn thúc đẩy nhanh nhất có thể việc vươn tới danh phận là một cường quốc quân sự của thế giới.
Vì sao Ấn Độ phải gấp rút gia tăng sức mạnh quân sự như vậy? Xin chỉ một vài lý giải như sau:
Thứ nhất, đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ tăng ngân sách quốc phòng, nhưng là lần thể hiện quyết tâm nhất khi mọi khoản chi đều được thông qua chớp nhoáng, thay vì để dây dưa từ năm tài khóa này sang năm tài khóa khác. Và nguyên nhân chủ yếu, người láng giềng Trung Quốc đã không cho Ấn Độ có thêm thời gian.
Quân đội Ấn Độ đang có dấu hiệu của sự xuống cấp, đặc biệt ở bộ binh và các lữ đoàn trọng pháo
Sức mạnh không ngừng gia tăng của Trung Quốc và tấm bản đồ đường 10 đoạn vừa được công bố hồi tháng 6 vừa qua, có kèm theo một phần lãnh thổ của Ấn Độ bị vẽ thuộc chủ quyền của Trung Quốc đã cho thấy dã tâm của người láng giềng này. Điều này lý giải vì sao Ấn Độ còn huấn luyện quân sự cho nhân dân của mình ở sát biên giới với Trung.
Đồng thời, những hành động trên Biển Đông của cường quốc này là tiếng chuông cảnh tỉnh với Ấn Độ. New Delhi hiểu rằng, nếu không mạnh lên nhanh chóng, sẽ có lúc chính họ không kịp trở tay với người hàng xóm tham lam và ngoài vòng pháp luật này.
Video đang HOT
Ngoài ra, vấn đề mâu thuẫn truyền kiếp với Pakistan cũng khiến Ấn Độ phải đề phòng, trong bối cảnh quốc gia này cũng đang gia tăng sức mạnh và ngày càng xiết chặt tay với Trung Quốc. Bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia là nguyên nhân cơ bản nhất, xuyên suốt nhất khiến Ấn Độ phải nhanh chóng mua sắm vũ khí.
Thứ hai, những hành động gia tăng sức mạnh quốc phòng này được thông qua nhanh chóng trong bối cảnh Tân Thủ tướng Narendra Modi vừa nhậm chức hồi tháng 5/2014.
Thủ tướng Narendra Modi hứa sẽ “mạnh tay” hơn với Trung Quốc
Ngay sau khi nhậm chức, ông Modi đã ra chiến lược hướng biển, trong đó có yếu tố quân sự. Ông Modi chủ trương hiện đại hóa sức mạnh hải quân, kết hợp tác chiến không quân – hải quân hiện đại, đẩy mạnh khả năng bảo vệ vùng biển chủ quyền cũng như lợi ích của quốc gia trong vùng biển lân cận.
Và với chính sách này, ông Modi đã cho thấy với Ấn Độ, mối lo với Trung Quốc không chỉ đến từ đường biên giới trên bộ mà còn cả chủ quyền lãnh hải và lợi ích kinh tế từ tuyến đường hàng hải Đông – Tây.
Người dân Ấn Độ khi bầu cho ông Modi đều gửi gắm tâm nguyện cần có những biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc. Công việc còn rất nhiều, và để chứng minh mình không phải là kẻ hứa xuông hay nói khoác, cũng là một cách để bảo vệ quyền lực mới nắm của mình, Thủ tướng Modi buộc phải có những bước đi cụ thể và gấp rút về chính sách quốc phòng.
Thứ ba, Ấn Độ đang muốn tìm kiếm một vị thế mới trên cộng đồng quốc tế, và không chỉ có “củ cà rốt” là sức mạnh của nền kinh tế, quốc gia này cần có một “cây gậy” đủ để răn đe sói ngoài hàng rào và lùa những con cừu thành bầy trong chuồng của mình.
Các vũ khí hiện đại tự sản xuất trong nước của Ấn Độ
Thứ tư, xuất khẩu vũ khí quả thực là một món hời mà mọi quốc gia có nền kinh tế, khoa học phát triển đều muốn hướng tới. Các ông lớn như Nga, Mỹ vẫn giữ được vai trò điều tiết và phân luồng thị trường này, nhưng cũng chen chân vào đó là những cái tên nhỏ hơn như Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, Trung Quốc, EU… Và không có lý do gì Ấn Độ không tham gia vào cuộc chơi này.
