Nhật từng tính sơ tán Tokyo trong thảm họa hạt nhân
Trong giờ khắc đen tối nhất của sự cố hạt nhân vào năm ngoái, các lãnh đạo Nhật đã bí mật cân nhắc khả năng sơ tán thủ đô Tokyo, theo một ủy ban độc lập trong hôm nay, 28.2.
Kịch bản tồi tệ nhất được chính phủ Nhật dự đoán khi cuộc khủng hoảng ở nhà máy Fukushima nổ ra là Tokyo sẽ bị nhấn chìm bởi một loạt các vụ nổ hạt nhân, theo AFP.
Ủy ban cũng cho biết Nhật đã che giấu các thông tin về nguy cơ tại nhà máy điện Fukushima với người dân và cả nước Mỹ đồng minh.
Các nhân viên của Công ty TEPCO giải thích tình hình tại nhà máy Fukushima cho giới nhà báo vào ngày 28.2.2012 – Ảnh: AFP
Trong báo cáo ngày 28.2, ủy ban điều tra các sự kiện xung quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân cho biết khi tình hình tại nhà máy hư hại do trận động đất, sóng thần ngày 11.3.2011 trở nên tồi tệ, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã muốn bỏ nhà máy và sơ tán công nhân.
Tuy nhiên, ông Naoto Kan, Thủ tướng Nhật khi đó, đã ra lệnh cho công ty giữ các công nhân ở lại nhà máy. Các công nhân được mệnh danh là nhóm “Fukushima 50″ đã được ca ngợi nồng nhiệt cả trong và ngoài nước nhờ việc đánh liều sinh mạng để kiềm chế cuộc khủng hoảng.
Video đang HOT
Các chuyên gia kết luận rằng nếu vị thủ tướng không cứng rắn, cuộc khủng hoảng ở nhà máy Fukushima sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, kéo theo những hậu quả thảm khốc.
Người đứng đầu ủy ban Koichi Kitazawa phát biểu với Reuters: “Lúc này, TEPCO nói họ không yêu cầu rút toàn bộ công nhân mà chỉ đề nghị rút một phần. Sự thật có thể sẽ không bao giờ được tiết lộ song nhờ việc này, 50 nhân viên của TEPCO đã ở lại đó và… kịch bản tồi tệ nhất đã được ngăn chặn”.
Ủy ban điều tra đã phỏng vấn hơn 300 người kể từ tháng 9 năm ngoái, bao gồm ông Kan, Bộ trưởng Công thương lúc bấy giờ Banri Kaieda và Chánh văn phòng nội các Yukio Edano.
Chính phủ của ông Kan, TEPCO và các nhà quản lý hạt nhân đã bị chỉ trích dữ dội vì cách phản ứng lúng túng với cuộc khủng hoảng và sự thiếu minh bạch trong việc cung cấp thông tin.
Ông Edano thừa nhận rằng ông đã sợ điều tồi tệ nhất sẽ đến trong các ngày 14 và 15.3. Tuy nhiên, ông bảo vệ sự im lặng của mình trên tư cách người phát ngôn của chính phủ.
Ông nói: “Tôi chia sẻ mọi thông tin. Khi đó, tôi không ở vào vị trí có thể phát biểu một cách vô trách nhiệm về ấn tượng cá nhân và cảm giác của mình về cuộc khủng hoảng. Tôi truyền đạt các đánh giá và quyết định của chính phủ, các cơ quan chính phủ và chuyên gia”.
Báo cáo của ủy ban tường thuật rằng một số cách hành xử có vẻ như khó hiểu của ông Kan xuất phát từ niềm tin rằng TEPCO chuẩn bị bỏ nhà máy và sự cố sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
“Khi xét đến sự hiện diện của một kịch bản tồi tề nhất, chúng tôi bắt đầu hiểu một số hành động của ông Kan mà lúc đầu có vẻ như không thể giải thích”, ông Kitazawa nói.
Theo Thanh Niên
Nhiệt độ lò phản ứng nhà máy Fukushima tăng cao
Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) ngày 12/2 cho biết nhiệt kế của lò phản ứng số 2 Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 tăng lên 82 độ.
TEPCO cho rằng nhiều khả năng nhiệt kế bị hỏng bởi công tác làm mát lò phản ứng vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, cũng không phủ nhận khả năng nhiệt độ tăng thật sự nên để tiến hành làm mát lò, nhà máy đã cho đổ thêm nước vào lò phản ứng lúc 3 giờ 30.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. (Nguồn: khoahoc.com.vn)
Theo TEPCO, nhiệt độ đo được của một trong số 3 nhiệt kế đặt dưới đáy lò đã chỉ mức 82 độ C vào thời điểm 2 giờ 15 phút.
Kế từ tháng 12/2011, TEPCO tuyên bố lò phản ứng đã đạt "trạng thái ngừng làm lạnh" - ám chỉ trạng thái ổn định của lò phản ứng. Và nhiệt độ đo được hiện nay là ở mức tối đa của trạng thái ngừng làm lạnh.
Với tuyên bố về "trạng thái ngừng làm lạnh," TEPCO không phải thực hiện theo quy định của Cơ quan An toàn Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (NISA) về nguyên tắc quản lý vận hành lò phản ứng như việc phải bảo đảm nhiệt độ dưới 80 độ C.
Việc vượt quá ngưỡng 2 độ C này đã được TEPCO báo cáo lên NISA/.
Theo TTXVN
Nhật mời phóng viên vào nhà máy điện hạt nhân Giới chức Nhật Bản đưa một nhóm phóng viên vào bên trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima I hôm nay để chứng minh Tokyo đã kiểm soát cuộc khủng hoảng hạt nhân. Các chuyên gia phóng xạ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế quan sát lò phản ứng số 3 trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima I tại...