Nhật tự quyết chiến lược đối phó Trung Quốc, Mỹ phật lòng?
Mạnh miệng tuyên bố bảo vệ đồng minh Nhật Bản nhưng dường như Mỹ muốn tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc. Tokyo phải làm gì trong tình huống này?
Tuy tuyên bố sẽ bảo vệ đồng minh nhưng Mỹ muốn tránh đối đầu với Trung Quốc?
Mối quan hệ phức tạp ở Đông Bắc Á: Khởi đầu đường lối tự chủ của Nhật Bản
Thời gian qua, Mỹ có phần không hài lòng với chính sách độc lập của Nhật Bản khi Tokyo tự ý nới lỏng lệnh cấm vận đối với Bình Nhưỡng mà không thông qua Washington. Cú bắt tay Nhật – Triều có phải là điểm khởi đầu cho một Nhật Bản tự chủ hơn trong các quyết định chiến lược, dần thoát khỏi cái bóng của Mỹ?
Tokyo vừa tuyên bố tự dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt chống Bình Nhưỡng để đổi lấy nhượng bộ trong vấn đề các cơ quan đặc nhiệm Triều Tiên đã bắt cóc công dân Nhật Bản. Nhưng hãng thông tấn Kyodo đưa tin, Washington không chấp thuận kế hoạch này, do đó ý định của ông Abe sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn.
Mỹ cảnh báo Nhật Bản rằng chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe đến Bình Nhưỡng đự định tổ chức trong thời gian tới chắc chắn sẽ phá vỡ sự thống nhất trong quan điểm của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chọc thủng “lưới bao vây Triều Tiên” mà Nhật-Mỹ-Hàn đã dày công xây dựng.
Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, Nhật Bản “không nên một mình tiến lên phía trước”. Rõ ràng là Hoa Kỳ – đối tác chiến lược chính của Nhật Bản – muốn ngăn chặn bất kỳ nỗ lực tự quyết của Tokyo khi thực hiện những bước đi chiến lược trong khu vực.
Ông Valery Kistanov, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn đông Nga đã từng nói: “Hành động của chính phủ Nhật Bản cho thấy rằng, ông Abe dự định tiếp tục thực hiện các bước đi độc lập mà theo quan điểm của ông, đó là những hành động phục vụ lợi ích của Nhật Bản. Nhưng Washington rõ ràng không hài lòng với điều đó”.
Video đang HOT
Dễ dàng nhận thấy là đối với Tokyo, sự việc trong quá khứ là các công dân Nhật Bản bị bắt cóc là vấn đề mang tính nguyên tắc. Điều trớ trêu là trong khi Hoa Kỳ luôn luôn đấu tranh vì người Mỹ ở bất cứ nơi nào thì Nhật Bản không hiểu tại sao Washington lại luôn muốn ngăn cản Tokyo hành động vì công dân của mình.
Trước đây, Tokyo tuyên bố họ sẽ hoạt động theo theo nguyên tắc “hành động tương xứng hành động” trong quan hệ với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Trong khuôn khổ các cuộc đàm phán 6 bên, Nhật Bản đã nêu lên vấn đề này, nhưng Mỹ cương quyết không cho đồng minh của mình được làm như vậy.
Washington đã yêu cầu Tokyo phải thảo luận kỹ lưỡng với Hoa Kỳ và Hàn Quốc trước khi thực hiện các bước đi của mình, chứ không phải là chỉ “báo cáo vào giây phút cuối cùng”. Tuy nhiên, dù Nhật Bản không có quan hệ ngoại giao chính thức với Triều Tiên, nhưng Tokyo cũng có các kênh liên lạc cá nhân.
Sau khi chính phủ ông Abe lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ 2, Nhật Bản đã âm thầm nối lại quá trình này. Có thể nhận định là hai bên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong vấn đề công dân bị bắt cóc, vì thế nảy sinh nhu cầu ông Abe cần phải thực hiện chuyến đi Bình Nhưỡng để mang tới những bước tiến mới.
Nhà Trắng rõ ràng là không hài lòng khi thấy rằng, trong khi ông Abe cam kết tăng cường liên minh chiến lược với Mỹ, thì Tokyo lại có cái nhìn riêng về tình hình trong khu vực. Và thậm chí bắt đầu thực thi đường lối chính trị mà không có sự chấp thuận của Washington, dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, sáng kiến của Tokyo trong quan hệ với Bình Nhưỡng là phản ứng của ông Abe với việc Bắc Kinh và Seoul “tái lập quan hệ chống Nhật Bản”. Chuyến thăm của ông Tập đến Hàn Quốc không ngoài mục đích kêu gọi Seoul cùng đấu tranh với Tokyo trong các vấn đề lịch sử, đồng thời xây dựng mạng lưới bao vây xung quanh nước này.Còn Bộ ngoại giao Hàn Quốc cũng tán đồng quan điểm của Mỹ khi tuyên bố, bất cứ biện pháp nào của Tokyo nhằm xóa bỏ một phần chế tài đối với Bình Nhưỡng cần được tiến hành một cách minh bạch và phải được thực hiện trong khuôn phép, không gây ảnh hưởng đến hợp tác Mỹ-Hàn-Nhật-Triều về vấn đề hạt nhân.
