Nhạt tình với Mỹ, Thái Lan quay sang Nga tìm mua vũ khí
Việc Thái Lan ngày càng xích lại gần với Nga và khả năng mua vũ khí từ Moscow ngày một cao, khiến Mỹ không khỏi e ngại.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (trái) cùng Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại Bangkok hồi năm ngoái. Ảnh: EPA
Theo Reuters, Thái Lan và Nga đang ngày càng trở nên thân thiết, trong khi quan hệ đối tác truyền thống giữa Washington và Bangkok đã trở nên nguội lạnh sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan tháng 5/2014.
Hai phó thủ tướng của Thái Lan sẽ tới thăm Nga vào ngày 23 – 27/2, chỉ ít tuần sau chuyến thăm Bangkok rất được chú ý hồi đầu tháng của Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrushev.
Quan chức cả hai nước cho biết, các cuộc đàm phán sẽ bao quát nhiều nội dung, từ thương mại đến hợp tác an ninh, trong bối cảnh Nga muốn nâng cao hơn nữa vị thế cường quốc tại châu Á.
Hầu hết sự chú ý thời gian qua dành cho mối quan hệ ngày một nồng ấm hơn giữa Thái Lan và Trung Quốc, bao gồm các cuộc bàn thảo về dự án đường sắt khổng lồ, cùng khả năng ký hợp đồng mua tàu ngầm Trung Quốc sản xuất trị giá một tỷ USD.
Tuy nhiên, Thái Lan cũng dành sự quan tâm tới Nga. Trong 18 tháng qua, lãnh đạo chính quyền quân sự Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha, đã ba lần gặp Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev, người đã thăm Thái Lan vào tháng 4 năm ngoái, Đại sứ Nga tại Thái Lan, Kirill Barsky, cho biết. Ông Prayuth sẽ tới Nga vào tháng 5 để dự cuộc họp giữa Nga và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mục tiêu lớn của các cuộc đàm phán là về quốc phòng.
Video đang HOT
Xoay chuyển quan hệ
Thái Lan và Mỹ có mối quan hệ đồng minh lâu năm, và Lầu Năm Góc đánh giá cao khả năng tiếp cận chiến lược các sân bay và cảng biển của quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, đã năm thứ hai liên tiếp, Mỹ giảm quy mô tham gia cuộc tập trận quân sự khu vực thường niên, có tên “Hổ mang Vàng”, mà Thái Lan là nước chủ trì vào đầu tháng này.
Truyền thông Thái Lan đưa tin Bangkok muốn mua hàng chục xe tăng T-90 của Nga để thay thế lực lượng xe tăng đã “già nua” do Mỹ sản xuất.
Trong một cuộc phỏng vấn, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan khẳng định chưa có quyết định nào được đưa ra liên quan đến việc mua xe tăng. Nhưng những hạn chế của Mỹ trong việc bán vũ khí cho các nước do chính quyền quân sự điều hành có nghĩa là Thái Lan phải tìm mua khoảng 50 xe tăng từ một nước nào đó khác chứ không phải là Mỹ, ông Prawit nói.
“Người Mỹ sẽ không bán vũ khí cho chúng tôi, và gần đây chúng tôi cũng bị hạn hẹp về ngân sách nên không thể mua được”, phó thủ tướng nói. Một thỏa thuận năm 2011 mua 49 xe tăng từ Ukraine đã đổ vỡ sau khi chỉ có 10 chiếc được bàn giao, ông cho biết.
Thái Lan chuẩn bị ký thỏa thuận chống khủng bố với Nga và đang xem xét mua các thiết bị như trực thăng để phục vụ ứng phó thảm họa.
“Không phải là chúng tôi đã quyết định sẽ thân thiết với Nga, Trung Quốc và lạnh nhạt với Mỹ. Chúng tôi đều đối tốt với tất cả các nước này”, ông Prawit nói.
Nga đã thể hiện rõ ràng rằng cách tiếp cận của họ với Thái Lan là một phần trong nỗ lực lớn nhằm gia tăng ảnh hưởng tại châu Á. Nhưng điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc Trung Quốc hay Mỹ phải chịu tổn thất, đại sứ Barsky nói.