Ngoài ra, việc sở hữu công nghệ quân sự hiện đại cũng góp phần tiết kiệm đáng kể, giảm chi phí quốc phòng của quốc gia này, trong bối cảnh họ phụ thuộc vào 70% sản phẩm vũ khí của Nga hoặc Mỹ.
Ấn – Nhật – Úc sẽ bắt tay?
Đó là câu chuyện về khát vọng và mục đích muốn hiện đại hóa sức mạnh của quân đội Ấn Độ. Tuy nhiên, câu chuyện đó không của riêng Ấn Độ.
Nhìn rộng hơn về phía Thái Bình Dương, Nhật Bản và Úc cũng đang viết chung một câu chuyện như vậy. Trong đó, Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng nhất với Ấn Độ. Họ cùng chung một kẻ thù, chủ quyền của họ cũng nằm trong tấm bản đồ 10 đoạn đầy tham vọng của Trung Quốc.
Và hiện tại, Nhật Bản đang nỗ lực lấy lại sức mạnh và quyền chủ động trong chiến tranh của mình thông qua việc sửa đổi Hiến pháp, gia hạn vai trò quân đội, phê duyệt quyền phòng vệ tập thể và đầu tư nhiều tiền của để nhanh chóng hiện đại hóa quân đội. Và lý do để họ đất nước mặt trời mọc bùng nổ như vậy, tất cả chỉ vì mối đe dọa từ chính người hàng xóm tham lam.
Sau khi phê duyệt một loạt khoản chi tiêu cho quân đội, cuối tháng 8 này Thủ tướng Modi sẽ đi Nhật, đất nước đầu tiên ông công du khi nhậm chức. Động thái này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của New Delhi dành cho Tokyo.
Quân đội Nhật Bản tập trận đổ bộ tái chiếm đảo
Còn nhớ trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Modi đã nhắc đến khả năng sẽ thay đổi quan điểm không liên minh của Ấn Độ nếu cần thiết. Những gì Trung Quốc thể hiện đã khiến chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng đã đến lúc Ấn Độ cần thay đổi lập trường, và rất có thể người bạn đồng hành đầu tiên của họ sẽ chính là Nhật Bản.
Còn câu chuyện của Úc. Dù không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng hành động vừa qua khi quốc gia châu Á này đưa hải quân đến cực Nam Biển Đông và tuyên bố chủ quyền tại bãi cạn James của Malaysia, Úc đã thực sự giật mình.
Thực chất, Thủ tướng Úc Tony Abbott sau khi đăng quang đã phát động một số chính sách đề phòng dã tâm Trung Quốc, từ việc giữ nguyên các căn cứ quân sự của mình, cho phép Mỹ gia tăng quân số ở đây, cho đến áp đặt mức thuế mới vào khoáng sản với Trung Quốc…
Từ trái qua phải: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Úc Tony Abbott
Nhưng đến thời điểm hiện tại, ông Tony Abbott đã đi một nước cờ xa hơn, cẩn thận hơn ngoài việc liên minh với Mỹ, còn liên minh tay đôi với Nhật Bản, cùng Nhật hợp tác quốc phòng, phát triển vũ khí.
Một hướng khác, Mỹ đang không ngừng lôi kéo Ấn Độ về đội của mình. Nếu quả thực nỗ lực này thành công, một liên minh với sức mạnh bậc nhất hành tinh sẽ được hình thành với một trục từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, có thể kể tên như sau Ấn Độ – Philippines – Hàn Quốc – Nhật Bản – Úc – Mỹ.
Và nếu như Trung Quốc tính giở trò với một trong các quốc gia đó, có lẽ họ sẽ tan tành sụp đổ trước khi kịp để cho những quốc gia đó thấy sự hiện diện của mình.
Thiên triều của nhà Thanh đã chấm dứt bằng 100 năm đen tối phủ phục dưới trướng của các cường quốc. Và đến hôm nay, Thiên triều mà Tập Cận Bình mơ ước cũng đang phải đối mặt với sự phản ứng của hàng chục quốc gia từ lớn đến nhỏ, từ trong khu vực cho đến quốc tế.
Theo Đất Việt