Nhật thúc đẩy khả năng xuất quân bảo vệ đồng minh
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe quyết tâm sớm rũ bỏ các hạn chế trong Hiến pháp để Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) có thể bảo vệ các đồng minh nước ngoài nếu chiến tranh xảy ra.
Theo báo Asahi, mới đây ông Abe tuyên bố muốn Chính phủ phê chuẩn “cách hiểu mới” về Hiến pháp hòa bình Nhật trước khi Quốc hội kết thúc kỳ họp hiện tại vào ngày 22-6. Sự thay đổi này sẽ cho phép Nhật thực thi quyền “phòng vệ tập thể”. Điều đó có nghĩa là SDF được phép tham chiến nếu các đồng minh của Nhật, chẳng hạn như Mỹ, bị tấn công.
Binh sĩ Nhật trong lần thực tập bắn tên lửa – Ảnh: Reuters
Đề xuất của Thủ tướng Abe hiện vấp phải phản ứng của Đảng Komeito Mới trong liên minh cầm quyền. Tuy nhiên báo Wall Street Journal dẫn lời một số nhà quan sát nhận định với tỉ lệ ủng hộ cao của dư luận dành cho ông Abe và vị thế mạnh mẽ của Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền trong Quốc hội, Chính phủ Nhật có thể sẽ phê chuẩn kế hoạch này trong tuần tới.
Sáu điều kiện cần thiết
Điều 9 trong Hiến pháp Nhật không công nhận chiến tranh là phương tiện để giải quyết các xung đột quốc tế có liên quan đến nước này. Đã từ lâu, điều 9 được hiểu là quy định cấm Nhật sử dụng lực lượng vũ trang để hỗ trợ một quốc gia đồng minh bị tấn công. Tuy nhiên hồi tháng 5, một ủy ban tư vấn của Chính phủ công bố báo cáo nghiên cứu khẳng định cách hiểu này không giúp duy trì hòa bình và ổn định tại Nhật, trong khu vực và trên thế giới, “do các tình huống chiến lược liên tục thay đổi”.
Ủy ban tư vấn cho rằng Tokyo cần hỗ trợ nước đồng minh bị tấn công “nếu cuộc tấn công đó dẫn tới một cuộc tấn công trực tiếp vào Nhật, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật, tới trật tự quốc tế, hủy hoại cuộc sống và quyền lợi của người dân Nhật”. Thủ tướng Abe cũng đánh giá quyền phòng vệ tập thể là cần thiết để đảm bảo sự an ninh, thịnh vượng của Nhật và hòa bình khu vực.
Theo đề xuất của Thủ tướng Abe, việc Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể phụ thuộc vào sáu điều kiện. Thứ nhất, một quốc gia đồng minh thân cận của Nhật bị tấn công. Thứ hai, Nhật sẽ đối mặt với nguy cơ an ninh nghiêm trọng nếu không sử dụng vũ lực. Thứ ba, một quốc gia thứ ba bị tấn công đề nghị sự hỗ trợ quân sự của Nhật. Thứ tư, thủ tướng quyết định dùng vũ lực. Thứ năm, Quốc hội phê chuẩn quyết định của thủ tướng. Thứ sáu, một quốc gia thứ ba cho phép Nhật đưa quân vào lãnh thổ nước này để giải quyết xung đột.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Abe muốn sớm thúc đẩy quyền phòng vệ tập thể vì đang có dư vốn chính trị sau khi giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng nhờ các chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Trước đó ông cũng từng tuyên bố muốn cải tổ các quy định hướng dẫn hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Nhật vào cuối năm nay. Việc sớm đảm bảo quyền phòng vệ tập thể sẽ cho phép Tokyo có thêm thời gian để đàm phán với Washington.
Video đang HOT
Nguy cơ từ Trung Quốc
Trước Quốc hội Nhật, ông Abe khẳng định tình hình an ninh đang ngày càng trở nên bất ổn và nghiêm trọng tại châu Á – Thái Bình Dương, buộc Tokyo phải thực thi quyền phòng vệ tập thể. Hai mối đe dọa lớn nhất chính là tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông cùng chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Xã luận của báo The Economist bình luận sau Thế chiến II, Nhật đã trở thành “công dân gương mẫu” của thế giới, có nhiều đóng góp to lớn cho hòa bình và thịnh vượng châu Á. Hiến pháp hòa bình của Nhật có công lớn đối với thành tựu đó. Tuy nhiên, cách hiểu cũ đối với điều 9 Hiến pháp Nhật đã trở nên lỗi thời khi bất ổn và căng thẳng đang leo thang tại khu vực, đặc biệt là việc Trung Quốc tăng cường vũ trang dữ dội và liên tục gây hấn trên biển Đông.
Bằng chứng mới nhất là việc Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và đưa giàn khoan 981 cùng tàu chiến tới vùng thềm lục địa và EEZ của Việt Nam. Trong thời gian qua, chính quyền Trung Quốc chỉ trích kế hoạch phòng vệ tập thể của ông Abe là “đưa Nhật trở lại với chế độ quân phiệt”. Nhưng The Economist nhấn mạnh chính truyền thông Trung Quốc đang hô hào dùng vũ lực đối phó với Mỹ và các nước láng giềng. Chính phủ Bắc Kinh còn điều tàu chiến tới biển Đông và tàu tuần tra đến biển Hoa Đông.