“Nga không cần phải chứng minh với bất kỳ ai rằng Nga là một cường quốc châu Á, cường quốc tại châu Á – Thái Bình Dương hay tại châu Âu – Thái Bình Dương. Đó chính là định mệnh của chúng tôi, với tư cách một quốc gia trải dài từ bờ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương”, đại sứ tuyên bố.
Chuyến thăm sắp tới sẽ bao gồm bàn thảo về 25 dự thảo thỏa thuận khác nhau, về các vấn đề thương mại, văn hóa, công nghệ và an ninh. Ông Prawit sẽ gặp Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và Bộ trưởng Thương mại Denis Manturov để bàn về hợp tác quân sự và công nghệ.
“Nếu Thái Lan chọn xe tăng Nga, chúng tôi tất nhiên sẽ vô cùng hoan nghênh”, đại sứ Barsky nhấn mạnh.
Matthew Sussex, một chuyên gia về Nga tại Đại học Quốc gia Australia cho rằng, nếu có một thỏa thuận về xe tăng như vậy, “chắc chắn nó sẽ khiến Washington đang ngồi phải bật dậy và chú ý”.
Nga đang thăm dò khu vực Đông Nam Á để tìm một “bước đệm” chiến lược, Sussex nhận xét. Bởi vậy cho dù tất cả mới chỉ dừng lại ở những bàn thảo, mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Thái Lan và Nga vẫn khiến Mỹ phải lo lắng.
“Việc chính phủ Thái Lan đang bắt đầu nói ‘anh biết đấy, chúng tôi chọn người Nga thì sao nhỉ?’ đang gửi đi tín hiệu khá lo ngại đến Washington”, ông bình luận.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Thủ tướng Nga tuyên bố sẽ đến thăm quần đảo Kuril: Động thái bất ngờ
Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev đã làm cho Nhật Bản tức giận và dư luận ngỡ ngàng với tuyên bố sẽ đến thăm quần đảo Kuril trong thời gian tới và tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng trên quần đảo.
Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev trong một chuyến thăm trước đây đến Nam Kuril/Lãnh thổ phương bắc - Ảnh: Reuters
Nhật Bản tức giận vì đang có tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo trong quần đảo này. Còn dư luận ngỡ ngàng vì Nga và Nhật Bản đang chuẩn bị cho khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Nhật Bản trong năm nay. Một khi mối bất hòa này bị khuấy động lên thì bầu không khí chính trị không còn được thuận lợi đối với cuộc gặp cấp cao giữa hai nước.
Trong bối cảnh bị phương Tây tìm cách cô lập về chính trị và trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính, Nga thực sự có nhu cầu lớn và cấp thiết cải thiện quan hệ với Nhật Bản, cho dù không phải đến mức bằng mọi giá. Ông Medvedev lại chơi con bài "quần đảo Kuril" trong bối cảnh tình hình như thế vì 3 lý do.
Thứ nhất, Nhật Bản vừa làm Nga bực bội không kém khi điểm danh Nga là một trong ba mối đe dọa an ninh chính cho hiện tại và tương lai, thể hiện rõ ràng và cụ thể trong Sách trắng quốc phòng mới công bố.
Thứ hai, Nhật Bản đang rất trắc trở trong quan hệ với Trung Quốc mà Nga lại nỗ lực đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc tăng cường tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản thì không thể có chuyện Nga nhượng bộ đối với đòi hỏi của Nhật Bản về lãnh thổ.
Thứ ba, có thể là phía Nga không thật sự tin vào tính khả thi của việc ông Putin thăm Nhật Bản trong năm nay nên phải tạo áp lực và đề cao vị thế.
La Phù
Theo Thanhnien
Thủ tướng Nga lên án các nước muốn đưa bộ binh vào Syria Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Euronews ngày 14.2, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phản đối mạnh mẽ ý định của một số nước muốn đưa bộ binh vào Syria, cho rằng điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến đẫm máu. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phản đối ý định của một số nước muốn đưa bộ binh tham chiến ở...