Trong bối cảnh tình hình ở Đông Bắc Á ngày càng phức tạp và rối ren, chuyến thăm lần này có ý nghĩa ngoại giao và mang tính biểu trưng vô cùng quan trọng. Nói trắng ra là ông Tập Cận Bình muốn thúc đẩy Hàn Quốc ngày càng tiến sát hơn với Trung Quốc.
Kim ngạch thương mại song phương Trung-Hàn lên tới 270 tỷ USD và mối quan hệ lạnh nhạt giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã mở ra một viễn cảnh Trung Quốc có thể làm giảm ảnh hưởng của Mỹ, ngăn cản mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với Mỹ-Hàn trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, chia rẽ khối đồng minh Mỹ-Hàn-Nhật.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Evans J.R.Revere cũng đưa ra nhận định, chuyến thăm Hàn Quốc của ông Tập thời gian qua thể hiện ý đồ “cơ cấu lại” bản đồ ngoại giao khu vực này một lần nữa của Trung Quốc, điều này rõ ràng là làm Nhật cảnh giác và có những điều chỉnh chiến lược trong đường lối đối ngoại.
Tuy nhiên, nhiều học giả Nhật cũng đã từng tuyên bố thẳng thừng là, tuy Mỹ đang giúp Nhật ngăn chặn Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, theo những những điều khoản được quy định chặt chẽ trong “Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ”, nhưng dường như Washington đang muốn tránh xung đột quân sự với Bắc Kinh.Tuy nhiên, Washington đang quan tâm nhiều hơn tới việc Tokyo có thể vượt trước họ trong vấn đề thành lập quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng. Việc Nhật Bản bãi bỏ dù chỉ một phần các biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên cũng sẽ làm Hoa Kỳ cảm thấy khó chịu vì không còn giữ địa vị chi phối trong giải quyết các sự vụ ở Đông Bắc Á.
Nhật Bản phải tự chủ trước Mỹ để lãnh đạo khối đồng minh đối phó Trung Quốc
Chuyên gia về Nhật Bản Victor Pavlyatenko cho biết: “Trong mối quan hệ đồng minh với Tokyo, Washington luôn tập trung ưu tiên lợi ích quốc gia riêng của mình, chứ không phải lợi ích của các đồng minh. Vì vậy, đã từ lâu Nhật Bản muốn tái khẳng định sự độc lập về chính trị của họ”.
Giáo sư Katsumi Sugiyama của Đại học Meikai (Meikai University) – Nhật Bản cũng đã từng đưa ra lời cảnh cáo là chiến lược chuyển trọng tâm nhằm vào Trung Quốc, Washington dường như không có ý định đối đầu với Bắc Kinh để bảo vệ Tokyo. Điều này thể hiện trong những hành động thực tế chứ không phải là những tuyên bố sáo rỗng của Hoa Kỳ.
Đánh giá khách quan là trong 100 năm qua, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ xấu đi. Ngay cả trong những vấn đề nhạy cảm đối với Nhật Bản là các cuộc thăm viếng đền Yasukuni (Yasukuni Shrine) và vấn đề nô lệ tình dục trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Mỹ cũng có “nhận thức chung” và ủng hộ quan điểm của Trung Quốc – Hàn Quốc.
Trong quá khứ, Washington từng nhận định Bắc Kinh là “Kẻ cạnh tranh chiến lược” và luôn theo dõi sát sao sự bành trướng mạnh mẽ của Trung Quốc nhưng hiện nay lại coi Bắc Kinh là “Người cùng chung lợi ích”, đối xử với Trung Quốc chả khác gì những đồng minh thân thiết của mình.Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh một mặt tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ, mặt khác không ngừng đẩy mạnh chiến lược quân sự hướng biển “chống tiếp cận/Khu vực cấm”. Điều này làm cho quan hệ giữa 2 bên mang tính chất “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, khiến Mỹ không thể mạnh tay đối phó với Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã từng cao hứng phát biểu: “Nếu 2 cường quốc lớn nhất thế giới chúng ta đều quan tâm đến mọi vấn đề của cộng đồng quốc tế thì sẽ mang lại hiệu quả tương hỗ rất lớn”. Đây có phải là thông điệp mà Mỹ muốn chuyển đến cho Trung Quốc là “đã đến lúc Mỹ và Trung Quốc cùng phân chia thế giới” hay không?
Đi xa hơn nữa, tạp chí SAPIO của Nhật từng đưa ra nhận định, đến giữa thập niên 20 của thế kỷ này, Washington sẽ dỡ bỏ hệ thống phòng thủ ở Đông Á, cùng Trung Quốc chia sẻ quyền thống trị châu Á – Thái Bình Dương. Điều này chưa hẳn đã đúng nhưng viễn cảnh này chắc chắn sẽ được giới chức lãnh đạo Bắc Kinh đón nhận một cách hào hứng.