Hành động của Trung Quốc cũng đang trực tiếp đe dọa Nhật. Trong nhiều tháng qua, Bắc Kinh liên tiếp điều tàu tuần tra tới vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát. Theo báo Japan Times, hôm qua Bộ Ngoại giao Nhật đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Tokyo để phản đối vụ Bắc Kinh điều hai máy bay chiến đấu Su-27 áp sát máy bay tuần tra Nhật trên bầu trời biển Hoa Đông hôm 11-6. Vụ việc tương tự cũng xảy ra ngày 25-5.
Úc ủng hộ quyền phòng vệ tập thể của Nhật
Theo AFP, trong chuyến thăm Tokyo hôm qua, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop lên tiếng ủng hộ Nhật thực hiện quyền phòng vệ tập thể. “Úc nhận thấy những lợi ích to lớn đối với khu vực nếu Nhật đóng vai trò lớn hơn để đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Chúng tôi sẽ ủng hộ Nhật” – bà Bishop khẳng định. Ngoại trưởng Úc cũng nhấn mạnh Nhật cần đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các xung đột tại khu vực. Trước đó Chính phủ Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch của ông Abe.
Theo Tuổi Trẻ
Mỹ chỉ trích Trung Quốc vụ chiến đấu cơ áp sát máy bay Nhật
Một phát ngôn viên chính phủ Mỹ ngày 11/6 đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về một vụ việc trong đó hai chiến đấu cơ nước này bay gần bất thường máy bay Nhật Bản trong vùng không phận quốc tế trên Hoa Đông cùng ngày.
Máy bay trinh sát Nhật bay gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
"Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cản trở tự do bay trong vùng không quốc tế đều gây ra các căng thẳng trong khu vực và làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm, sự đối đầu và các vụ việc không lường trước được", phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói trong cuộc họp báo hôm qua.
Bà Psaki đã hối thúc Trung Quốc và Nhật Bản thiết lập hệ thống liên lạc khẩn cấp để tránh "các tính toán sai lầm hoặc các vụ việc khác trên biển cũng như trên không".
Bình luận trên của phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ diễn ra sau khi Tokyo phản đối mạnh mẽ việc các chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận ở khoảng cách rất gần các máy bay Nhật.
Bộ quốc phòng Nhật cho biết, các chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc đã áp sát các máy bay trinh sát của lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở khoảng cách chỉ 30 m trong khoảng thời gian từ 11-12h sáng ngày 11/6 giờ địa phương.
"Các Su-27 của Trung Quốc bay liều lĩnh tới nỗi phi công của lực lượng phòng vệ Nhật cảm nhận được mối nguy hiểm", Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera nói với người đồng cấp Úc David Johnston đang có chuyến thăm Tokyo.
"Hành động nguy hiểm"
Giới chức tại đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh cho biết Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Hidehisa Horinouchi đã có cuộc điện đàm vào tối ngày 11/6 với ông Khổng Huyễn Hựu, vụ trưởng vụ châu Á của Bộ ngoại giao Trung Quốc, để phản đối về vụ việc.
Ông Horinouchi lưu ý rằng các máy bay quân sự Trung Quốc cũng bay gần bất thường các máy bay Nhật hồi tháng trước.
Đại sứ Nhật cho hay rất đáng tiếc khi một vụ việc tương tự lại xảy ra một lần nữa bất chấp sự phản đối mạnh mẽ và yêu cầu của Tokyo rằng Bắc Kinh phải thực hiện các bước đi để tránh những vụ việc tương tự.
Theo ông Horinouchi, hành động nguy hiểm của Trung Quốc có thể dẫn tới một vụ việc bất ngờ. Quan chức này hối thúc giới chức Trung Quốc nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề.
Nhà ngoại giao Nhật cũng kêu gọi Trung Quốc thiết lập cơ chế thông tin khẩn cấp giữa giới chức quốc phòng hai nước.
Hồi tháng 11/2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, vốn chồng chéo một vùng tương tự của Nhật. Vụ việc đã làm gia tăng những lo ngại rằng một sự cố nhỏ có thể nhanh chóng leo thang thành xung đột lớn.
Bộ quốc phòng Nhật hồi tháng 4 cho biết, Nhật đã 415 lần điều máy bay chiến đấu để chặn các máy bay Trung Quốc trong năm qua tính tới hết tháng 3/2014, tăng 36% so với năm trước đó. Đó cũng là số lần xuất kích cao nhất kể từ khi Bộ quốc phòng Nhật bắt đầu công bố các số liệu cụ thể từ năm 2001.
Trong khi đó, tại các vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh ở Hoa Đông, các tàu tuần tra của cả hai nước thường chơi trò "mèo đuổi chuột", làm gia tăng những lo ngại về một vụ xô xát bất ngờ.
Các lực lượng trên biển, trên không và trên bộ Nhật Bản hồi tháng trước đã tiến hành một cuộc tập trận giả định giành lại đảo bị chiếm đóng, cho thấy những lo ngại của Tokyo đối với an ninh của các hòn đảo.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng đã leo thang ở Biển Đông và Hoa Đông trong những tuần gần đây, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép một giàn khoan dầu trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
Bộ ngoại giao Philippines hồi tháng 5 đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành công tác cải tạo đất tại một bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông và dường như đang xây dựng một đường băng ở đó.
Theo Dantri
Vũ điệu nguy hiểm TrungNhật trên biển Hoa Đông Kỳ 1: Ăn miếng, trả miếng Trung Quốc và Nhật Bản cần phải có một động cơ để hành động và làm giảm căng thẳng trước khi sự việc trở nên tồi tệ. Tại Đối thoại Shangri La vừa rồi, thủ tướng Nhật Bản ông Shinzo Abe và Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã có cuộc...