Trong bối cảnh quan hệ với Hàn Quốc đang xấu đi, “người anh cả” không có những động thái rõ ràng và quyết liệt trước Trung Quốc, ông Abe muốn để 2 nước này thấy rõ rằng, ông cũng có những đòn bẩy ảnh hưởng đến Triều Tiên – quốc gia không chỉ có quan hệ thù địch với Hàn Quốc và đang dần thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nếu Tokyo làm được như vậy, họ sẽ không chỉ cải thiện quan hệ với nước láng giềng từng gây nhiều khó khăn cho họ, mà còn sẽ nâng cao vị thế của mình trong khu vực với tư cách là một chủ thể giải quyết các mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên chứ không phải chỉ là “một bên tham gia giải quyết”.Một mặt, chính phủ Nhật Bản tìm cách củng cố liên minh Nhật-Mỹ để đối phó với nguy cơ đe dọa từ phía Trung Quốc. Mặt khác, có thể nhận định rằng Tokyo không còn phục tùng vô điều kiện Washington. Người Nhật còn nhớ rõ “Cú sốc Nixon” khi vào thập niên 70 của thế kỷ trước, Hoa Kỳ và Trung Quốc bất ngờ hòa giải mà bỏ qua Nhật Bản.
Liệu đây chỉ là một sự kiện bộc phát, thể hiện sự bất bình của Tokyo trước thái độ lừng khừng, nhũn nhặn trong giải quyết các mâu thuẫn Trung Quốc-Nhật Bản hay là có một cột mốc quan trọng, đánh dấu thời điểm nền ngoại giao Nhật Bản đột nhiên “tỉnh dậy từ cơn mê”, thoát khỏi “cơn bóng đè Washington”?
Tuy điều này là rất khó khăn nhưng nếu ông Abe quyết tâm hành động trong vấn đề này, không lệ thuộc vào quan điểm của Hoa Kỳ, thì đó không phải chỉ là chiến thắng của riêng ông mà nó là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình quan trọng của một đường lối chính trị và đối ngoại tự chủ, độc lập hơn với Mỹ.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, chừng nào còn quá phụ thuộc vào Washington, Tokyo sẽ không thể có những quyết định mạnh mẽ khi đối đầu với Bắc Kinh. Thời gian sẽ cho thấy liệu có thể có “cú sốc Abe” hay không, nhưng giới quan sát đang hy vọng đây là sự khởi đầu của xu hướng độc lập trong chính sách của Nhật Bản.
Lúc đó, “người anh cả” Hoa Kỳ sẽ chỉ giữ vai trò một “cố vấn”, thậm chí là một “kẻ điều hòa lợi ích”, điều đó sẽ giúp họ không phải đối đầu trực tiếp, tránh tổn hại tới mối quan hệ “cùng có lợi” với Trung Quốc. Giao trọng trách cho Nhật cũng rất có lợi cho Mỹ trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, mà họ lại đang phải căng mình trên khắp thế giới.Để đối đầu một cách sòng phẳng với Bắc Kinh, Tokyo cần phải tự chủ trong các đối sách chiến lược, không chịu sự chi phối của những rào cản lợi ích trong mối quan hệ Trung-Mỹ. Khi đó, họ có thể sẽ trở thành một thế lực lớn, lãnh đạo một khối đồng minh đối phó Trung Quốc, tạo được áp lực đủ mạnh khiến Bắc Kinh phải chùn bước.
Địa vị lãnh đạo một khối đồng minh đối phó Trung Quốc đòi hỏi phải có những hành động cứng rắn và cương quyết, nó chỉ xuất phát từ một vị “chủ soái” có mâu thuẫn đối kháng trực tiếp kiểu như Trung-Nhật chứ không thể được đưa ra từ một lãnh đạo “cùng chung lợi ích” với đối thủ như Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là liệu Mỹ có hài lòng khi thấy Nhật Bản chia sẻ địa vị lãnh đạo khối đồng minh chống Trung Quốc hay không? Đây là một trải nghiệm không dễ đối với một cường quốc đã quen thống trị thế giới hơn nửa thế kỷ qua như Hoa Kỳ.
Có thể nhận định rằng, con đường Nhật Bản phải vượt qua để thoát khỏi cái bóng của Mỹ là rất gian nan. Tokyo sẽ vừa phải chống lại đối thủ hùng mạnh là Bắc Kinh, vừa phải lo dàn xếp ổn thỏa mối quan hệ với “đồng minh lớn” Washington, đồng thời cũng phải vượt qua cửa ải gian nan của tâm lý xã hội Nhật Bản.
Điều này quả thực không dễ. Liệu Nhật Bản có thành công?
Theo Đất Việt